Review Olight Warrior X Mini: định nghĩa của hoàn hảo?!

0
3306

Trong những năm qua Olight đã rất nỗ lực hoàn thiện dòng đèn pin EDC và tác chiến của mình. Chúng ta có dòng S Baton chuyên dụng cho EDC với công tắc trên thân, đuôi sạc nam châm, độ sáng khủng và UI thông minh (S1R II, S30R III, S2R II,…). Mảng đèn pin tác chiến thì có dòng M (M2R, M2R Pro), dòng J (Javelot), dòng W (Warrior),… Nhưng mà nhu cầu của khách hàng lại rất cần một cây đèn pin tiện lợi để dùng cho EDC (Everydaycarry) và lại vừa có thể đáp ứng nhu cầu tác chiến, tự vệ. Câu trả lời của Olight là M2R/M2R Pro. Tuy nhiên M2R/M2R Pro thực chất lại thiên về tính tác tác chiến, tự vệ nhiều hơn bởi tổng thể cây đèn khá to và hầm hồ, quan trọng là chúng không có nét gì giống dòng S cả.

Và thế là Olight quyết định tung ra Warrior Mini, một cây đèn pin là sự kết của dòng đèn tác chiến Warrior X và dòng đèn EDC S2R II. Thật lòng khi cầm cây đèn trên tay và trải nghiệm một vài tuần thì tôi gần như không thấy điểm gì để chê. Warrior Mini mang thiết kế nhỏ gọn, tiện dụng, UI thông minh của dòng S và khả năng thao tác nhanh gọn của dòng W. Nó đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu chiếu sáng hàng ngày cũng như dùng trong các hoạt động tác chiến, tự vệ. Nếu đem so với nhiều đối thủ khác trên thị trường thì cây này phải nằm ở một mâm khác vì nó mang tư duy thiết kế thật sự khác biệt!

Thông số kĩ thuật:

  • Chiếu xa 190m
  • Sáng 1,500 lumens
  • Pin sạc kèm đèn Li-ion 3500mAh
  • Trang bị công tắc đuôi kiêm cổng sạc nam châm
  • 6 mức sáng
  • Chống nước IPX8
  • Nặng 105g
  • Dài 106mm, đường kính 23mm
  • Nhiệt màu 6000K-7000K
  • Hộp sản phẩm gồm đèn pin, pin sạc 3500mAh, dây sạc MCC3, Clip 2 chiều, Dây đeo và hướng dẫn sử dụng

Mở hộp và đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp vẫn như thường lệ, không có gì để chém gió cả.

Bây giờ hầu như cây đèn nào của Olight cũng phải có hàng tá các phiên bản với màu sắc khác nhau, Warrior Mini cũng không phải ngoại lệ.

Bên EDC nhập về 2 màu cơ bản là đen và vàng cát (tan). Màu đèn làm mãi rồi nên lần này review bản màu tan thôi.

Phụ kiện đi kèm gồm có: 1 pin sạc 18650 3500mAh, dây sạc nam châm, dây đeo tay và HDSD.

1. Kích thước:

Mang DNA của dòng S Baton nên cây này cực kì gọn, chính xác là nó chỉ dài hơn S2R II 0.6mm do có thêm cái công tắc ở đuôi. Kích thước chuẩn của Warrior Mini là: 106.5mm x 23mm x 23mm (chiều dài x đường kính đầu x đường kính thân)

Kích thước này bỏ túi thì hết bài luôn, gọn gàng không hề vướng víu gì cả.

Cây M2R bản đầu dùng pin 18650 cũng không đến nỗi to và nặng nhưng đến bản Pro dùng pin 21700 thì nhiều khi có cảm giác muốn tụt quần rồi. Rõ ràng thiết kế của dòng S vẫn lý tưởng nhất để mang theo người hàng ngày.

Trọng lượng cả pin chỉ loanh quanh 100g, rất nhẹ.

Một cây đèn dùng pin AA như Olight I5T cũng đã gần 70g tính cả pin. Tất nhiên tôi vẫn luôn thích đèn AA nhưng nếu chỉ phải hi sinh khoảng 30g để lên pin 18650 cho độ sáng và runtime vượt trội hơn thì tội gì đúng không?

2. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Có anh khách hỏi “Tại sao cùng một độ sáng, loại pin mà đèn của Sofirn có giá khoảng 5-700k trong khi các hãng lớn lại gấp 3-4 lần số đó?”. Có nhiều yếu tố khiến đèn của các hãng lớn có giá cao:

  • Giá trị thương hiệu
  • Có phòng R&D chuyên nghiệp, đầu tư rất bài bản vào thiết kế của cây đèn
  • Những yếu tố bên trong như linh kiện chất lượng hơn đèn rẻ rất nhiều, chính linh kiện ngon sẽ đảm bảo cho sự ổn định về lâu dài
  • Cuối cùng là chất liệu vỏ đèn ngon và chất lượng gia công xuất sắc, tinh tế đến từng chi tiết

Cầm cây đèn của Olight lên là thấy rõ ngay nó nuột như nào, từng chi tiết dù là nhỏ nhất đều được chăm chút tỉ mỉ. Vỏ đèn dùng nhôm xịn, lớp mạ tốt cho cảm giác rất đã tay. Đến cả phụ kiện đi kèm cũng cho cảm giác rất chất lượng!

Nếu che cái công tắc đuôi đi thì cây này nhìn giống hệt Olight S2R II Baton.

Thân đèn của Olight Warrior Mini được CNC các rãnh để tăng ma sát khi cầm nắm, tôi không biết nên gọi kiểu này là gì nhưng nó là thiết kế mới thay cho kiểu rãnh nhỏ trước kia. Thiết kế này đã được Olight thay đổi từ đời S1R II.

Cảm giác là thân cây này cầm rất chắc tay, kể cả khi ra nhiều mồ hôi hoặc đeo găng.

Warrior Mini có đuôi liền với thân nên chỉ tháo được phần đầu. Ít bộ phận tháo rời cho cây đèn cảm giác liền mạch, chắc chắn.

Đèn pin bây giờ ngày càng nhỏ và nhẹ nên thân cũng mỏng đi, cây này cũng không phải ngoại lệ. Tôi thích nồi đồng cối đá nên khoái thân dày thôi chứ thực ra như này không phải quá mỏng, bạn cầm 10 cây đèn EDC đời mới bây giờ chắc cũng 9 cây có độ dày thân như này. Nhìn chung ưu tiên hàng đầu của các hãng vẫn là cho đèn nhẹ hết mức có thể, còn thân dài 1-2mm không giải quyết được vấn để gì bởi bản thân cấu tạo cây đèn là dạng ống bịt kín 2 đầu nên nó cực khỏe, với cây Olight này tôi đảm bảo xe tải cỡ trung cán qua cũng không hề móp méo gì!

Ren vặn làm rất chỉn chu, sạch sẽ. Mỗi tội bước ren có vẻ hơi ngắn nhưng cũng chẳng ảnh hưởng gì đến trải nghiệm sử dụng.

Tiếp xúc ở đuôi đèn là lò xo mạ vàng.

Ở đầu đèn cũng là lò xo. Tôi luôn thích mấy cây đèn có tiếp xúc 2 đầu là lò xo bởi chúng chống shock tốt cho pin và có thể dùng được pin đầu phẳng. Cây Warrior Mini này tương thích tốt nhất với pin chuyên dụng của Olight nhưng khi cần thiết thì bạn lắp pin đầu lồi khác vào cũng được, chỉ có điều pin khác sẽ không dùng được sạc nam châm.

Với những cây đèn khác thì tiếp xúc 2 cực là lò xo sẽ dùng được pin đầu phẳng nhưng cây này thì không nên. Bạn có thấy 3 cái chấu nhỏ xung quanh lò xo không? Nó để tiếp xúc với cực âm ở viên pin custom của Olight nên lắp pin đầu phẳng vào khả năng cao sẽ bị chập!

Với pin đi kèm thì Olight hầu như sử dụng loại có dung lượng cao nhất, cụ thể Warrior Mini kèm 1 viên pin sạc 18650 dung lượng 3500mAh, dòng xả 10A.

Và để tương thích được với sạc nam châm thì đây cũng là pin Custom riêng của hãng. Viên này dùng được với hầu hết mọi cây đèn có thiết kế sạc nam châm của Olight luôn và họ cũng bán rời với giá chưa tới 400.000đ.

Điểm đặc biệt của viên pin này là cả cực dương (+) và âm (-) được kéo về hết 1 phía. Nó sẽ tiếp xúc với các cực ở đầu đèn như ảnh trên.

Ở phía bên kia thì viên pin vẫn có cực âm như bình thường.

Nên là nó hoàn toàn sạc bình thường với các bộ sạc rời chuyên dụng.

Với việc sử dụng pin sạc 18650 dung lượng lớn thì Warrior Mini đem lại thời lượng sử dụng rất tốt, nếu dùng hàng ngày thì chỉ cần chú ý sạc đầy pin khi cần. Còn trong các chuyến đi xa thì có thể đem theo 1-2 viên pin sơ cua là rất thoải mái rồi.

Một cái clip cài là phụ kiện căn bản nhất trên đèn pin EDC. Olight trước giờ vẫn chuộng clip cài túi 2 chiều rất linh hoạt, tiện dụng.

Nó gần như là Deep pocket clip khi cả cây đèn nằm gọn trong túi quần, chỉ có phần đầu là nhô lên để lấy đèn ra nhanh hơn.

Hoặc cũng có thể cài đèn lên mũ để dùng như headlamp, cực lợi hại!

Điểm đáng tiền nhất mà tôi thấy ở Warrior Mini có lẽ là sự kết hợp giữa công tắc đuôi và thân đèn. Thiết kế này không lạ nhưng Olight đã đẩy nó lên một đẳng khác với giao diện sử dụng rất thông minh mà lát nữa tôi nói sau.

Quanh công tắc đuôi có 3 cái chấu nhô lên.

Nó giúp đèn đứng đuôi được bình thường.

Đồng thời cũng không làm cấn hay vướng gì khi tháo tác cả.

Công tắc đuôi của cây đèn này thừa hưởng từ Warrior X. Nó kiêm luôn cả sạc nam châm, chỉ cần có nguồn USB 5A là sạc pin mọi lúc mọi nơi.

Dòng sạc đạt 5V/1A, vậy sẽ mất cỡ 4 tiếng để đầy pin.

Dây sạc nam châm có đèn báo, nếu sáng đỏ nghĩa là đang sạc, chuyển xanh là pin đầy.

Sạc nam châm ở đuôi đèn đã dần trở thành một biểu tượng của Olight, đúng là những thế hệ đèn đầu tiên được trang bị công nghệ sạc này thì chúng chưa được ổn định, hay xảy ra lỗi vặt. Nhưng bắt đầu từ đời Warrior X đến bây giờ thì công nghệ sạc nam châm của Olight đã rất hoàn thiện và ổn định, điều đó được chứng minh từ phản hồi của khách hàng trên toàn cầu.

Có nhiều ý kiến trái chiều về cái sạc nam châm này, người nói thích người bảo không, còn tôi thì thấy nó là một thiết kế tuyệt vời. Đặt tình huống như này: bạn đi làm hay đi chơi cả ngày về tới nhà, người mệt lử, đèn thì hết pin. Vậy lúc này mấy ai muốn phải lóc cóc tháo pin ra, đi tìm bộ sạc rời, cắm điện bộ sạc, lắp pin vào rồi sáng hôm sau lại tháo pin ra rồi lắp lại vào đèn không? Hay bạn muốn có một sợi dây sạc cắm sẵn, chỉ cần đưa cây đèn lại gần nó tự hít vào nhau để sạc, sau đó đi ngủ, mai dậy có đèn đầy pin để dùng?

Một ví dụ nhỏ thôi nhưng nó phản ánh trải nghiệm thực tế khi dùng đèn pin bây giờ. Với đuôi đèn sạc nam châm thì bạn không cần dùng bộ sạc rời nữa mà chỉ cần 1-2 bước đơn giản là đã sạc pin được. Kể cả khi đi chơi cũng vậy, mang 1 sợi dây sạc nam châm nó tiết kiệm diện tích hơn nhiều so với mang cả bộ sạc rời. Và nếu bạn sử dụng nhiều cây đèn khác của Olight cũng trong hệ sinh thái dùng đuôi sạc nam châm thì còn thấy tiện và nhàn người hơn nữa.

Công tắc trên đầu đèn thì rất quen thuộc rồi, bấm chắc tay và độ nhạy tốt. Nó còn được trang bị một đèn led báo tình trạng pin nữa.

Giao diện sử dụng

Như tôi luôn nhấn mạnh, giao diện sử dụng quyết định 90% việc có mua một cây đèn pin hay không. Đèn có thiết kế đẹp, nhìn rất ưng nhưng giao diện sử dụng ngu thì chắc dùng được vài hôm là chán.

Olight Warrior Mini là sự kết hợp của dòng đèn EDC S2R II Baton với dòng đèn tác chiến Warrior X thế nên nó được trang bị giao diện sử dụng rất lợi hại để đáp ứng được cả 2 nhu cầu trên.

Đầu tiên là công tắc trên đầu đèn

  • Bật/tắt: nhấn công tắc một lần (đèn có chế độ nhớ mức sáng cuối được sử dụng)
  • Chuyển mức sáng: Khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại giữa các mức sáng Low – Medium và High. Đến độ sáng mong muốn thì nhả công tắc ra
  • Kích hoạt Moonlight (1 Lumens): khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc trong 1s rồi thả tay
  • Kích hoạt Turbo: khi đèn đang tắt hoặc bật, nhấn nhanh công tắc 2 lần để truy cập Turbo 1500 lumens, nhấn 1 lần đèn sẽ về chế độ sáng trước đó
  • Nháy Strobe: khi đèn đang bật hoặc tắt, nhấn nhanh công tắc 3 lần để truy cập nháy Strobe, nhấn 1 lần về chế độ sáng trước đó
  • Khóa an toàn/mở khóa: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc 2s để truy cập chế độ khóa. Lúc này đèn sẽ tránh được tình trạng bị cấn trong túi hay balo rồi tự bật. Để mở khóa thì làm tương tự.

Chế độ khóa an toàn là rất cần thiết với đèn có công suất cao, nếu vô tình kích hoạt trong túi hay balo thì hoàn toàn gây hư hỏng đồ đạc, thậm chí cháy. Nếu muốn yên tâm nữa thì xoáy lỏng đầu đèn ra đến khi bấm công tắc không thấy lên là được.

Tiếp theo là công tắc đuôi. Nó có 2 nấc nên tùy lực nhấn sẽ cho độ sáng khác nhau. Điều thú vị là công tắc đuôi của Warrior Mini có thể được lập trình qua lại giữa 2 Setting để cho giao diện sử dụng khác nhau. Mặc định đèn khi xuất xưởng sẽ ở setting 1.

– Setting 1:

  • Nhấn giữ công tắc với 30% lực: đèn sẽ sáng ở mức Medium 120 Lumens, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn giữ hết hành trình của công tắc: đèn sẽ sáng ở mức Turbo 1500 Lumens, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn hết hành trình của công tắc rồi nhả tay: đèn sẽ sáng cố định luôn ở Turbo 1500 Lumens, nhấn lần nữa để tắt đèn

– Setting 2:

  • Nhấn giữ công tắc 30% lực: đèn sáng ở Turbo 1500 Lumens, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn giữ hết hành trình của công tắc: đèn sáng ở nháy Strobe, nhả tay ra đèn tắt

*Để chuyển đổi giữa Setting 1 và 2:

Nhấn và giữ hết hết hành trình của công tắc đuôi bằng một tay. Đồng thời tay còn lại nhấn công tắc trên đầu đèn một lần rồi nhả công tắc đuôi ra. Mỗi lần thao tác vậy đèn sẽ chuyển qua lại giữa 2 setting.

Cái giao diện sử dụng của cây Olight Warrior Mini này nếu là dân chơi đèn lâu năm sẽ thấy cực kì ngon. Nó cho phép người dùng truy cập và thao tác rất nhanh hầu như mọi chế độ sáng, vì vậy khi bật đèn lên là luôn biết nó sẽ sáng ở mức nào. Chẳng hạn nửa đêm cầm đèn soi đi WC thì chỉ cần nhấn giữ công tắc bật mức Moonlight là đủ thấy đường mà không gây chói mắt. Hoặc là trời tối muốn lấy đồ nhanh ở cốp xe hay trong balo thì nhấn giữ nhẹ công tắc đuôi bật mức 150 Lumens là đủ, dùng xong nhả tay ra đèn tắt rồi cất lại vào túi, quá tiện. Tôi chưa nghĩ ra được có nhu cầu chiều sáng đặc biệt nào mà giao diện sử dụng của cây này không đáp ứng được, phải nói là hoàn hảo.

Với người mới dùng thì có thể sẽ bơi bối rối bởi bởi giao diện sử dụng của Warrior Mini nhưng nếu đọc kĩ thì chỉ mất 1 phút là làm quen được. Khi đã quen rồi sẽ thấy sung sướng khó tả bởi cây đèn quá thông minh!

Hệ thống quang học và khả năng chiếu sáng

Warrior Mini không có vòng bezel hầm hố như dòng M2R hay Warrior X nên chủ yếu nó dùng để tránh xước mặt thấu kính chứ không dùng tự vệ được.

Nó trang bị thấu kính TIR hiệu suất truyền dẫn cao. Còn led thì Olight không nói rõ loại gì, nhìn qua thấu kính cũng khó đoán nên bỏ qua, chắc cũng loanh quanh của Luminus hoặc Cree.

Thấu kính TIR được Olight chuộng vì nó gọn gàng hơn chóa mà cho beam sáng rất đẹp, mịn.

Nhiệt màu cũng là thứ đáng bàn tới, trước giờ Olight bị chê nhiều bởi ánh sáng của họ quá trắng, toàn từ 6000-7000k trong khi nhiều người cần ánh sáng vàng, dịu mắt hơn (cỡ 5000k đổ xuống). Cây Warrior Mini cũng không phải ngoại lệ, nó là ánh sáng trắng nên những ai đặt nặng vấn đề nhiệt màu sẽ không thích. Nhưng mà ở cây S2R II trước đó có tình trạng là khi bật Turbo thì ánh sáng sẽ khả xanh nhìn rất xấu (nhược điểm của của Led Luminus SST40) thì ở Warrior X lại không bị, ánh sáng vẫn trắng đẹp.

Low – 15 Lumens

Moonlight 1 Lumens thì sáng yếu quá, thích hợp làm đèn ngủ chứ bật vào tường không thấy gì nên tôi test ở 15 Lumens đổ lên thôi. Khoảng cách từ đèn đến tường cỡ 3 mét.

Medium – 120 Lumens

120 Lumens ngon thực sự, đi dạo ngoài trời hay dùng trong nhà thì mwusc này là đủ, bật liên tục được cỡ 18 tiếng.

High – 500 Lumens

Đèn vẫn hoạt động ổn định, không bị quá nóng ở 500 lumens nên cần ánh sáng mạnh hơn thì mức này là hợp lý luôn.

Turbo – 1500 Lumens

1500 Lumens sáng quắc và rất chói.

 

Chiếu ra xa thử xem, đây là khi chưa có đèn đóm gì.

Turbo 1500 Lumens, phê lòi. Cây này nhỏ không thiên về chiếu xa nhưng 100 mét đổ lại vẫn vô tư nhé.

500 Lumens vẫn ngon.

1500 Lumens, ánh sáng rất rộng, đúng chuẩn cho EDC.

500 Lumens.

Runtime

Cuối cùng là cắm máy đo runtime thực tế.

Đây là runtime do hãng công bố, được đo trong phòng thí nghiệm.

Đây là runtime tôi đo thực tế ở 2 mức 1500 và 500 Lumens. Các mức thấp sáng lâu quá lười không muốn đo.

Có thể thấy là runtime thực tế rất sát với hãng công bố. Mức 1500 Lumens duy trì được trong 4 phút rồi hạ dần xuống để tránh cho đèn bị quá nhiệt. Còn 500 Lumens chạy một mạch đến gần hết pin luôn!

Tổng kết

Những điểm tôi thích ở Warrior Mini:

  • Thiết kế nhỏ gọn, nhẹ, rất đẹp
  • Chất lượng gia công đỉnh, tinh tế
  • Có sạc nam châm tiện lợi
  • Dùng pin 18650 thông dụng, cân bằng giữa nhiều yếu tố
  • Giao diện sử dụng quá đỉnh

Chưa thích:

  • Nhiệt màu 6000 – 7000k là quá trắng với tôi, phải chăng có phiên bản nhiệt màu vàng cỡ 4500k là hoàn hảo!

Tổng kết lại là một cây đèn All-in-one rất đáng mua với chất lượng tuyệt vời và cái giá cũng không quá chua.

Bạn có thể tham khảo giá bán tại ĐÂY