Review nhanh đèn pin dẹt mới của Nitecore: EDC29 & EDC27 UHI

0
7

Mình mới nhận được 2 mẫu đèn mới của Nitecore trong Serie “EDC” mà họ mới tung ra vào đầu năm 2023, tập trung vào phát triển đèn pin công suất cao nhưng phải nhỏ gọn để mang theo người hàng ngày được.

Nitecore đã có một hướng tiếp cận hay cho dòng sản phẩm mới này là làm đèn pin dạng thân dẹt thay vì dạng ống truyền thống. Hiện tại thì vẫn có 2/7 mẫu đèn trong Serie này làm thân ống là EDC33 & EDC35 nhưng còn lại toàn là thân dẹt mà tiên phong là cây EDC27 sáng 3000 Lumens.

Nếu xét riêng về việc thiết kế một cây đèn tối ưu nhất cho mục đích EDC (Every day carry) thì mình thấy thân dẹt cho rất nhiều lợi thế như:

  • Mỏng dẹt: bỏ túi rất thoải mái, đặc biệt với túi chật của quần Jean cũng không thấy bị cấn, cộm
  • Dùng pin sạc Lithium Polymer: loại pin này có kích thước nhỏ nhưng dòng xả cao, từ đó cho độ sáng cũng ấn tượng
  • Trải nghiệm cầm nắm tốt: như 2 cây Nitecore mới này mình thấy cầm nắm và thao tác còn thích hơn đèn thân ống có cùng cấu hình

Danh mục bài viết:

  1. Video
  2. Nitecore EDC27 UHi
  3. Nitecore EDC29

1. Video


Nitecore EDC27 UHI và EDC29 mình mới nhận là 2 mẫu đèn thân dẹt mới và có cấu hình khủng nhất của hãng này ở thời điểm viết bài, với:

  • Nitecore EDC27 UHI sáng 3100 Lumens, chiếu xa 305 mét với thân nặng chỉ ~ 120g: Bisu đang bán 2.190.000đ
  • Nitecore EDC29 sáng 6500 Lumens, chiếu xa 400 mét với thân nặng ~ 160g, cây này đang gây bão trong cộng đồng đèn pin: Bisu đang bán 2.700.000đ

Nitecore bảo hành 2 năm cho đèn có pin tích hợp trong thân của mình.

Điểm chung của 2 mẫu đèn này là được tối ưu cho EDC lẫn khả năng tác chiến/tự vệ nhờ hệ thống công tắc kép đặt ở đuôi cùng giao diện sử dụng thông minh.

Ngôn ngữ thiết kế này khác hẳn với dòng ARKFELD của Olight chỉ thuần cho mục đích EDC với công tắc đặt ngang thân.

Đáng chú ý nữa là Nitecore trang bị cho 2 cây này chip LED Nitelab UHI 20 cho họ tự phát triển với hiệu năng và khả năng chiếu xa vượt trội.

Như EDC27 UHI dùng 2 chip LED UHI 20 còn EDC29 dùng 2 chip UHI 20 MAX với 9 nhân LEDs mỗi chip.


Mình mới nhận đèn nên sẽ giới thiệu sơ qua cho mọi người về thiết kế và tính năng của từng cây. Còn review chi tiết thì đợi mình trải nghiệm kĩ đã nhé!

*Lưu ý: Một hạn chế trên dòng đèn pin “EDC” thân dẹt của Nitecore nói chung chính là khả năng chống nước chỉ đạt IP54, tức là sử dụng được trong trời mưa nhưng nếu đem ngâm nước sâu thì dễ toang nhé!

Với thiết kế thân 2 mảnh ghép lại và có cổng sạc Type-C tích hợp như này thì việc đạt chuẩn chống nước từ IP67 trở lên là rất khó.

 

2. Nitecore EDC27 UHI (3100 Lumens)

Nitecore EDC27 UHI là một phiên bản nâng cấp của EDC27 được Nitecore trang bị chip LED UHI 20 do chính họ phát triển thay vì Luminus SFT40 đang được nhiều hãng đèn sử dụng.

Theo Nitecore thì sự thần thánh của con chip UHi 20 này nằm ở chỗ nó có tiết diện nhân nhỏ hơn 41% và cường độ sáng cao hơn 43% so với Luminus SFT40 – đem lại khả năng chiếu xa vượt trội tới 305 mét.

3 chip LEDs UHI20 trên Nitecore EDC27.

305 mét nghe có vẻ không quá ấn tượng cho tới khi bạn nhìn vào hệ thống chóa đèn bé tí này. Thường với chóa như này thì chiếu được tầm 120 mét theo thông số là đã quá ổn rồi.

Độ sáng 3100 Lumens của Nitecore EDC27 UHI

Mình cũng chưa tin lắm nên đem ra ngoài chiếu thử thì cũng shock luôn. Ở 3100 Lumens cây này dễ dàng đạt tầm chiếu hiệu quả ~ 150 mét ngon lành. Mình hiện không có cây EDC27 ở đây để so sánh, nhưng chắc chắn SFT40 không làm được điều này.

Có thể thấy ánh sáng của cây này khá đẹp, không có hiện tượng lệch tâm như chip LED của Osram khi căn không chuẩn.

Nitecore EDC27 UHI có tổng cộng 5 mức sáng được chia hợp lý, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng từ trong nhà ra ngoài trời. Đèn có cả nháy Strobe ở độ sáng 3100 Lumens.

Cả EDC27 UHI và EDC29 đều có thân bằng thép gia cường được mạ Titanium chứ không phải nhôm, lý do là bởi thân dẹt sẽ có độ bền kép thân thân ống nên đòi hỏi vật liệu phải đủ cứng cáp. Tuy thân bằng thép nhưng trọng lượng của đèn vẫn nhẹ nhàng.

Như cây EDC27 UHi này nặng chỉ khoảng ~ 123g.

Bên trong thân được trang bị pin sạc Lithium Polymer dung lượng 1700mAh với dòng xả tối đa lên tới 10A.

Pin được sạc trực tiếp qua cổng Type-C đặt ở vị trí gần công tắc (nhớ đóng nắp mỗi khi sạc xong).

Hệ thống công tắc kép đặt ở đuôi cho khả năng phản ứng nhanh và chính xác, đi kèm giao diện sử dụng mình đánh giá là rất thông minh với khả năng truy cập được mức sáng thấp nhất, cao nhất và cả nháy Strobe mà vẫn dễ sử dụng.

Tất nhiên đèn có cả chức năng khóa điện tử bởi công tắc làm lồi hẳn lên như này sẽ dễ bị cấn gây kích hoạt vô ý khi để trong túi, balo,…

Một tính năng mình đánh giá cao là chiếc màn hình OLED nhỏ hiển thị các thông số như dung lượng pin (có báo volts), độ sáng hiện tại và nhất là thời gian sáng còn lại theo thời gian thực.

Nitecore EDC27 UHI đem lại trải nghiệm sử dụng tốt với thiết kế phải nói là hoàn hảo để bỏ túi dù kích thước tổng thể cây này cũng không phải là “siêu mini” hay gì.

Về hiệu năng thực tế thì mức Turbo 3100 Lumens chỉ duy trì được < 10s bởi lâu hơn là đèn sẽ quá nhiệt. Vì được trang bị cảm biến nhiệt độ chủ động (ATR) nên một khi đèn đã quá nóng thì có muốn bạn cũng không kích hoạt lên Turbo được nữa, đây là một tính năng tốt và an toàn.

Nghe có vẻ thất vọng nhưng được quảng cáo là sáng khủng “3100 Lumens” nhưng độ sáng ổn định nhất mà cây này duy trì được cho tới khi hết pin là ~ 200 Lumens. Còn mức 1100 Lumens cũng sẽ hạ sáng nhưng không quá đột ngột, đủ để dùng khi cần gấp độ sáng cao.

Dù sao nếu chơi đèn lâu năm thì anh em chắc cũng bỏ thói quen chỉ nhìn vào độ sáng quảng cáo khi mua đèn pin rồi. Còn nếu xét tới những yếu tố khác như thiết kế, giao diện sử dụng và trải nghiệm sử dụng tổng thể thì mình cho cây này 8/10 nhé!

3. Nitecore EDC29 (6500 Lumens)

Đây là thủ phạm gây bão trong các cộng đồng đèn pin trong nước và quốc tế kể từ khi nó ra mắt cách đây hơn 1 tháng. Mình cũng không hiểu mấy ông kĩ sư Nitecore hút cái gì mà quyết định cho cây đèn bé như này sáng tới 6500 Lumens?!

Nhưng rồi câu hỏi lại nhanh chóng chuyển từ “Tại sao” sang “Làm thế nào?”

Thì câu trả lời nằm trong bức ảnh này: hệ thống 2 chip LEDs Nitelab UHI20 MAX, mỗi chip có 9 nhân với nhân giữa để chiếu xa, 8 nhân xung quanh cho ánh sáng tỏa rộng.

3000 Lumens của Nitecore EDC29

Vậy nên cây EDC29 này đạt tầm chiếu xa tới 400 mét nhưng ở độ sáng là 3000 Lumens bởi lúc này chỉ có 2 nhân LEDs ở giữa được kích hoạt.

6500 Lumens của Nitecore EDC29

Còn khi lên 6500 Lumens thì khả năng chiếu xa chỉ còn 370 mét nhưng ánh sáng lại tỏa rộng hơn rất nhiều. Độ sáng này đủ làm ngay cả anh em chơi đèn pin lâu năm cũng phải trầm trồ.

Đèn có tổng cộng 6 mức sáng cùng chế độ nháy Strobe ở 6500 Lumens.

Tổng trọng lượng của EDC29 là ~ 157g. Tuy dày hơn EDC27 UHI ~ 3mm nhưng mình thấy trải nghiệm cầm nắm và bỏ túi vẫn rất ổn.

EDC29 có thiết kế hầm hố và góc cạnh hơn tất cả các phiên bản trước, chủ yếu do các lá tản nhiệt được bổ sung thêm dọc thân.

Mặt sau có clip cài túi được cố định với thân bằng ốc vít.

Một chi tiết nhỏ nhưng giá trị trên cây EDC29 này chính là lẫy khóa vật lý, đưa đèn về chế độ khóa an toàn chỉ bằng 1 thao tác gạt nhanh gọn chứ không phải nhấn như khóa điện tử của EDC27UHi.

Gạt lên là sẽ khóa cả 2 công tắc, tránh bị vô ý kích hoạt.

Nitecore EDC29 tích hợp pin sạc Lithiu Popymer dung lượng 2500mAh với dòng xả tối đa lên tới 20A để cân được độ sáng khủng 6500 Lumens.

Về hiệu năng thực tế thì cả 2 mức 3000 6500 Lumens chỉ duy trì được < 10s trong điều kiện sử dụng thông thường bởi nhiệt lượng tỏa ra là rất kinh khủng.

Tuy nhiên với lợi thế là thân to và pin dung lượng cao hơn nên EDC29 có thể duy trì mức 1200 Lumens rồi mới hạ sáng và duy trì ổn định 400 Lumens tới khi hết pin được ~ 3 tiếng theo thông số mà hãng công bố.

Mức 400 Lumens rất thực dụng

Đây là độ sáng đủ đáp ứng > 80% các nhu cầu sử dụng ở ngoài trời, ngay cả đi rừng.

Hẹn các bạn khoảng 1-2 tuần nữa sẽ có đánh giá chi tiết về Nitecore EDC29 nhé!