Review đèn pin Sofirn SC21 Pro: 600k mà cái gì cũng có đủ!

0
1806

Sofirn SC21 Pro là một mẫu đèn pin EDC cỡ nhỏ cùng phân khúc với các đàn anh như Fenix E18R V2, Olight Baton 3 nhưng có mức giá dễ tiếp cận hơn rất nhiều, chỉ khoảng 600.000đ

Fenix E18R V2 có giá khoảng hơn 1.3 triệu, Olight Baton 3 thì gần 1.5 triệu còn Sofirn SC21 Pro chỉ ~ 1/3 mà chất lượng cũng như tính năng đều rất ổn. Chưa kể cây này còn đi kèm đầy đủ phụ kiện, mua về dùng luôn được ngay.

Đáng chú ý là SC21 Pro được tích hợp giao diện sử dụng Anduril nổi tiếng với người đam mê đèn pin!

> Sofirn SC21 Pro đang được phân phối chính hãng tại EDCZone.com <

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa: 1000 Lumens
  • Chiếu xa: 135 mét
  • Loại bóng led: Samsung LH351D
  • 5 mức sáng, 3 chế độ nháy
  • Có chế độ sáng vô cấp
  • Loại pin: 16340
  • Trang bị cổng sạc Type-C
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm cao cấp
  • Kích thước: 73 x 22.5mm
  • Trọng lượng: 65g
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Cách đóng gói đơn giản và tiết kiệm tối đa chi phí.

Điểm cộng lớn của Sofirn đó là với mức giá rẻ nhưng phụ kiện luôn đi kèm đầy đủ không thua các hãng lớn. SC21 Pro sẽ có:

  • 1 viên pin sạc 16340
  • 1 cáp sạc Type-C
  • 1 dây đeo tay
  • 1 clip cài túi 2 chiều
  • 2 gioăng cao su sơ cua
  • 1 hdsd

Đây là viên pin sạc 16340 của Sofirn, có dung lượng 800mAh.

Pin không có mạch bảo vệ ở cực dương nhưng chất lượng cũng thuộc loại tốt, đủ dung lượng.

16340 vẫn luôn được coi là loại pin chuẩn mực cho các mẫu đèn pin EDC cỡ nhỏ nhờ sự tối ưu về kích thước và dung lượng.

Cái clip cài túi có thể tháo rời nếu không dùng, nhưng mình khuyên nên để vậy vì nó giúp đèn chống lăn khi đặt trên các mặt phẳng.

Cái clip này làm bằng inox, được hoàn thiện rất tốt. Nó là loại 2 chiều nên có thể dùng để cài cây đèn lên mũ lưỡi chai dùng như headlamp.

Cùng dùng pin sạc 16340 nhưng SC21 Pro có kích thước to nhất khi đứng cạnh E18R V2Baton 3.

Điều này cũng dễ hiểu thôi bởi SC21 Pro dùng choá phản xạ còn 2 cây kia dùng thấu kính TIR giúp đèn gọn hơn nhiều. Sofirn chọn dùng choá vì rẻ hơn!

Tổng trọng lượng cả đèn + pin + clip cài túi rơi vào khoảng ~ 60g, ngang 1 quả trứng gà tiêu chuẩn.

Và thực tế là cây này rất gọn, lý tưởng để bỏ túi quần, túi xách hay để balo dùng như một cây đèn back-up. SC21 Pro đáp ứng ổn những nhu cầu sử dụng không quá cao kiểu dùng hàng ngày trong đô thị, mang đi du lịch nhẹ nhàng. Còn nếu xác định vẫn muốn dùng nó cho nhiều hoạt động nặng hơn thì nên mua thêm nhiều pin để dự phòng.

Đứng cạnh Fenix E18R với giá bán gấp ~ 2.2 lần thì có thể thấy rõ chất lượng hoàn thiện của Sofirn SC21 Pro không nét và tinh xảo bằng. Còn nếu xét riêng trong phân khúc đèn pin giá ~ 600.000đ thì mình cho cây này 8.5/10 về chất lượng hoàn hiện.

Phải nói là đèn của Sofirn nói chung đều có chất lượng gia công và hoàn thiện xuất sắc trong tầm giá. Chúng sẽ không đem lại cảm giác quá cao cấp nhưng chắc chắn sẽ không rẻ tiền như đèn “chợ”.

Như SC21 Pro vẫn được làm bằng hợp kim nhôm xịn, lớp mạ Anodize làm ổn áp và các chi tiết dùng nhỏ đều được gia công và hoàn thiện cẩn thận. Tổng thể cây đèn cho cảm giác chắc chắn và cứng cáp!

Thân đèn làm tương đối dày dặn, được gia công đều và không có cảm giác gợn sắc khi sờ vào.

Ren vặn dạng vuông, rất sạch sẽ và có gioăng cao su chống nước đầy đủ.

Tiếp xúc pin ở đầu và đuôi đều sạch sẽ và được mạ vàng tử tế, tối ưu hoá khả năng dẫn điện.

Đuôi đèn được làm phẳng nên có thể dựng đứng được, đây là yếu tố quan trọng cho một cây đèn EDC đa dụng.

Có thể xỏ dây đeo tay vào lỗ này. Thậm trí Sofirn còn làm một phần được khuyết vào giúp đèn có thể dựng đứng và không cấn vào dây. Chi tiết này đến nhiều mẫu đèn đắt tiền hơn còn không được chú ý đến!

Cây này sử dụng một công tắc chính duy nhất ở gần đầu đèn như E18R V2 của Fenix. Ở giữa có một đèn led màu xanh nhưng không phải để báo pin mà là định vị đèn trong bóng tối. Vì dùng hệ điều hành Anduril nên chúng ta sẽ có cách để kiểm tra dung lượng pin, cái này mình sẽ đề cập sau.

Công tắc này làm bằng kim loại, được làm lồi lên giúp dễ bấm cả khi đeo găng tay.

Cái công tắc này có hành trình khá dài nhưng nó rất chắc chắn, cho cảm giác bấm tốt chứ không hề bị lỏng lẻo, rẻ tiền.

Đối diện công tắc là vị trí của cổng sạc Type-C. Với mức giá này thì chúng ta không thể kì vọng cái cổng sạc của Sofirn có thể chống nước 2 lớp như Fenix được, nhưng ít ra nó có một cái nắp đậy khá chặt và kín bằng cao su.

Có cổng sạc trên thân đồng nghĩa với việc có thể sạc đèn mọi lúc mọi nơi với nguồn USB thông dụng. Cái này đặc biệt tiện khi đi du lịch, đỡ phải mang theo một bộ sạc rời cho lích kích.

Tốc độ sạc đạt ~ 1A và thực tế sẽ mất khoảng 1 tiếng để sạc đầy viên pin dung lượng 800mAh đi kèm.

Đèn ở công tắc sẽ sáng đỏ khi đang sạc, pin đầy thì đèn chuyển xanh.

Hệ thống quang học của SC21 Pro gồm bóng led Samsung LH351D + choá sần. Nếu là dân chơi đèn pin lâu năm sẽ biết ngay combo này cho ra một ánh sáng cực đẹp với xu hướng toả rộng.

Ánh sáng tròn đẹp không khuyết điểm, nhiệt màu ~ 5000k nên vàng nhẹ, dịu mắt.

Cây này chỉ được trang bị mặt kính khoáng thông thường, không có lớp chống phản xạ AR với đặc trưng nhìn nghiêng có ánh tím hoặc xanh.

4. Giao diện sử dụng

Sofirn trang bị cho SC21 Pro giao diện sử dụng Anduril vốn không còn lạ lẫm với đại đa số người đam mê đèn pin. Thì đặc trưng của Anduril đó là nó có rất nhiều tính năng để vọc vạch chứ không đơn thuần là tăng giảm độ sáng. Thực tế mình cũng chỉ dùng tới những tính năng cơ bản nhất của Anduril như sáng vô cấp nên lâu dần cũng quên hết đủ các thao tác.

Thì đây là sơ đồ sử dụng của Anduril, như mình đã dùng qua rồi nên nhìn lại là có thể nhớ các tính năng, còn các bạn mới thì hãy xem video hướng dẫn này mình đã làm trên SC31 Pro nhé:

Còn trong khuôn khổ bài viết mình sẽ nhắc lại những tính năng cơ bản và quan trọng nhất của Anduril trên SC21 Pro:

Nổi bật nhất của Anduril là giao diện sử dụng sáng vô cấp, tăng giảm mượt từ 5 – 1100 Lumens:

  • Nhấn công tắc 1 lần để bật/tắt đèn
  • Khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để tăng hoặc giảm độ sáng từ 5 – 1100 Lumens, đến độ sáng ưng ý thì thả tay
  • Đèn có khả năng nhớ mức sáng cuối được sử dụng

Nếu không thích sáng vô cấp thì có thể chuyển đèn qua chế độ với các modes chia sẵn:

  • Khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc 3 lần để chuyển qua chế độ với các modes chia sẵn
  • Lúc này nhấn giữ công tắc thì các mức sáng của SC21 Pro sẽ nhảy theo từng bậc
  • Muốn trở về sáng vô cấp thì lại thao tác tương tự

Truy cập nhanh một và mức sáng:

  • Khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc khoảng 0.5s để truy cập mức sáng thấp nhất 5 Lumens
  • Khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc 2 lần để truy cập mức Turbo 1100 Lumens

Kiểm tra dung lượng pin:

  • Khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 3 lần và led chính sẽ nháy dựa theo điện thế hiện tại của viên pin.

Ví dụ pin đang ở điện thế 3.9 volts thì đèn sẽ nháy 3 lần, nghỉ 0.5s rồi nháy tiếp 9 lần.

Vì điện thế của pin sạc Lithium Li-on là 2.8 volts khi cạn kiệt và 4.1 – 4.2 volts khi đầy nên có thể dựa vào đó để ước chừng dung lượng còn lại của pin. Thường thì xuống tới 3 volts là đem sạc được rồi.

Một vài tính năng bổ trợ khác:

Chỉnh các chế độ của đèn led trên công tắc:

  • Khi đèn chính đang tắt, nhấn nhanh công tắc 7 lần thì cái đèn led màu xanh sẽ chuyển qua các chế độ: Tắt – sáng yếu – sáng mạnh – nhấp nháy
  • Mặc định khi xuất xưởng là cái đèn led này ở chế độ sáng mạnh, thế nên phải qua chế độ nhấp nháy rồi mới tắt được

Khoá an toàn:

  • Cách đơn giản nhất là xoáy lỏng thân đèn một chút
  • Hoặc khi đèn tắt, nhấn nhanh côgn tắc 4 lần là nó sẽ khoá, tránh kích hoạt vô ý khi công tắc bị cấn
  • Thao tác tương tự để mở khoá

Reset nếu chẳng may nghịch linh tinh mà không biết đèn đang ở chế độ nào:

  • B1: vặn lỏng thân đèn
  • B2: nhấn và giữ công tắc
  • B3: vẫn giữ công tắc, xoáy chặt thân đèn và đợi 3s
  • Khi đèn nháy vài phát tức là Reset thành công

5. Khả năng chiếu sáng

Với giao diện sáng vô cấp linh hoạt từ 5 – 1100 Luemns cùng ánh sáng cân bằng thì SC21 Pro có thể đáp ứng tốt nhu cầu chiếu sáng từ tầm trung tới gần.

5.1 – Trong nhà

Mình chỉ chụp ở 1100 và 600 Lumens thôi, còn các bạn có thể dùng độ sáng nào mà thấy là đủ, thường là khoảng 250 – 300 Lumens nếu ở trong nhà.

1100 Lumens

600 Lumens

1100 Lumens

600 Lumens

Khi mất điện thì bật hắt trần với độ sáng ~ 300 Lumens là đủ dùng.

5.2 – Ngoài trời

Cây này chiếu xa ~ 130 mét theo thông số, còn thực tế thì hiệu quả tốt trong 70 mét đổ lại.

1100 Lumens.

Ánh sáng siêu thực dụng cho một cây đèn cỡ này.

600 Lumens

1100 Lumens.

Còn thực tế mình hay dùng ở ~ 250 Lumens cho đỡ tốn pin.

6. Runtime

Một tính năng không thể thiếu với những cây đèn pin sử dụng hệ điều hành Anduril đó chính là công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động ATR “Advanced Temperature Regulation”.

Dễ hiểu thì như đèn pin của Fenix đa phần sử dụng “Timer”, tức là độ sáng cao sẽ tự động hạ xuống sau 1 thời gian đã lập trình trước (ví dụ 1, 3 hoặc 5 phút tuỳ đèn).

Còn đèn sử dụng ATR thì miễn là nhiệt độ của đèn không vượt quá 55°C và pin còn đủ điện thì độ sáng cao vẫn sẽ được duy trì mà không bị hạ, hoặc hạ xuống rất ít. Vậy nên những cây đèn kiểu này runtime ở mức sáng cao sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là nhiệt độ môi trường chứ không cố định.

Mình đo runtime của SC21 Pro ở 2 độ sáng: 1100 và 600 Lumens ở 2 trường hợp:

  • Trường hợp 1: sử dụng 1 quạt bên ngoài để tản nhiệt cho đèn
  • Trường hợp 2: không có sự hỗ trợ của quạt tản nhiệt, đèn hoạt động trong nhiệt độ môi trường ~ 21°C

Turbo 1100 Lumens:

  • Đường màu xanh (có quạt tản nhiệt): độ sáng cao được duy trì khoảng 5 phút rồi hạ xuống khá nhanh, mình đoán do giới hạn của pin. Tổng runtime đạt 22 phút.
  • Đường màu cam (không có quạt tản nhiệt): biệt đồ biến động liên tục bởi đèn sẽ tự tản nhiệt, nói chung runtime khá hơn nhiều, đạt 51 phút nhưng độ sáng cao lại không duy trì lâu.

Khi bật SC21 Pro ở 1100 Lumens mà không có quạt tản nhiệt thì đầu đèn nóng rất nhanh, sau 3p đã đạt gần 50°C ở bề mặt nhưng sau đó không có xu hướng tăng thêm. Điều này chứng tỏ cảm biến nhiệt độ hoạt động tốt.

Thân đèn duy trì ở ~ 40°C cho tới khi hết pin, vẫn cầm được mà không gây bỏng rát tay.

High 600 Lumens:

  • Đường màu xanh (có quạt tản nhiệt): độ sáng cao duy trì khá tốt, tới tận gần 20 phút mới hạ nhanh do hết pin. Tổng runtime đạt 31 phút.
  • Đường màu cam (không có quạt tản nhiệt): độ sáng cao hạ sau 5 phút, đèn có xu hướng duy trì ổn định ở ~ 250 Lumens. Tổng runtime đạt 50 phút.

7. Tổng kết

Sofirn SC21 Pro là một cây đèn có chất lượng thực sự tốt trong phân khúc giá, mọi thứ từ kích thước, chất lượng hoàn thiện cho tới khả năng chiếu sáng đều ổn!

Có một điểm trừ nhỏ đó là cái đèn trên công tắc lại chỉ để định vị trong bóng tối chứ không phải báo dung lượng pin, cái này là do hạn chế của Anduril chứ không phải Sofirn không làm được.

Giao diện Anduril đủ đơn giản và tiện lợi cho 90% người dùng phổ thông và vẫn đủ tính năng cho ai muốn khám phá, vọc vạch. Trong trường hợp lỡ nghịch linh tinh các chức năng hoặc cho ai đó mượn đèn mà họ ấn loạn cả lên thì đã có tính năng Reset.

Nói chung mình thấy SC21 Pro phù hợp cho những ai cần một cây đèn pin nhỏ gọn sáng mạnh theo người và đặc biệt có nhu cầu sử dụng không quá cao, kiểu mỗi ngày bật 10 – 20 phút ở mức sáng hợp lý. Như mình có nhu cầu sử dụng cao thì cây này cũng chỉ hợp để làm đèn dự phòng nếu đi chơi xa thôi!

Nếu cần một cây đèn đáp ứng ổn hơn cho nhu cầu cao trong mức giá khoảng 1 triệu thì hãy tham khảo:

  • Sofirn SP35 – 2000 Lumens (cân bằng nhất)
  • Sofirn IF22A – 1600 Lumens (chuyên chiếu xa)
  • Sofirn C8L – 3100 Lumens (chiếu xa và sáng mạnh)
  • Fenix C6 V3 – 1500 Lumens (chất lượng nhất trong mức giá)