Hello anh em,
Gần đây mình nhận được một số phản hồi liên quan đến biểu đồ runtime trong các bài review đèn pin mà mình thực hiện. Một số anh em cho rằng kết quả đo của mình không khớp với thông số hãng công bố (cụ thể là Fenix TK35R), nên nghi ngờ độ chính xác của phương pháp đo.
Phần lớn ý kiến này dựa trên trải nghiệm cá nhân và cảm nhận thực tế, thay vì đo đạc bằng thiết bị. Điều này khiến mình suy nghĩ khá nhiều, và dần dần, cuộc tranh luận xoay quanh một logic khá nhạy cảm:
-
Nếu kết quả mình đo là đúng → Hãng công bố sai.
-
Nếu hãng đúng → Mình sai.
Thậm trí có người còn nói nếu mình tin thông số của hãng đưa ra thì tại sao không đưa luôn cái biểu đồ của hãng vài bài Review? Nghe xong chán luôn, lại dậy bật máy lóc cóc gõ bài lúc 2h sáng…
Mình không muốn tranh cãi theo hướng đúng/sai tuyệt đối, mà muốn nhân dịp này chia sẻ kỹ hơn về cách mình làm review kỹ thuật, và đặt lại câu hỏi mà mình thấy đáng để anh em cùng suy nghĩ:
“Đo thực tế và trải nghiệm cá nhân – cái nào đáng tin hơn trong đánh giá đèn pin?”
Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau, còn phần dưới đây là góc nhìn cá nhân của mình — với tư cách một reviewer độc lập, luôn cố gắng giữ trung lập và minh bạch nhất có thể.
1. Mình có tin thông số runtime của hãng không (cụ thể là Fenix)?
– Trả lời: có, nhưng chỉ để tham khảo và sẽ luôn là như vậy.
- “Nếu đã tin tuyệt đối vào biểu đồ runtime của hãng, thì cần gì phải có reviewer nữa?”
Mình nói câu này không phải để vặn vẹo ai, mà để nhắc lại một sự thật đơn giản: review tồn tại là để kiểm chứng, không phải để sao chép. - Nếu chỉ bê thẳng biểu đồ Runtime của hãng vào rồi phân tích thì 1 tuần mình review được 10 con đèn bởi nó rất nhàn, thay vì 1 tuần/cây như bây giờ. Nhưng liệu lúc đó anh em có thèm tin và xem Review của mình không?
Trong cuốn Thinking, Fast and Slow, Daniel Kahneman gọi đây là một dạng authority bias – khi con người có xu hướng mặc định tin vào những gì được gắn mác “chính thống”, “có thẩm quyền”, mà không cần kiểm tra lại.
- Thông số hãng không sai – nhưng chúng thường được đo trong điều kiện tối ưu, bằng thiết bị của họ, với mẫu đèn họ chọn. Mình tin vào thông số của hãng nhưng chỉ ở mức độ tham khảo.
- Còn mình, là reviewer độc lập, đo lại mọi thứ trong điều kiện sử dụng thực tế: nhiệt độ phòng, pin chuẩn theo đèn, log bằng máy đo lux và phần mềm chuyên dụng. Mình không bán sự tuyệt đối – mình đưa ra một góc nhìn thực tế.
Bạn có thể tin hãng. Bạn cũng có thể tin cảm nhận cá nhân. Nhưng nếu không phân biệt được đâu là dữ liệu, đâu là cảm xúc, thì rất dễ đánh giá sai một sản phẩm – hoặc tệ hơn, đánh giá sai cả người làm review.
Cụ thể đối với hãng Fenix, đây luôn luôn là ghi chú được hãng đặt ở dưới mỗi bảng thông số runtime của đèn, dịch chuẩn là:
“Lưu ý: Theo tiêu chuẩn ANSI/PLATO FL1, các thông số kỹ thuật nêu trên được lấy từ kết quả thử nghiệm trong phòng thí nghiệm của Fenix, sử dụng một pin Fenix ARB-L21-6000B ở nhiệt độ 21±3°C và độ ẩm từ 50% – 80%. Hiệu suất thực tế của sản phẩm có thể thay đổi tùy theo môi trường làm việc và loại pin được sử dụng.
*Độ sáng “Burst” được tính trong tổng thời gian hoạt động, bao gồm cả thời gian thiết bị tự giảm sáng do nhiệt độ hoặc cơ chế bảo vệ trong thiết kế.”
Hãy để ý vào những đoạn mình bôi đậm, bạn sẽ rút ra được 2 điều:
- Thứ nhất: Fenix đo runtime trong phòng thí nghiệm của riêng họ, không phải của 1 tổ chức nào được quốc tế công nhận rộng rãi. Mình không biết cái phòng đấy như nào, rất khó mô phỏng lại được và cả các Reviewers khác cũng vậy.
- Thứ hai: Kết quả đo của hãng cũng có dung sai (nhiệt độ 21±3°C), (độ ẩm từ 50% – 80%)
Suy cho cùng thì đèn pin vẫn chỉ là công cụ chiếu sáng, không bị kiểm soát quá khắt khe. Dù các thông số sử dụng tiêu chuẩn “ANSI/PLATO FL1″ được chấp nhận rộng rãi thì cũng không có tổ chức uy tín nào cử người đến từng hãng đèn để dám sát chất lượng sản phẩm hay cao siêu hơn là set up một phòng lab chuẩn chỉ và bắt các hãng phải làm y hệt như vậy hoặc chặt chẽ hơn nữa là phải gửi đèn đến cho họ đo.
Mà bây giờ đồ gì chả thế, từ xe cộ máy bay,… thì thông số hãng đưa ra chỉ là để tham khảo thôi!
=> Kết luận được mấy điều:
- Thông số của Fenix rất đáng tin, nhưng không phải tuyệt đối, nhưng về cơ bản là có thể mua đèn Fenix về rồi kê cao gối ngủ ngon.
- Mình thấy xã hội và thị trường vận hành dựa trên niềm tin, anh em đọc bài và mua đèn của mình là vì tin mình, vậy nên mình phải nói có sách mách có chứng, dù không hoàn hảo nhưng không “mõm”.
2. Mình có thiên vị (bias) không?
– Chắc chắn là CÓ!
- Mình không phủ nhận rằng review luôn có cảm xúc – mình cũng có bias như bao người. Mình thích cây đèn nào thiết kế đẹp, runtime tốt, driver thông minh – thì mình nói tốt về nó. Mà nói thật viết mà không có cảm xúc thì ma nó đọc!
- Nhưng khác biệt là: mình dựa trên số liệu để tạo ra lập luận, chứ không dựa vào cảm giác cá nhân rồi áp đặt người khác phải tin theo. Nó chẳng khác nào kiểu sáng ra thấy khó ở thì viết tầm bậy tầm bạ về 1 cây đèn ngon, rồi chiều thấy vui lại tâng bốc một cây đèn dở ẹc!
- Mình còn đang bị một vấn đề là đèn nào test thông số dở quá thì mình không thèm viết luôn cho đỡ tốn thời gian, nhưng sắp tới sẽ có một bài nhé!
=> Review có cảm xúc là chuyện bình thường. Review mất dạy là khi cảm xúc che lấp cả sự thật, thậm trí là thao túng cả kết quả đo đạc chỉ để bán được hàng!
3. Mình đo runtime của đèn kiểu gì?
Có thể các bạn không tin, nhưng nhiều người vẫn nghĩ mình bật đèn lên chiếu vào tường, quay timelapse rồi tự vẽ được ra cái biểu đồ runtime như này.
Thì đây để mình cho các bạn xem một góc mình chuyên để đo runtime đèn, nó cũng không có gì quá ghê gớm đâu nhưng ít nhất là đáng tin hơn cảm xúc của con người:
Đây là cái máy đo Lux mã 1336A của hãng TES, được sản xuất tại Taiwan. Lý do dùng cái máy là đơn giản là nhiều năm trước Sếp mình có sang thăm phòng lab của Olight và thấy họ dùng đúng model này nên mua theo luôn.
- Máy này được kết nối với máy tính và có phần mềm chuyên dụng để ghi và xuất file kết quả ra. Mình sẽ dựa vào file đó, chép vào excel và xuất ra biểu đồ.
- Đây là máy đo LUX, không phải đo Lumens.
- Lux (ký hiệu: lx) là đơn vị đo độ rọi, hay còn gọi là cường độ ánh sáng, trong hệ đo lường quốc tế (SI). Nó thể hiện mật độ ánh sáng trên một bề mặt, cụ thể là lượng ánh sáng (tính bằng lumen) chiếu trên một mét vuông diện tích. Nói cách khác, lux cho biết mức độ sáng mà mắt người cảm nhận được tại một vị trí cụ thể
Đây là một cái hộp tản sáng, mình tự chế thôi chứ không có gì ghê gớm đâu, bên trong nhựa trắng, bên ngoài phủ sơn đen cho ánh sáng không lọt ra ngoài. Nhiệm vụ của nó là tản đều ánh sáng ra rồi đưa một lượng nhỏ vào sensor của máy đo.
Tại sao phải dùng hộp tản sáng này?
- Đèn pin LED phát ánh sáng rất định hướng (kiểu beam shot có hot spot, corona, spill…).
Nếu đặt trực tiếp cảm biến vào chùm sáng thì:-
Góc đặt sẽ ảnh hưởng mạnh tới kết quả.
-
Tâm sáng có thể làm cảm biến nhận quá nhiều, gây quá tải
-
→ Dùng quả cầu tích hợp hoặc ống tản sáng sẽ khuếch tán ánh sáng, làm cho toàn bộ chùm sáng trở thành một nguồn sáng đồng đều. Nhờ đó, máy đo (lux sensor) sẽ nhận tín hiệu ổn định và không bị lệch bởi vị trí.
- Tối ưu cho cảm biến đo Lux đặt ở một điểm cố định
- Trong sphere hoặc ống, cảm biến chỉ cần nằm ở một vị trí duy nhất.
- Không cần canh chỉnh liên tục để đèn rọi đúng vào sensor.
- Loại bỏ được sai số người dùng
Như các hãng đèn là họ dùng quả cầu này với kích thước và lớp phủ chuẩn, còn Reviewer độc lập như mình chỉ chơi được tới mức này thôi. Các Reviewer khác bên nước ngoài cũng chế mấy cái tản sáng bằng ống PVC hoặc cũng chế được dạng cầu.
Thậm trí bây giờ còn có nguyên một kit chuyên dụng để test độ sáng (lumen) và runtime của đèn pin như thế này, trông quá xịn. Anh em đợi mình xin Sếp đầu tư bộ này :)))
4. Kết quả đo của mình có chuẩn không?
Mình xin trả lời thẳng là: không tuyệt đối. Nhưng đủ tin cậy để dùng trong review kỹ thuật. Và chắc chắn là đáng tin hơn việc nhìn bằng mắt để so sánh độ sáng giữa 2 cây đèn có beam khác hẳn nhau!
Vì sao?
- Thứ nhất, mình không có phòng lab tiêu chuẩn quốc tế. Mình không có quả cầu tích hợp giá vài trăm đô hay hệ thống kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm như trong phòng test của hãng. Nhưng mình có một setup đủ ổn định, kiểm soát được sai số, và minh bạch về cách đo.
Mình đo bằng máy đo lux TES-1336A, gắn vào phần mềm ghi log, đặt trong hộp tản sáng tự chế. Điều mình đo được là lux theo thời gian.
- Mình không đo lumen tuyệt đối — thay vào đó, mình dùng một điểm tham chiếu từ chính setup này. Ví dụ: khi bật đèn ở mức được hãng công bố là 1500 lumens, hộp đo được khoảng 50 lux. Vậy mình sẽ mặc định rằng 50 lux trong setup này = 1500 lumens (nhấn mạnh là chỉ áp dụng cho duy nhất 1 cây đèn tại thời điểm đo), và từ đó suy ra các mức lumen tương đối khác dựa trên giá trị lux theo thời gian.
Đây là phương pháp tương đối, nhưng hợp lý để dựng biểu đồ runtime. Vì cái mình cần là sự thay đổi độ sáng theo thời gian, chứ không phải số lumen chính xác từng đơn vị. Mình biết giới hạn của thiết bị nên không đưa thêm bước kiểm chứng Lumens thực tế vào bài viết.
Vậy sai số nằm ở đâu?
-
Điểm gốc (ví dụ 1500 lm = 50 lux) là giả định — nên nếu lúc bật turbo mà đèn đã stepdown nhẹ, thì gốc có thể lệch chút.
-
Hộp tản sáng không lý tưởng, phản xạ ánh sáng có thể không hoàn toàn đều ở các mức sáng khác nhau.
-
Cảm biến lux cũng không hoàn hảo, nhất là ở mức sáng rất yếu hoặc quá mạnh.
→ Tổng sai số mình ước tính vào khoảng ±10%, nhưng quan trọng là nó nhất quán giữa các bài test, và phản ánh đúng quá trình giảm sáng – điều mà mắt thường gần như không thể cảm nhận chính xác được.
Mình không nói kết quả mình đo ra là chân lý. Nhưng nó được tạo ra bằng thiết bị thật, quy trình rõ ràng, và không bị chi phối bởi cảm xúc (thực ra là có bởi kết quả tệ quá mình còn không thèm viết bài luôn vì tụt mood).
Bây giờ bạn bật 1 cây đèn vào tường rồi nhìn nó 10 phút và bảo nó hạ từ XX Lumens -> YY Lumens xong quay ra chê máy đo không chuẩn thì bạn là thánh rồi! Có con số thì hãy nói chuyện.
Quay lại cây Fenix TK35R, khởi nguồn của bài viết này.
Nhìn vào biểu đồ runtime, cụ thể ở mức High (2000 Lumens), đèn duy trì được khoảng 5 phút, sau đó tụt xuống còn ~13%. Theo phương pháp mình đã giải thích ở trên, mức sáng này tương đương khoảng 750 lumens.
Với kết quả này, nhiều anh em có thể sẽ chê TK35R vì:
-
Là đèn 2 pin18650.
-
Dùng LED SFT25R đời mới.
-
Vỏ nhôm dày, tản nhiệt tốt.
→ Vậy mà vẫn không giữ nổi trên 1000 lumens ổn định, thậm chí thua cả nhiều cây 1 pin 21700.
Mình hiểu, và thật ra mình đồng ý với một phần nhận xét đó.
Tuy nhiên, như một người bạn cũng đã phân tích — và mình thấy hoàn toàn hợp lý:
Nếu đặt TK35R cạnh các mẫu như Fenix TK35 UE (bản cũ) hay Acebeam X20R, thì đúng là nó kém hơn về khả năng duy trì độ sáng cao, nhưng lại:
-
Runtime dài hơn gấp đôi.
-
Chiếu xa tương đương hoặc tốt hơn, dù dùng độ sáng thấp hơn.
Mấu chốt nằm ở đâu?
Ở thiết kế beam:

- Ở mức 800 lumens, TK35R chiếu được 230 mét.
- Trong khi đó, Acebeam X20R ở 2100 lumens cũng chỉ đạt 180 mét.
Nói cách khác: TK35R tạo ra chùm sáng gom và hiệu quả hơn, nên cần ít lumen hơn để đạt cùng (hoặc xa hơn) khoảng chiếu.
Fenix rõ ràng thiết kế TK35R để đạt hiệu quả tối đa trong chiếu xa, chứ không chạy đua theo chỉ số lumen choáng ngợp.
- Và khi đánh giá một cây đèn pin, đừng chỉ nhìn vào con số lumens.
Giá trị thật sự nằm ở hiệu năng sử dụng – beam đi xa, runtime đủ lâu, ít nóng và tiết kiệm pin. - Đấy là chưa kể tới việc thông số mình đo ra sẽ có sai số, thực tế thì có thể mức 2000 Lumens sẽ hạ xuống một độ sáng cao hơn mức mình đo (khoảng 1000 Lumens) hoặc thấp hơn. Hiện tại hạn chế về kĩ thuật không cho phép mình kiểm chứng điều đó, nhưng về cơ bản 800 hay 1000 Lumens cũng không lệch quá nhiều. Hiện mình cũng đang hóng các Reviewers nước ngoài viết về cây này để xem họ đo ra bao nhiêu.
- Okay, bây giờ cứ cho rằng kết quả của mình về TK35R có sai số nhiều hơn các cây khác, và thực tế 2000 Lumens nó hạ xuống ~ 1000 Lumens thay vì 800 Lumens. Nhưng hãy nhìn vào thông số hãng đưa ra và bạn sẽ nhận thấy một vấn đề:
- Thoạt nhìn biểu đồ runtime, có vẻ như TK35R có cách chia mức sáng khá thừa thãi – cụ thể là mức MED (800 lumens) gần như trùng với mức sáng thực tế sau khi HIGH (2000 lumens) stepdown (hạ sáng). Nếu HIGH đã hạ về ~1000 lumens, thì MID 800 lumens có còn cần thiết?
- Cái này thì chỉ có thể giải thích là do tư duy thiết kế của hãng như vậy. Đèn pin Fenix sử dụng linh kiện cao cấp nhất thị trường, họ thừa sức cho cây TK35R kéo ổn định > 1000 Lumens tới hết pin luôn. Nhưng một lần nữa, Fenix đề cao hiệu năng tổng thể hơn và duy trì Lumens cao ngất ngưởng, điều đó là không cần thiết với cây đèn được thiết kế chiếu xa tốt như TK35R.
Theo mình hiểu thì Fenix cũng không muốn nhét 2000 Lumens vào làm gì đâu bởi suy cho cùng đây là độ sáng không hiệu quả với đèn chạy 2 pin 18650, nếu dùng 2 viên 21700 như LR36R thì lại là câu chuyện khác. Họ vẫn phải cho 2000 Lumens vào để dùng trong thời gian ngắn khi cần, còn bản chất TK35R vẫn là ổn định nhất ở ~ 800 – 1000 Lumens.
Còn so sánh Fenix TK35R với Acebeam X20R thì mình thấy không hợp lý bởi 2 hãng này khác hẳn nhau về tư duy và triết lý thiết kế sản phẩm.
- Fenix luôn tập trung vào chất lượng tổng thể và chất lượng hoàn thiện của đèn pin Fenix thuộc top 1 trên thị trường. Cây đèn sáng nhất hiện tại của Fenix là LR60R chỉ đạt 21.000 Lumens. Bạn có thể so đèn pin Fenix như một chiếc Honda Camry ấy, phải trải nghiệm nhiều với hiểu được giá trị!
- Acebeam cũng là hãng đèn tốt nhưng họ muốn đánh mạnh vào độ sáng cao còn trước mình cũng bán Acebeam rồi, chất lượng hoàn thiện ở mức khá thôi, vậy nên ai muốn chơi đèn kiểu chạy thông số thì nên chọn Acebeam. Anh em chơi Acebeam giống như chạy phân khối lớn, quay sang nhìn Camry thì chê là đúng rồi!
Như Acebeam X20R họ dùng 8 chip SFT25R nên tổng độ sáng rất khủng, nhưng tầm chiếu xa chỉ ngang TK35R thôi, khả năng nhìn bao quát thì mình thấy TK35R cũng không hề tệ.
- Biểu đồ runtime của X20R rất ấn tượng với khả năng kéo 1800 Lumens trong hơn 1 tiếng trước khi hạ xuống 150 Lumens. Mình chưa dùng cây này nhưng anh em đang dùng thì xác nhận hộ mình xem sau 15 phút ở mức đấy có cầm nổi bằng tay trần không? Hoặc cầm có thoải mái trong suốt gần 2 tiếng không?
5. Tổng kết
Khách quan mà nói, mình rất cảm ơn những anh em đã góp ý và tranh luận, vì chính điều đó giúp mình hiểu ra một câu hỏi bấy lâu chưa có lời giải:
- Thật sự luôn — từ thiết kế, giao diện cho tới hiệu năng, con đèn này quá tối ưu. Vậy mà vẫn không được nhiều người chọn mua?
- Thậm chí có anh em còn comment dưới video rằng nó thua xa Acebeam X20R, mà mình thì không hiểu nó thua ở điểm nào.
Giờ mới vỡ lẽ — anh em đánh giá hiệu năng dựa trên chỉ số lumen nhìn thấy, mà không nhìn vào cách beam sáng hoạt động thực tế.
→ Hiểu nhầm nằm ở chỗ đó.
Cá nhân mình, vì đã dùng và đánh giá rất nhiều đèn, nên đôi khi mặc định rằng mọi người sẽ hiểu cách Fenix tối ưu hiệu suất ánh sáng bằng cách hạ độ sáng xuống mức hợp lý (~800–1000 lumens). Đấy còn chưa kể giờ các hãng chạy đua Lumens kinh khủng quá nên nhiều người coi thường cái mức ~ 1000 Lumens, chứ thực tế nó là một độ sáng rất chuẩn mực đó!
Đây cũng là cái hạn chế của việc viết Review mà dựa quá nhiều vào yếu tố kĩ thuật. Mình cũng xin rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng bài viết sau này. Bên cạnh đó mình cũng sẽ cố gắng nâng cấp thiết bị đo đạc để cho anh em tin tưởng hơn. Cảm ơn mọi người đã đồng hành suốt một chặng đường dài!