Review Nitecore EDC29: rất ngon, nhưng đừng mua chỉ vì độ sáng 6500 Lumens!

0
8

Sau khoảng 2 tuần sử dụng và đo đạc các thông số thực tế thì hôm nay mình sẽ cho các bạn một cái nhìn khách quan nhất về Nitecore EDC29 – cây đèn làm mưa làm gió trên các cộng đồng đèn pin trong và ngoài nước bởi độ sáng quá khủng tới 6500 Lumens và chiếu xa tới 400 mét chỉ trong thân đèn có kích thước nhỏ như này. Đây là độ sáng đủ sức gây choáng cho ngay cả anh em chơi đèn lâu năm chứ đừng nói đến dân ngoại đạo. Có thể nó là bật lên phát nhẹ thì thu hút mọi ánh nhìn, còn xui thì chắc ăn chửi luôn.

Nhưng thôi, để không làm tốn thời gian của mọi người thì mình cũng nói thẳng luôn, nếu chỉ vì cái độ sáng khủng 6500 Lumens được quảng cáo thì tốt nhất anh em đừng xuống tiền cho cây này, bởi độ sáng đấy chỉ duy trì được trong chưa đầy 10s thôi. Với kích thước này mà sáng liên tục 6500 lumens trên 10s thì chỉ có nóng cháy tay chứ không báu bở gì.

Nếu đã xem video này của mình thì anh em cũng hiểu rằng các hãng bây giờ tìm mọi cách để cho đèn của mình đạt độ sáng khủng nhất có thể, dù chỉ được thời gian ngắn nhằm mục đích quảng cáo và bán được hàng.

Vậy nếu bỏ qua cái độ sáng làm màu đó thì Nitecore EDC29 còn lại gì và liệu có đáng mua? Mình cũng trả lời luôn là có bởi cây đèn này thực sự là hội tụ rất nhiều tinh hoa công nghệ của Nitecore, từ thiết kế thân dẹt hoàn hảo cho bỏ túi, giao diện sử dụng cực kì thông minh, tích hợp sẵn pin và cổng sạc tiện lợi cùng khả năng duy trì được độ sáng 400 Lumens liên tục tới 3 tiếng đồng hồ.

  • Có thể nói các kĩ sư của Nitecore đã suýt tạo ra một cây đèn pin EDC đa dụng hoàn hảo, có thể đáp ứng được các nhu cầu chiếu sáng thông thường lẫn tác chiến và tự vệ một cách toàn diện và hợp lý

2.700.000đ là mức giá bạn sẽ phải trả để trải nghiệm một cây đèn công nghệ cao như EDC29, mình thấy nó không quá đắt. Còn nếu vẫn thấy lấn cấn thì anh em theo dõi nốt bài viết nhé!

Nitecore bảo hành 2 năm cho đèn có pin liền thân của mình.


Danh mục sản phẩm:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Kích thước
  5. Thiết kế và tính năng
  6. Giao diện sử dụng
  7. Khả năng chiếu sáng
  8. Thời lượng hoạt động
  9. Tổng kết

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại: 6500 Lumens
  • Chiếu xa: 400 mét
  • Số mức sáng: 6
  • Nháy Strobe: có
  • Chip LED: Nitelab UHi 20 Max
  • Pin sạc Lithium Ion dung lượng 2500mAh tích hợp trong thân
  • Cổng sạc Type-C
  • Công tắc đuôi kép phản ứng nhanh
  • Màn hình OLED hiển thị các thông số
  • Thân vỏ bằng thép không gỉ cứng cáp
  • Kích thước: 133.5 x 34.6mm
  • Trọng lượng: 160g
  • Chống nước, bụi: IP54

Bảo hành 2 năm

3. Mở hộp và phụ kiện

Để biết một hãng đèn chất lượng tới đâu thì đầu tiên hãy nhìn cách họ đóng hộp sản phẩm. Như Sofirn là hãng đèn giá rẻ nên đóng hộp đơn giản và tiết kiệm, còn những thương hiệu lớn sẽ đầu tư nhiều hơn vào hình ảnh.

Mặt trước và sau của hộp có đủ thông tin cơ bản và quan trọng nhất của sản phẩm.

Phụ kiện đi kèm của Nitecore EDC29 bao gồm:

  • Cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • HDSD

Nitecore sử dụng dây Paracord xịn và có móc Carabiner ở 1 đầu. Trong những tình huống sinh tồn thì có thể tháo riêng dây này ra để sử dụng.

Dây sẽ được móc vào vị trí này trên clip cài túi.

Cáp sạc Type-C chất lượng cao.

4. Kích thước

Nitecore EDC29 có chiều dài thân 133.5mm và độ dày 34.6mm.

Tổng trọng lượng tính cả pin bên trong là ~ 160g.

Đây không phải là cây đèn có kích thước quá nhỏ gọn nhưng chính thiết kế thân dẹt đặc biệt đã đem lại cho nó trải nghiệm cầm nắm và bỏ túi tuyệt vời.

EDC29 nằm gọn trong túi quần Jean, không gây cảm giác cấn cộm khay khó chịu vì độ dày thân chỉ có ~ 3.5cm. Thân dẹt còn giúp nó không bị xê dịch nhiều trong túi.

Cảm giác cầm nắm và thao tác cũng hết sức thoải mái và đặt trên các mặt phẳng thì thân đèn sẽ không bị lăn.

5. Thiết kế và tính năng

Chưa bàn tới cấu hình hay công năng thì một điều mà nhiều người phải công nhận là thiết kế đèn pin của Nitecore đẹp. Từ trước tới nay Nitecore và Olight luôn là 2 hãng đèn có thiết kế đèn pin đẹp và sáng tạo nhất, mang đậm chất tương lai và khoa học viễn tưởng.

Như cây EDC29 này có thiết kế giống một món đồ chơi công nghệ hơn là đèn pin. Nhìn qua thì thấy góc cạnh nhưng soi kĩ lại thấy các đường nét lại có phần mềm mại.

Tổng thể cây đèn nhìn hiện đại và khỏe khoắn với các lá tản nhiệt dạng vẩy cá chạy dọc thân và những chi tiết tăng độ đám khi cầm nắm.

EDC27 UHi và EDC29 đều có thân vỏ bằng thép gia cường.

Nitecore sử dụng thép không gỉ độ cứng cao cho các mẫu đèn pin dẹt của mình kể từ cây EDC27, bề mặt được mạ Titan giúp chống xước và tăng thêm độ cứng. Theo Nitecore thì với cấu trúc thân dẹt thì cây đèn sẽ đòi hỏi vật liệu có độ cứng cao hơn nhôm để chịu được lực tốt, chống biến dạng khi va đập hay thậm trí bị xe cán qua.

Thân của EDC29 là 2 mảnh thép ghép lại bằng ốc vít chứ không phải liền khối như dòng ARKFELD của Olight. Ưu điểm của thiết kế này là tiện cho việc sửa chữa nhưng hạn chế sẽ là khả năng chống nước của đèn chỉ đạt mức IP54, tức đủ dùng trong trời mưa. Chưa kể việc trang bị cổng Type-C cũng làm giảm khả năng chống nước chung của đèn.

Nhìn chung mình thấy EDC29 có chất lượng hoàn hiện tổng thể tốt và cao cấp. Thân vỏ rất chắc chắn cầm hay bóp mạnh cũng không thấy cảm giác ọp ẹp hay lỏng lẻo, nhưng Nitecore nên tối ưu hơn về khả năng chống nước, đạt tầm IP67 là ổn.

Gần đuôi đèn có một màn hình OLED nhỏ hiển thị các thông số như dung lượng pin, mức sáng, độ sáng hiện tại và thời lượng sử dụng còn lại.

Trong đó mình thấy thông số thời lượng sử dụng còn lại theo thời gian thực là hữu dụng nhất vì nó giúp người dùng chủ động hơn trong các tình huống.

Khi đèn đang tắt thì nhấn nhẹ công tắc đuôi sẽ hiển thị dung lượng pin, còn khi kích hoạt thì màn hình sẽ hiển thị lần lượt các thông số còn lại.

Mức sáng cao 3000 và 6500 Lumens chỉ duy trì được trong thời gian ngắn và màn hình sẽ hiển bị 1 thanh năng lượng kiểu này. Thanh này chạy hết là đèn sẽ hạ sáng, hồi lại thì mới kích hoạt tiếp được. Việc thanh này hạ và hồi lại nhanh hay chậm phụ thuộc vào 2 yếu tố chính: dung lượng pin và nhiệt độ của thân đèn.

Mặt bên kia của thân là chiếc clip cài túi cỡ lớn được làm rất gọn và ăn nhập với thiết kế tổng thể của đèn. Mình thấy cái clip này khá cứng, không rõ dùng lâu có mềm ra được chút nào không nhưng hiện nó cứng hơn của cây EDC27 UHi.

Với thân dẹt nên khi bỏ túi cây này mình không cần dùng clip cài, chủ yếu để gắn đèn lên balo.

Nitecore còn thiết kế thêm vị trí này để gắn dây đeo tay khi cần, có thể thoải mái gắn cả dây Paracord 7 lõi luôn.

Hệ thống quang học cực khủng

6500 Lumens của EDC29 đủ sức làm choáng mọi dân chơi.

Nếu là dân chơi và dùng đèn pin có kinh nghiệm thì ít ai sẽ nhìn vào độ sáng 6500 Lumens được quảng cáo của cây Nitecore EDC29 này để xuống tiền bởi nó chỉ duy trì được có vài giây là hạ sáng. Nhưng xét trên góc độ kĩ thuật thì để “nhét” được độ sáng này vào một thân đèn nằm gọn trong lòng bàn tay là cả một vấn đề.

Lấy chip Luminus SFT70 trên PD36R Pro làm ví dụ.

Để giải quyết vấn đề độ sáng thì nhiều chip LED có thể làm được, chẳng hạn như cây này gắn 2 chip Luminus SFT70 vào là xong. Nhưng vấn đề là với cái chóa đèn bé tí như này thì SFT70 không thể đạt tầm chiếu xa 370 – 400 mét được. Vậy Nitecore đã làm thế nào?

Họ đã chọn cách phát triển luôn serie chip LED của riêng mình mang tên UHi, hiện đã gồm có: UHi 10, UHi 20/Max, UHi 40/Max, UHi 50, UHi 100.

Nitecore EDC27 UHi với 2 chip LED UHi 20.
Cho độ sáng khủng 3100 Lumens và tầm chiếu xa 305 mét.
  • Có thể lấy UHi 20 được trang bị trên cây EDC27 UHi làm ví dụ điển hình khi loại chip này có tiết diện nhỏ hơn 41% và cường độ sáng cao hơn 43% so với Luminus SFT40 đang được sử dụng rất phổ biến bởi nhiều hãng. Vậy nên EDC27 UHi đạt tầm chiếu cực khủng tới 305 mét với kích thước chóa đèn bé ngang một cây đèn móc khóa.

Nitecore đã trang bị cho EDC29 2 chip LEDs UHi 20 Max với tổng cộng 18 nhân để đạt độ sáng khủng nói trên. Mỗi chip LED bao gồm 1 nhân chính ở giữa phụ trách chiếu xa và 8 nhân phụ xung quanh cho ánh sáng chiếu rộng.

Minh họa cơ chế hoạt động của UHi 20 MAX.

Ở độ sáng 3000 Lumens thì EDC29 sẽ chỉ kích hoạt 2 nhân LEDs ở giữa, cho tầm chiếu xa 400 mét. Các mức sáng thấp hơn 3000 Lumens thì cũng chỉ có 2 nhân LEDs này hoạt động.

Còn lên độ sáng 6500 Lumens thì đèn sẽ kích hoạt nốt 16 nhân còn lại để tăng khả năng chiếu bao quát, nhưng lúc này tầm chiếu xa sẽ giảm xuống 370 mét.

Các bạn có thể thấy sự khác biệt ở 2 mức sáng này.

Mức sáng 1200 Lumens của EDC29 ở tầm gần.

Chip LED mới kết hợp chóa phản xạ dạng sần đem lại ánh sáng đẹp với tâm tròn đều, vùng tỏa mịn và không có vùng nhiễu. Ánh sáng đủ bao quát để dùng tốt ở tầm gần.

Một chi tiết nhỏ quan trọng ở hệ thống quang học là cảm biến tiệm cận được đặt ở vị trí này với nhiệm vụ hạ độ sáng của đèn xuống mức thấp khi phát hiện có vật cản. Tính năng này quan trọng vì nếu vị vô ý kích hoạt thì mức 3000 Lumens đã đủ gây bỏng hoặc cháy rồi chứ chưa nói đến 6500 Lumens.

Cảm biến sẽ tự động hạ độ sáng của đèn về 400 Lumens khi phát hiện có vật cản phía trước.

Cảm biến này trên Nitecore EDC29 lại hoạt động khác với những mẫu đèn khác của Olight hay Fenix, cụ thể thì nó chỉ được kích hoạt nếu đủ 2 điều kiện:

  • 1: Đèn phải đang ở trạng thái tắt và phía trước có vật cản. Còn nếu đang bật mà dí gần vật cản thì cảm biến sẽ không hoạt động
  • 2: Kích hoạt đèn ở độ sáng cao 3000 Lumens và nó sẽ hạ xuống mức 400 Lumens. Cảm biến không hoạt động ở mức 6500 Lumens. Cái này dễ hiểu bởi rất khó để vô ý kích hoạt được mức 6500 Lumens, mình sẽ giải thích ở phía dưới.

Hệ thống công tắc thông minh

Có một chi tiết trên cây EDC29 này mình rất tâm đắc chính là hệ thống công tắc đuôi phản ứng nhanh và chốt khóa an toàn vật lý.

Thiết kế công tắc đuôi kép này đã xuất hiện từ cây đèn dẹt đầu tiên của hãng là EDC27, đem lại khả năng phản ứng nhanh và chính xác trong mọi tình huống. Cũng nhờ hệ thống công tắc này mà EDC29 là một cây đèn pin EDC kiêm tác chiến/tự vệ thực thụ.

Công tắc chính được làm lồi hẳn lên nên ngay cả khi đeo găng tay dày cũng bấm nhanh và chính xác, rút đèn ra khỏi túi là bật được ngay.

Công tắc chức năng được đặt bên cạnh để truy cập nhanh được 3 chế độ sáng: 3000 – 6500 Lumens và nháy Strobe.

Nhưng có một vấn đề với thiết kế công tắc chính lồi lên như này là đèn sẽ rất dễ bị vô ý kích hoạt khi bỏ túi hay balo, chỉ cần cấn nhẹ là sẽ bật. Vậy nên từ EDC27 là Nitecore đã trang bị sẵn khóa an toàn nhưng là khóa điện tử, tức phải qua một vài thao tác để khóa được đèn.

Còn trên EDC29 thì họ đã trang bị hẳn một lẫy khóa vật lý nằm ngay ở vị trí này và nó đơn giản hóa trải nghiệm sử dụng hơn nhiều lần. Với lẫy này thì chỉ cần gạt lên là 2 công tắc sẽ bị khóa luôn, có nhấn kiểu gì cũng không bật được đèn, còn gạt xuống là mở khóa.

Tính năng khóa điện tử như dòng EDC27/UHi hay EDC25 cũng được thiết kế khá tối ưu nhưng về độ nhanh gọn thì xách dép cho EDC29 hết.

Pin Lithium Polymer và cổng sạc Type-C

Tất cả những cây đèn pin thân dẹt mình trải nghiệm từ trước giờ đều sử dụng pin sạc Lithium Polymer tích hợp chứ không phải pin hình trụ truyền thống. Ưu điểm của loại pin này là dạng dẹt nên rất gọn, dung lượng khá tốt và đặc biệt là dòng xả cao vượt trội. Không phải tự nhiên mà các thiết bị công suất lớn như Drone, đồ chơi mô hình,… đều dùng loại pin này.

Nitecore EDC29 được tích hợp pin sạc Lithium Polymer dung lượng 2500mAh ở trong thân với dòng xả tối đa có thể đạt 20A. Viên pin này đóng góp không hề nhỏ cho việc đạt độ sáng khủng lên tới 6500 Lumens.

Pin được sạc trực tiếp qua cổng Type-C đặt ở gần đuôi với tốc độ ~ 10W cho phép đầy trong khoảng 1 tiếng 15 phút (dùng nguồn sạc có công suất tối thiểu 10W).

Cổng sạc được hãng làm nắp đậy có gioăng cao su khá kín nhưng cũng chỉ đạt chuẩn chống nước, bụi tối đa IP54. Theo mình biết thì Nitecore chưa có cây đèn nào làm cổng sạc chống nước 2 lớp như Fenix.

6. Giao diện sử dụng 

Với cá nhân mình thì giao diện sử dụng sẽ quyết định ít nhất 50% giá trị của cây đèn bởi có thiết kế đẹp và sáng tới đâu mà dùng không thuận tiện thì cũng nhanh chán.

Trước hết thì mình cho EDC29 9.5/10 điểm về giao diện sử dụng bởi các kĩ sư Nitecore đã thiết kế quá khéo phần này để khai thác được hết tính năng của đèn.

Để sử dụng đèn, hãy chắc chắn rằng lẫy an toàn đã được mở (gạt xuống). Sau đó thì các thao tác cụ thể như sau:

Công tắc chính: có 2 nấc

  • Nhấn và giữ nhẹ để truy cập nhanh mức sáng thấp nhất 15 Lumens, nhả tay ra đèn sẽ tắt
  • Nhấn mạnh và nhả tay để sáng cố định, đèn sẽ bật ở mức cuối cùng được sử dụng
    • Khi đèn đang bật, nhấn nhẹ để chuyển qua lại 4 mức sáng: 15 – 100 – 400 – 1200 Lumens
    • Nhấn mạnh để tắt đèn
  • Khi đèn đang tắt: nhấn nhẹ 1 lần để xem dung lượng pin
    • Tiếp tục nhấn nhẹ hiển thị thông số các mức sáng từ 15 – 1200 Lumens, và bạn ấn mạnh thì đèn sẽ sáng ở chính mức đang được hiển thị (cái này cực hay)

Công tắc chức năng: có 2 nấc, bất kể khi đèn đang tắt hoặc bật:

  • Nhấn và giữ nhẹ để kích hoạt độ sáng 3000 Lumens, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn và giữ mạnh để kích hoạt độ sáng 6500 Lumens, nhả tay ra đèn tắt

Công tắc chức năng có 2 chế độ hoạt động là “LUMIN SHIELD” và “STROBE”, mặc định khi đèn ra khỏi hộp là sẽ ở “LUMIN SHIELD” với khả năng truy cập nhanh được 2 mức sáng kể trên, còn để chuyển sang “STROBE” thì thao tác như sau: 1 tay nhấn và giữ công tắc chức năng – đồng thời tay còn lại nhấn công tắc chính

Lúc này:

  • Nhấn và giữ nhẹ để kích hoạt độ sáng 3000 Lumens, nhả tay ra đèn tắt
  • Nhấn và giữ mạnh để kích hoạt nháy Strobe ở 6500 Lumens, nhả tay ra đèn tắt

Khóa an toàn: có 2 mức

Nitecore EDC29 có 2 nấc khóa là “Semi Lock” và “Full Lock”

  • Semi Lock vẫn cho phép kích hoạt công tắc chức năng bởi nó được đặt chìm xuống nên tỉ lệ bị kích hoạt vô ý rất thấp.
  • Full Lock sẽ khóa luôn cả 2 công tắc

  • Kích hoạt Semi Lock: 1 tay nhấn giữ công tắc chức năng đồng thời gạt chốt khóa lên trên
  • Kích hoạt Full Lock: gạt chốt khóa lên trên là được

-> Gạt chốt xuống dưới để mở khỏa ở cả 2 chế độ.


Tóm gọn lại những điểm thông minh và đáng tiền mình thấy ở giao diện sử dụng này:

  • Khả năng truy cập nhanh được các mức sáng: 15  – 3000 – 6500 Lumens và Strobe
    • Truy cập nhanh 15 Lumens: giúp không bị choáng và lộ vị trí khi cần chỉ độ sáng thấp vào ban đêm để đọc bản đồ, tìm đường, soi tầm gần,…
    • Truy cập nhanh 3000 – 6500 Lumens: cho những tình huống cần độ sáng cao trong thời gian ngắn
    • Truy cập nhanh nháy Strobe: cho các tình huống tự vệ để thoát thân
  • Chọn trước được mức sáng trước khi bật đèn, chiếc màn hình OLED góp phần không nhỏ vào tính năng này
  • Lập trình được giữa 2 chế độ của công tắc chức năng, giúp phù hợp với nhu cầu của mỗi người

7. Khả năng chiếu sáng 

Ở trong nhà thì mình thấy từ độ sáng 400 Lumens đổ xuống là đã đủ cho mọi nhu cầu sử dụng, trên mức này hơi thừa.

Ngoài trời, chưa bật đèn.

Độ sáng cực đại 6500 Lumens với tầm chiếu xa 370 mét.

Mức 3000 Lumens với tầm chiếu 400 mét.

1200 Lumens.

400 Lumens đủ cho các nhu cầu cơ bản ngoài trời.

100 Lumens đủ đi dạo.

15 Lumens dùng trong nhà ổn.

 

8. Thời lượng hoạt động

Mức sáng 3000 Lumens và 6500 Lumens chỉ được thiết kế để duy trì trong thời gian rất ngắn nên mình đo thời lượng hoạt động của cây này ở 1200 và 400 Lumens, kết quả cho ra khá ổn:

  • Mức 1200 Lumens: duy trì được tới 2 phút trước hạ hạ xuống ~ 650 Lumens và sáng ổn định trong 75 phút trước khi hạ tiếp vì hết pin. Tổng thời lượng sáng đạt 91 phút ~ 1.5 tiếng.
  • Mức 400 Lumens: duy trì ổn định một mạch tới khi hết pin, đạt 182 phút ~ 3 tiếng.

Với viên pin dung lượng 2500mAh thì việc duy trì ổn ở 400 Lumens được 3 tiếng là quá đủ cho nhu cầu sử dụng với cường độ khá cao ở ngoài trời.

So với thông số mà hãng công bố thì có thể thấy kết quả thực tế rất sát và trùng khớp ở mức 400 Lumens. Và mức 100 Lumens chỉ cần duy trì được cỡ 10 tiếng thực tế thôi là ổn rồi.

9. Tổng kết

Nitecore thật sự đã không đùa cợt với cây đèn này, đến nỗi có thể dùng nó để làm mình họa cho câu nói “nhỏ và có võ”. Nhiều reviewer bên nước ngoài với máy đo chuyên dụng còn cho biết rằng độ sáng cực đại của cây này đạt khoảng 8900 Lumens chứ không chỉ là 6500 Lumens như công bố. Mình có đo qua khi sử dụng mức 1200 Lumens làm mốc thì nó đạt khoảng ~ 8400 Lumens.

Nếu như dòng ARKFLED của Olight được thiết kế thuần cho mục đích EDC với công tắc đặt gần đầu thì EDC29 hay dòng đèn EDC của Nitecore nói chung lại đáp ứng tốt được tất cả trong 1, bao gồm EDC, tác chiến và tự vệ cá nhân.

Bỏ qua độ sáng khủng mang tính chất quảng cáo thì mình vẫn đánh giá Nitecore EDC29 làm một cây đèn đạt Level tiệm cận hoàn hảo, từ thiết kế, giao diện sử dụng cho tới khả năng duy trì ổn định ở độ sáng từ 4-600 Lumens.

Cần lưu ý một số điều trước khi quyết định xuống tiền với EDC29:

  • Đèn nóng cực nhanh từ 3000 Lumens trở lên
  • Khả năng chống nước hạn chế với IP54, chỉ đủ đi mưa chứ rơi nước là toang đấy. Anh em dùng đi hang động hay với cường độ sử dụng khắc nghiệt thì nên cân nhắc.
  • Pin sạc tích hợp với ưu điểm là độ ổn định cao nhưng sau 1 thời gian dài sử dụng sẽ cần gửi hãng để thay thế nếu cần
  • Màn hình OLED chỉ hiển thị độ sáng tối đa tại mức đó chứ không hiển thị độ sáng sau khi đã hạ

=> Nhìn chung thì với đúng nhu cầu sử dụng là một cây đèn EDC cho đô thị với nhiều công nghệ hiện đại thì Nitecore EDC29 là một sự lựa chọn rất đáng cân nhắc.