Review Fenix PD40R V2.0 – 3000 Lumens, pin 21700, công tắc xoay vật lý!

0
3279

Thời điểm 3-5 năm trước, bên cạnh 18650 thì pin sạc cỡ 26650 rất được chuộng vì chúng có thể đạt dung lượng tới 5000-5500mAh, đem lại cho đèn pin runtime rất tốt. Có thể nói mấy cây đèn pin cầm tay dùng 1 viên 26650 là chuẩn mực cho chiếu sáng ngoài trời, nếu đi đâu xa thì chỉ cần mang theo 1-2 viên để dự phòng là thoải mái dùng.

Tầm 2015 Fenix có dòng đèn pin PD40 đầu tiên, chạy 1 viên pin sạc 26650 và đạt độ sáng 1600 Lumens. Cây này thời đó là mơ ước của bao người vì sáng khủng kèm runtime trâu bò.

2 năm sau Fenix lại tung ra tiếp phiên bản PD40R, vẫn dùng 1 pin 26650 nhưng nâng công suất cực đại lên 3000 Lumens, trang bị công tắc kép vào cổng sạc Micro USB trên thân. Dân du lịch bụi, đi rừng, cắm trại mà có cây này trong balo hay túi áo là tự tin lắm!


Bây giờ pin sạc 21700 lên ngôi, các hãng cũng ít sản xuất đèn dùng pin 26650 hơn cũng bởi dùng dung lượng 5000mAh mà 26650 lại nặng hơn hẳn. Fenix sau khi tung ra liên tiếp các mẫu đèn pin dùng 21700 như PD36R, TK22 V2.0, HT18, TK26R,… thì cũng cho lên kệ phiên bản PD40R V2.0 mới nhất.

Fenix PD40R V2.0 vẫn giữ nguyên độ sáng cực đại 3000 Lumens nhưng thay đổi hẳn thiết kế, thân dùng pin 21700 nên nhỏ gọn hơn, có cổng sạc Type-C và hay ho nhất là loại bỏ công tắc bấm truyền thống mà thay vào đó là công tắc xoay vật lý!

Thông số kỹ thuật:

  • Trang bị led Luminus SST70
  • Độ sáng cực đại 3000 Lumens
  • 4 mức sáng + chế độ nháy Strobe
  • Chiếu xa 405 mét
  • Dùng 1 pin sạc 21700
  • Có cổng sạc Type-C trên thân, chống nước 2 lớp
  • Trang bị công tắc xoay vật lý
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm hàng không
  • Chống va đập 1.5 mét
  • Chống nước IP68

Mở hộp và đánh giá chi tiết

Cách đóng hộp như thường lệ.

Bây giờ đèn pin của Fenix hiếm cây nào không có pin đi cùng nên mua về là dùng luôn. Với PD40R V2.0 thì có đi kèm 1 viên pin sạc 21700 5000mAh của Fenix (giá bán lẻ là 590.000vnđ), dây sạc Type-C, dây đeo tay, bao đựng, gioăng chống nước dự phòng và hdsd.

Fenix hiện có 2 loại pin sạc 21700. Một loại dòng xả cao, dung lượng 4000mAh chuyên dùng cho mấy cây đèn sáng khủng như LR35R 10.000 Lumens. Còn PD40R V2.0 dùng loại dòng xả thường, dung lượng 5000mAh.

Pin đầu lồi, có mạch bảo vệ ở cực dương.

Dùng pin của hãng thì luôn rất yên tâm và lại có bảo hành tận 1 năm nữa!

Dây đeo tay.

Dây sạc Type-C loại xịn, không dài lắm nhưng cũng đủ dùng.

Cây này đi kèm bao đựng loại xịn nhất của Fenix, chắc chắn và linh hoạt khi có thể cài lên balo, thắt lưng,…

1. Kích thước

Fenix PD40R V2.0 có kích thước là: 138mm x 33.2mm x 26mm (dài x đường kính đầu x đường kính thân), nó nhỏ hơn PD40R bản cũ với kích thước là 138.8mm x 34mm x 30mm. Vì phiên bản cũ đã hết hàng nên tôi không so sánh được kích thước của 2 cây, dù vậy bản V2.0 của PD40R tôi thấy là gọn hơn khá nhiều và hoàn toàn có thể bỏ túi quần được.

Tôi đặt PD40R V2.0 cạnh Fenix TK06 và viên pin sạc 21700.

Tôi cũng đã viết một bài review TK06 từ hồi tháng 8, nó là một trong những cây đèn pin tác chiến 18650 nhỏ nhất tôi từng cầm. Chiều dài của TK06 còn chưa bằng bàn tay.

PD40R V2.0 có kích thước nhỉnh hơn TK06 một chút và thực tế tôi thấy cây này đút túi vẫn rất ok, không bị cấn và nặng như PD40R bản cũ.

Cây đèn vẫn nằm gọn trong lòng bàn tay.

Cầm nắm thao tác rất thoải mái.

Trọng lượng cả pin của cây này là 190g.

Nặng hơn TK06 chỉ khoảng 60g tức là ngang một quả trứng gà. Trong khi đó PD40R V2.0 lại có độ sáng gấp gần 4 lần và pin dung lượng cao hơn gần 2 lần.

Nhìn chung là với bản cũ của PD40R chỉ phù hợp để bỏ balo hoặc cho vào bao đựng rồi để ở thắt lưng thì phiên bản V2.0 này hoàn toàn có thể bỏ túi để dùng hàng ngày như một cây đèn EDC.

2. Thiết kế và chất lượng gia công

Tôi thấy PD40R V2.0 mang thiết kế lột xác hoàn toàn so với phiên bản cũ, hầu như không thừa kế điểm nào nổi bật. Bản mới nhìn gọn gàng, đẹp hơn, hiện đại hơn.

Công tắc dạng bấm ở đầu đèn được thay bằng công tắc xoay vật lý.

Thân nhìn rất liền mạch và chắc chắn, lại còn có cả clip cài.

Chất lượng gia công tinh xảo đến từng chi tiết nhỏ nhất, đây là điểm khác biệt giữa việc bỏ 3 triệu và 1 triệu cho một cây đèn pin.

Thân đèn của PD40R V2.0 nhỏ hơn nên việc cài túi quần là hoàn toàn khả thi. Thực tế tôi thấy ngoài việc đầu đèn hơi to gây cộm xíu thì cây này khi bỏ túi cũng không khác nhiều so với đèn dùng 1 pin 18650.

Clip cài làm bằng thép được mạ màu đèn cho đồng bộ với màu tổng thể của cây đèn. Chất lượng rất ngon nhé, không bị lỏng lẻo. Đây cũng là clip có thể tháo rời được nhưng theo tôi nên để vậy dùng cho tiện.

Đuôi đèn với 4 lỗ xỏ dây lanyard nhìn cực dày dặn.

Đuôi dạng phẳng nên hoàn toàn đứng được. Hiện tôi chưa tìm được cái tản sáng nào vừa cây này nhưng khi nhà mất điện thì dựng đứng bằng đuôi rồi bật hắt trần cũng rất hợp lý!

Đuôi được gắn chặt nên cây này chỉ tháo được phần đầu để thay pin.

Thân đèn của Fenix PD40R V2.0 rất dày, phải đến 2 li. Thân dày như này tôi thường chỉ thấy trên đám đèn pin Mĩ đắt tiền, điển hình là Malkoff.

So sánh với thân của Fenix TK06. Độ dày như này đem lại cảm giác rất đầm tay và yên tâm khi sử dụng!

Nhìn ren vặn và gioăng cao su dày cộp thì biết ngay là đèn của Fenix rồi, rất chất lượng!

Lò xo tiếp xúc ở đuôi đèn, to, dày và được mạ vàng để tối ưu hóa nội trở, giúp đèn đạt công suất tối đa.

Tiếp xúc ở đầu đèn là một cực bằng đồng với 2 miếng kim loại để chống lắp ngược cực pin. Thiết kế này đã thấy nhiều trên các dòng đèn trước đây của Fenix chẳng hạn như E30R, LD30,… với ưu điểm là đơn giản, hiệu quả. Nhược điểm duy nhất của thiết kế tiếp xúc này là bạn không thể dùng được pin đầu phẳng.

Cầm riêng thân và đầu của cây đèn đã thấy chất lượng thực sự, rất dày dặn và tinh xảo.

Lắp lại với nhau thì nhu cầm cục nhôm nguyên khối vậy.

Lòng vòng mãi cũng đến điểm đáng tiền của Fenix PD40R V2.0: công tắc xoay vật lý. Fenix loại bỏ hoàn toàn công tắc dạng bấm thông thường và thay vào đó là công tắc dạng xoay, thiết kế mà chúng ta chỉ thấy trên các mẫu đèn pin lặn chuyên dụng với khả năng chống nước ở độ sâu tới 100 mét!

Trước khi đi sâu hơn thì hãy lưu ý rằng công tắc vặn là một thiết kế không mới trên đèn pin. Tôi không rõ Fenix có phải tiên phong không nhưng lại chắc chắn rằng họ là một trong những hãng làm ngon nhất. Thêm nữa là nhiều hãng có xu hướng là công tắc xoay là dạng từ tính với ưu điểm là cho cảm giác xoay khá mượt.

Fenix thì lại làm dạng xoay vật lý, tôi chưa rõ cấu tạo cụ thể bên trong ra sao như theo hãng thì thiết kế này có ưu điểm lớn là nó sẽ không bị ảnh hưởng khi sử dụng tại những nơi bị nhiễu từ trường. Công tắc xoay từ tính hầu như sẽ bị vô hiệu hóa, không sử dụng được tại những khu vực nêu trên.

Ưu điểm đã rõ là sự bền bỉ, đáng tin cậy, còn nhược điểm của công tắc xoay vật lý thì tôi thấy là cảm giác xoay khá nặng, không mượt được như từ tính.

Công tắc dạng xoay nói chung rất hay ở chỗ là nó tối giản hóa cái giao diện sử dụng xuống mức tối đa, khiến cây đèn cực dễ dùng nhưng cũng không kém phần tiện lợi. Nếu như ở công tắc bấm truyền thống thì bạn phải bấm hoặc nhấn giữ để bật tắt đèn, chuyển mức sáng, rồi nhấn đúp để Turbo, nhấn 3 cái khóa đèn, nhấn 1 cái check pin, vân vân và mây mây.

Những ai dùng quen rồi thì chẳng vấn đề gì nhưng đưa cho người già thì hầu như họ lắc đầu quầy quậy vì quá khó nhớ. Còn với công tắc xoay thì tất cả những việc cần làm là xoay một vòng đến mức sáng cần dùng, rất đơn giản! Fenix PD40R V2.0 có 4 mức sáng, tương ứng với 4 vạch ở đầu đèn, vạch cuối cùng là chế độ nháy Strobe, vạch đầu tiên là trạng thái tắt.

Cái công tắc dạng này còn ngon ở điểm là trong đêm tối, bạn vớ được cây đèn thì cũng có thể thao tác rất chính xác tới độ sáng mình mong muốn mà không hề bị bất ngờ. Việc truy cập nhanh mức Low, Turbo hay Strobe đều được thực hiện trong vòng 1s hoặc ít hơn!

Khi cây này mới ra mắt thì tôi rất kỳ vọng vào việc thao tác đèn bằng một tay. Nhưng mà khi nhận được đèn thì lại thấy cái công tắc nó khá nặng, nếu dùng không quen mà bật bằng một tay thì rất dễ bị quá lực và nhảy sang các mode khác. Có thể say một thời gian dài sử dụng thì công tắc cũng trơn tru hơn và tay cảm nhận lực tốt hơn nên sẽ thao tác bằng một tay được, còn hiện tại tôi vẫn dùng 2 tay cho chắc.

Công tắc xoay này được làm chống nước, chống bụi nhưng tôi vẫn lo rằng khi sử dụng ở những môi trường quá bẩn, nhiều bụi mịn thì nó sẽ có khả năng bị kẹt hoặc rít, vì thế hãy lưu ý điều này trước khi mua. Còn nếu bạn hay dùng ở những môi trường như vậy thì mua đèn công tắc bấm bình thường nhé!

Phía dưới công tắc, cạnh cổng sạc có một đèn led nhỏ để báo pin.

Khi đèn chính được bật thì đèn nhỏ báo pin này sẽ sáng trong khoảng 2-3s. Như trong hình đèn sáng đỏ là pin sắp hết rồi.

Tôi nghĩ mọi cây đèn nên có một đèn nhỏ báo pin như này, nó giúp người dùng chủ động hơn rất nhiều trong việc sạc và mang pin dự trữ  theo.

Nắp cao su đậy rất chắc chắn

Cuối cùng là cổng sạc. PD40R V2.0 được nâng cấp sử dụng cổng Type-C thay vì Micro USB như bản cũ. Nhiều người vẫn không thích cổng sạc trên thân đèn nhưng tôi thì luôn coi nó là một tính năng đáng tiền, đặc biệt khi Fenix làm cổng sạc rất cẩn thận, chống nước từ bên trong luôn nên tuyệt đối yên tâm.

Mới một cây đèn pin đa dụng như PD40R V2.0 thì có một cái cổng sạc trên thân lại càng hợp lý. Có thể thấy rõ cây này được thiết kế để sử dụng cho các nhu cầu chiếu sáng cường độ cao ngoài trời nên việc sạc pin cũng phải linh hoạt.

Khi sạc thì đèn sẽ báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh và tự ngắt.

Bạn có thể tận dụng bất kỳ thời gian rảnh nào cắm cây đèn vào dây sạc thay vì phải tháo pin ra, lắp vào bộ sạc rời rồi lại lắp vào đèn!

Kể cả dùng mới mục đích EDC (mang theo hàng ngày) thì sạc pin qua cổng sạc cũng tiện hơn nhiều so với sạc rời. PD40R V2.0 dùng pin dung lượng cao nên có khi cả 1-2 tuần mới phải sạc pin một lần.

Dòng sạc khá nhanh, khoảng 1.5A. Với dòng sạc này thì sẽ mất khoảng 3.5-4 tiếng để sạc đầy viên pin 21700 dung lượng 5000mAh.

3. Hệ thống quang học và khả năng chiếu sáng

Trái tim của PD40R V2.0 là nhân led SST70 ánh sáng trắng của hãng Luminus. Con led này có công suất cực đại tới 3500 Lumens, thậm trí cao hơn nếu ép dòng. Fenix chỉ cho chạy ở 3000 Lumens nên rất mát mẻ và bền.

PD40R V2.0 cũng là một cây đèn chuyên chiếu xa với khoảng cách > 400 mét. Điều này có được là nhờ chóa dạng trơn và khá sâu.

Test các mức sáng

Beam sáng đèn pin của Fenix luôn đẹp và đều, PD40R V2.0 cũng không phải ngoại lệ.

Mức Low: 30 Lumens, runtime hơn 88 tiếng

Mức Medium: 350 Lumens, runtime 8.5 tiếng.

Mức High: 1000 Lumens, runtime 3.1 tiếng

Mức Turbo: 3000 Lumens, runtime 2.4 tiếng

Tôi thấy Fenix PD40R V2.0 vẫn thiên về chiếu sáng ngoài trời khi nó thiếu các mức 100-150 Lumens để dùng trong nhà. Thực tế 30 Lumens vẫn soi tốt trong nhà nhưng nhiều trường hợp cần ánh sáng mạnh hơn thì mức 350 hay 1000 Lumens lại bị sáng quá.

Test ở không gian rộng

Khi chưa bật đèn

Turbo 3000 Lumens, rất ấn tượng!

High 1000 Lumens. Mức sáng này đủ dùng cho đa số các hoạt động ngoài trời rồi, cần thiết lắm mới nhảy lên 3000 Lumens.

Và nếu đi xuyên rừng hay hiking ban đêm thì có lẽ 350 Lumens là hợp lý nhất. Đủ sáng để soi đường mà lại tiết kiệm pin, đủ dùng xuyên đêm.

Turbo 3000 Lumens.

High 1000 Lumens.

4. Test Runtime

Runtime thực tế của cây này test được có thấp hơn so với runtime công bố. Riêng mở mức Turbo tôi test 2 lần:

  • Lần 1 (đường màu xanh): có bật một quạt nhỏ để tản nhiệt, đèn chạy được 87 phút.
  • Lần 2 (đường màu cam): không có quạt tản nhiệt, đèn hạ xuống độ sáng thấp hơn nên chạy được 115 phút.

Mức High 1000 Lumens thì rất ổn định, duy trì được 126 phút.

Runtime tôi đo vẫn tuân thủ theo chuẩn ANSI/PLATO FL1 nên chỉ tính từ lúc bắt đầu bật đèn cho tới khi độ sáng còn bằng 10% lúc ban đầu, sau đó thì không tính nữa. Nhưng xét về khía cạnh sử dụng thì sau khi hạ xuống < 10% độ sáng ban đầu thì đèn vẫn còn sáng được rất lâu ở mức ~ 30 Lumens, đủ dùng cho các trường hợp khẩn cấp.

5. Tổng kết

Ấn tượng chung của tôi về PD40R V2.0 là rất tốt, nó đã không còn thô kệch như phiên bản cũ mà được lột xác hoàn toàn với thiết kế đẹp, nhỏ gọn, chất lượng gia công tuyệt vời và hiệu năng tốt. Nếu để bỏ túi quần mang theo hàng ngày thì tôi sẽ không chọn cây này vì dù sao nó vẫn khá to, gây không thoải mái cho sinh hoạt cả ngày. Nhưng những ai hay mang theo một túi nhỏ hoặc balo để đựng đồ EDC thì chắc không phải lăn tăn gì nữa!

Còn vẫn muốn bỏ túi một cây đèn dùng pin 21700 bởi đơn giản là nó cho runtime quá tốt thì hãy tham khảo Fenix PD36R, chuẩn bài luôn!