Công nghệ LED trong vài năm trở lại đây phát triển chóng mặt và các hãng đèn pin chưa bao giờ dồn nhiều lực vào cuộc chạy đua Lumens như bây giờ.
- Imalent sau bao năm 1 mình 1 mâm với mẫu đèn thương mại sáng nhất thế giới MS18 – 100.000 Lumens thì năm nay (2024) tự phá vỡ kỉ lục của mình với cây SR32 mới, sáng 120.000 Lumens. Và không lâu sau đó là MS32 sáng tới 200.000 Lumens!
- Nitecore thì tự phát triển chip LED của riêng mình và đỉnh điểm là tung ra mẫu EDC29 bé tí mà sáng tới 6500 Lumens, thường đèn cỡ đó sáng ~ 2000 Lumens là căng rồi!
- Fenix xưa nay ưu tiên về sự cân bằng giữa độ bền và hiệu suất cũng ra mắt LR60R sáng 21.000 Lumens.
- Olight thì không mặn mà mấy với đèn cỡ lớn nữa nhưng mấy cây cỡ nhỏ cũng chạy đua không kém, đơn cử như Marauder Mini sáng 7000 Lumens hay Seeker 4 Pro sáng 4600 Lumens.
Đấy là còn chưa kể rất nhiều hãng đèn lớn nhỏ khác trên thị trường cũng không nằm ngoài cuộc đua. Nhìn chung thì có thể thấy 1 xu hướng phát triển đèn pin bây giờ là ngày càng nhỏ và càng sáng một cách khủng khiếp.
Cuộc chạy đua Lumens chỉ là bề nổi của tảng băng lớn thôi, phần chìm sâu dưới đáy là những lời phàn nàn của khách hàng, đặc biệt người mới chơi khi sắm cho mình được 1 cây đèn pin siêu sáng, đại loại là:
– “Sao đèn nó nóng khủng khiếp vậy em? sáng thật mà bật 30s đã nóng bỏng tay rồi”
– “Đèn quảng cáo sáng x000 Lumens được 1-2 tiếng mà sao bật 1 phút đã hạ xuống còn yếu xìu thế em?”
– “Bỏ vài triệu ra mua cây đèn mà bật 1 lúc nó đã hạ sáng như này là sao?
Thực tế là ~ 90% đèn pin siêu sáng trên thị trường bây giờ chỉ duy trì được độ sáng cao nhất được trong 1 thời gian ngắn rồi sẽ hạ xuống mức thấp hơn, thường là 50% độ sáng ban đầu và còn hạ dần nữa cho tới khi hết pin.
Điều này làm không ít người dùng bối rối và bực mình khi bỏ ra một số tiền lớn để mua cây đèn mà nó lại không được như kì vọng.
Mình quyết định viết bài này và làm 1 video để giải thích tại sao đèn pin công suất cao bây giờ lại hạ sáng và liệu đây có phải trò lừa đảo của các hãng đèn để bán được nhiều hàng không?!
Để ngắn gọn thì có 2 lý do cho câu hỏi chính này:
Và:
3. Liệu các hãng đèn có lừa khách hàng?
1. Chiêu trò quảng cáo của các hãng đèn
Không phủ nhận rằng các hãng tập trung nghiên cứu, phát triển đèn pin ngày càng nhỏ gọn và càng sáng là một điểu tốt. Tuy nhiên dưới góc nhìn là một người chơi và bán hàng như mình thì đây cũng chỉ là chiêu trò quảng cáo để bán được nhiều hàng.
Chính xác hơn thì đây là “cuộc đua Lumens” giữa các hãng đèn và ngay trong bản thân từng hãng. Đèn pin suy cho cùng cũng chỉ để chiếu sáng, vậy mà trung bình 1 hãng lớn sẽ tung ra khoảng ~ 10 sản phẩm mới mỗi năm, tất nhiên là sẽ sáng và nhiều tính năng hơn các sản phẩm cũ.
Rồi các hãng đèn cũng cạnh tranh gay gắt trong từng phân khúc như đèn EDC, đèn tác chiến, đèn đội đầu,… sao cho sản phẩm của mình có độ sáng thật cao, thật ấn tượng để in to nhất lên vỏ hộp.
Imalent hiện đang dẫn đầu trong cuộc đua Lumens bởi xét về chất lượng gia công, hoàn thiện thì họ không sánh nổi với Fenix, Olight hay Nitecore nên chỉ có cách tập trung vào tăng độ sáng lên cao nhất có thể. Không khó hiểu khi lướt qua danh mục đèn của Imalent thì khó tìm được cây nào sáng dưới 2000 Lumens.
Nitecore với chất lượng sản phẩm cao hơn thì cũng chạy đua không kém. Mình vẫn ấn tượng nhất với cây EDC29 mới ra mắt của họ sáng cực khủng tới 6500 Lumens trong 1 kích thước bé tí, mặc dù chỉ duy trì được cỡ 30s là phải hạ sáng.
Olight với Nitecore có điểm chung là không quá mặn mà với đèn pin cỡ lớn như Imalent nữa mà tập trung phát triển đèn EDC cỡ nhỏ, sáng khủng.
Fenix với chất lượng sản phẩm được đánh giá cao nhất, xưa nay luôn ưu tiên vào sự cân bằng và ổn định cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc đua Lumens. May là họ biết điểm dừng khi mẫu đèn sáng nhất của Fenix hiện tại cũng chỉ đạt 21.000 Lumens. Fenix hay Olight mà chơi tất tay vào Lumens thì mình nghĩ Imalent chắc phá sản sớm mất.
Tóm lại có thể thấy rõ một công thức chung là phải tung ra sản phẩm mới liên tục, sáng hơn sản phẩm cũ hoặc sáng hơn đối thủ thì mới bán được nhiều hàng. Khi đã quy ra lợi nhuận thì dù có muốn hay không các hãng đèn đều phải tham gia vào cuộc đua Lumens.
Và thực tế phũ phàng là cũng ~ 90% độ sáng ghi trên vỏ hộp bây giờ của đèn pin chỉ là để làm màu, quảng cáo chứ tính thực dụng không cao bởi chúng chỉ duy trì được 1 thời gian ngắn rồi sẽ hạ xuống mức thấp hơn, có thể chỉ còn 1/10 độ sáng ban đầu. Đây là nguyên nhân dẫn tới sự lúng túng và thậm chí phẫn nộ của khách hàng
Từ đây chúng ta sẽ bàn sang yếu tố thứ 2.
2. Giới hạn về công nghệ LED của loài người
Có thể nói công nghệ bóng LED đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của con người theo hướng tốt đẹp hơn khi thay thế được các loại bóng sợi đốt lạc hậu, tuổi thọ thấp và tốn điện.
Chip LED hiện tại đang đạt đỉnh của hiệu suất và độ bền với trung bình khoảng 50 – 100.000h hoạt động (gấp 50 lần đèn sợi đốt). Xét riêng về đèn pin thì các hãng đang chủ yếu dùng chip LED của Cree, Luminus, Osram, Samsung và Nichia. Còn Nitecore trong vài năm trở lại đây đã tự phát triển và sản xuất chip LED của riêng mình.
Không phải các hãng cố tình làm đèn của họ tự hạ độ sáng và giới hạn về kĩ thuật không cho phép duy trì độ sáng cao quá lâu trong thời gian dài. Cụ thể hơn thì với công nghệ hiện tại cũng chỉ cho phép chip LED ánh sáng trắng đạt hiệu suất tối đa khoảng ~ 75%, tức là 25% năng lượng sẽ bị thất thoát dưới dạng nhiệt năng.
- Hiểu ngắn gọn thì chip LED công suất càng cao sẽ càng tỏa ra nhiều nhiệt. Một chip LED công suất khủng sẽ đòi hỏi một hệ thống tản nhiệt tương xứng. Trong khi đó các hãng đèn lại thi nhau chạy đua Lumens, tăng độ sáng trong khi giữ nguyên hoặc giảm kích thước của thân đèn.
Một hệ thống LED hoàn chỉnh trong đèn pin bao gồm 2 thành phần: chip LED và đế LED bằng kim loại để dẫn điện cho chip cũng như tản nhiệt. Đế này sẽ được tiếp xúc với vỏ đèn pin (cũng thường bằng kim loại) để tản nhiệt lượng ra bên ngoài. Những thân đèn cỡ nhỏ thường sẽ không thể tản kịp được nhiệt lượng khổng lồ của chip LED khi hoạt động ở độ sáng cao, lúc này hạ độ sáng là điều bắt buộc như một cơ chế để bảo vệ đèn.
Chưa kể mạch điều khiển (mạch driver) của đèn cũng tỏa ra nhiệt lượng cao khi hoạt động. Và cũng như chip LED, mạch công suất càng cao thì càng nóng.
Đèn pin siêu sáng hiện giờ đều có cảm biến nhiệt độ để điều khiển độ sáng cho phù hợp. Thường là sẽ tăng giảm độ sáng sao cho nhiệt độ thân đèn không vượt quá 55℃ bởi trên ngưỡng này có thể gây bỏng cho người dùng và làm hỏng linh kiện điện tử và đặc biệt là pin.
Chưa kể dòng xả của pin cũng là một hạn chế khiến đèn pin siêu sáng không duy trì được công suất tối đa quá lâu. Ví dụ một viên pin loại xịn có thông số dòng xả ví dụ là 35A thì cũng chỉ duy trì được trong thời gian ngắn, còn xả ổn định và liên tục thì chỉ cỡ 15A.
Tóm lại là đèn có xịn và đắt tiền tới mấy thì độ sáng ổn định cũng bị giới hạn bởi kích thước và vật liệu thân vỏ.
3. Liệu các hãng đèn có lừa khách hàng
Bản thân mình là người đam mê, chơi và bán đèn pin gần chục năm nay nên rất hiểu sự cái cảm giác bỏ tiền triệu ra mua một cây đèn chỉ vì độ sáng cao hàng nghìn Lumens mà hãng quảng cáo, xong về bật được 1 phút thì nó nóng bỏng tay và hạ xuống mức thấp hơn.
Hay bạn đọc bảng thông số thời gian hoạt động của một cây đèn, thấy nó sáng được 400 Lumens trong tận 12 tiếng và thấy phù hợp nhu cầu bản thân. Nhưng thực tế thì nó sáng 400 Lumens trong khoảng 1 tiếng rồi hạ xuống ~ 150 Lumens và sáng được 5 tiếng, sau đó hạ xuống tiếp 50 Lumens trong 6 tiếng còn lại.
Lúc này có thể bạn cảm thấy như bị hãng đèn và người bán lừa và rất thất vọng. Nhưng hãy bình tĩnh, mình ngồi gõ bài này để giúp bạn trở thành khách hàng thông thái hơn và hiểu chuyện gì đang xảy ra ở đây.
Hầu hết các hãng đèn pin lớn hiện tại đều công số thông số sản phẩm của mình dựa trên tiêu chuẩn “ANSI/NEMA FL 1-2009 Standard” dành riêng cho đèn pin của Viện Tiêu Chuẩn Quốc Gia Hoa Kì (Americans National Standards Insitute). Tiêu chuẩn này mang tính tự nguyện nhưng các hãng bây giờ đều sử dụng, đây là một điểu tốt! Mình sẽ có 1 bài riêng giải thích rõ về “ANSI/NEMA FL1” sau, còn ngắn gọn thì nó yêu cầu 1 cây đèn phải trải qua thử nghiệm thực tế để rút ra được những thông số:
- Độ sáng (Lumen)
- Cường độ sáng (Candela)
- Chiếu xa (Meter)
- Thời lượng hoạt động – Runtime (Hours)
- Chống nước (IPX)
- Chống va đập (Meter)
Trong khuôn khổ bài viết này chúng ta sẽ tập trung vào thông số Runtime – thời lượng hoạt động. Thì theo ANSI/FL1, thời lượng hoạt động của đèn pin được tính từ khi bật ở 100% công suất cho tới khi độ sáng chỉ còn 10% mức ban đầu.
- Ví dụ: 1 cây đèn có thông số độ sáng 1000 Lumens thì thời gian hoạt động của nó được tính từ lúc bật ở 1000 Lumens cho tới khi nó hạ xuống 10% mức ban đầu, tức 100 Lumens. Còn kể từ lúc đèn sáng xuống dưới 100 Lumens thì không được tính nữa.
Quay trở lại đọc phần này thì mình nghĩ các bạn cũng đã hiểu được vấn đề.
Thực chất là các hãng không lừa người dùng bởi họ vẫn tuân theo tiêu chuẩn đã công bố, chỉ khi nào làm sai với tiêu chuẩn mới tính là lừa.
Nhưng dưới góc độ của người bán đèn thì mình vẫn thấy đây là một chiêu trò để câu kéo khách, đặc biệt của các hãng đèn Trung Quốc vốn rất tích cực chạy đua Lumens. Bởi đâu phải ai cũng đủ kiến thức và quan tâm nhiều tới những thông số rồi tiêu chuẩn như vậy khi mua đèn. Khách hàng chỉ đơn giản là đọc thông số, thấy nó sáng được 400 lumens trong 12 tiếng thì mua thôi chứ đâu có thời gian mà tìm hiểu?
- Đó là lí do mà mình phải viết bài này và nhìn sâu xa hơn là tạo nguyên ra cả cái Blogdenpin với kênh Youtube như vậy, đều đặn review 4-5 cây đèn mỗi tháng. Và mỗi bài Review mình luôn có 1 phần cực kì quan trọng là đo runtime thực tế của đèn rồi cho ra một biểu đồ như này để giúp khách hàng biết được rằng thực tế là cây đèn sẽ đem lại gì bên cạnh những lời quảng cáo đường mật.
- Hãng đèn nào tử tế thì họ sẽ có luôn 1 cái biểu đồ runtime bên cạnh bản thông số thông thường, giúp khách hàng hình dung được hiệu thực tế của đèn. Còn đa phần thì phải mày mò tìm Review thực tế để xem thôi.
Sự khác biệt giữa đèn pin đắt tiền và rẻ tiền
Đèn pin cao cấp và giá rẻ đều có điểm chung là sẽ hạ sáng do giới hạn về kĩ thuật như mình kể trên, nhưng điểm khác biệt lại rất rõ ràng:
- Các hãng đèn giá rẻ thường dùng mạch hiệu suất kém, vậy nên độ sáng có thể hạ xuống rất thấp so với mức ban đầu
- Các hãng lớn sẽ dùng linh kiện chất lượng và hiệu suất tốt nhất, vậy nên độ sáng sẽ hạ xuống mức vẫn đủ cao để đáp ứng được nhu cầu sử dụng.
Ví dụ 2 cây đèn cùng kích thước, độ sáng và ở 2 mức giá khác nhau.
- Cây giá rẻ sáng 1000 Lumens trong 1 phút rồi hạ xuống ~ 100 Lumens, tức chỉ 1/10 độ sáng ban đầu.
- Đèn xịn sáng 1000 Lumens trong 1-2 phút rồi hạ xuống ~ 500 Lumens, vẫn đủ dùng cường độ cao ngoài trời.
Đây là mình lấy ví dụ chứ không tiện nêu rõ tên hãng, model. Anh em trải nghiệm nhiều sẽ thấy rõ.
Đèn pin Mĩ và đèn pin Trung Quốc
Các hãng đèn pin Mĩ như Surefire, Elzetta, Malkoff có thể coi là đứng ngoài cuộc đua Lumens bởi đèn của bọ thường sẽ duy trì ở 80-100% công suất từ lúc bật cho tới khi hết pin luôn. Về mặt công nghệ thì đèn Mĩ cũng không có gì thần thánh, chỉ là họ đề cao sự thực dụng hơn đèn Trung Quốc và tập khách mua đèn Mĩ cũng rất riêng. Ví dụ cây đèn được thiết kế để chạy ổn định ở 800 Lumens thì thông số họ cũng để ở 800 Lumens thôi, không có cố đẩy lên cao hơn chạy trong 1-2 phút để làm gì cả.
Vậy nên nếu mệt mỏi với kiểu đua Lumens để quảng cáo của đèn Trung Quốc thì bạn có thể thử tìm hiểu qua đèn Mĩ, nhưng cái giá phải trả (bằng tiền mặt) là không ít đâu nhé :).
4. Kết luận
Mục đích của mình khi viết bài này là để giúp anh em có cái nhìn sâu và lựa chọn sáng suốt hơn khi mua đèn pin siêu sáng, không bị “đánh lừa” bởi những thông số mang tính chất quảng cáo nữa. Sau này khi mua đèn anh em nên cân nhắc những điều sau:
- Đèn có sử dụng tiêu chuẩn ANSI FL1 không? nếu không thì bỏ qua không cần bàn cãi.
- Hãng có công bố cả biểu đồ runtime không? nếu có thì là điểm cộng lớn, không thì phải tìm review để đọc thôi. Mà quan trọng nhất nên chịu khó học cách đọc biểu đồ, nó đơn giản là mấy đường thẳng thôi. Đọc được tốt rồi thì sau đỡ mất tiền oan mà rước bực vào người.
- Có đánh giá và nhận định tốt hơn về độ sáng thực dụng của 1 cây đèn dựa trên kích thước, loại pin và chip LED (cái này cần trải nghiệm nhiều). Không có cái mùa xuân là đèn nhỏ gọn, siêu sáng mà lại chạy được lâu đâu, vạn vật đều phải tuân theo vật lý cả.
- Khi đã có đánh giá tốt và yếu tố này thì sẽ tập trung vào những tính năng khác của đèn như vị trí đặt công tắc, các mức sáng, chiếu xa, cổng sạc,…
- Đèn pin Mĩ thì thông số công bố sẽ sát với thực tế nhất, nhưng giá không hề rẻ. Đèn Trung Quốc nên chọn mua của các hãng lớn vì sau khi hạ độ sáng thì vẫn đủ dùng, không thảm hại như đèn giá rẻ, không tên tuổi.
-> Nói chung là sau bài viết này anh em sẽ tích thêm được nhiều kinh nghiệm để lựa chọn được một cây đèn pin hoàn hảo nhất với mục đích sử dụng của bản thân
Mình không bênh các hãng đèn nhưng cũng không quá chỉ trích họ bởi muốn bán được hàng thì phải chạy theo thị yếu thôi. Với lại như mình nói thì chạy đua Lumens cũng là động lực giúp công nghệ LED ngày càng phát triển và hoàn thiện hơn.
Biết đâu vài năm nữa sẽ xuất hiệu lại siêu chip LED với hiệu suất vượt trội, cực sáng mà tỏa ít nhiệt thì sao? Nếu có thật thì cuộc chạy đua Lumens góp phần không nhỏ đâu nhé!