Review bộ mài dao bỏ túi Lansky Quadsharp

0
2128

Mài dao cũng là một nghệ thuật. Nhiều người coi việc ngồi mài một cây dao là cách để xả stress và rèn luyện sự tập trung, nhưng cũng không ít người coi đó là ác mộng bởi…quá khó!

Cách đây nhiều năm khi mới có cây dao đa năng đầu tiên thì mình cũng tính đến việc tự mài lưỡi của nó. Ban đầu là mua giấy nhám về dán vào ống PVC, rồi mượn được mấy viên đá mài tự nhiên nhưng đều không đâu vào đâu. Có lẽ việc này không hợp với mình và chắc nhiều anh em cũng đồng cảm.

Rất may là giờ chỉ cần có tiền là chúng ta có thể mua được những bộ mài chuyên dụng đòi hỏi rất ít kĩ năng và kinh nghiệm. Chúng được thiết kế để những người chưa biết gì cũng có thể biến một lưỡi dao cùn thành sắc chỉ với thời gian tối thiểu.

Lansky Quadsharp là một trong những bộ mài dao bỏ túi được đánh giá rất cao về sự đơn giản và hiệu quả của nó. Về cơ bản thì người dùng chỉ cần đặt lưỡi dao vào khe mài được chia sẵn góc và kéo. Quadsharp có thể xử lí gần như mọi loại lưỡi thẳng thông dụng hiện giờ từ dao bếp, dao đa năng, dao dã ngoại và cả lưỡi răng cưa.

> EDCZone đang bán bộ mài này với giá 610.000đ <

1. Video

2. Đóng gói

Quadsharp được đóng gói dạng vỉ, đi kèm tờ HDSD.

3. Về thương hiệu Lansky

Lansky là thương hiệu của Mĩ với kinh nghiệm hơn 40 năm về sản xuất đá và dụng cụ mài dao chuyên nghiệp. Giải sản phẩm của hãng khá rộng, từ đá mài tự nhiên, bộ mài bỏ túi cho tới các bộ mài chuyên nghiệp đủ chủng loại.

Cộng đồng chơi đồ EDC ở Việt Nam và nước ngoài thì không lạ gì hãng này nữa rồi!

4. Hàng xịn và hàng “chợ”

Những bộ mài dao bỏ túi như Lansky Quadsharp đa phần đều có cơ chế giống nhau với các khe mài được chia sẵn góc. Nhiều người sẽ thắc mắc vậy nó khác gì mấy bộ mài giá rẻ bán đầy ngoài chợ và siêu thị?

Nếu chỉ xét về công năng thì mình thấy rằng mấy bộ mài rẻ tiền kiểu này là phá lưỡi dao chứ không phải mài dao. Chúng cũng có các khe nhưng không rõ là ở góc bao nhiêu. Chưa kể phần khe mài thôi sử dụng 2 lưỡi thép chứ không phải đá chuyên dụng, nó bào mòn và phá lưỡi dao rất khủng khiếp.

Mình thấy bếp gia đình nào cũng có bộ mài kiểu này, về cơ bản dùng chung với mấy loại dao rẻ tiền thì cũng được thôi, nhưng khi đã mua dao xịn thì không ai mài bằng cái này cả. Các bạn để ý thì mài bằng mấy bộ kiểu này dao vẫn sẽ sắc, nhưng lưỡi mòn cực nhanh luôn!

5. Đánh giá chi tiết

Quadsharp có vỏ bằng kim loại, cứng cáp và chắc chắn.

Rất nhỏ gọn nên có thể bỏ balo mang theo hàng ngày hay đi rừng, cắm trại.

Trọng lượng của nó khoảng 111g.

Mỗi loại dao sẽ có góc mài khác nhau, và đó là lí do Lansky đã thiết kế sẵn 4 khe mài với 4 góc: 17, 20, 25 và 30°.

Câu hỏi đặt ra là làm sao để biết cây dao đang dùng mài góc nào cho phù hợp?

Thì đi kèm với sản phẩm đã có hướng dẫn sử dụng, hoặc các bạn google cũng ra nhiều thông tin. Tóm lại là:

  • Góc 17 độ: dành cho dao bếp lưỡi lỏng, dao làm fillet cá,…
  • Góc 20 độ: cho đa số các loại dao bếp thông dụng
  • Góc 25 độ: cho các loại dao đa năng, dao bỏ túi, dã ngoại
  • Góc 30 độ: cho các loại dao lưỡi dày, chuyên làm việc nặng như bổ củi, chặt xương

Có thể thấy 1 logic rõ ràng rằng: góc mài của lưỡi càng thấp thì càng sắc bén, nhưng cũng mỏng manh và chịu lực kém hơn. Những cây dao mài ở góc 30 độ thì lưỡi rất khỏe nhưng sẽ không cắt giấy hay cạo lông ngọt được.

Đa phần các loại dao thông dụng để dùng hàng ngày sẽ dùng góc mài 25 độ là hợp lí nhất.

Ở đây là vị trí của đá mài bằng Ceramic (sứ) với nhiệm vụ hoàn thiện lại lưỡi dao sau khi đã mài qua ở 1 trong 4 khe kia. Hoặc với những lưỡi dao cùn nhẹ thì chỉ cần mài liếc qua thanh sứ này là cũng đủ sắc bén.

Thêm nữa là nó còn dùng để mài các loại lưỡi răng cưa.

6. Cách sử dụng

Sau khi lựa chọn được khe mài với góc phù hợp thì chúng ta sẽ bắt đầu thao tác như sau:

  • Đặt bộ bài vuông góc lên 1 mặt phẳng (hay cầm tay đều được)
  • Đặt lưỡi dao vuông góc với khe mài, kéo từ chuôi lên mũi dao

*Lưu ý:

  • Chỉ kéo lưỡi dao theo 1 chiều như trong ảnh
  • Không ấn lưỡi dao quá mạnh xuống khe mài, chỉ hơi ấn nhẹ chút thôi

Tùy tình trạng lưỡi dao mà số lần kéo sẽ khác nhau. Với những lưỡi bị cùn nhẹ, vẫn giữ được góc mài cũ thì kéo 3-4 lần là đã thấy hiệu quả rồi.

4 khe được chia góc sẵn chỉ là mài thô, giúp định hình lại đường mài cho lưỡi dao. Để lưỡi đạt độ sắc bén tốt nhất thì phải liếc qua thanh đá mài sứ này.

Công đoạn này gần chút kĩ năng để duy trì góc mài ổn định và chính xác.

Với những lưỡi dao cùn nhẹ thì đa phần chỉ cần lướt qua đá sứ này là cũng đủ sắc bén rồi!

Lí thuyết thì là như vậy, còn để xem hiệu quả của bộ mài này ra sao thì mời mọi người xem tiếp. Mình sẽ thử mài 3 cây dao:

1. Lưỡi dao chính của Victorinox 91mm

Đây là lưỡi dao trước khi mài, rất cùn, không cắt được giấy.

Quá trình mài thô với góc 25 độ.

Sau khi mài qua với góc 25 độ, lưỡi sắc bén hơn nhiều, cắt giấy được nhưng chưa ngọt

Tiếp tục hoàn thiện lưỡi với đá Ceramic

Và kết quả!

2. Lưỡi dao dã ngoại Bahco

Quá trình vẫn như vậy, mình cũng sử dụng góc 25 độ cho cây dao Bahco này.

3. Lưỡi dao kiwi

Mấy loại dao giá rẻ như này thì đơn giản rồi, mình sẽ dùng góc 20 độ.

7. Tổng kết

Cả 3 cây dao trong video demo mình đều chỉ mài qua, chưa kĩ lắm mà cũng đã đạt độ sắc bén khá tốt và đủ dùng rồi, nếu kiên trì hoàn thiện lâu hơn với đá mài sứ thì kết quả còn tốt hơn nữa!

Không có thời gian mài cố định nào mà phải tùy vào tình trạng của lưỡi dao. Mấy bộ mài bỏ túi kiểu này chủ yếu phù hợp làm sắc lại những lưỡi bị cùn, không hư hại quá nặng như sứt mẻ.

Mình đánh giá cao độ hiệu quả và đơn giản khi sử dụng của Lansky Quadsharp. Với những ai chưa có nhiều kinh nghiệm thì việc mài qua lưỡi bằng những khe chia sẵn góc là cũng đủ sắc để dùng rồi. Việc hoàn thiện lại lưỡi bằng đá Ceramic là một bước nên có và nên học, bởi khi kĩ năng đã đủ cứng thì bạn có thể mài lại những cây dao bị cùn nhẹ rất nhanh chóng và hiệu quả!

Ngoài ra thì Lansky còn có thêm 2 bộ màu nữa là D-Sharp và C-Sharp. Thiết kế tổng thể của 3 bộ giống nhau, chỉ khác ở loại đá mài:

D-Sharp sử dụng đá kim cương cho các khe mài, nó có khả năng ăn mòn kim loại nhanh và hiệu quả hơn. Bộ này chuyên dùng cho những mác thép cao cấp có độ cứng khá lớn và cứng đầu.

Giá của Lansky D-Sharp là 690.000đ

C-Sharp thì sử dụng toàn bộ đá Ceramic cho cả các khe mài, nó chuyên dụng để mài liếc cho những cây dao dùng với cường độ thấp, bị cùn nhẹ. Đá mài Ceramic cho phép lưỡi dao lấy lại độ sắc bén tốt nhất chỉ với vài thao tác kéo.

Lansky C-Sharp có giá bán 620.000đ.

Nhìn chung thì Quadsharp vẫn là lựa chọn hợp lí cho mọi loại dao từ phổ thông với cận cao cấp!