Đế Led cho đèn pin

0
3875

Bài viết bởi anh: @Nguyễn Việt Hùng

Khá nhiều bạn tự mod, độ đèn hỏi tôi nên sử dụng đế led nào ổn, tôi xin chia sẽ vài thông tin trong tầm hiểu biết của mình về đế led thông dụng dùng trong đèn pin.

1. Đế led (MCPCB, led base) là gì ?

1.1 Đầu tiên phải nói sơ về led phổ biến dùng trong đèn pin, ngoài hiệu suất tốt hơn hẳn bóng sợi đốt thì bóng led vẫn phát ra nhiệt, cụ thể là ở phần bụng led. Nhiệt độ cao và dòng tiêu thụ cao làm tuổi thọ led sẽ giảm nhanh chóng, do đó, phải tản nhiệt cho led.

1.2 MCPCB viết tắt của Metal Core Printed Circuit Board , hiểu đơn giản là bản mạch có lõi kim loại để giải nhiệt cho led. Cấu tạo cơ bản của MCPCB như sau:

– Solder: bề mặt để hàn led

– Dielectric: vật liệu cách điện

– Baseplate: lõi kim loại bằng đồng hoặc nhôm

Nhiệt từ led sẽ được truyền từ phần heat sink của led sang bề mặt để hàn led, sau đó sang phần cách điện và lõi kim loại, cuối cùng từ lõi kim loại truyền sang thân đèn.

Cấu tạo truyền thống này có nhược điểm là nhiệt từ led phải truyền qua lớp cách điện, gây hạn chế cho khả năng giải nhiệt của led nếu lớp cách điện làm bằng vật liệu dẫn nhiệt kém. Do đó cấu tạo này chỉ dành cho những đèn công suất thấp, vài trăm lumens trở lại. Vài mẫu đèn đời trước của Nitecore sáng đến cả ngàn lumens dùng cấu tạo đế led này, kết quả chân led bị bung sau một thời gian sử dụng.

Các led đời mới công suất cao, nhiệt tỏa ra rất lớn, các nhà sản xuất cải tiến lại cấu tạo truyền thống này, MCPCB DTP (Direct Thermal Transfer) ra đời.

Direct Thermal Transfer hiểu đơn giản là dẫn nhiệt trực tiếp. Về cấu tạo nó tương tự như MCPCB thông thường, chỉ khác ở chỗ lớp cách điện khu vực nhỏ dưới bụng led được loại bỏ, bụng led được hàn trực tiếp vào lõi kim loại. Cấu tạo này giúp led giải nhiệt tốt hơn hẳn, hạn chế tối đa led bị bong chân do quá nhiệt.

2. Các loại đế led thông dụng tại thị trường Việt Nam

          2.1 Loại đế dùng cho đèn công suất nhỏ: phổ biến với 02 loại: đường kính 16mm và 20mm, ngoài ra còn có 28mm, 32mm và nhiều kích thước khác Khi bạn mua, mặc định người ta sẽ bán cho bạn loại này, giá rất rẻ, dưới 10k.

Đế led bằng nhôm hoặc bằng đồng, hình thức không được sắc sảo.

Bề mặt phía dưới không phẳng, các góc bị cong

Bề dầy tầm khoảng 1mm trở lại, có loại 1.5mm nhưng giá cao hơn một tí

Cấu tạo MCPCB theo kiểu truyền thống, không dẫn nhiệt trực tiếp

2.2 Các loại đế được trang bị DTP, phổ biến với hai loại: đường kính 16mm và 20mm, ngoài ra còn có 28mm, 32mm và nhiều kích thước khác, thường bằng đồng và được mạ vàng bề mặt dưới. Các nhãn hiệu có thể mua tại Việt Nam: Noctigon, KDlight, L4P, Sinkpad, MTN. Riêng L4P và Sinkpad hơi khó tìm. Giá mua lẻ gần 2$ cho một đế, khá cao.

Bề mặt phía rất phẳng, thường được mạ vàng

Hình thức khác nhau một trời 1 vực

So sánh với đế “rẻ tiền” 😀

Dày tầm 1.5mm

Trên: đế Noctigon, dưới: đế “cree” rẻ tiền

2.3 Đế 3 led (Triple led)

Phong trào độ nhiều led cho đèn dạo này đang nóng trên các page đèn pin, có 02 nhãn hiệu đế 3 led có thể tìm mua ở Việt Nam: Noctigon và KDlight. Các đế này đều có thể dụng cho led 3.5 * 3.5mm (Cree XPL, Cree XPG, Nichia 218, Nichia 219…)

Thấu kính phổ biến dùng cho hai loại đế này: Carclo 10507 và thấu kính “noname” của KDlight.

Trái: thấu kính Carclo, phải: thấu kính “noname”

Phần chân giữ của thấu kính Carclo nhỏ hơn “noname” một tí

Thấu kính bán tại KDlight rất tệ, tôi đã bị hỏng 3 con led XPL-HI khi sử dụng thấu kính này kết hợp với đế 3 led của KDlight.

Chân giữ cố định thấu kính “noname” vào đế led quá dài trong khi chân nâng thấu kính quá ngắn. Khi ép xuống, thấu kính sẽ đè lên bền mặt led gây hư hỏng

Thấu kính Carclo và đế Noctigon là sự lựa chọn rất tốt, bạn chỉ cần lắp rắp lại là xong, không cần cắt bớt chân giữ của thấu kính, không cần chêm để nâng thấu kính lên

Kết:

– Bạn muốn rắp, thay led màu khác cho những đèn công suất thấp với chi phí hạn chế: hãy sử dụng đế thông thường.

– Bạn muốn tản nhiệt tốt, độ đèn với mức sáng cao, hãy sử dụng đế led có DTP. Tất nhiên chi phí sẽ cao hơn nhiều nhưng hiệu quả nó mang lại không có gì bàn cãi.

 

Fanpage của Blog Đèn pin: https://www.facebook.com/denpinblog/