Ai cũng nên có một cây đèn pin móc khóa!

0
1458

Nhà mình có khoảng 3-4 chùm chìa khóa xe các loại và mỗi chùm đều có riêng một cây đèn pin nhỏ. Đa phần mọi người trước giờ đều nghĩ rằng đèn led từ chiếc điện thoại là đủ dùng khi cần, nhưng mình thì không. Mình cho rằng nếu có điều kiện thì ai cũng nên có một cây đèn pin nhỏ trong chùm chìa khóa và bài viết này sẽ giải thích tại sao.

Video

Nhưng mà điện thoại cũng có đèn led”

Đối với mình thì điện thoại vẫn luôn là công cụ liên lạc chứ không phải chiếu sáng, mặc dù nhiều khi bí quá thì cũng dùng tạm. Ánh sáng từ đèn Flash Led của điện thoại ổn khi dùng tầm gần, nhưng xa khoảng 2 mét là gần như vô dụng, chưa kể khi máy gần hết pin hay trời đang mưa thì không ai lôi điện thoại ra bật đèn lên cả.

Đèn pin móc khóa chuyên dụng thì chống nước mưa vô tư và rơi cũng không bị sao.

Độ sáng trung bình của đèn led trên điện thoại là khoảng 4-50 Lumens, và vì không có chóa phản xạ hay thấu kính nên tỏa rất rộng, không nhìn xa được.

Trong khi đó một cây đèn pin móc khóa có thể dễ dàng sáng từ 100 – 500 Lumens, kể cả ở độ sáng thấp thì cũng chiếu xa ăn đứt led từ điện thoại.

Những lý do để có đèn pin móc khóa

1. Luôn mang theo người

Không biết mọi người sao nhưng nhiều khi ra đường mình còn không đem theo cả điện thoại, nhưng chắc chắn sẽ có chùm chìa khóa (khóa nhà hoặc xe). Điều này đồng nghĩa bên người cũng sẽ luôn có một cây đèn pin nhỏ.

Đây là 2 món đồ cơ bản mình thường mang theo khi ra khỏi nhà nếu có thời gian chuẩn bị: 1 cây đèn pin và 1 cây dao đa năng Victorinox. Đối với những người chơi đồ EDC hay đam mê đèn pin thì đây là thói quen bình thường, không mang theo là thấy bất an ngay.

Vấn đề là, với đa số mọi người thì không có lý do gì để họ bỏ túi một cây đèn pin theo người hàng ngày cả. Nhưng một cây đèn pin nhỏ móc trong chùm chìa khóa thì lại không ảnh hưởng tới ai.

Bây giờ thì hiếm khi mất điện, nhưng hàng ngày cũng có nhiều tình huống cần tới một nguồn sáng nhỏ chẳng hạn như tìm xe ở bãi đỗ, soi đường đi cầu thang hay đi dạo buổi tối. Và đúng là không có gì tiện bằng một cây đèn nhỏ luôn móc trong chùm chìa khóa, không bao giờ quên, khi cần lại có ngay.

Đèn móc khóa còn là một phương án dự phòng trong trường hợp đèn chính đem theo không may bị hỏng. Mình bị ám ảnh bởi câu nói “Two is one and one is none”, dịch ra có nghĩa “2 là 1 và 1 là không có gì”, ý chỉ sự quan trọng của phương án dự phòng.

2. Tiện và nhanh

Đèn pin móc khóa dùng tiện và nhanh gọn hơn là led từ điện thoại. Thao tác lấy đèn ra và bật rất nhanh, như mình đeo chìa khóa ở đỉa quần thì chắc mất chưa đến 1.5s là có ánh sáng đủ mạnh để dùng.

Trong khi dùng điện thoại thì phải móc từ túi ra, mở màn hình rồi bật đèn, dùng xong lại tắt rồi cất.

3. Đáp ứng tới 90% nhu cầu sử dụng hàng ngày

90% là con số mình thống kê từ nhu cầu sử dụng của bản thân, chủ yếu trong môi trường đô thị. Thực tế là ngay cả khi mang đủ đèn đóm thì mình cũng dùng đèn móc khóa nhiều nhất vì nó tiện.

Trừ lúc đi chơi xa hay có việc cụ thể thì đúng là hàng ngày mình chỉ dùng đèn pin cho những việc sau:

  • Soi đường đi cầu thang
  • Soi tìm xe ở bãi đỗ không có đèn
  • Soi mở ổ khóa
  • Tìm đồ trong cốp xe, balo
  • Soi đường dắt chó đi dạo buổi tối

Tổng thời gian sử dụng chắc chỉ rơi vào khoảng 10 – 15 phút mỗi ngày và ở tầm gần nên ánh sáng từ mấy cây đèn nhỏ là quá đủ.

Có kích thước nhỏ nhưng đèn pin móc khóa bây giờ có thể dễ dàng sáng từ 100 cho tới 2-300 hay 500 Lumens là chuyện bình thường. Những mẫu đèn cao cấp còn có nhiều mức sáng thấp hơn để tiết kiệm pin. Khả năng chiếu xa hiệu quả thường là 20 mét đổ lại.

Theo trải nghiệm thực tế của mình thì khoảng 25 – 50 Lumens là đủ dùng trong nhà, còn ngoài trời thì 100 Lumens đủ đi dạo, sáng hơn nữa thì càng tốt.

4. Dung lượng pin tốt, đủ dùng

Đèn pin đủ nhỏ gọn để treo chìa khóa thì thường sẽ dùng 2 loại pin sau:

Đầu tiên là pin AAA (pin đũa), loại này phổ biến nhất và có thể mua ở khắp mọi nơi. Mấy cây đèn dùng pin này thường sáng khoảng 100 Lumens đổ lại, duy trì được khoảng 1 tiếng = 60 phút.

Nếu chia ra mỗi ngày dùng khoảng 10 phút (khá nhiều đấy) thì trung bình là 1 tuần mới thay pin. Kinh tế hơn có thể đầu tư cho pin sạc Eneloop.

Những cây đèn có độ sáng phụ khoảng 2-30 lumens thì có thể sáng liên tục 4 tiếng ngon lành.

Tiếp theo là sử dụng pin sạc Lithium Polymer gắn sẵn bên trong thân, dung lượng rơi vào khoảng 1-400mAh tùy mẫu đèn.

Đèn loại này sáng tốt hơn, trung bình khoảng 2-300 Lumens hoặc hơn cũng có, thời lượng pin cũng tùy độ sáng. Nhưng nếu dùng ở khoảng 100-150 Lumens thì mấy cây này có thể chạy tới 2 tiếng mới hết pin.

Thêm nữa là đèn dạng này sẽ có sẵn cổng sạc trên thân, dùng lâu dài đỡ tốn tiền hơn.


Gợi ý vài mẫu đèn pin móc khóa tốt

Trên thị trường có cả trăm mẫu đèn móc khóa đủ các thương hiệu, ai thấy loại nào tốt và phù hợp kinh tế thì dùng thôi. Mình thì cũng trải nghiệm đủ các mẫu đèn suốt vài năm nay rồi và dưới đây là vài gợi ý

Bắt đầu với cây đèn rẻ và bán chạy nhất của Olight. Thường thì đèn pin bây giờ cứ khoảng 1-2 năm là sẽ có mẫu mới thay thế, còn Olight I3E ra mắt từ 2017 mà bây giờ vẫn được sản xuất là đủ hiểu.

250.000đ không phải là giá quá rẻ với mọi người, nhưng đèn lại được bảo hành tới 5 năm, chia ra mỗi năm hết có 50.000đ

Olight I3E cực kì đơn giản với chỉ 1 độ sáng duy nhất 90 Lumens, chiếu xa hiệu quả khoảng 2-30 mét và dùng 1 viên pin AAA. Thân đèn bằng nhôm, hoàn thiện tốt và chống nước tới IPX8.

Đây phải là cây Olight I3E thứ 5 mình mua, mấy cây trước đem tặng bạn bè và giờ họ vẫn dùng.

Độ sáng thực tế 90 Lumens của Olight I3E trong nhà

và ngoài trời.

Nếu dùng pin sạc AAA của Eneloop thì đèn có thể chạy liên tục tới 1 tiếng, quá ổn áp. Nói chung cây này là sự lựa chọn số 1 nếu không cần nhiều mức sáng rườm rà.

Một lưu ý nhỏ là Olight I3E bản mới có tới 2 gioăng cao su với tác dụng là chống nước tốt hơn và hạn chế rơi đầu đèn. Bản cũ trước đây chỉ có 1 gioăng.

Cây đèn móc khóa mới nhất của Vezerlezer mà mình mới có bài đánh giá chi tiết. Có thể nói KC01 là một cây đèn ngon – bổ – rẻ đúng nghĩa và phù hợp với mọi người bởi nó được trang bị sẵn pin và cổng sạc trên thân luôn.

Những cây đèn dùng pin rời như Olight I3E có lợi là hết pin là thay luôn, nhanh gọn. Nhưng có tình huống này mình gặp nhiều, đó là mua tặng người khác và họ lắp pin kém chất lượng vào dùng, 1 thời gian sau pin chảy nước và hỏng hết đèn. Thành ra đèn dạng này phù hợp với ai có kinh nghiệm và có sẵn pin lẫn bộ sạc để dùng cho hiệu quả.

Còn KC01 thì ai cũng dùng được, hết pin chỉ cần cắm sạc qua cổng Type-C là xong.

Cây này hoàn thiện tốt trong mức giá chỉ dưới 300.000đ, vỏ nhôm, cực kì nhẹ và sáng tới 150 Lumens.

150 Lumens của KC01 trong nhà

Ngoài trời.

Ngoài ra đèn còn có thêm mức sáng phụ 50 Lumens và ánh sáng đỏ để sử dụng ở tầm gần.

Thời lượng pin của cây này khá ổn, sáng liên tục gần 2 tiếng ở 50 Lumens.

KC01 đạt tiêu chuẩn chống nước IP54, có thể dùng được ở trời mưa nhẹ tới vừa. Mình nghĩ đây xứng đáng là cây đèn pin móc khóa quốc dân.

Một sự lựa chọn cao cấp hơn nếu bạn thích đèn chạy pin AAA như Olight I3E.

100 Lumens của Fenix E01 V2.0

Fenix E01 V2.0 cũng sáng loanh quanh 100 Lumens nhưng điểm ăn tiền là nó có thêm 2 mức sáng phụ là 25 và 5 Lumens. Việc được trang bị tới 3 mức sáng đem lại khả năng linh hoạt tốt cho nhiều tình huống sử dụng, chẳng hạn có những việc chỉ cần độ sáng thấp thôi cho tiết kiệm pin. Còn như I3E thì chỉ có 1 lựa chọn duy nhất là 90 Lumens.

Mức 25 Lumens của Fenix E01 V2.0 sáng liên tục được gần 5 tiếng. Ánh sáng này đủ soi đường đi cầu thang hay đi dạo loanh quanh.

Mức 5 Lumens thì có thể chạy liên tục tới 25 tiếng đồng hồ, rất cần thiết cho các tình huống sinh tồn. Mình thấy 5 Lumens còn đủ đọc cả sách.

Fenix E01 V2.0 cũng là cây đèn có chất lượng hoàn thiện cực tốt. Thân bằng hợp kim nhôm dày dặn, được gia công tinh xảo. Đèn đạt tiêu chuẩn chống nước IP68 và bảo hành tới 5 năm.

Fenix E02R là một cây đèn pin tốt, chỉ tiếc là nó sử dụng cổng sạc Micro USB cũng khá lỗi thời rồi. Nhưng hiện Bisu đang giảm giá cây này còn có 400.000đ (giá cũ 590.000đ) thì mình thấy là vẫn đáng mua.

So sánh kích thước với viên pin AAA và Fenix E01 V2.0

Điểm ăn tiền của E02R là cực kì nhỏ gọn và cực sáng, tới 200 Lumens. Tổng trọng lượng cây đèn chỉ có 15g và nó ngắn ngang viên pin AAA.

200 lumens của E02R trong nhà.
và ngoài trời.

Độ sáng cao này có được là nhờ viên pin sạc Lithium Polymer điện thế 3.7 volts, cao hơn hẳn 1.5 volts của pin AAA. Thời gian sáng là từ 25 phút cho tới 6.5 tiếng.

E02R có thêm mức sáng phụ 15 lumens, chạy liên tục được hơn 6 tiếng đủ dùng loanh quanh trong nhà. Còn mức 200 Lumens đi dạo ngoài trời cũng ổn.

Hiện mình đang dùng cây này và thấy mọi thứ đều ngon, ngoại trừ đi chơi xa là lại phải mang theo sợi cáp micro usb cho mỗi mình nó.

Cây này của Olight, cùng phân khúc với Fenix E02R nhưng dùng cổng Type-C nên mình không có gì để chê về nó cả.

Thực ra thì Olight IXVOlight I1R 2 Pro có cấu hình y hệt nhau, chỉ khác về thiết kế nên ai thấy hợp cây nào thì mua thôi.

Olight IXV rất nhỏ, nặng 22g cả pin, sáng 180 Lumens và chiếu xa 48 mét theo thông số. Thực tế mình thấy nó chiếu tốt trong khoảng 20 mét đổ lại, đủ đi dạo buổi tối.

180 Lumens của Olight IXV ở ngoài trời. Cây này ánh sáng ngả vàng rất đẹp, tâm sáng cũng tròn trịa.

Kích thước to hơn Fenix E02R chút nhưng bù lại có cổng Type-C.

Rất tiện vì có thể sạc pin mọi lúc mọi nơi.

Đèn có thêm mức sáng phụ nhưng là 5 Lumens, khá thấp nếu so với 15 Lumens của Fenix E02R. Độ sáng này thì vẫn đủ dùng để đọc sách hay tìm đồ trong cốp nhưng mình thích nó được đẩy cao lên hơn chút.

Cá nhân mình thấy cây này thiết kế đẹp, hiện đại hơn Fenix, chống nước IP68 và bảo hành 2 năm.

E05R là một cây đèn đặc biệt, kích thước giống Olight I3E hay Fenix E01 V2 nhưng lại dùng pin sạc Lithium 3.7 volts ở trong thân, cho độ sáng khủng tới 400 Lumens.

400 Lumens của Fenix E05R.

400 Lumens là độ sáng ngang với những cây đèn pin cầm tay cỡ trung, và nó chiếu xa tới 64 mét theo thông số.

Đa phần đèn pin cỡ này sẽ dùng cơ chế xoay đầu đèn để bật/tắt. Còn E05R có luôn công tắc đặt trên thân, tuy hơi nhỏ nhưng thao tác vẫn ổn.

Điểm ăn tiền của Fenix E05R là nó có cổng sạc được giấu kín ở trong thân, phải xoáy cái nắp này ra mới thấy. Thiết kế này đảm bảo chống nước tuyệt đối và mình cũng thẩm mĩ hơn.

150 Lumens của Fenix E05R

3 mức sáng chính của E05R là 150 – 25 và 3 Lumens. Còn 400 Lumens chỉ có thể kích hoạt tạm thời bằng cách nhấn và giữ công tắc. Khi thả tay ra đèn sẽ về ngay độ sáng cũ. Điều này cũng dễ hiểu bởi 400 Lumens là độ sáng rất cao, lạm dụng sẽ nhanh hết pin.

Hiện Bisu đang giảm giá cây này còn có 590.000đ (giá cũ 740.000đ) và bảo hành 2 năm chính hãng.

Fenix E03R V2.0 là chùm cuối của đèn pin móc khóa. Mình thấy nếu tiền không phải vấn đề thì đây chính xác là cây đèn hoàn hảo về mọi mặt.

E03R V2.0 có thiết kế đẹp với thân bằng nhôm nguyên khối rất cứng cáp. Trọng lượng cả pin là khoảng 30g.

Phiên bản V2.0 này được nâng cấp dung lượng pin và độ sáng gấp đôi bản cũ, khiến nó đáp ứng tốt cả nhiều nhu cầu sử dụng cường độ cao.

500 Lumens của Fenix E03R V2

Độ sáng 500 Lumens của E03R V2.0 dùng tốt cho mọi hoạt động cơ bản ngoài trời, tầm chiếu xa hiệu quả đạt 50 mét.

150 Lumens của Fenix E03R V2.

Bên trong trang bị pin sạc dung lượng 400mAh, cho thời lượng sử dụng từ 1 – 30 tiếng tùy mức sáng. Đáng giá nhất là dùng được 2 tiếng ở 150 Lumens.

Trên thân đèn có cổng sạc Type-C được đậy kín bằng nắp cao su, đảm bảo chống nước IP68.

Nó có cả đèn led ánh sáng đỏ và nháy đỏ để báo hiệu.

Công tắc được thiết kế lại với dải led định vị ban đêm ở xung quanh.

Mình đánh giá cao về sự thực dụng của E03R V2, nó mạnh mẽ và nhỏ gọn, hoàn hảo cho sử dụng trong đô thị. Hạn chế là giá bán không phải ai cũng tiếp cận được.