Tổng quan về Elzetta Charlie: tưởng là bất hợp lý nhưng lại thực dụng!

0
1637

Thú thực là trước giờ mình không dành mấy sự quan tâm cho Elzetta Charlie bởi đây là dòng đèn có kích thước lớn nhất của hãng và cũng khá là lỡ cỡ.

Chẳng hạn Alpha thì nhỏ gọn với thân dùng 1 pin CR123A/16340, hoàn hảo cho EDC. Elzetta Bravo thì kích thước tầm trung dùng 2 pin CR123A hoặc 1 pin sạc 16650, bỏ túi ổn và cầm nắm cũng ok. Còn Charlie thì sao? kích thước chẳng giống ai với thân dùng 3 viên CR123A, để dùng được pin sạc thì nó hơi lằng nhằng một chút. Với lại kích thước này không hẳn to mà cũng chẳng phải gọn, và đó cũng là lí do mình không đả động đến dòng Charlie suốt một thời gian.

Nhưng rồi mình quyết định trải nghiệm Elzetta Charlie và sau khoảng nửa tháng thì đã có những kết luận rất khác với nhận định ban đầu. Elzetta Charlie thực dụng hơn là mình nghĩ và trong bài Review này sẽ giải thích chi tiết điều đó!

> Hiện tại EDCZone có sẵn 3 models phổ biến và bán chạy nhất của Elzetta Charlie đó là:

  • Charlie C133 (công tắc High – Low, Bezel phẳng, thấu kính TIR chiếu xa): 6.330.000đ
  • Charlie C333 (công tắc High – Low, Bezel nhọn, thấu kính TIR chiếu xa): 6.390.000đ
  • Charlie C334 (công tắc High – Strobe, Bezel nhọn, thấu kính TIR chiếu xa): 6.490.000đ

*Elzetta Charlie mà EDCZone đang bán cũng như trong bài viết này là phiên bản Gen – 3 mới nhất được nâng cấp độ sáng lên 1350 Lumens, chiếu xa 330 mét so với 900 Lumens và 220 mét của bản cũ

1. Video

2. Đánh giá chi tiết

Elzetta Charlie có thiết kế tương tự dòng Bravo chỉ khác mỗi thân dài hơn. Cho nên là mình không muốn nhắc lại về chi tiết này cũng như chất lượng hoàn thiện, các bạn có thể đọc lại ở bài viết:

>> Giới thiệu Elzetta Bravo series <<

Bài viết này mình chủ yếu sẽ đề cập đến những điểm đặc biệt của Elzetta Charlie và điều khiến dòng đèn này rất thực dụng.

Charlie có chiều dài tổng thể lên tới 17cm, dài hơn hẳn một khúc so với Bravo. Mình chưa từng thấy cây đèn pin nào của Trung Quốc có kích thước như này luôn bởi nó quá là lỡ cỡ. Ví dụ đèn dùng 1 pin 18650 thì xếp vào cỡ trung còn dài hơn thì là cỡ lớn. Riêng Bravo mình không biết xếp vào mục nào, nhưng sau vẫn quyết định cho vào cỡ trung.

Thật bất ngờ là Elzetta Charlie đem lại trải nghiệm cầm nắm và thao tác rất tuyệt vời nhờ cái kích thước lỡ cỡ này. Mình nhận thấy rằng những người tay to hay nhỏ đều có thể thao tác Charlie rất tốt và đặc biệt nó vẫn bỏ túi quần được luôn!

Trọng lượng tính cả pin là vào khoảng 211g, nặng hơn Bravo 35g. Mình bỏ túi thấy vẫn ổn!

Elzetta Bravo dùng 2 pin CR123A là thuộc phân khúc đèn pin cỡ trung, mình tay dạng nhỏ thì cầm thấy thoải mái nhưng ai tay to thì không tắc. Các bạn nhìn cũng thấy tay mình ôm trọn cả thân đèn rồi và suýt lẹm lên cả đầu đèn.

Trong khi Charlie thì cân bằng tuyệt vời!

Với chiều dài này thì Charlie có thể dùng như cái dùi cui mini để tự vệ được luôn!

Vì được sinh ra cho mục đích tác chiến và tự vệ nên đèn pin của Elzetta đều dùng công tắc đuôi hết. Công tắc được làm lồi lên giúp thao tác nhanh gọn và chính xác, nhưng nhược điểm là sẽ không dựng đứng được.

Một điều đặc biệt ở công tắc này đó là chúng gần như không phát ra tiếng động, rất êm!

Chất lượng hoàn thiện của Charlie rất tốt với thân được thiết kế cho độ bám tối ưu.

Thân đèn dày cui.

Ren vặn tam giác, được xử lý mạ Anodized và gioăng cao su chống nước đầy đủ.

Có lẽ điều khiến nhiều người chần chừ nhất khi cân nhắc mua Elzetta Charlie chính về pin. Charlie dùng 3 viên pin CR123A đem lại độ sáng cực đại 1350 Lumens và runtime khá tốt.

Nhưng vấn đề rằng đây là pin CR123A dùng một lần, tức là dùng xong vứt chứ không có sạc lại được. Giá mỗi viên tới khoảng 60.000đ và có điện thế 3 volts/viên. Khi mắc nối tiếp thì khối pin này đạt điện thế 9 volts, cũng là ngưỡng mà Charlie có thể chịu được.

Tóm lại là về lâu dài thì phải dùng pin sạc và với Charlie thì pin sạc 16650 là sự lựa chọn tối ưu nhất. Viên pin 16650 này có chiều dài và đường kính bằng đúng 2 viên CR123A xếp chồng lên nhau.

Như Elzetta Bravo thì pin 16650 quá hợp lí luôn vì lắp phát ăn ngay.

Nhưng với Charlie thì nhìn qua là rõ ngay vấn đề rồi đó: pin sạc 16650 lắp vào thì bị thiếu mất một khúc luôn!

Sử dụng 3 viên pin sạc 16340 là ý tưởng tồi bởi khi mắc nối tiếp chúng sẽ có điện thế tới ~ 12 Volts, có thể làm hỏng cây đèn.

Và đây là giải pháp!

Cái cục màu trắng này gọi là “dummy cell” hay “pin giả”. Nó có kích thước y hệt một viên pin CR123A nhưng chỉ có chức năng dẫn điện để giúp kín mạch khi dùng pin 16650.

Bên mình đã đặt gia công riêng loại pin dummy này để tặng kèm cho khách hàng mua Elzetta Charlie. Cấu tạo của viên dummy này đơn giản lắm: bên ngoài là vỏ nhựa cách điện, trong là lõi đồng để dẫn điện. Viên này mình tự vẽ và đặt gia công với lõi đồng chất lượng cao giúp đạt hiệu suất dẫn điện tốt nhất.

Thì các bạn sẽ lắp viên 16650 vào trước.

Rồi lắp tiếp viên dummy này vào là được.

Dùng pin sạc 16650 có ảnh hưởng tới độ sáng?

– Câu trả lời là: Có, dùng pin 16650 thì Charlie sẽ hoạt động ở độ sáng thấp hơn so với khi dùng 3 viên CR123!

Cụ thể là đèn sẽ chỉ đạt độ sáng cực dại ~ 750 Lumens so với 1350 Lumens khi dùng 3 viên CR123A. Lí do thì mình đoán là do sự chênh lệch về điện thế. 3 viên CR123A có điện thếp 9 volts khi mắc nối tiếp, còn 1 viên 16650 chỉ đạt điện thế 3.7 – 4.2 volts.

Việc hoạt động dưới công suất này không phải là điểm yếu gì to tát lắm bởi mấy lí do sau:

  • 750 Lumens là độ sáng rất thực dụng để dùng cho các hoạt động ngoài trời
  • Bằng mắt thường thì mình không phân biệt được sự khác biệt quá đáng kể giữa 750 và 1350 Lumens
  • Elzetta Charlie sẽ mát mẻ hơn khi chạy liên tục ở 750 Lumens là khi ở 1350 Lumens.

1350 Lumens với 3 pin CR123A.

750 Lumens với pin 16650.

2 độ sáng có sự chênh lệch nhưng không quá nhiều.

Ngoài trời thì thấy rõ ràng hơn chút.

1350 Lumens.

750 Lumens.

Với thấu kính TIR trơn thì Charlie chiếu xa khá tốt trong tầm 150 mét đổ lại dù ở độ sáng 1350 hay 750 Lumens.

Thời lượng hoạt động (Runtime)

  • Đường màu xanh là runtime khi chạy 3 pin CR123A: Charlie duy trì độ sáng cao ổn định tới 30 phút rồi mới hạ dần vì hết pin. Tổng runtime đạt 104 phút ~ 1.73 tiếng.
  • Đường màu cam là runtime với 1 pin 16650 dung lượng 2100mAh: Đèn chỉ đạt độ sáng ~ 750 Lumens và cũng duy trì rất ổn định. Sau 10 phút độ sáng giảm dần nhưng giảm từ từ chứ không đột ngột, đến phút thứ 100 vẫn duy trì ở ~ 350 Lumens và hết pin ở phút 111 ~ 1.85 tiếng.

=> Tóm lại là Elzetta Charlie cho một hiệu suất rất ổn khi dùng với pin sạc 16650!

Vậy mua Charlie làm gì khi dùng pin sạc cũng chỉ đạt độ sáng như Bravo?

– Mình nghĩ đây sẽ là thắc mắc của nhiều người khi đọc tới phần này của bài viết. Sau 2 tuần trải nghiệm thì mình rút ra được rằng Charlie đem lại trải nghiệm sử dụng khác hẳn với Bravo, nó cầm nắm và thao tác thích hơn nhiều mà vẫn đủ gọn để bỏ túi quần. Và khi cần thì bạn có thể dùng 3 viên pin CR123A để đem lại độ sáng và runtime vượt trội hơn hẳn.

Đặc biệt với mức giá chênh nhau chỉ 3-400.000đ thì mình nghĩ Elzetta Charlie là sự lựa chọn đáng cân nhắc khi đã xác định được đúng nhu cầu.

3. Giới thiệu qua 3 models của Charlie đang bán tại EDCZone

Giống như dòng Bravo thì Elzetta Charlie cũng được thiết kế dạng model với khả năng tùy chỉnh công tắc, thấu kính và vòng Bezel để cho ra cây đèn có cấu hình hợp với nhu cầu nhất. Chính vì thế mà tổng hợp lại thì có tới vài chục models của dòng Charlie, EDCZone đã nhập về 3 bản thông dụng và bán chạy nhất đó là:

3.1 – Charlie C133 (giá 6.330.000đ)

Cây này có cấu hình rất thực dụng cho nhu cầu sử dụng hỗn hợp:

  • Công tắc High – Low cho 2 độ sáng: 1350 và 40 Lumens.

Khi siết chặt công tắc đèn sẽ sáng cố định ở 1350 Lumens, nới lỏng 1 chút là sáng ở 40 Lumnes.

1350 Lumens dùng ngoài trời.

40 Lumens dùng ở tầm gần và không gian hẹp.

Vòng bezel dạng phẳng không gây chú ý, dễ đem theo lên máy bay.

Cả 3 models của Charlie đang bán tại EDCZone để dùng thấu kính TIR tiêu chuẩn, chiếu xa 330 mét theo thông số.

3.2 – Charlie C333 (giá 6.390.000đ)

Cây này cấu hình giống C133 tới 90% với công tắc High – Low.

Có điều là C333 dùng bezel có các chấu nhọn để phá kính và tự vệ khi cần thiết.

3.3 – Charlie C334 (Giá 6.490.000đ)

C334 nhìn giống hệt C333 nhưng cây này dùng công tắc High – Strobe, tức là nó chỉ có 1 độ sáng cao nhất 1350 Lumens thêm chế độ nháy Strobe.

Mình thấy C334 phù hợp cho các nhu cầu chiếu sáng ngoài trời, tác chiến và tự vệ chứ dùng hàng ngày khá tù túng khi không có độ sáng thấp.

4. Tổng kết

Về cơ bản thì mình đã hoàn thành xong series bài viết và Video về tất cả các dòng đèn pin hiện tại của hãng Elzetta. Những gì cần chia sẻ cũng đã nói hết, giờ là chúc mọi người ăn tết vui vẻ vì bây giờ mình ngồi gõ xong bài này là 11h tối 25 âm lịch của tết 2023 rồi 🙂 (16/01/2023).