Đèn pin Zoom là cái gì đấy đã ăn rất sâu vào tiềm thức của nhiều anh em, dù là người dùng phổ thông hay dân chơi đèn pin. Cứ 10 người hỏi mua đèn pin thì chắc phải 80% hỏi là có zoom được không?
Đèn pin zoom rất tiện, có thể thay đổi tiêu cự ánh sáng để chiếu xa gần tùy ý, linh hoạt hơn đèn dùng chóa cố định và rẻ hơn rất nhiều so với đèn dùng hệ thống quang học đa kênh.
Mỗi tội đèn pin zoom chống nước rất kém và hiệu suất thường ko cao nên các hãng lớn không mặn mà mấy, anh em thường chỉ thấy cơ chế zoom trên mấy cây đèn pin giá rẻ, hoặc hiếm lắm có Ledlenser là hãng lớn chuyên về đèn dạng này.

Fenix cách đây khoảng 6-7 năm có làm đèn pin zoom với thiết kế kín nước được, nhưng ánh sáng cho ra xấu thậm tệ và bất tiện nên cũng sớm bị khai tử. Cứ tưởng số phận của loại đèn này đã được an bài, ít nhất là với Fenix thì tầm cuối năm ngoái hãng bất ngờ tung ra cây LD45R khiến mình rất kinh ngạc về công nghệ của nó.
Fenix LD45R được trang bị công nghệ zoom điện tử tân tiến đến nỗi mình ngồi nghiên cứu mãi vẫn chưa thực sự hiểu 100% nó hoạt động kiểu gì, chỉ biết là nó rất hiệu quả và dùng rất sướng. Chúng ta sẽ cùng xem xét kĩ hơn trong nội dung bài viết.
> Đèn pin Fenix LD45R có giá bán 3.640.000đ với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng tại Bisu <
- Tặng riêng các bạn đọc 1 coupon giảm giá 10%: LD45R5XSR5FENIX
Danh mục bài viết:
- Video
- Thông số kĩ thuật
- Mở hộp và phụ kiện
- Kích thước
- Công nghệ Zoom điện tử (LC DEL)
- Thiết kế và tính năng
- Giao diện sử dụng
- Khả năng chiếu sáng
- Thời lượng hoạt động
- Tổng kết
1. Video
2. Thông số kĩ thuật
- Độ sáng cực đại: 2800 Lumens
- Chiếu xa: 480 mét
- Chip LED: Luminis SFT70, tuổi thọ 50.000 giờ
- Công nghệ zoom điện tử LC DEL tân tiến
- Loại pin tương thích: 21700
- Cổng sạc: Type-C
- Công tắc xoay 270° và nhấn kết hợp
- Màn hình OLED hiển thị các thông số hoạt động
- Thân vỏ bằng hợp kim nhôm A6061-T6 cao cấp, xử lý mạ Anodize HAIII tăng độ cứng
- Kích thước: 155.3 x 44.5 x 32mm
- Trọng lượng: 302g (cả pin)
- Chống nước: IP68
Bảo hành 5 năm chính hãng!
3. Mở hộp và phụ kiện
Cách đóng hộp sản phẩm quen thuộc của Fenix, lịch sự và trực quan!
Bên trong bao gồm:
- 1 x Thân đèn FD45R
- 1 x Bao đựng đèn
- 1 x Pin sạc 21700 5000mAh của Fenix
- 1 x Cáp sạc Type-C
- 1 x Dây đeo tay
- 1 x O-ring chống nước sơ cua
- 1 x HDSD
4. Kích thước

Fenix LD45R có kích thước khá to so với mặt bằng chung của đèn chạy pin sạc 21700, có lẽ phải vậy mới đủ thông gian cho hệ thống Zoom.
Kích thước tổng thể của cây này là: 155.3 x 44.5 x 32mm với trọng lượng ~ 302g tính cả pin.
Trải nghiệm cầm nắm, thao tác tốt, rất chắc tay!
5. Công nghệ Zoom điện tử (LC DEL)
Đèn pin zoom truyền thống cơ bản có 2 dạng:
- Kéo đầu để Zoom (điển hình như LEDLENSER)
- Xoay để Zoom: di chuyển cụm kết cấu bên trong
Cả 2 loại đều là Zoom cơ khí, nếu mượt thì chống nước kém mà chống nước tốt thì lại không trơn tru khi thao tác. Anh em từng dùng mấy cây dòng LD đời cũ của Fenix sẽ thấy vặn Zoom rất nặng tay.
Còn LD45R thì hoàn toàn không có cơ cấu chuyển động cơ khí nào, chỉ đơn giản là xoay công tắc để thay đổi tiêu tự của ánh sáng từ hội tụ → bao quát và ngược lại. Ban đầu khi Fenix giới thiệu cây này mình cứ nghĩ đơn giản là bên trong có cụm động cơ điện để chỉnh tiêu cự, hóa ra mọi thứ nó phức tạp hơn vậy!
Fenix không giải thích nguyên lý hoạt động của cơ chế này nên mình phải tự tìm hiểu, vậy nên thông tin có thể không chính xác 100%.
Công nghệ này là LC DEL (Liquid Crystal Diffractive Electro-optic Lens) – ống kính điện quang học nhiễu xạ tinh thể lỏng:


Về cơ bản là 1 dạng thấu kính có thể điều chỉnh tiêu cự bằng điện áp, rất xịn và mới, được dùng nhiều trong kính VR, Camera hoặc kính mắt thông minh để auto điều chỉnh độ cận/viễn). Manker là hãng đầu tiên đưa công nghệ này lên đèn pin (Manker Crown), sau đó Acebeam trang bị trên cây W35 LC và giờ tới Fenix với LD45R.
Cây đèn sẽ sử dụng 1 thấy kính tinh thể lỏng đặc biệt và dòng điện thích hợp để tạo ra các cấu trúc nhiễu xạ nhìn giống dạng tổ ong, từ đó làm thay đổi tiêu cự ánh sáng
Ưu điểm của hệ thống này:
- Êm và bền vì không có bộ phận cơ học
- Phản ứng rất nhanh, gần như không có độ trễ
- Đặc biệt là ánh sáng hoàn hảo ở mọi giải tiêu cự, không bị hiệu ứng donut hole như đèn zoom truyền thống

Đèn Zoom truyền thống sẽ xuất hiện lỗ đen ở giữa tâm sáng ở một số giải tiêu tự nhất định.

Còn công nghệ của Fenix LD45R cho ánh sáng đẹp hoàn hảo ở mọi dải tiêu cự.
Hạn chế:
- Cần mạch điện tử điều khiển tinh vi
- Nhạy cảm với nhiệt độ (theo thông tin tìm hiểu được)
- Độ bền lâu dài chưa thực sự đc kiểm chứng trên đèn pin, may là Fenix bảo hành 5 năm
- Giá thành cao vì tinh vi, khó sản xuất hàng loạt
6. Thiết kế và tính năng
Dù có kích thước khá to so với các mẫu đèn cùng phân khúc nhưng Fenix LD45R lại có khả năng duy trì ổn định ở độ sáng cao nhờ khả năng tản nhiệt cực tốt.
Vặn nắp pin ra sẽ thấy thân vỏ của đèn được làm siêu dày, thường chỉ có đèn pin lặn hoặc đèn của Mĩ mới làm thân dày cỡ này.
Phần đầu có nhiều lá tản nhiệt cỡ lớn.
Thân chính được làm các rãnh chống trượt khi cầm nắm. Đường kính thân 44mm cũng cho trải nghiệm cầm chắc tay, không bị lọt thỏm.
Bên cạnh cơ cấu Zoom điện tử thì hệ thống quang học chính của LD45R vẫn là chóa phản xạ cùng chip LED Luminus SFT70 cho độ sáng cực đại 2800 Lumens, tầm chiếu 480 mét.
Vì dùng chóa nên ở chế độ chiếu xa ánh sáng của LD45R ăn đứt mọi loại thấu kính, kể cả TIR cao cấp của LED Lenser. Ngoài tâm chói ở chính giữa thì xung quanh vẫn có vùng tỏa để nhìn bao quát.
Ánh sáng Zoom gần ở mọi tiêu cực đều đẹp hoàn hảo, còn đèn Zoom cơ khí truyền thống thì nếu ở mức lỡ cỡ này ánh sáng rất xấu.
Đèn sử dụng pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh cho thời gian hoạt động liên tục tới 65 tiếng ở mức sáng thấp nhất (theo thông số). Lưu ý là phải dùng pin đầu lồi và có mạch bảo vệ, ngoài ra có thể dùng cả pin 18650 với Adapter của Fenix.
Pin được sạc trực tiếp qua cổng Type-C đặt ở đầu đèn, có nắp đậy đảm bảo kín nước và bụi IP68.
Tốc độ sạc thực tế đạt ~ 11.3W (5V/2.3W) cho phép đầy pin trong khoảng 3 tiếng.
LD45R được trang bị hệ thống công tắc gồm:
- Công tắc xoay 270° điều khiển cơ cấu Zoom
- Công tắc nhấn điều khiển các chế độ, mức sáng
Cả 2 công tắc nhạy, cho trải nghiệm thao tác tốt, đặc biệt công tắc xoay rất mượt và không bị trơn ngay cả khi đeo găng tay.
Là mẫu đèn thuộc phân khúc cao cấp nên LD45R cũng được trang bị màn hình OLED hiển thị các thông số như:
- Dung lượng pin
- Mức sáng hiện tại
- Độ sáng hiện tại tương ứng
Fenix loại bỏ thông số thời gian hoạt động còn lại của mỗi mức, nhưng bù lại làm một nâng cấp còn đáng giá hơn nhiều: hiển thị độ sáng theo thời gian thực.
Tức là màn hình của LD45R sẽ hiển thị chính xác độ sáng của một mức ngay cả khi nó bắt đầu hạ hoặc tăng trở lại, đây là điều các phiên bản trước không làm được.
7. Giao diện sử dụng
Cơ chế Zoom của Fenix LD45R ăn đứt Manker Crown và Aceabeam W35LC ở sự mượt mà, nó là Zoom vô cấp chuẩn, gần như không có độ trễ.
- Xoay công tắc sang phải để Zoom xa
- Xoay công tắc sang trái để Zoom gần
Công tắc nhấn sẽ đảm nhiệm chức năng chiếu sáng: nhấn giữ 0.5s để bật/tắt
- Khi đèn đang bật:
- Nhấn 1 lần để chuyển qua lại 5 mức sáng: 20 – 150 – 350 – 1000 – 2800 Lumens
- Nhấn giữ 1.2 giây để kích hoạt nháy Strobe
- Nhấn 1 lần qua nháy SOS
- Nhấn giữ để về chế độ sáng ban đầu
Fenix LD45R có chức năng nhớ mức sáng cuối trừ 1000 vàe 2800 Lumens.
-> Có thể thấy Fenix vẫn giữ nguyên giao diện sử dụng đặc trưng của mình với ưu điểm là dễ sử dụng và hiệu quả trong đa số tình huống, nhất là khi chỉ dùng nhiều và cố định ở 1 mức sáng.
Giao diện này lại không có khả năng truy cập nhanh mức sáng thấp hoặc cao nhất, gây nên bất tiện trong nhiều trường hợp.
8. Khả năng chiếu sáng
2800 Lumens

Mức này chiếu xa 480 mét theo thông số với ánh sáng đẹp hoàn hảo của chóa phản xạ. Tầm chiếu xa thực tế dễ dàng đạt ~ 200 – 250 mét.

Ở chế độ Zoom gần với vùng tỏa rộng, mịn chứ không tròn xoe như đèn dùng thấu kính truyền thống.


Ánh sáng trong nhà.
1000 Lumens

Chiếu xa ~ 290 mét theo thông số ở chế độ Zoom xa.

Ánh sáng ngoài trời.


1000 Lumens trong nhà.
350 Lumens

Ngoài trời – Zoom xa.

350 Lumens ngoài trời.


350 Lumens trong nhà.
150 Lumens.

Ngoài trời – Zoom xa.

150 Lumens ngoài trời.


150 Lumens trong nhà.
20 Lumens


20 Lumens ngoài trời.


20 Lumens trong nhà.
9. Thời lượng hoạt động
Mình đo runtime thực tế của Fenix LD45R trong điều kiện nhiệt độ phòng 22C và có sử dụng 1 quạt nhỏ để hỗ trợ tản nhiệt, đây là kết quả thực tế.
*Lưu ý: LD45R có cảm biến nhiệt độ chủ động, sẽ tự động tăng giảm độ sáng để tránh cho đèn bị quá nhiệt. Vậy nên runtime thực tế sẽ tùy thuộc nhiều vào điều kiện, môi trường sử dụng.
- Mức Turbo 2800 Lumens: duy trì được khoảng 1 phút rồi hạ xuống ~ 900 Lumens và sáng ổn định trong 100 phút, sau đó hạ dần tới khi hết pin. Tổng runtime được 120 phút = 2 tiếng (thông số là 2 tiếng 40 phút)
- Mức High 1000 Lumens: duy trì ổn định 1 mạch được 113 phút trước khi hạ dần tới hết pin. Tổng runtime đạt 124 phút ~ 2 tiếng (thông số là 2 tiếng 50 phút)
- Mức Medium 350 Lumens: duy trì ổn định 1 mạch tới khi hết pin, được 368 phút ~ 6.1 tiếng (thông số là 6 tiếng 40 phút)

Khi so sánh với Runtime của 1 cây đèn cùng cấu hình là Fenix PD36R Pro thì có thể thấy rõ hiệu năng của LD45R kém hơn hẳn. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngoài việc chiếu sáng ra thì viên pin 21700 còn phải cấp nguồn liên tục cho hệ thống Zoom điện tử. Từ việc đo đạc thực tế này cũng bộc lộ thêm 1 điểm yếu của đèn pin sử dụng công nghệ này.
-> Dù sao thì mức 350 Lumens chạy liên tục được 6 tiếng là vẫn chấp nhận được, đủ dùng gần xuyên đêm.
10. Tổng kết
Nếu anh em thực sự đam mê đèn pin Zoom mà không muốn đánh đổi khả năng chống nước, trải nghiệm sử dụng mượt mà và sự hoàn hảo của ánh sáng thì nên trải nghiệm thử cây này, mình cá là sẽ thấy ưng! Còn những hạn chế phải đặt lên bàn cân:
- Hiện đại – Hại điện (đúng nghĩa đen)
- Đắt tiền
- To và nặng hơn đèn cùng phân khúc
- Không truy cập nhanh được mức sáng thấp và cao nhất.