Đèn pin Maglite có thể coi là 1 biểu tượng của những cây đèn pin cổ điển, những cây đèn thuộc thế hệ đầu tiên – dùng bóng sợi đốt
1 Cây đèn Maglite dùng 2 Pin cỡ C
Dùng bóng sợi đốt
Và những cây đèn thuộc thế hệ này chỉ đơn giản là bật/tắt để sử dụng. Chúng chỉ có 1 chế độ sáng duy nhất.
Như cây Maglite này thì độ sáng chỉ vỏn vẹn 31 Lumens.
Nhưng chỉ trong vài thập kỉ trở lại đây, nền văn minh nhân loại đã thay đổi đến chóng mặt, kéo theo đó là sự phát triển của công nghệ. Nền công nghiệp đèn pin cũng không là 1 ngoại lệ, ngày nay đã xuất hiện những cây đèn có công suất phát sáng gấp đền hàng trăm thậm chí hàng nghìn lần những cây đèn truyền thống.
Điển hình là Olight X7R, có độ sáng đến 12.000 Lumens:
Hoặc những cây đèn có độ sáng trung bình từ 300-500-1000-2000 Lumens đều có đủ cả
Nhưng lại có 1 thực tế là: Đối tượng khách hàng của đèn pin không chỉ dừng lại ở 1 con số mà trải rất rộng. Không phải ai cũng cần 1 cây đèn có độ sáng khủng khiếp – vốn chỉ dành cho 1 vài mục đích đặc biệt như đi thám hiểm hay tìm kiếm cứu hộ. Và cũng chẳng ai đi mang 1 đống đèn đủ các kích cỡ, độ sáng theo người để mà sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau
Chính vì vậy 1 cây đèn pin nên đảm bảo được 1 yếu tố quan trọng, đó là sự đa dụng. Điều tạo nên sự đa dụng của 1 cây đèn chính là việc được trang bị các chế độ sáng khác nhau có thể điều chỉnh.
Về cơ bản có thể chia ra làm 2 nhóm:
- Các chế độ sáng thường
- Các chế độ sáng đặc biệt ( sáng nháy,.. )
Các chế độ sáng thường
Khái niệm của nhóm này rất đơn giản: 1 Cây đèn được thiết kế để cho ra công suất phát sáng ở nhiều mức độ khác nhau. Mục đích chính của việc này là để phục vụ các nhu cầu sử dụng khác nhau của người dùng và cũng để đảm bảo độ bền của đèn.
Việc chia các mức sáng thường không có 1 tiêu chuẩn cụ thể mà phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà sản xuất. Thường thì các hãng đèn lớn của Trung Quốc như Fenix, Olight sẽ chia các mức sáng như sau:
- Mức Turbo ( độ sáng tối đa của đèn, mức này chỉ phổ biến trên các cây đèn có công suất lớn )
- Mức High ( độ sáng cao )
- Mức Medium ( độ sáng trung bình )
- Mức Low ( độ sáng thấp )
- Mức Moonlight ( độ sáng mô phỏng theo ánh sáng của mặt trăng khi chiếu xuống )
Hãy lấy Olight S30RIII làm 1 ví dụ
Cây đèn này có 1 ” thân hình ” rất nhỏ gọn nhưng lại có độ sáng tới 1050 Lumens, ở mức sáng này thì đèn rất nóng, nhanh hết pin và chỉ sử dụng trong 1 số trường hợp nhất định. Chính vì vậy mà Olight đã trang bị cho S30RIII các chế độ sáng khác như trong bảng.
Hoặc nhiều nhà sản xuất đèn pin của Mĩ như Malkoff, Elzetta, Surefire,… lại rất đề cao sự thực dụng và đơn giản khi những cây đèn của họ thường không có xu hướng ” Chạy đua lumens “, mà chỉ có độ sáng tầm vài trăm Lumens và các chế độ sáng cũng không đa dạng, thường chỉ có 2, 3 thậm chí là 1 mức sáng.
Lấy ví dụ như cây Malkoff MD2 tôi đang sử dụng, đèn chỉ có duy nhất 2 mức sáng là: High ( 315 Lumens ) và Low ( 15 Lumens )
Giờ hãy cùng đi tìm hiểu chi tiết về từng mức sáng
1.Mức sáng Turbo
Rất nhiều những cây đèn có độ sáng ” khủng ” được ra mắt gần đây được trang bị mức sáng này.
Ở mức Turbo, công suất phát sáng tối đa của đèn được kích hoạt. Hoặc có thể hiểu là những cây đèn được đẩy lên giới hạn khi hoạt động ở mức sáng này để đạt được công suất phát sáng đúng như được quảng cáo.
Nhưng mức sáng này thường chỉ hoạt động trong vài phút trước khi tự động hạ xuống mức sáng thấp hơn, nguyên nhân là đèn thường rất nóng khi hoạt động hết công suất, nhiệt độ cao có thể làm hư hại đến các thành phần bên trong đèn. Các nhà sản xuất cũng thường khuyến cáo nên sử dụng mức sáng Turbo khi thật cần thiết chứ không nên lạm dụng.
Một vài cây đèn thì mức Turbo còn được chia là làm: Turbo 1, Turbo 2,.. hay Turbo và Turbo S như ở 2 sản phẩm Olight X7 và X7R
Ảnh chụp trên hộp đựng của Olight X7R
2.Mức sáng High ( mức sáng cao )
Đây là mức sáng cao, đối với những cây đèn có mức Turbo thì mức High thuộc ngưỡng hoạt động an toàn của đèn. Chúng có thể duy trì mức sáng này liên tục mà không bị hạ xuống ( trừ khi pin cạn dần ).
Còn đối với nhiều cây đèn khác thì đây là mức sáng cao nhất và chúng có thể hạ xuống mức thấp hơn sau vài phút hoặc có thể không. Như mức Turbo, mức sáng này dùng để phục vụ những mục đích sử dụng cần mức sáng cao như sử dụng ngoài trời.
1 Điều nữa là đa số đèn pin vẫn khá nóng khi hoạt động ở mức này.
3.Mức sáng Medium ( mức sáng trung bình )
Như đã đề cập ở trên, việc bố trí thông số của các mức sáng hoàn toàn phụ thuộc vào nhà sản xuất. Họ sẽ dựa trên nhu cầu của đối tượng khách hàng mà sản phẩm nhắm tới và 1 yếu tố rất quan trọng đó là kích thước của đèn.
Rõ ràng là đèn có kích thước càng lớn thì tản nhiệt càng tốt, kéo theo đó là thông số của từng mức sáng sẽ có sự chênh lệch.
Ví dụ như mức Medium của Olight X7R là 1000 Lumens – Tương đương mức Turbo của những cây đèn hạng trung như Fenix FD30 và Olight S30RIII
Mức sáng trung bình này thường có cường độ sáng bằng khoảng 15-20% độ sáng tối đa của đèn.
Đây là mức Medium của S30RIII
Chính vì có độ sáng vừa phải mà ở mức này đèn tỏa nhiệt rất ít và có thời lượng hoạt động rất lâu, phù hợp cho những công việc ở tầm gần.
4.Mức sáng Low ( mức sáng thấp )
Sau mức Medium là mức low, mức này thường có độ sáng bằng vài % độ sáng tối đa của đèn.
Ở mức này đèn tỏa ra 1 lượng nhiệt mà người dùng hầu như không thể cảm nhận được và thời lượng pin có thể lên tới vài chục tiếng.
Mức Low có thể nói là 1 cứu cánh khi người dùng ở trong những tình huống sinh tồn mà 1 nguồn ánh sáng duy trì được lâu là vô cùng cần thiết. Hoặc mức này dùng để đọc sách, tìm đồ ban đêm rất hợp vì thường không gây chói mắt.
À, dùng mức sáng này để làm đèn ngủ cũng tuyệt nữa.
Mức Low – 15 Lumens của Malkoff MD2
5.Mức Moonlight ( mức sáng tương đương ánh sáng của mặt trăng rọi xuống )
Đây là mức sáng ưa thích của tôi. Hầu hết đèn pin cao cấp đang có trên thị trường – cũng như những cây đèn tôi sở hữu đều được trang bị mức sáng này.
Và tất nhiên cũng chẳng có 1 tiêu chuẩn nào cho mức Moonlight cả, thường thì mức sáng này sẽ từ 0.5 – 5 Lumens tùy loại đèn và thời lượng hoạt động thì lên tới cả vài trăm giờ đồng hồ.
Hay cá biệt như đèn của hãng Armytek thì mức Moonlight chỉ là 0.12 Lumens
Mức moonlight của Armytek Tiara A1
Mức sáng này cũng được dùng để đọc sách, làm đèn ngủ hay bật cho đẹp 🙂
Với độ sáng nhỏ như vậy thì chỉ đủ cho chúng ta quan sát trong phạm vi 30cm đổ lại nhưng ở Olight X7 và X7R thì mức Moonlight là 10 Lumens – sáng liên tục trong vòng 30 ngày.
10 Lumens là quá đủ để quan sát trong phạm vi vài mét. Và nếu hi hữu bị rơi vào 1 vài hoàn cảnh khó đỡ thì chắc tôi sẽ phải cảm ơn người đã nghĩ ra cái mức sáng này 😀
Các chế độ sáng đặc biệt
Chúng là những chế độ sáng nháy như: Strobe ( nháy tự vệ ), SOS ( tín hiệu cấp cứu ) và Beacon ( Nháy báo hiệu ).
Những chế độ sáng này thường được trang bị trên các cây đèn tác chiến và tự vệ, riêng SOS và Beacon thì phổ biến hơn 1 chút. Cá nhân tôi thích sự đơn giản nên cũng không khoái mấy chế độ này cho lắm, nhưng dù sao đó cũng chỉ là ý kiến chủ quan thôi.
1.Nháy Strobe
Ở chế độ này đèn sẽ kích hoạt mức sáng nháy ở cường độ và tần số rất cao. Mục đích của chúng là gây choáng, mù tạm thời cho đối tượng bị chiếu vào, phục vụ cho mục đích tấn công hoặc phòng vệ.
Mỗi 1 hãng đèn sẽ có những thông số riêng cho chế độ nháy này, còn đây là kiểu nháy Strobe đặc trưng của Fenix.
( cây đèn sử dụng trong video là Fenix PD32 )
*Lưu ý: mức sáng này rất gây hại cho mắt người bị chiếu vào nên chỉ sử dụng cho các mục đích chính đáng.
2.Nháy SOS
Chắc không ai xa lạ gì với tín hiệu SOS ( tín hiệu yêu cầu trợ giúp khẩn cấp )
Tín hiệu SOS ở thể được truyền đi dưới nhiều dạng như âm thanh hay ánh sáng, mục đích là để báo hiệu cho người khác ở xa, cho tàu thuyền, …. để yêu cầu được trợ giúp khẩn cấp khi gặp nạn.
Khác với các chế độ sáng khác, mức SOS là theo 1 tiêu chuẩn cố định khi được trang bị cho đèn pin.
3. Nháy Beacon ( nháy báo hiệu vị trí )
Đây là chế độ nháy để báo hiệu vị trí, có thể là để nhờ sự giúp đỡ như SOS hoặc dùng cho nhiều mục đích khác.
Mức beacon của Foursevens MKII Mini Turbo.