Fenix vừa ra mắt PD32R được không lâu thì hàng cập bến Bisu, mình vừa tranh thủ qua mượn 1 cây về làm Review và bài viết này sẽ cho các bạn những hình ảnh ban đầu về mẫu đèn này.
Là fan lâu năm của hãng đèn pin Fenix thì chắc chắn bạn sẽ biết tới dòng PD32 nổi tiếng về sự đơn giản, bền bỉ và dễ sử dụng. Kể từ thời điểm ra mắt Fenix PD32 phiên bản 2016 thì trong cộng đồng đèn pin có câu nói nổi tiếng “Nếu đang không biết mua đèn pin gì thì cứ chọn Fenix PD32”. Điều đó đủ cho thấy PD32 được đánh giá cao như nào về sự đa dụng và ổn định.
Đầu năm 2021 Fenix tung ra PD32 V2.0 với thay đổi lớn là lược bỏ công tắc phụ ở đầu đèn, nâng cấp khả năng chiếu xa vượt trội lên tới ~ 400 mét nhờ chip LED của Osram (bản 2016 chiếu xa chỉ 240 mét).
Và tới hiện tại (năm 2024) chúng ta có thêm PD32R, chữ “R” ý chỉ phiên bản này đã được tích hợp thêm cổng sạc Type-C trên thân. Còn những điểm đặc trưng như dùng pin 18650, kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng,… vẫn được thừa hưởng từ phiên bản tiền nhiệm.
Mình sẽ mất 1 thời gian trải nghiệm để đánh giá chính xác về Fenix PD32R, nhưng trước mắt thì đây là những ấn tượng ban đầu.
ở PD32R Fenix có thay đổi lại cách đóng gói sản phẩm, cụ thể là hộp đựng gọn gàng hơn ~ 50% so với thông thường.
Lót hộp bên tỏng cũng bằng giấy chứ không phải nhựa như thường thấy, góp phần bảo vệ môi trường.
Cầm PD32R trên tay thì cảm nhận đầu tiên của mình chính là thiết kế tổng thể đẹp và hiện đại hơn nhiều so với phiên bản đầu tiên vào 8 năm trước. Kích thước thì vẫn vậy, nhỏ gọn bỏ túi với đầu đèn đường kính 26.5mm không to hơn thân là mấy.
PD32R vẫn sử dụng pin sạc 18650 với ưu điểm là sự cân bằng tuyệt vời giũa kích thước, độ sáng và thời lượng sử dụng. Nếu thích dùng pin 21700 thì các bạn có thể tham khảo dòng PD36R chứ trong tương lai thì các phiên bản mới của PD32 vẫn dùng pin 18650 thôi.
Chất lượng hoàn thiện của đèn pin Fenix thì không có gì phải bàn, vẫn luôn nét đến từng chi tiết và cứng cáp, trâu bò.
Đây là lần đầu tiên Fenix tích hợp cổng sạc trên thân cho dòng PD32, và tuyệt vời hơn là nó được thiết kế ẩn chứ không phải đậy bằng nắp cao su.
Mình biết rất nhiều người không thích đèn có cổng sạc trên thân bởi nhìn xấu và lo ngại nắp đậy có thể bị bong ra trong quá trình sử dụng, còn với thiết kế ẩn như này thì còn gì phải lăn tăn nữa!
Tầm này năm ngoái đoàn của Fenix gồm CEO và mấy chị cấp dưới có sang thăm đại lý ở Việt Nam thì mình cũng góp ý rằng nếu đã làm cổng sạc trên thân đèn thì nên làm ẩn, sẽ tối ưu hơn rất nhiều. Vậy nên mình rất vui khi thấy ý kiến đóng góp đã được tiếp thu và xuất hiện trên PD32R.
Fenix trang bị cho PD32R chip LED Luminus SFT40 với độ sáng cực đại đạt 1400 Lumens cùng tầm chiếu xa 344 mét. SFT40 và SST40 đã trở thành chip LED quốc dân trên đèn pin trong 2-3 năm nay nhờ hiệu suất quá tốt cũng như cho ánh sáng đẹp.
SFT40 là 1 phiên bản được thiết kế chuyên dụng chiếu xa với việc loại bỏ khối silicon dạng cầu ở bề mặt chip, giúp ánh sáng gom và chiếu xa hơn.
Mình sẽ test ánh sáng của PD32R ngoài trời sau, còn bật thử trong nhà cũng thấy rõ là nó gom rất tốt.
Bên tay trái là PD32 V2.0 với chip LED 2mm của OSRAM, giúp đạt tầm chiếu xa ~ 400 mét. Có thể thấy kích thước nhân của chip này nhỏ hơn cả SFT40.
Mình thấy thay bằng SFT40 là 1 sự lựa chọn sáng suốt bởi nó cho ánh sáng tròn trịa và đa dụng hơn.
PD32R có công tắc đuôi giống với PD32 V2.0, cực kì êm ái gần như không phát ra tiếng động khi nhấn.
Đây là chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng đặc biệt với đèn pin chiến thuật bởi nó đảm bảo cho sự bí mật trong nhiều hoạt động.
Cảm giác bấm của PD32R mình thấy ổn dù là công tắc điện tử, độ nảy và nhạy không thua mấy so với công tắc cơ.
Giao diện sử dụng của PD32R cũng được tập trung vào sự đơn giản, tiện dụng với 4 mức sáng cùng chế độ nháy Strobe.
Mọi chức năng đều được thao tác qua công tắc đuôi:
- Nhấn và giữ nhẹ: sáng tạm thời
- Nhả tay: tắt
- Nhấn hết hành trình: sáng cố định
- Thao tác tương tự: tắt
- Khi đèn đang bật, nhấn nhẹ công tắc: chuyển qua lại giữa 4 mức sáng
- Nhấn và giữ công tắc 0.5s: kích hoạt nháy Strobe
- Nhấn 1 lần: về mức sáng ban đầu
Thông số cụ thể của Fenix PD32R: