Review đèn pin Fenix E09R và E05R: nhỏ mà có võ!

0
2860

E09RE05R là 2 mẫu đèn pin siêu sáng mini mới nhất của Fenix với thiết kế giống nhau nên mình gộp chung một bài cho gọn. Điểm khác biệt của 2 cây này là ở kích thước:

  • Fenix E09R có kích thước ngang với mấy cây đèn dùng pin AA thông thường nhưng đạt độ sáng khủng tới 600 Lumens
  • Fenix E05R thì nhỏ như mấy cây đèn móc khóa dùng pin AAA và sáng tới tận 400 Lumens

Để đạt được điều này thì cả 2 đều được trang bị pin sạc Lithium ion có điện thế 3.7-4.2 volts. Tất nhiên độ sáng cực đại đã nêu ở trên chỉ dùng được trong thời gian ngắn nhưng cũng rất hữu ích trong nhiều trường hợp.

Link mua hàng tại Bisu:

1. Video 

2. Thông số kĩ thuật

2.1 – Fenix E09R

  • Bóng led: Luminus SST20
  • Độ sáng tối đa: 600 Lumens
  • Số mức sáng: 5
  • Chiếu xa: 124 mét
  • Pin: pin sạc Li-polymer 800mAh tích hợp trong thân
  • Sạc pin: cổng sạc Type-C trên thân đèn
  • Hệ thống quang học: thấu kính TIR
  • Chất liệu thân đèn: nhôm A6061-T6
  • Kích thước: 79 x 19.3 x 18.4mm
  • Trọng lượng: 45g (tính cả pin)
  • Chống nước: IP68

2.2 – Fenix E05R

  • Bóng led: Cree XP-G2 S3
  • Độ sáng tối đa: 400 Lumens
  • Số mức sáng: 4
  • Chiếu xa: 64 mét
  • Pin: pin sạc Li-polymer 320mAh tích hợp trong thân
  • Sạc pin: cổng sạc Micro USB trên thân đèn
  • Hệ thống quang học: thấu kính TIR
  • Chất liệu thân đèn: nhôm A6061-T6
  • Kích thước: 68 x 15.3 x 15mm
  • Trọng lượng: 24g (cả pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

Đèn pin cỡ nhỏ dạng này mà nhất là dòng E thì Fenix thường đóng gói dạng vỉ cho gọn. Phụ kiện đi kèm cũng không có gì ngoài sợi cáp sạc, o-ring chống nước sơ cua và 1 cái móc thép để treo chìa khóa.

Fenix E05R sẽ đi kèm cáp sạc Micro USB.

Còn E09R có cáp Type-C.

Có thể thấy thiết kế của 2 cây đèn này gần y xì đúc nhau, chỉ có điều E05R sẽ nhỏ hơn.

Đấy là so sánh với nhau còn tổng thể thì đây vẫn là 2 cây đèn pin có kích thước rất gọn gàng và nhẹ.

Fenix E09R có kích thước tương đương với nhiều mẫu đèn chạy pin AA khác như Fenix E12 V2.0, Lumintop Tool AA,…

Trọng lượng cả pin của nó khoảng 46g.

Còn E05R được thiết kế nhỏ gọn hơn để có thể treo móc chìa khóa.

Trọng lượng khoảng 25g cả pin.

Chúng nhìn như 2 anh em, mua cả 2 cũng khá hợp lý bởi một cây để bỏ túi, cây còn lại treo chìa khóa.

Vì nhìn giống nhau nên mình sẽ lấy E09R để đưa ra một vài nhận xét về thiết kế. Mẫu đèn này mang đậm tư duy thiết kế của Fenix: đơn giản, liền khối và cứng cáp. Chất lượng hoàn thiện của đèn cực tốt dù có kích thước khá nhỏ. Những chi tiết bé tí như đường rãnh ở thân hay đuôi đèn đều cho thấy sự tinh xảo.

Vì có độ sáng rất khủng là 400 và 600 Lumens nên 2 mẫu đèn này được làm thêm các lá tản nhiệt ở đầu. Còn bình thường mấy cây đèn chạy pin AAA hay AA sáng lẹt đẹt 200 Lumens đổ lại thì phần này sẽ được làm phẳng cho đỡ tốn công.

Đuôi đèn có lỗ để móc dây hay đeo chìa khóa. Nhỏ gọn như E05R thì móc dây đeo cổ cũng ổn phết.

Đèn có thể đứng được bằng phần chấu này nhưng cũng không vững lắm, rung nhẹ bàn một cái là đổ.

Kích thước của E09R cho cảm giác cầm nắm và thao tác khá vừa tay.

Đèn không có clip cài túi nhưng mình thấy cũng không cần thiết vì bỏ túi quần là nó nằm gọn gàng ở trong luôn.

Đây là một cây đèn lý tưởng để bỏ túi mang theo hàng ngày hoặc đi du lịch. Các chị em cũng có thể bỏ túi xách nhỏ vì nó cũng không chiếm nhiều diện tích đâu.

Trong khi đó E05R cầm sẽ bị lọt thỏm do đèn quá nhỏ, cây này đúng là để làm backup hoặc treo móc khóa là hợp lý nhất.

Ai tay to mà thao tác cây này cũng khá khó chịu.

E05R tuy nhỏ hơn nhưng chất lượng hoàn thiện không hề khác biệt so với E09R. Điều này thể hiện được trình độ gia công CNC rất cao của Fenix.

Như mình đã đề cập ở đầu bài viết, cả Fenix E09R và E05R được trang bị pin sạc Lithium Ion và pin được gắn chết ở trong thân. Điều này có nghĩa bạn sẽ không tháo pin ra để thay được mà chỉ có thể sạc lại qua cổng sạc trên thân đèn. Thế nhưng nãy giờ mọi người đều không thấy cái cổng sạc nó nằm ở đâu cả đúng không?

Lý do là bởi cổng sạc của chúng được thiết kế ẩn và phải xoáy phần nắp đậy ra để truy cập. Đây là một thiết kế đơn giản nhưng mình cực kì ưng bởi nó vừa đảm bảo tính thẩm mĩ lẫn khả năng chống nước và bụi. Fenix E09R và E05R đều đạt chuẩn chống nước cao nhất là IP68.

Fenix E09R được trang bị cổng sạc Type-C.

Đèn có thể được sạc qua những nguồn USB 5V thông dụng như sạc dự phòng, rất tiện lợi khi đi chơi xa.

Dòng sạc của Fenix E09R đạt 0.34A, nó sẽ mất khoảng hơn 2 tiếng để đầy viên pin dung lượng 800mAh.

Fenix E05R thì được trang bị cổng Micro USB. Thật sự đây là một điểm rất khó hiểu vì bây giờ ít ai lại dùng cổng sạc này nữa, hầu hết đều chuyển qua Type-C cho nó tiện và đồng bộ. Đây sẽ là một điểm trừ lớn nhất là với những ai sở hữu cả 2 mẫu đèn vì khi đi chơi xa sẽ phải mang theo ít nhất 2 sợi dây sạc khác nhau.

Dòng sạc của E05R đạt ~ 0.2A, sẽ mất 2 tiếng để đầy viên pin dung lượng 320mAh.

Cả 2 cây đều dùng thấu kính TIR chứ không phải chóa. Thấu kính TIR có ưu điểm là giúp làm đèn ngắn hơn, hiệu dẫn truyền dẫn tốt hơn và cho ánh sáng tỏa rộng (rất cần thiết với đèn pin cỡ nhỏ).

Do có sự chênh lệch về kích thước thấu kính nên ánh sáng của 2 cây này cho ra cũng rất khác nhau.

Như mọi người thấy bên trái là beam sáng của E09R còn bên phải là E05R, cả 2 đều được chiếu vào tường ở khoảng cách 3 mét. E09R cho ánh sáng gom còn E05R tỏa rất rộng, gần như không có điểm chói.

Phần cuối bài mình sẽ nói rõ về khả năng chiếu sáng của 2 cây đèn sau, còn bây giờ là tới:

4. Giao diện sử dụng

Fenix sử dụng công tắc điện tử cho cả 2. Vị trí công tắc nằm ở đầu đèn rất đặc trưng của đèn pin thuần EDC.

Vì nó cho chúng ta tư thế cầm và thao tác như này, phù hợp dùng liên tục trong thời gian dài mà không gây mỏi.

Cách sử dụng của Fenix E09R và E05R giống nhau:

  • Bật đèn: nhấn giữ công tắc 0.5s
  • Tắt đèn: nhấn giữ công tắc 0.5s
  • Chuyển mức sáng: khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần
  • Kích hoạt độ sáng cao nhất: nhấn và giữ công tắc, khi thả tay ra đèn sẽ về độ sáng thông thường

Khóa an toàn (chống vô ý kích hoạt)

  • Khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 3 lần
  • Thao tác tương tự để mở khóa

Điểm khác biệt nhỏ

  • Fenix E09R có 4 mức sáng phụ, đèn sẽ nhớ mức sáng cuối được sử dụng.
  • Fenix E05R có 3 mức sáng phụ và sẽ luôn sáng ở mức thấp (3 Lumens) khi bật đèn.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 – Trong nhà

Fenix E09R trước:

600 Lumens

300 Lumens

100 Lumens

25 Lumens

3 Lumens.

Từ 100 Lumens đổ xuống dùng loanh quanh trong nhà rất ổn.

Fenix E05R:

400 Lumens, ánh sáng tỏa cực kì rộng.

150 Lumens

25 Lumens

3 Lumens.

5.2 – Ngoài trời

Khi chưa bật đèn.

Fenix E09R:

600 Lumens, ánh sáng rất cân bằng, có thể chiếu tốt ở 60m đổ lại.

300 Lumens, dùng đi dạo ngon lành.

100 Lumens, vẫn đủ dùng ở tầm gần.

25 và 3 Lumens ở ngoài trời yếu quá nên mình không chụp.

Fenix E05R:

400 Lumens

Vì ánh sáng của E05R tỏa rộng nên 400 Lumens chỉ chiếu hiệu quả ở ~ 25m như này.

Cây này dùng ở tầm gần là ngon nhất. Đây vẫn là 400 Lumens.

150 Lumens.

Và 25 Lumens.

=> Fenix E09R dùng tốt cả ở trong nhà lẫn ngoài trời do ánh sáng gom tốt. Fenix E05R cỡ nhỏ nên dùng ở tầm gần/không gian hẹp thôi.

600 và 400 Lumens là 2 độ sáng dùng khi khẩn cấp chứ không nên lạm dụng bởi đèn sẽ cạn pin và nóng lên rất nhanh. Các bạn nên tham khảo thêm bài viết này để hiểu cách xác định độ sáng thực dụng của đèn pin.

>> Mẹo hay khi mua đèn pin siêu sáng (cho người mới) << 

6. Runtime

Fenix E09R

Với viên pin dung lượng 800mAh – 3.7 volts thì E09R cho runtime ấn tượng hơn mình kì vọng. Vì độ sáng cao nhất của cả 2 cây đèn đều chỉ có thể kích hoạt tạm thời bằng cách nhấn và giữ công tắc nên mình đo runtime ở 2 mức sáng thấp hơn thôi.

  • Đường màu xanh là 300 Lumens, lúc chưa đo mình cứ nghĩ 300 Lumens chỉ duy trì nổi trong 10 phút trước khi hạ xuống ~ 100 Lumens nhưng kết quả lại rất kinh ngạc. Cây E09R này kéo 300 Lumens một mạch suốt 70 phút luôn, sau đó nó hạ dần độ sáng do pin yếu dần. Tổng runtime đạt 82 phút ~ 1.4 tiếng.
  • Đường màu cam là 100 Lumens, không có gì ngạc nhiên khi đèn kéo mức này 1 mạch 200 phút ~ 3.3 tiếng rồi hạ dần vì hết pin. Tổng runtime đạt 226 phút ~ 3.8 tiếng.

Đây là runtime quá ngon cho một cây đèn có kích thước nhỏ như vậy. Điều này chủ yếu là nhờ viên pin sạc Lithium Ion dung lượng 800mAh ở 3.7volts. Chứ mấy cây đèn dùng pin AA thì cùng lắm chỉ kéo được 100 Lumens trong hơn 1 tiếng. Cái runtime ở 100 Lumens liên tục gần 4 tiếng là quá đủ cho mọi nhu cầu chiếu sáng hàng ngày rồi, mỗi ngày dùng 10-15p thì nửa tháng mới phải sạc pin một lần.

Fenix E05R

E05R bé vậy mà cũng không chịu kém cạnh. Các bạn thấy nó kéo ~ 100 Lumens liên tục trong suốt 50 phút, đây là điều mình chưa ngờ tới ở một cây đèn như này.

  • Tổng runtime ở 150 Lumens đạt 61 phút ~ 1 tiếng
  • 25 Lumens (đường màu cam) thì miễn bàn luôn, sáng một mạch 315 phút ~ 5.25 tiếng rồi mới hết pin. 25 Lumens là quá đủ dùng loanh quanh trong nhà như kiểu soi đường cầu thang, soi tìm đồ cốp xe, mở khóa cửa. Và nếu dùng độ sáng này 10 – 15p mỗi ngày thì cứ 21 ngày mới sạc pin một lần.

7. Tổng kết 

Túm váy lại mình thấy cả Fenix E09R và E05R đều quá ngon trong phân khúc. Kích thước thì bé mà lại sáng rất khủng, dễ sử dụng với mọi đối tượng, chất lượng hoàn thiện ngon và có cổng sạc thiết kế ẩn đảm bảo chống nước.

Nhiều bạn sẽ cho rằng việc pin sạc gắn chết trong đèn sẽ là khuyết điểm nhưng mình không nghĩ thế. Lý do bởi 2 cây đèn này có runtime quá là trâu bò nếu so với đèn dùng pin AA và AAA thông thường rồi. Với nhu cầu sử dụng hàng ngày thì chắc ít khi nào bạn bị hết pin giữa chừng lắm, mà chưa kể đèn có thể vừa sạc vừa dùng được.

Nếu cần một cây đèn nhỏ gọn, dùng đa mục đích thì mình sẽ chọn E09R. Còn cần nhỏ gọn hơn nữa để treo chìa khóa hoặc làm backup thôi thì E05R là sự lựa chọn tốt.

Hạn chế:

Khuyết điểm của 2 cây đèn này theo mình là không có đèn báo tình trạng pin. Cạnh cổng sạc có một đèn led nhỏ nhưng nó chỉ báo tình trạng pin khi đang sạc thôi chứ không báo pin yếu được.