Bài trước mình đã review về Sofirn C8A, một cây đèn đa dụng rất ngon trong tầm giá dưới 600.000đ. C8A dùng pin sạc 18650, đủ đáp ứng tốt đa số nhu cầu sử dụng nhưng nếu muốn đèn duy trì được độ sáng ~ 1000 Lumens trong một thời gian dài thì cần dùng pin sạc cỡ to hơn, và 21700 chính là câu trả lời.
Cây đèn trong bài viết hôm nay là Sofirn C8G với thiết kế thân to dùng pin sạc 21700, sáng cực đại 2000 Lumens, chiếu xa > 500 mét theo thông số. Và tất nhiên điểm đáng tiền nhất của C8G là khả năng duy trì độ sáng 1000 Lumens cho tới khi cạn pin mà đèn không bị nóng bỏng tay.
C8G cũng là dòng đèn pin chiếu xa giá rẻ, cả bộ bao gồm đầy đủ pin sạc, sạc đơn và phụ kiện khác chỉ có giá 785.000đ tại EDCZone.com.
1. Video
2. Thông số kĩ thuật
- Bóng Led: Luminus SST40
- Nhiệt màu: 5350 – 5700k
- Độ sáng tối đa: 2000 Lumens
- Chiếu xa: 565m
- Loại pin: 1 pin 21700 hoặc 18650
- 2 chế độ sáng: sáng vô cấp và sáng thường
- Thời lượng sáng: 1h40p đến 60h tùy mức sáng
- Vật liệu: hợp kim nhôm hàng không 6061 cao cấp, xử lí mạ Anodized HA Type III siêu cứng
- Kích thước: 150 x 44.6mm
- Trọng lượng: 163g (chưa tính pin)
- Chống nước: IP68, chống nước ở độ sâu 2 mét trong 30 phút
3. Đánh giá chi tiết
Vẫn là cách đóng hộp không thể đơn giản hơn.
Nhưng phụ kiện đi kèm thì không thiếu món gì, mua về là dùng luôn. Chúng ta sẽ có:
- 1 pin sạc 21700 dung lượng 4000mAh
- 1 adapter để dùng pin sạc 18650
- 1 bộ sạc đơn
- 1 cáp sạc Micro USB
- 1 dây đeo tay
- 2 o-ring chống nước sơ cua
- HDSD
Cả bộ đèn có giá rất rẻ nhưng pin và sạc đi kèm của Sofirn đều là hàng chất lượng, tuy không phải quá xịn nhưng đủ đảm bảo an toàn và giúp đèn đạt hiệu suất tốt.
Pin sạc 21700 dung lượng 4000mAh của Sofirn. Hãng quảng cáo là dòng xả tối đa đạt tới 40A, chuyên dụng cho các loại đèn pin công suất lớn.
Pin đầu phẳng và không có mạch bảo vệ.
C8G còn có thể dùng cả pin sạc 18650 khi cần thiết, lúc đó chúng ta sẽ cần tới cái cục adapter này.
Nó chỉ đơn giản là giúp viên pin 18650 có đường kính bằng pin 21700 để lắp vào đèn không bị lọc xọc.
Tuy chiều dài vẫn kém hơn pin 21700 nhưng C8G dùng tiếp xúc ở 2 đầu đều là lò xo nên vẫn ép chặt được. Phải nói dùng linh hoạt được 2 loại pin là lợi thế rất lớn của đèn chạy pin 21700. Nếu ai có sẵn nhiều pin 18650 thì có thể mang để sơ cua trong các chuyến đi xa, đỡ phải mua thêm 21700 cho tốn tiền.
Còn bộ sạc đơn thì cũng là loại căn bản, chuyên dụng sạc pin Lithium Ion nhiều kích cỡ, dùng nguồn USB 5v và có dòng sạc ra chỉ 0.75A. Với tốc độ này thì mất khoảng 6 tiếng mới đầy viên pin dung lượng 4000mAh.
Được cái đây là bộ sạc có tính năng tự động ngắt dòng khi pin đầy, an toàn để sạc qua đêm.
Sofirn C8G vẫn mang những thiết kế rất đặc trưng của dòng đèn C8, đặc biệt ở phần đầu đèn. Thân được thiết kế lại lớn hơn để dùng pin to và có gia công các rãnh tăng ma sát khi cầm nắm.
Đặt cạnh Sofirn C8A để so sánh. Có thể thấy C8A thanh mảnh, trơn tru hơn còn C8G nhìn chắc nịch.
Nhưng phần đầu đèn thì rất giống nhau, cái đầu này kiểu này là đặc trưng của mẫu đèn pin C8 nguyên bản từ Ultrafire, nhìn vào là nhận ra ngay.
Đầu đèn to đường kính tới 45mm cho khả năng chiếu xa vượt trội.
Choá của C8G nông hơn C8A một chút. C8G dùng led Luminus SST40 sáng cực đại 2000 Lumens, còn C8A là Cree XP-L2 sáng 1700 Lumens. Tuy kích thước nhân của SST40 to hơn nhưng ánh sáng của nó cho độ chụm tốt hơn nên mặc dù chỉ chênh nhau 300 Lumens nhưng C8G chiếu xa tới 560 mét theo thông số, gấp đôi C8A.
Vì thân to nên C8G cầm rất chắc tay.
Thân của C8A nhỏ nhắn và trơn nên đang cầm cây kia mà chuyển qua thì sẽ thấy hơi bị hụt. Đặc biệt nếu đeo găng tay thì cầm C8A sẽ khá trơn.
Trọng lượng cả pin của C8G là 233g.
C8A nhẹ hơn tới 44g nên đây cũng là điểm đáng cân nhắc khi chọn giữa 2 mẫu đèn. Nếu như C8A vẫn đủ nhẹ để bỏ túi quần thì C8G nặng muốn tụt quần.
Nhìn chung mình vẫn đánh giá cao chất lượng hoàn thiện của C8G trong tầm giá chỉ dưới 800.000đ. Đèn được gia công rất chính xác và sắc nét tới từng chi tiết nhỏ. Lớp mạ đều và khá mịn, các cạnh như khe tản nhiệt sờ vào không bị sắc lẹm như đèn chợ.
Đuôi đèn có cái lỗ xỏ dây to chà bá.
Dù dùng công tắc đuôi nhưng đèn vẫn đứng ngon lành.
Sofirn C8G tháo được làm 3 khúc, ren vặn 2 đầu ở thân là giống nhau nên lắp theo chiều nào đèn vẫn sáng.
Ren vuông, được mạ Anodize tử tế và bôi mỡ đầy đủ.
Mỗi đầu ren đều có gioăng cao su đảm bảo kín nước IP68.
Mạch và đuôi đèn làm rất sạch sẽ, lò xo tiếp xúc dày dặn bóng vàng.
Đuôi đèn còn dùng tới lò xo kép giúp tối ưu hiệu suất truyền dẫn do giảm được nội trở.
Thân đèn làm khá dày dặn và đều.
Ngoài công tắc chính ở đuôi thì C8G được trang bị 1 công tắc phụ gần đầu đèn có nhiệm vụ chuyển các mức sáng.
Trên công tắc này được tích hợp đèn báo dung lượng pin. Đèn xanh là pin đầy và chuyển sang đỏ khi pin gần cạn.
Công tắc đuôi cho cảm giác bấm nặng và chắc hơn C8A nhiều và gần giống với Fenix. Công tắc nặng hay nhẹ thì dùng một thời gian cũng quen nhưng mình vẫn thích của C8A.
Kiểu thiết kế 2 công tắc này cũng quá quen thuộc rồi, nó phù hợp với tư thế cầm đèn để dùng trong thời gian dài mà khi cần vẫn phản ứng nhanh được. Còn nếu chỉ có 1 công tắc đuôi thì cầm lâu cũng hơi mỏi nếu tay cứ luôn đặt ở công tắc.
Hệ thống quang học của C8G bao gồm choá trơn và led Luminus SST40. Choá rất sạch không có bụi.
Mặt kính phủ AR nhưng cũng không phải loại chất lượng quá cao vì khi bật đèn lên sẽ thấy 1 lớp mờ mờ.
4. Giao diện sử dụng
Sofirn C8G được chia làm 2 nhóm sáng riêng biệt có thể lập trình qua lại. Nhóm 1 là chia các mức sáng cố định như thường thấy, nhóm 2 là sáng vô cấp. Ngoài ra đèn cũng có nháy Strobe để tự vệ.
Mặc định khi ra khỏi hộp là đèn sẽ ở nhóm sáng 1 tức các mức sáng được chia sẵn.
Cách sử dụng:
– Bật/tắt đèn bằng cách nhấn công tắc đuôi. Nếu nhấn giữ với 30% lực thì đèn sẽ sáng tạm thời, thả tay ra đèn tắt
– Chuyển chế độ và các mức sáng:
- Ở nhóm sáng 1 (mặc định): khi đèn đang bật thì nhấn công tắc phụ 1 lần để chuyển qua lại các mức sáng. Nhấn nhanh công tắc phụ 2 lần để kích hoạt Turbo
- Ở nhóm sáng 2 (vô cấp): nhấn giữ công tắc phụ để tăng giảm độ sáng theo nhu cầu. Nhấn nhanh công tắc phụ 2 lần để kích hoạt Turbo
- Khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc 3 lần để kích hoạt nháy Strobe
- Khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc 4 lần để chuyển qua lại giữa nhóm sáng 1 và 2
- Đèn sẽ nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng
Chế độ sáng vô cấp của C8G thực sự chưa tốt vì khi chuyển độ sáng từ thấp -> cao thì nó tăng quá nhanh, còn chuyển từ cao -> thấp lại giảm quá chậm. Mình thấy nên để nhóm sáng 1 là dùng tiện nhất, với lại cây C8G này được chia các độ sáng rất hợp lý khi có 300 và 1000 Lumens đủ đáp ứng mọi nhu cầu sử dụng.
5. Khả năng chiếu sáng
5.1 Trong nhà
2000 Lumens.
Có thể thấy ánh sáng rất gom để chiếu xa nhưng vùng sáng toả rộng vẫng giúp nó dùng được ở không gian hẹp.
1000 Lumens
300 Lumens
75 Lumens. Tấm này sáng thấp nên hơi thị out nét.
5.2 Ngoài trời
2000 Lumens
1000 Lumens
Mình cảm giác mức này nó sáng hơn là 1000 Lumens, chắc phải cỡ 1300-1400 Lumens.
300 Lumens.
75 Lumens.
2000 Lumens.
Nhận xét chung thì ánh sáng của Sofirn C8G rất đẹp, không có vùng nhiễu. Đèn chiếu xa tốt trong tầm 200 mét đổ lại và vùng sáng toả rất có ích khi giúp nhìn rõ các vật thể ở xung quanh.
6. Runtime
Sofirn C8G được trang bị công nghệ ATR, hiểu nôm na là cảm biến nhiệt độ chủ động. Công nghệ này không có gì mới và được dùng bởi nhiều hãng đặc biệt là Armytek.
Sự khác biệt giữa đèn pin dùng ATR với đèn thông thường là runtime của đèn sẽ biến động nhiều phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường. Bởi cảm biến này sẽ đo cái nhiệt độ của đầu đèn tại thời gian thực, ngăn không cho đèn nóng quá 50°C. Và để làm được điều này nó sẽ điều chỉnh độ sáng của đèn một cách linh hoạt, đèn nóng sẽ hạ sáng, đèn nguội bớt lại tăng sáng lên.
Điều này có nghĩa bạn sử dụng cây đèn ở nơi có nhiệt độ cao thì nó sẽ hạ sáng nhanh, còn dùng ở nơi lạnh như Bắc Cực thì đèn duy trì được độ sáng cao tới khi hết pin mà không hạ. Cũng chính vì vậy mà mình đo runtime của đèn ở 2 điều kiện khác nhau để so sánh, lần 1 là có dùng 1 cái quạt để hỗ trợ tản nhiệt, lần 2 không dùng quạt, để đèn tự tản nhiệt và đây là kết quả.
Đầu tiên là mức Turbo 2000 Lumens, đường màu xanh là đo khi dùng quạt còn màu cam là không. Có thể thấy rõ đèn duy trì được độ sáng cao hơn khi được quản hỗ trợ giảm bớt nhiệt, còn khi không quạt thì hạ sáng khá thê thảm từ 2000 xuống ~ 1000 Lumens chỉ trong 2 phút.
Duy trì độ sáng cao hơn -> pin nhanh hết hơn nên runtime khi dùng quạt là 110 phút ~ 1.9 tiếng. Còn khi để đèn tự tản nhiệt thì runtiem cao hơn được tới 27 phút.
Còn đây là mức sáng cao 1000 Lumens. Cũng nhờ đo runtime mà mình xác thực được mức “High” của cây này thực tế là cao hơn 1000 Lumens, chính xác là khoảng 1400 Lumens.
Khi có quạt tản nhiệt thì C8G duy trì mức 1400 Lumens được tới gần 1 tiếng sau đó mới hạ dần vì hết pin. Tổng runtime đạt 93 phút.
Còn lúc không có quạt thì sao 5 phút đèn đã tụt xuống ~ 560 Lumens rồi sau 1 lúc lại lên ~ 650 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 131 phút.
7. Tổng kết
Sofirn C8G là cây đèn pin có chất lượng hoàn thiện tốt, khả năng chiếu xa khá ấn tượng và ánh sáng của nó rất đẹp do hệ thống quang học được làm chuẩn. Giao diện sử dụng thì kiểu chia các mức sáng sẵn dùng tiện nhất, sáng vô cấp chưa được hoàn thiện lắm và chắc cho vào để thêm tính năng thôi.
Cá nhân mình thấy pin sạc 18650 vẫn đáp ứng tốt nhu cầu nhưng với những ai cần độ sáng và runtime cao hơn hay đơn giản là muốn lâu phải thay pin thì cây này là sự lựa chọn đáng cân nhắc.