Review đèn pin Brinyte PT28 Oathkeeper: 1600 Lumens, hoàn thiện ngon!

0
3299

Brinyte là cái tên lạ hoắc trong thị trường đèn pin ở Việt Nam. Hãng bắt đầu làm đèn pin từ năm 2006 nhưng chất lượng không có gì nổi bật. Đến khoảng 2 năm trở lại đây thì Brinyte đổi mới hoàn toàn, bỏ hết các sản phẩm cũ để tập trung làm lại từ đầu. Khá đen cho họ khi đổi mức lúc trường trong lúc đã bão hòa với cả chục tên tuổi lớn nhỏ. Nếu bắt đầu sớm hơn vào khoảng 5 năm trước thì bây giờ Brinyte đã có chỗ đứng khá vững với chất lượng sản phẩm rất ngon với một thương hiệu nhỏ.

Chiến lược kinh doanh của Brinyte khá khôn ngoan khi chỉ tập trung vào phân khúc đèn pin tác chiến và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung nguồn lực như vậy để dồn hết chất xám và tinh hoa vào sản phẩm, từ đó rút ngắn đường tới thành công. Hiện nay trên website của hãng là Brinyte.com chỉ có khoảng 6 models. Trong đó chủ lực là 2 dòng đèn pin tác chiến PT18 và PT28 Oathkeeper. Đúng dịp EDCZone nhận làm đại lý của Brinyte tại Việt Nam thì mình có mượn được cây PT28 Oathkeeper về làm review cho mọi người.

Thông số kĩ thuật:

  • Độ sáng tối đa: 1600 Lumens
  • 4 mức sáng thường và 2 chế độ nháy (Strobe + SOS)
  • Chiếu xa 245m
  • Sử dụng 1 pin sạc 18650 hoặc 2 pin dùng một lần CR123A
  • Điện thế hoạt động: 2.8 – 6v
  • Trang bị sạc nam châm trên thân
  • Vỏ đèn bằng hợp kim nhôm hàng không 6061-T6
  • Xử lý mạ bề mặt Anodizing HA Type III
  • Bảo vệ chống ngược cực pin, chống quá nhiệt, chống va đập, chống nước IP68

 

Thông số các mức sáng của PT28 Oathkeeper

Đóng hộp và phụ kiện

Brinyte sử dụng cách đóng hộp giấy như nhiều hãng khác.

Các thông số và tính năng của đèn được in đầy đủ ở các mặt.

Bên trong lại là hộp giấy cứng nữa, trong này đèn và phụ kiện được để ở các ngăn riêng, rất cẩn thận.

Brinyte là một trong số ít các hãng đèn có phụ kiện đi kèm chất lượng nhất mà mình từng Review. Chúng ta có:

  • 1 viên pin sạc 18650 dung lượng 3100mAh
  • 1 dây sạc nam châm
  • 1 ring tactical
  • 1 dây đeo tay
  • 1 bao đựng
  • 3 gioăng cao su chống nước dự phòng
  • HDSD (mình không chụp)

Viên pin sạc 18650 Brinyte tự đóng vỏ. Không rõ cell bên trong của hãng nào nhưng cũng loanh quanh panasonic, samsung, LG,… thôi. Toàn loại chất lượng cả.

Pin có dung lượng 3100mAh và là pin dòng xả cao để kéo được 1600mAh của đèn.

Đầu dương được làm lồi và tích hợp cả mạch bảo vệ.

Nếu bán lẻ thì viên này cũng rơi vào khoảng 300-350k tùy hãng.

Bao đựng đèn của Brintye rất chất lượng, thậm chí ngon hơn cả bao bán rời của Fenix. Chất liệu ngon, form cứng cáp và bên cạnh có 1 ngăn nhỏ đựng pin nữa.

Mặt sau của bao đựng là gá cài có thể xoay 360° để cài thắt lưng, balo,…

Thiết kế như này thì phù hợp nhất là cài thắt lưng còn nếu cài vào molle ở balo thì sẽ hơi lỏng lẻo.

Ở 2 đầu của bao đựng là 2 lỗ, nhìn có vẻ không liên quan nhưng nếu kết hợp với gá cài xoay 360° thì lại là chuyện khác đấy. Thứ nhất là thiết kế lỗ như này tránh việc đèn bị vô ý bật lên làm cháy bao. Thức 2 là khi cài bao vào thắt lưng và hướng đầu đèn về phía trước rồi bật là có ánh sáng soi đường mà lại rảnh tay. Cái này chắc mọi người hình dung được chứ mình quên cài để chụp minh hoạ.

Dây đeo tay cũng chất lượng với khóa cài.

Mỗi tội phần móc lại bằng kim loại, dùng kiểu gì cũng xước be bét cái lỗ xỏ ở đuôi đèn. Ai kĩ tính có thể mua dây Paracord xịn về bện một sợi khác.

Dây sạc nam châm bọc dù, dùng nguồn USB 5V – 2A. Cái này lát mình nói kĩ sau.

Cuối cùng là một cái ring tactical làm bằng nhôm nguyên khối. Ring này lắp vào đuôi đèn để tối ưu hóa khả năng cầm nắm trong các hoạt động tác chiến, tự vệ.

Có lưu ý quan trọng khi lắp cái ring này vào đuôi đèn, không là lắp vào là khỏi gỡ ra luôn.

Mặt trong của ring sẽ có 2 cái gờ như này, nằm đối diện nhau.

Còn trên công tắc sẽ có 2 cái khe được đánh giấu bằng mũi tên màu trắng như hình. Hiểm ở chỗ là 2 cái khi này chỉ to hơn một xíu so với các khe còn lại nên ít ai để ý.

Nếu 2 cái gờ kia được lắp đúng khe trên đuôi đèn thì sẽ rất ok, cái ring tháo lắp dễ dàng luôn. Nhưng nếu ai không để ý lắp không thẳng hàng, thấy nó hơi kẹt kẹt rồi cứ cố ấn vào là xong phim luôn. Cái ring sẽ bị kẹt cứng ở đuôi và có thánh mới tháo ra được mà không làm xước cái gì đó.

Đánh giá chi tiết

1. Kích thước và trọng lượng

Brinyte PT28 Oathkeeper là cây đèn pin có kích thước tầm trung điển hình dùng một pin 18650. Đầu đèn có đường kính bằng thân nên bỏ túi rất ổn, không bị cấn hay vướng víu.

Kích thước cụ thể là: 140.8mm x 25.4mm x 26.5mm (chiều dài x đường kính thân x đường kính đầu).

Nó dài hơn một chút so với nhiều cây dùng một pin 18650 khác. Như trong ảnh là Fenix PD35 TacTK06 (cây này siêu ngắn).

Trọng lượng chưa pin của PT28 là 109g, nặng hơn 10-20g so với nhiều cây cùng phân khúc. Nhưng đổi lại là thân đèn rất cứng cáp và chắc chắn.

Cây này dùng thân 2 lớp, bao va đập các kiểu.

Trọng lượng cả pin là 157g.

Để dễ so sánh thì Fenix PD35 Tac khi chưa pin chỉ nặng khoảng 86g, tất nhiên cây đèn thân chỉ một lớp thôi.

> Dù có chiều dài và trọng lượng nhỉnh hơn đa số đèn pin cùng phân khúc nhưng mình vẫn đánh giá Brinyte PT28 là cây đèn thích hợp để mang theo hàng ngày hay trong các chuyến đi.

2. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Brinyte PT28 là một cây đèn có thiết kế và gia công rất công phu chứ không hề đơn điệu. Thiết kế chủ đạo trên cây này là các đường bo tròn từ đuôi tới đầu, không tìm được bất kì chi tiết góc cạnh nào. Nhìn vào cây đèn và cầm nó lên mới thấy rõ được sự tỉ mẩn trong tùng chi tiết.

PT28 cho cảm giác cứng cáp, dày dặn và liền mạch. Đèn được bố trí 2 công tắc bao gồm công tắc chính ở đuôi và công tắc phụ trên thân phụ trách việc chuyển đổi các mức sáng.

Nhấn mạnh là chất lượng gia công của Brinyte rất ngon, nếu đặt cạnh một cây đèn của Fenix thì không thấy được sự khác biệt luôn.

Đầu đèn được gắn keo chặt với thân nên chỉ tháo được đuôi để thay pin.

Thân đèn hai lớp làm khá dày.

Đèn làm ren dạng vuông để đảm bảo độ bền. Tuy nhiên bước ren khá nông nếu so với đèn của Fenix, ở đây mình lấy TK06 làm ví dụ.

Ren đuôi của TK06

Dễ thấy là ren vặn của Fenix làm ngon hơn nhiều, bước ren cũng dài hơn. Mình dùng cây Brinyte PT28 thấy không có vấn đề gì với việc ren nông, đuôi vặn vẫn chặt và khó có thể bị tuột được trong quá trình sử dụng. Đây chỉ là một so sánh nhỏ.

Là một cây đèn pin tác chiến đa năng nên PT28 được trang bị công tắc chính ở đuôi giúp phản ứng nhanh trong mọi tình huống. Rút đèn ra là bật lên được luôn.

Cảm nhận là công tắc đuôi của PT28 cho cảm giác bấm tốt, không quá nặng cũng không ọp ẹp.

Núm công tắc làm cao bằng với gờ hai bên nên đèn vẫn đứng đuôi vô tư.

Nhà mất điện thì dựng cây này lên bật hắt trần là ngon lành, khỏi cần tản sáng.

Thân đèn với các rãnh theo hình logo của hãng, giúp tăng ma sát khi cầm nắm.

Clip cài là không thể thiếu với một cây đèn pin EDC. Clip cài của Brinyte làm ngon, không bị quá cứng như Armytek nên tháo ra lắp vào đơn giản. Clip này không phải dạng “deep carry”, tức là khi cài túi thì phần đuôi đèn sẽ nằm nhô lên thay vì cả cây đèn nằm gọn hết vào. Kiểu này có cái dở là nhìn lộ liễu nhưng cái hay là phản ứng rất nhanh, khi cần là rút ra rồi bật lên được luôn.

Clip tháo ra đơn giản, nhẹ nhàng không để lại vết xước.

Phía đầu đèn là công tắc phụ để chuyển các mức sáng, nó được tích hợp luôn một đèn báo pin đa năng.

Khi lắp pin vào cái đèn này sẽ luôn sáng xanh để dễ dàng định vị được trong ban đêm. Một thiết kế nhỏ thôi nhưng ý nghĩa rất lớn, ai hay để đèn cạnh người khi đi ngủ sẽ hiểu.

Cái led này tiêu thụ cực ít điện nên không lo ngốn pin đâu.

Khi bật đèn lên cái led này sẽ sáng trong 5 giây để báo tình trạng pin:

  • Đèn xanh cố định: 70 – 100% pin
  • Đèn màu cam: 70 – 30%
  • Đèn màu đỏ: 30 – 10%
  • Đèn nháy đỏ: <10%, lúc này cần sạc hoặc thay pin

Đối diện cái công tắc là cổng sạc nam châm. Mình rất biết ơn các hãng làm cái cổng sạc nam châm nhỏ xinh như này, trước có Fenix, Imalent, giờ thêm Brinyte. Nếu như cái cổng sạc nam châm to oạch ở đuôi như của Olight gặp vô số vấn đề thì của mấy hãng làm theo kiểu này lại bền mãn kiếp luôn. Từ trước giờ mình chưa gặp một trường hợp nào của Fenix mà bị hỏng cổng sạc nam châm, Brinyte học theo nên chắc cũng sẽ thế.

Dây sạc đi kèm của PT28 khá dài, được bọc dù chống đứt và nó mềm, linh hoạt. Có thể cắm cái dây này ở củ sạc điện thoại 24/24, khi nào đèn hết pin thì để lại gần là nó tự hít và sạc, nhàn cả người.

Đi chơi đâu xa cũng vậy, cuốc bộ, leo trèo cả ngày mệt tã người nên lúc được nghỉ thật sự không muốn thôi cái bộ sạc pin rời ra. Còn nếu mua PT28 thì chỉ cần móc sợi dây sạc cắm sẵn ra hít vào rồi đi ngủ ^^.

Dòng sạc của cây này khá nhanh, khoảng gần 2A trong khi nhiều đèn khác dùng sạc nam châm chỉ được loanh quanh 1A. Trung bình sẽ mất khoảng 2.5 tiếng để sạc đầy viên pin 3100mAh đi kèm.

Điểm hay nữa của dây sạc này là nó tích hợp sẵn led khá là sáng. Cái led này giúp định vị trong bóng tối, chỉ cần đưa cây đèn lại gần là có thể sạc được, đơn giản nhưng thông minh.

Khi đang sạc thì đèn trên công tắc sẽ báo đỏ, pin đầy đèn chuyển xanh và tự ngắt dòng.

Cuối cùng là đầu đèn, nơi đặt con Led Cree (XHP35) và chóa trơn.

Chóa cây này rất sâu, nhìn vào như có ảo giác nên chiếu xa tới 245 mét mà vẫ giữ được đầu đèn kích thước nhỏ.

Mặt kính phủ lớp chống phản xạ AR nhưng lại là ánh cam chứ không phải tím như thường thấy, nhìn xịn sò phết.

Vòng bezel nhìn hiền khô, chủ yếu chống xước cho mặt kính cứ cũng không dùng phá kính được.

3. Giao diện sử dụng

Giao diện sử dụng là linh hồn của một cây đèn pin. Chất lượng gia công có ngon hay thiết kế đẹp mấy mà giao diện sử dụng giở ẹc thì mình cũng không mua, cho còn đánh thêm.

Brinyte rất khôn ngoan khi trang bị cho PT28 giao diện sử dụng gần y xì đúc của Olight. Mà giao diện của Olight thì chẳng chê được cái gì nữa rồi, quá ổn. Cụ thể là:

Công tắc đuôi:

  • Bật đèn tạm thời: nhấn và giữ công tắc với 30% lực để bật đèn tạm thời, thả tay để tắt
  • Bật đèn cố định: nhấn công tắc đến khi nghe tiếng click rồi thả tay, làm tương tự để tắt
  • Kích hoạt Strobe tức thời: nhấn nhả nhanh công tắc 2 lần để kích hoạt Strobe, thả tay ra để tắt.

Công tắc trên thân:

  • Chuyển đổi mức sáng: khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần đẻ chuyển qua lại các mức: low – med – high – turbo
  • Khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc thân và bấm công tắc đuôi để kích hoạt chế độ sáng yếu (low)
  • Kích hoạt Strobe, SOS: khi đèn đang bật, nhấn nhanh công tắc thân 2 lần để truy cập nháy Strobe, nhấn nhanh 2 lần nữa để nháy SOS, nhấn 1 lần để về chế độ sáng thường

4. Test khả năng chiếu sáng

Beamshot Pattern của Brinyte PT28 còn thua xe Fenix vài bậc. Thứ nhất là nhiệt màu của led hơi ngả xanh, thứ hai là beam không thực sự mịn và đều, xung quanh còn nhiều vùng nhiễu (mấy cái vòng sáng). Nếu chiếu trong nhà ở tầm gần thì sẽ để ý mấy cái vùng nhiễu này, nó không được dễ chịu lắm, còn chiếu ngoài trời thì không cần phải quan tâm.

1600 Lumens của PT28

Beamshot của PT28 khá ấn tượng ở ngoài trời. Dù gì thì cây này cũng có đường kính đầu nhỏ nên ánh sáng không thể gom lại như Fenix TK16 mà có xu hướng tỏa ra. Khả năng chiếu xa thực tế của cây này cỡ 150m đổ lại, rất ổn.

1600 Lumens

> Dù beamshot chưa mịn và đều hoàn hảo nhưng Brinyte PT28 cho khả năng chiếu sáng rất tốt, nhất là ở ngoài trời.

5. Test Runtime

Runtime của PT28 không được như mình kì vọng, mức Turbo 1600 lumens tụt thê thảm xuống ~ 370 Lumens chỉ sau hơn 1 phút. Cuối cùng mức Turbo duy trì được 137 phút ~ 2.3 tiếng.

Mức High (360 Lumens) thì ổn định đến khi đèn hết pin, đạt 205 phút ~ 4.2 tiếng.

Runtime đo được khá sát, thậm chí hơn mức mà hãng công bố. Mọi người tự so sánh nhé.

Tổng kết

Brinyte là một thương hiệu nhỏ nhưng rất tâm huyết với sản phẩm của mình, khó thấy được hãng nào chăm chút cho sản phẩm của họ từng chút một, từ sợi dây đeo tay tới cái bao đựng như vậy. PT28 có chất lượng gia công, hoàn thiện xứng đáng xếp vào hạng đèn pin cao cấp, chuyên về tác chiến nhưng cũng đáp ứng tốt các nhu cầu chiếu sáng thông thường.

Vì có chất lượng tốt nên giá cây này không rẻ, đừng so sánh nó với những thương hiệu như Sofirn, Astrolux,…

Mọi người có thể tham khảo giá tại đây: https://bit.ly/3lTYO09