Đèn dùng pin liền vs pin rời: cái gì cũng có lí do của nó!

0
109

Dễ thấy một điều trong những video review đèn pin của mình thì đa số anh em đều khá “Anti” đèn pin sử dụng pin gắn liền thân. Kiểu một cây đèn tổng thể rất ổn từ thiết kế tới công năng nhưng anh em sẽ không mua chỉ vì nó dùng pin liền trong thân, không tháo được. Ngày trước mình cũng ghét đèn kiểu này lắm, chủ yếu vì 2 lí do chính:

1. Kém bền: pin chai thì khó sửa chữa và thay thế

2. Bất tiện: hết pin phải cắm sạc và đợi, không thay luôn được

Nghe thì rất thuyết phục đúng không? Rõ ràng là chẳng tội gì mua đèn dùng pin liền thay vì pin tháo rời được cả, đã không thay được khi cần mà dùng vài năm pin hỏng là coi như vứt. Nhưng mà không, cái gì cũng có lí do của nó anh em ạ. Đèn pin liền thân hay pin rời đều có ưu và nhược điểm của nó, và đa phần anh em đang tiếp cận vấn đề dưới góc nhìn của người chơi đèn hoặc sử dụng đèn với cường độ cao.

Còn với những người dùng phổ thông, không có quá nhiều kinh nghiệm, kiến thức để sử dụng đèn được lâu và bền thì đèn dùng pin liền thân là sự lựa chọn tuyệt vời. Mà nói thẳng ra là 100 người mua đèn pin thì chắc được 10 ông là vì đam mê, còn lại thì họ không quan tâm đâu, quan trọng là khi cần bật là sáng, hết pin thì cắm sạc, thế thôi!

Điển hình như cây Fenix HL16 này mình vừa nhận được của 1 người bạn là dân chạy Trail, lắp pin vào rồi bỏ quên và kết quả bị chảy axit nên giờ thành cục chặn giấy luôn!

Nhận được cây đèn thì mình cũng ngồi gõ mấy dòng giúp anh em có cái nhìn cởi mở hơn về đèn dùng pin liền thân và làm rõ hơn 2 nhận định trên bởi chúng không đúng 100% tại thời điểm bây giờ đâu!


Video


1. Về độ bền và tuổi thọ của cây đèn

Độ bền bỉ, ổn định khi hoạt động

Trường hợp của cây Fenix HL16 ở trên là một lỗi rất kinh điển mà đa số người dùng đèn pin mắc phải và tất nhiên là sản phẩm sẽ bị từ chối bảo hành. Đèn đóm hay các thiết bị điện tử dùng pin tháo rời được hiện giờ đều sử dụng chủ yếu mấy loại pin sau: AAA, AA, C, D; Lithium Ion cỡ 18650, 21700,…

Các loại pin trên đều phổ biến nhưng chất lượng thì thượng vàng hạ cám đều đủ cả. Pin AAA, AA rẻ thì vài ngàn/v (pin kẽm rẻ tiền), đắt thì vài chục ngàn/v (pin Alkaline) hay cao cấp hơn là pin Lithium dùng 1 lần có giá tới cả trăm ngàn/v, chưa kể tới hàng giả, hàng nhái. Pin sạc Lithium Ion thì cũng tương tự, xịn rỏm lẫn lộn khó phân biệt ngay cả với người có kinh nghiệm lâu năm.

Dù có hướng dẫn khác hàng cẩn thận nhưng một năm bên mình nhận không biết bao nhiêu ca đèn hỏng do khách lắp pin vào rồi bị chảy Axit gây hỏng, đa phần là với đèn chạy pin AAA, AA. 2 loại pin này thì đắt hay rẻ đều bị chảy Axit hết nếu để lâu không dùng, trừ pin Lithium đắt tiền. Giải pháp là sử dụng pin sạc Nimh loại xịn, chính hãng (Eneloop, Fujitsu) nhưng giá lại đắt và thường phải đầu tư thêm bộ sạc rời nữa.

Pin sạc 18650 hàng nhái chứa toàn cát bên trong.

Với pin Lithium Ion loại phổ biến nhất là cỡ 18650 thì ôi thôi! hàng nhái, kém chất lượng tràn lan từ các cửa hàng điện tử nhỏ lẻ tới các sàn thương mại. Người không biết thì mua phải pin đểu giá rẻ cầm nhẹ hều, dung lượng ghi toàn số ở trên trời. Ai cẩn thận mua hàng có thương hiệu nhưng ở chỗ không uy tín thì lại dính hàng nhái, mà nhái bây giờ làm tới mức không phân biệt nổi cơ. Thử hình dung một cây đèn công suất khủng sáng tầm 2-5000 Lumens, cần pin xịn dòng xả cao để hoạt động ổn định mà lại lắp nhầm pin đểu vào nhỉ? nhẹ thì hỏng pin còn xui thì có nguy cơ cháy nổ.

Fenix E03R V2.0 với pin liền trong thân.

Trong khi đó đèn dùng pin liền thân lại bền và an toàn hơn rất nhiều vì:

  • Cell pin bên trong toàn là loại chất lượng cao, đảm bảo dung lượng, dòng xả cho đèn hoạt động ổn định nhất. Pin tích hợp đa phần là pin Lithium Ion hay Nimh nên gần như không bao giờ có hiện tượng chảy Axit kể cả khi để lâu không dùng.
  • Người dùng không tự ý tháo ra thay pin khác không đảm bảo vào được.

Mình bán đèn pin và thấy một thực tế rằng tỉ lệ bảo hành của đèn dùng pin liền thân rất thấp so với phần còn lại, nhất là lỗi liên quan tới người dùng.

Tuổi thọ của cây đèn

Đây là lí do chính khiến nhiều anh em dù mới hay chơi lâu đều ngại dùng đèn pin liền thân bởi rõ ràng tuổi thọ của cây đèn sẽ phụ thuộc vào viên pin. Điều này là đúng bởi ngay cả các hãng lớn như Fenix, Olight, Nitecore,… cũng chỉ bảo hành 2 năm cho những mẫu đèn dùng pin liền thân thay vì 5 năm cho phần còn lại. Tức là khi hết bảo hành mà đèn có hỏng do pin hay bất kì lí do gì thì cũng chỉ có vứt đi hay làm cục chặn giấy. Nhưng mà thực tế nó không đáng sợ đến nỗi như vậy đâu, bởi vì:

3d rendering group of electric cars with pack of battery cells module on platform in a row
  • Pin sạc Lithium bây giờ cực kì bền, phần lớn cũng nhờ sự phát triển của xe điện mà các nhà sản xuất pin có động lực để tối ưu hóa tuổi thọ của pin. Đèn pin thường sử dụng pin Lithium Ion hoặc Lithium Polymer, cả 2 loại này để có tuổi thọ trung bình từ 2-5 năm hoặc khoảng ~ 500 lần sạc trước khi xuống cấp.
    • Ví dụ với tần suất 1 tuần sạc pin 1 lần -> 1 năm sạc ~ 48 lần thì phải 10 năm mới đạt đủ 500 lần sạc, còn thực tế thì bền được tầm 5 năm là dùng hết khấu hao cây đèn rồi.
  • Pin sạc liền thân sẽ hạn chế tối đa được hỏng hóc do lỗi người dùng (lắp pin đểu vào), mà đa phần đèn hỏng do lỗi này chứ các linh kiện điện tử giờ bền lắm.
  • Các hãng bây giờ đều hỗ trợ sửa chữa đèn của họ ngay cả khi hết bảo hành. Chẳng hạn như Fenix thì bên mình vẫn hỗ trợ khách gửi những mẫu cũ đi sửa và chỉ tính chi phí vận chuyển thôi (rẻ bèo). Nếu hãng hết linh kiện hay không sửa được thì đại lí cũng sẽ hỗ trợ giảm giá sâu nếu khách cần mua đèn mới.

-> Nói chung là vấn đề tuổi thọ của đèn bây giờ nó không đáng để anh em quá bận tâm nữa, chủ yếu nhờ công nghệ pin và chế độ hậu mãi tốt của các hãng đèn. 

2. Về sự tiện lợi

Cái này phải đánh giá dựa trên nhu cầu và cường độ sử dụng của mỗi người. Chẳng hạn nếu bạn dùng đèn pin hàng ngày với cường độ rất cao chẳng hạn như đi hang động, đi rừng,… cần duy trì độ sáng cao liên tục thì thiết kế pin rời là hợp lý nhất. Những anh em trong nhóm này thường luôn có sẵn rất nhiều pin dự phòng mang theo người rồi, khi cần là thay luôn.

Còn với người dùng phổ thông, mang đèn theo dùng mỗi ngày 10-15 phút hay thỉnh thoảng đi du lịch, cắm trại, dã ngoại nhẹ nhàng thì thiết kế pin liền lại tối ưu về sự tiện lợi với và bền bỉ.

Đèn có pin liền thân sẽ luôn được tích hợp cổng sạc (Type-C hoặc nam châm), vậy nên sử dụng hàng ngày trong đô thị rất tiện, bất kì cũng nào cũng tranh thủ sạc được. Đặc biệt là mấy cây đèn cỡ nhỏ mà dùng pin rời thì thường không có cổng sạc và cả đèn báo pin luôn, không biết khi nào pin sắp hết và không phải lúc nào cũng tiện thay thế.

Olight Marauder 2 được trang bị sạc nhanh 30W

Với những mẫu đèn lớn hơn thì đa phần đều được trang bị công nghệ sạc nhanh rồi, trung bình từ 16 – 30W cho phép đầy pin dưới 4 tiếng.

Đấy là còn chưa kể tới những thiết đèn pin phi truyền thống kích thước siêu nhỏ gọn, độ sáng khủng phần lớn nhờ sử dụng pin Lithium Polymer với ưu điểm là hình dáng dẹt và dòng cả cực cao. Nếu sử dụng loại pin này thì thiết kế tháo rời được để thay thế rõ ràng là không hề tối ưu bởi đánh đổi lại sẽ là sự liền mạch và khả năng chống nước của cây đèn.

Olight Oclip với thiết kế rất thực dụng mà chỉ có pin liền thân mới làm được.

Tổng kết

Tóm lại thì thiết kế đèn pin liền thân là rất phù hợp với những người có nhu cầu sử dụng không quá cao, không có kinh nghiệm sử dụng và bảo quản đèn đúng cách hoặc với anh em ưu tiên sự nhỏ gọn, đơn giản.

Như mình hiện vẫn duy trì cả 2 loại đèn trên tùy nhu cầu:

  • Sử dụng nhẹ nhàng hàng ngày trong đô thị thì cây Fenix E03R V2 nhỏ gọn, siêu sáng, tích hợp cổng Type-C là chân ái
  • Đi rừng dài ngày sẽ mang theo đèn khác và pin sơ cua
  • Còn tặng người thân, bạn bè thì sẽ luôn là đèn dùng pin liền thân

Cái chính muốn đúc kết lại ở đây là anh em dùng hay chơi đèn thì cứ để nó phục vụ mình, đừng lo xa quá kẻo lại mất vui!