Vào khoảng hơn 2 tháng trước Fenix cho ra mắt đồng thời 2 mẫu đèn pin kiêm chức năng sạc dự phòng là E-CP và E-Spark. Cây E-CP mình đã có bài Review chi tiết tại (ĐÂY), còn nay mới có thời gian lên bài cho E-Spark.
Fenix E-CP là một thành công bởi nó cho thấy rõ được sự thực dụng trong công năng của mình, sáng 1600 Lumens không thua đèn pin chuyên nghiệp nào, pin dung lượng 5000mAh sạc nhanh 18W cho các thiết bị bên ngoài.
Fenix E-Spark có cùng chung ý tưởng thiết kế nhưng lại nằm ở phân khúc hoàn toàn khác. Nó là một cây đèn pin nhỏ gọn để treo chìa khóa và kiêm chức năng sạc dự phòng khẩn cấp. Viên pin dung lượng 800mAh của E-Spark chỉ đủ sạc đầy 15-20% cho đa số điện thoại, dùng khi thực sự khẩn cấp như thực hiện vài cuộc gọi, chuyển tiền, định vị phương hướng,…
Sau 1 thời gian sử dụng mình đánh giá khá cao về sự thực dụng của cây E-Spark này mặc dù nó chưa hoàn hảo. Hãy cùng theo dõi bài viết để biết tại sao mình có nhận xét vậy nhé!
> Fenix E-Spark đang được bán với giá 850.000đ tại Bisu.vn với chế độ bảo hành 2 năm chính hãng <
1. Video
2. Thông số kĩ thuật
- Độ sáng cực đại 100 Lumens
- Chiếu xa 30 mét
- Trang bị led ánh sáng đỏ
- Tích hợp pin sạc Li-Polymer dung lượng 800mAh
- Có chức năng dùng như pin sạc dự phòng khẩn cấp với cổng Type-C
- Thân đèn bằng hợp kim nhôm A6061-T6
- Xử lý mạ bề mặt Anodizing HAIII siêu cứng
- Kích thước: 87 x 37 x 8mm
- Trọng lượng: 37g
- Chống nước: IP24
3. Đánh giá chi tiết
Cách đóng hộp của Fenix cũng không có gì để thảo luận nhiều.
Mặt sau in các thông số kĩ thuật cơ bản, quan trọng nhất là các mức sáng cùng runtime tương ứng. Có thể nhận thấy Fenix E-Spark là một cây đèn pin móc khóa/edc mà runtime khá tốt, tận hơn 3 tiếng ở độ sáng cao 100 Lumens.
Phụ kiện đi kèm gồm có:
- Cáp sạc Type-C
- Dây đeo tay
- Ring đeo móc khóa
- HDSD
Cáp sạc Type-C đi kèm đèn pin của Fenix luôn có chất lượng rất tốt, chúng hỗ trợ sạc nhanh ít nhất là 18W nên dùng vô tư cho các thiết bị khác như điện thoại, máy tính bảng,…
Dây đeo tay không có gì đặc biệt.
Và một cái ring bằng thép không gỉ để móc cây đèn vào chùm chìa khóa.
Đầu tiên phải nhận xét rằng Fenix E-Spark có kích thước hơi to để treo chìa khóa. Kích thước này là ngang với một cây đèn pin cầm tay bỏ túi cỡ nhỏ rồi.
Thế nhưng kích thước không phải là thứ duy nhất quyết định việc cây đèn có hợp treo móc khóa hay không mà là trọng lượng. Fenix E-Spark nặng chỉ có 37g đã tính cả pin. Đây là một trọng lượng khá nhẹ nhàng bởi nó còn nhẹ hơn quả trứng gà nữa.
Thế nên là dù trông hơi to nhưng khi móc E-Spark vào chùm chìa khóa thì mình cũng không cảm thấy nặng. Với chìa khóa cơ của xe máy thì dùng lâu dài cũng không sợ bị hỏng ổ khóa.
Điều khiến E-Spark trông hơi to là bởi nó được thiết kế dạng kẹt với bề ngang có kích thước 37mm.
Nhưng cây này lại rất mỏng, chỉ có 8mm.
Toàn bộ thân đèn được làm bằng nhôm với chất lượng hoàn thiện rất tốt. Nếu mới nhìn vào nhiều người sẽ nghĩ cây này cầm nắm khó nhưng thực tế lại ngược hoàn toàn. Fenix E-Spark cho trải nghiệm cầm nắm và thao tác tốt tới đáng ngạc nhiên bởi khi cầm nó sẽ ở tư thế như trong ảnh, không bị lọt thỏm. Ngón cái cũng sẽ đặt ngay ở vị trí công tắc chính một cách rất tự nhiên và thuận tiện.
Chưa kể thiết kế dạng dẹt và mỏng của E-Spark khiến nó hoàn hảo để bỏ túi quần, đặc biệt túi chật như quần Jeans bởi cây đèn sẽ nằm gọn gàng bên trong, không bị cộm và cũng không lăn qua lại như đèn thân dạng ống truyền thống.
Fenix E-Spark đạt chuẩn chống nước và bụi là IP24, tương đương IPX4. Tiêu chuẩn này cho phép đèn hoạt động ở điều kiện trời mưa vừa và nhỏ.
Fenix E-Spark sẽ có 2 chức năng chính là chiếu sáng và pin sạc dự phòng khẩn cấp. Bên trong thân đèn tích hợp viên pin sạc Lithium Polymer dung lượng 800mAh.
Tháo nắp đậy bằng nhựa sẽ để lộ ra 2 cổng sạc Type-C đực và cái. Bên phải là cổng Type-C đực để sạc cho các thiết bị ngoài, còn cổng cái để sạc cho bản thân cây đèn.
Với 800mAh thì cây E-Spark này chỉ đủ sạc đầy 15-20% tùy mẫu điện thoại. Đây là con số nghe không nhiều nhưng sẽ rất có ý nghĩa nếu một ngày điện thoại chúng ta sập nguồn vì cạn pin, không có sẵn chỗ sạc ở gần và đang cần thực hiện vài cuộc gọi khẩn cấp.
Tóm lại là Fenix E-Spark được thiết kế để sạc pin cho điện thoại trong những người hợp rất khẩn cấp, không phải để dùng thường xuyên với cường độ cao bởi bản thân viên pin của nó cũng khó đáp ứng được.
Sự không hoàn hảo của E-Spark nằm ở chỗ: nó chỉ dùng được cho các thiết bị có cổng Type-C. Mình đã thử mua một adapter chuyển từ Type-C sang cổng Lightning của Iphone nhưng hoàn toàn không sử dụng được.
Có lẽ người dùng Iphone như mình phải đợi Fenix ra một phiên bản E-Spark khác hỗ trợ cổng Lightning hoặc xa hơn là đợi Apple trang bị cổng Lightning cho Iphone 🙂
Mình dùng chiếc samsung Galaxy A5 đời 2017 để test khả năng sạc của cây E-Spark này. Bắt đầu sạc lúc 9h16 phút khi điện thoại còn 6% pin (chụp xong ảnh thì tụt xuống 5%).
Chỉ cần cắm E-Spark vào rồi nhấn công tắc 1 lần là quá trình sạc sẽ bắt đầu. Mình thấy kiểu gắn thẳng không qua cáp như này khá tiện và nhanh nhưng hơi rủi ro, kiểu không cẩn thận là gãy jack cắm như chơi.
Đúng 1 tiếng sau khi E-Spark gần hết điện, chiếc A5 thì sạc lên được 26%. Đây là một tốc độ phải nói là chậm, nhưng ngẫm lại cũng không trách được vì nó cũng hoàn thành đúng nhiệm vụ là “bơm” cho chiếc điện thoại đủ pin để thực hiện vài cuộc gọi khẩn cấp hay tìm đường khi bị lạc.
Nói chung là về chức năng sạc ngược cho các thiết bị khác thì Fenix E-Spark làm khá tốt ngoài việc chỉ hỗ trợ mỗi cổng Type-C và tốc độ chậm.
Đèn có thể được sạc qua các nguồn USB 5V như sạc dự phòng, adapter điện thoại,…
Thực tế sẽ mất khoảng 2 tiếng để đầy pin từ trạng thái cạn.
Xong chức năng sạc dự phòng, giờ bàn tới khả năng chiếu sáng của cây đèn này. Ở mặt trước là hệ thống quang học của đèn nhìn rất ngộ, giữa là 2 bóng led ánh sáng trắng, độ sáng 100 Lumens. 2 bên là led ánh sáng đỏ 5 Lumens.
2 Led ánh sáng trắng cho beamshot đẹp đáng kinh ngạc, tròn trịa, tỏa rộng và rất đều. Nhiệt màu rơi vào khoảng 6000k.
Led đỏ với độ sáng 5 Lumens nhưng cho tầm nhìn khá tốt ở tầm gần.
Điều thú vị là cái nắp nhựa đậy cổng sạc còn có tác dụng như đầu tản sáng, gắn rất khít và khó rơi.
Nó giúp ánh sáng của đèn tỏa rộng 360° để dùng ở tầm gần như đọc sách, sinh hoạt lúc mất điện, cắm trại, sửa chữa xe cộ,…
Mình sẽ test kĩ hơn về ánh sáng cây này ở cuối bài viết, giờ đến:
4. Giao diện sử dụng
Mọi thao tác của đèn được thực hiện qua công tắc chính đặt bên thân.
Nó tích hợp cả đèn báo pin, đèn xanh là pin đầy và nháy đỏ là sắp cạn.
Thao tác cụ thể của E-Spark:
- Nhấn giữ công tắc 0.5s để Bật/Tắt
- Khi đèn đang bật, nhấn công tắt 1 lần để chuyển qua lại: 100 Lumens – 30 Lumens – 5 Lumens – sáng đỏ (5 Lumens) – nháy đỏ
- E-Spark có chức năng nhớ mức sáng cuối được sử dụng
Khóa an toàn:
- Khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần để khóa đèn, tránh vô ý kích hoạt khi để trong túi
- Thao tác tương tự để mở khóa.
5. Khả năng chiếu sáng
5.1 – Trong nhà
Fenix E-Spark được thiết kế tối ưu để sử dụng ở tầm gần, không gian hẹp với ánh sáng tỏa rộng.
100 Lumens
30 Lumens
5 Lumens
5 Lumens ở khoảng cách gần.
30 Lumens
Ánh sáng đỏ (5 Lumens)
5.2 – Ngoài trời
100 Lumens, sáng đủ để đi dạo buổi tối.
100 Lumens
30 Lumens
Còn 5 Lumens thì quá yếu để dùng hiệu quả ở ngoài trời. Ánh sáng đỏ vẫn dùng được nhưng chỉ trong điều kiện trời tối hoàn toàn.
6. Runtime
Runtime của E-Spark rất đẹp. Mọi người có thể thấy sau 170 phút hoạt động thì nó vẫn duy trì được 80% độ sáng ban đầu ~ 80 Lumens. Tổng runtime đạt 212 phút ~ 3.53 tiếng. Vượt xa mức 3.2 tiếng mà Fenix công bố!
Với runtime và độ sáng tốt như này thì Fenix E-Spark đáp ứng khá dư nhu cầu sử dụng thông thường hàng ngày, kiểu mỗi ngày bật 15-20 phút ở 100 Lumens thì phải nửa tháng mới phải sạc pin.
7. Tổng kết
Đánh tan nhiều sự nghi ngờ thì mình vẫn giữ quan điểm rằng Fenix E-Spark là một cây đèn pin tốt và thực dụng. Chức năng sạc dự phòng khẩn cấp của nó thực sự có ít, nhất là với đa số người dùng điện thoại có cổng Type-C ở thời điểm hiện tại.
Còn nếu đánh giá trên chức năng chiếu sáng thì E-Star đạt 9/10 điểm, chưa kể thiết kế đặc biệt giúp cây đèn nhẹ để treo móc khóa và vẫn đem lại cảm giác cầm nắm, thao tác rất tốt.