Bộ sạc đa năng Xtar VX4: cân mọi loại pin, dòng 3A, có đo dung lượng pin

0
271

1 tháng qua mình dùng để test bộ sạc đa năng VX4 của Xtar và thấy dùng đúng nhàn đầu thật! Kiểu pin nào nó cũng nhận, tốc độ khá nhanh và quan trọng là tự động hoàn toàn, chỉ cần cấp nguồn – lắp pin và đi làm việc khác.

Xtar VX4 thì nằm ở phân khúc cận cao cấp, tức là ở giữa bộ VC4SL và VP4L Plus:

  • Xtar VC4SL thì là bộ sạc tự động cơ bản nhất, chỉ có sạc pin đơn thuần, giá tầm ~ 800.000đ
  • Xtar VX4 sẽ có thêm chức năng đo dung lượng thực tế của pin, giá tầm hơn 1 triệu
  • Xtar VP4L Plus thì chuyên nghiệp nhất, đo dung lượng, đo nội trở, hồi phục pin, sạc pin Lipo và dùng được như sạc dự phòng, giá hơn 2 triệu

Với nhu cầu của người dùng nghiệp dư thì mình thấy bộ VX4 rất ổn, kiểu thỉnh thoảng đem pin ra đo dung lượng để dễ quản lý và phân loại.

VX4 cũng là bộ sạc tiên phong trong việc tương thích với pin sạc Lithium Ion điện thế 1.5 volts. Đây là loại pin với nhiều ưu điểm so với pin sạc AA, AAA sử dụng công nghệ Nimh nhưng cũng có đặc đính khá oái oăm nên cực kén sạc, mình sẽ trình bày kĩ hơn trong bài viết.

> Bộ sạc Xtar VX4 đang có giá bán 1.150.000đ tại Bisu với chế độ bảo hành 2 năm chính hãng < 


Danh mục bài viết:

  1. Video
  2. Thông số kĩ thuật
  3. Mở hộp và phụ kiện
  4. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
  5. Các tính năng
  6. Kết luận

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Tốc độ sạc thực tế:
    • 3A x 1 khe
    • 2A x 2 khe
    • 1 A x 4 khe
    • 0.5A x 4 khe
    • 0.25A x 4 khe
  • Nguồn đầu vào: PD2.0(12V1.67A) / QC3.0(9V2A) / 5V2A
  • Kết nối: Type-C
  • Nhiệt độ hoạt động: -10-40℃
  • Vật liệu: nhựa PC cao cấp chịu nhiệt, chống cháy
  • Kích thước: 172 x 130 x 41.5mm
  • Trọng lượng: 315g

Các loại pin được hỗ trợ:

3. Mở hộp và phụ kiện

Hộp sản phẩm được in đầy đủ các thông số kĩ thuật quan trọng.

Xtar VX4 sử dụng kết nối cổng Type-C đã là một điểm cộng lớn, mở hộp ra còn thấy đi kèm luôn củ và dây sạc quá ngon nữa.

Cục sạc này công suất 20W, tận dụng được cho nhiều thiết bị khác.

Với 1 cổng kết nối Type-C duy nhất.

Cáp sạc 2 đầu Type-C hàng xịn của Xtar.

4. Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Xtar VX4 có kích thước khá gọn và nhẹ nhàng cho một bộ sạc 4 khe nên ngoài sử dụng ở nhà thì bạn có thể mang theo trong các chuyến đi. Kiểu nhóm 2-5 người thì chỉ cần 1 người mang bộ sạc là đủ nhu cầu cơ bản.

Tổng trọng lượng ~ 315g.

Xtar là thương hiệu pin và bộ sạc lớn nhất nhì của Trung Quốc và toàn cầu nên chất lượng của họ được đặt ở mâm trên. Chưa bàn tới tính năng thì chất lượng hoàn thiện của sạc Xtar sờ qua đã thấy đáng tiền.

Toàn bộ vỏ bằng vật liệu nhựa PC cao cấp chống cháy, chống va đập. Chống cháy ở đây là nếu có gặp nhiệt độ quá cao thì nhựa sẽ chỉ bị chảy ra chứ không bắt lửa.

Màn hình LCD có chất lượng hiển thị rõ nét, độ sáng đủ cao để nhìn rõ vào ban ngày.

Các chi tiết đều được hoàn thiện nét, không có nhựa thừa, ba via.

Khe sạc thiết kế dạng khay trượt để vừa với nhiều cỡ pin. Có thể thấy các kết nối làm dày dặn và cảm giác trượt cũng mượt mà.

Một điểm cộng là tiếp xúc cực dương được thiết kế với chấu nhô lên như này giúp dùng được cả pin đầu phẳng. Đây là một chi tiết nhỏ thôi nhưng nhiều bộ sạc mình dùng qua không có nhé, lắp pin đầu phẳng rất khó khăn.

VX4 sử dụng cơ chế tản nhiệt bị động chứ không có quạt, thực tế thì nhiệt độ cũng không quá cao trong quá trình sạc.

Màn hình LCD của VX4 sẽ hiển thị được các thông số cơ bản sau:

  • Loại pin
  • Điện thế pin (volts)
  • Dòng sạc vào (mA)
  • Dung lượng được sạc vào (mAh)
  • Chế độ sạc (CHG/GRAD)

Mặc dù tự động hoàn toàn nhưng Xtar VX4 cũng có 3 phím chức năng để người dùng tương tác, cụ thể:

  • Nút C/V: nhấn 1 lần để cài tốc độ sạc 1 cách thủ công
    • Nhấn và giữ chuyển qua lại chế độ sạc pin Lithium Ion và pin LiFE P04 (pin khá đặc biệt nên cần có chế độ sạc riêng)
  • Nút MODE: nhấn 1 lần trong quá trình sạc để hiển thị qua lại 2 thông số: dòng sạc và dung lượng đã sạc vào
    • Nhấn và giữ (trong quá trình sạc) để chuyển qua lại giữa chế độ sạc pin và chế độ đo dung lượng pin
  • Nút mWh/mAh: nhấn 1 lần khi test dung lượng pin Lithium Ion 1.5 volts để hiển thị qua lại 2 thông số là mWh và mAh
    • Nhấn giữ để bật/tắt đèn màn hình

Kết nối Type-C với nguồn vào tối thiểu nên đạt ~ 18 – 20W để tận dụng được hết sức mạnh của VX4. Nếu cấp nguồn có dòng thấp hơn thì tốc độ sạc sẽ chậm thôi chứ không gây hỏng hóc gì.

Còn cấp nguồn cao hơn > 20W thì cũng không ảnh hưởng bởi chip quản lý sẽ tự điều chỉnh dòng phù hợp.

Ưu điểm của VX4 là dùng được nguồn từ sạc dự phòng, rất cơ động vì không phụ thuộc vào nguồn điện cố định.

5. Các tính năng

5.1 – Khả năng tương thích gần như mọi loại pin

Xtar VX4 tương thích với gần như mọi loại pin sạc hình trụ hiện có trên thị trường với đủ chủng loại, từ Lithium Ion, Life P04 và Nimh.

Mình thì không sẵn hết các loại như vậy, nhưng đống pin này ở đây thì lắp phát ăn ngay.

Pin sạc 21700 có mạch bảo vệ của Fenix.

Đặc biệt lắp vừa cả pin 21700 có đầu lồi có mạch bảo vệ nhé. Nhiều bộ sạc đời cũ không lắp vừa loại này vì nó dài hơn cell 21700 trần khoảng vài mm.

4 khe sạc của VX4 hoạt động hoàn toàn độc lập với nhau, tức là có thể sạc 4 loại pin khác nhau tại cùng 1 thời điểm.

5.2 – Tương thích pin sạc Lithium Ion 1.5 volts

Pin sạc Lithium Ion điện thế 1.5 volts của Fenix.

Mình phải rành riêng 1 mục cho loại pin này bởi nó rất kén sạc. Hầu hết sạc đa năng trên thị trường bây giờ sẽ không tương thích với pin này, phải dùng sạc riêng.

Vậy pin sạc Lithium Ion 1.5 volts sinh ra để làm gì và có ưu nhược điểm gì?

Pin sạc Nimh cỡ AAA và AA của Panasonic.

AAA và AA là 2 cỡ pin phổ biến nhất trên thế giới và từ trước giờ pin công nghệ Nimh thống trị thị trường pin sạc 2 kích cỡ này, nổi tiếng nhất là Eneloop của Panasonic.

Pin sạc Nimh có tuổi thọ ~ 2100 lần sạc tương đương với từng đó pin AA/AAA dùng 1 lần, chưa kể loại pin này không bị chảy nước giúp bảo vệ thiết bị sử dụng.

Vấn đề là, pin AA/AAA dùng 1 lần có điện thế chuẩn là ~ 1.5 volts. Trong khi pin Nimh thì khi sạc đầy cũng chỉ đạt ~ 1.42 volts. Trong một vài trường hợp thì nhiều thiết bị như khóa thông minh, chuột bluetooth,… sẽ không tương thích với pin 1.42 volts, mà có dùng được cũng không ổn định lắm.

-> Đó là lí do chính pin sạc Lithium Ion 1.5 volts ra đời, phổ biến nhất với cỡ AA (pin tiểu)

Thực chất đây là một viên pin Lithium Ion thông thường với điện thế 3.7 volts được gắn mạch hạ áp xuống 1.5 volts, và vấn đề phát sinh ở đây:

  • Vì là pin 3.7 volts được hạ áp xuống 1.5 volts nên bất kể là khi dung lượng pin còn nhiều hay ít thì điện thế của nó cũng sẽ ở 1.5 volts.
    • Về phía thiết bị sử dụng, chẳng hạn như đèn pin sẽ không sáng yếu dần khi pin gần cạn bởi điện thế vẫn giữ nguyên, nhưng khi dung lượng pin hết thì đèn sẽ tắt phụt luôn.
    • Về phía bộ sạc thì cũng phải có cơ chế sạc mới hoàn toàn cho loại pin này, vậy nên pin thường được tích hợp cổng sạc trên thân luôn cho đơn giản.

Chính cái đặc điểm “oái oăm” đó mà Xtar phải phát triển riêng bộ VX4 này để có thể sạc được cho cả pin Lithium Ion 1.5 volts.

Ngoài việc sạc thì VX4 cũng có chức năng đỏ cả dung lượng cho loại pin đặc biệt này.

5.3 – Dòng sạc nhanh tới 3A

Dòng sạc khủng tới 3A của Xtar VX4.

Xtar VX4 được quảng cáo với tốc độ sạc cực nhanh có thể đạt tới 3A, để dễ hình dung thì nó có thể sạc đầy 1 viên pin 21700 dung lượng 5000mAh chỉ trong vỏn vẹn 2 tiếng (mình đã test). Trong khi với tốc độ thông thường cỡ 1A thì sẽ mất khoảng 6 tiếng hoặc hơn.

Test sạc thử viên pin 21700 dung lượng 5000mAh từ lúc điện thế 2.8 volts thì đúng là chỉ mất hơn 2 tiếng một chút là đã đầy, quá kinh khủng!

Lưu ý quan trọng về tốc độ sạc:

  • 3A là tốc độ tối đa khi chỉ sử dụng 1 khe sạc
    • Nếu dùng 2 khe thì tốc độ tối đa là 2A/khe
    • Nếu dùng 4 khe thì tốc độ tối đa là 1A/khe
Tốc độ tối đa đạt 2A/khe khi lắp 2 pin.
và 1A/khe khi lắp đủ 4 pin.

  • Tốc độ sạc thực tế là hoàn toàn do mạch điều khiển của VX4 quyết định dựa trên nhiều yếu tố như: kích thước, điện thế, loại pin, nội trở pin, nguồn đầu vào,….
    • Ví dụ lắp cùng là 1 loại pin 21700 nhưng nếu pin mới (nội trở thấp) thì dòng sạc sẽ cao hơn, pin cũ (nội trở cao) thì dòng sạc sẽ thấp. Pin có mạch bảo vệ cũng thường có nội trở cao hơn pin trần, pin xịn cũng khác pin chất lượng kém hơn,…

-> Tóm lại là khi bạn lắp pin vào thì bộ VX4 sẽ tính toán một lúc và chọn dòng sạc phù hợp nhất. Chức năng chọn dòng sạc thủ công cho phép chọn dòng thấp hơn dòng được chọn mặc định, kiểu muốn tối ưu tuổi thọ pin thì chọn dòng thấp hơn.

Ví dụ bộ sạc tự đặt dòng ~ 1A cho viên pin lắp vào mà bạn cố chỉnh lên 3A thì nó cũng không nhận, lại tự động về 1A thôi. Đây là một tính năng cần thiết để bảo vệ viên pin và đảm bảo an toàn nói chung. Chẳn hạn viên pin có tuổi thọ cao mà vẫn nhồi dòng 3A vào cho nó thì hậu quả khó lường!

Với pin Nimh thì Xtar VX4 sẽ giới hạn dòng ở cỡ 0.5A bất kể lắp 1 hay 4 khe. Loại pin này không phù hợp để sạc dòng cao.

5.4 – Chức năng đo dung lượng pin

Đây là tính năng giúp Xtar VX4 nằm ở phân khúc cao hơn so với VC4SL vốn chỉ có chức năng đơn thuần là sạc pin.

Cơ chế của việc đo dung lượng pin này cũng đơn giản, nó bao gồm 3 bước:

  • B1: sạc đầy pin lên điện thế đối đa (tùy loại pin)
  • B2: xả pin xuống điện thế tối thiểu (*)
  • B3: sạc đầy lại pin để sẵn sàng sử dụng

Để mọi người dễ hình dung được thế nào là dung lượng thực tế (hữu dụng) của 1 viên pin sạc, nó sẽ liên quan đến khoảng điện thế hoạt động của pin:

Pin Lithium Ion được coi là “cạn” khi điện thế đạt ~ 2.8 volts. Dưới ngưỡng này rất dễ gây hỏng vĩnh viễn cho pin.
  • Pin Lithium Ion: từ 2.8 volts -> 4.2 volts
  • Pin Nimh: từ 1.2 volts -> 1.42 volts

Xtar VX4 sẽ đo dung lượng của pin ở B2 (*), tức là xả dần pin từ lúc đầy cho tới khi đạt điện thế tối thiểu, xem được bao nhiêu mAh thì đó là dung lượng thực tế của pin.


Quá trình đo dung lượng này diễn ra theo 3 bước với dòng sạc và xả rất nhỏ nên khá tốn thời gian. Ví dụ mình đo dung lượng của 3 viên 21700 dung lượng 4000mAh thì mất gần 24 tiếng đồng hồ.

 

Sau quá trình đo thì dung lượng thực tế của pin được hiển thị trên màn hình.

Đo mấy viên pin Nimh thì cũng khá lâu, khoảng 12 tiếng.

Đo được cả pin Lithium Ion 1.5 volts nhé.

-> Chức năng này đúng kiểu thỉnh thoảng dùng để phân loại và quản lí pin thôi chứ nó tốn thời gian lắm.

6. Kết luận

Mình có thể tổng hợp lại những ưu điểm vượt trội nhất của Xtar VX4:

  • Khả năng tương thích pin cực tốt, đủ thể loại, kích cỡ, bất kể đầu phẳng hay đầu lồi. Cơ bản thì bạn có pin gì sạc được thì bộ này cân được hết
  • 4 khe sạc hoàn toàn độc lập, có thể sạc nhiều loại pin khác nhau cùng 1 lúc
  • Tự động hoàn toàn, chỉ cần lắp pin vào rồi đi làm việc khác, pin đầy tự ngắt, rất an toàn
  • Tốc độ sạc nhanh, nhất là 2A/khe nếu chỉ lắp 2 pin, còn 3A thì tùy tình trạng pin mà mới phát huy được hết
  • Chức năng đo dung lượng pin hữu dụng, cho phép kiểm soát chất lượng pin
  • Chất lượng hoàn thiện cao cấp với mức giá rất hợp lý

Hạn chế:

  • Các thông số hiển thị còn rất hạn chế, chỉ dừng lại ở mức cơ bản. Mình muốn có thêm:
    • Nhiệt độ pin
    • Nội trở pin
    • % pin
    • Thời gian sạc dự tính còn lại
  • Không thể cài đặt thủ công dòng sạc cho từng khe, chỉ cài đc 4 khe 1 lúc
  • Không có chức năng sạc dự phòng
  • Không có tiếng báo hiệu khi pin đã sạc đầy

→ Tóm lại thì mình đánh giá Xtar VX4 là 1 bộ sạc đa năng dành cho người dùng nghiệp dư, chủ yếu cần sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian chứ ko có quá nhiều chức năng để vọc vạch. Dù sao trong mức giá 1 triệu thì sự ổn định và an toàn mà VX4 đem lại là ổn. Còn nếu có nhu cầu cao và chuyên nghiệp hơn thì các bạn có thể tham khảo bộ VP4L Plus bisu đang bán hơn 2tr, mình sẽ review bộ này trong thời gian tới.