Review Fenix LR40R V2: đèn pin “hybird” sáng 15.000 Lumens, chiếu vừa xa lẫn rộng

0
2069

Bên cạnh độ sáng thì một yếu tố quan trọng khi chọn mua đèn pin siêu sáng công suất cao đó là: ánh sáng chiếu xa hay rộng?

Nếu mua một cây đèn chuyên dụng để chiếu xa thì vùng sáng tỏa để nhìn bao quát lại không tốt và ngược lại. Thực ra Fenix cũng có những mẫu đèn cân bằng giữa cả 2 yếu tố chiếu xa và rộng như LR50R hay LR80R, nhưng đối với mình đây vẫn là đèn chiếu xa, ánh sáng tỏa rộng cũng có nhưng đủ dùng thôi.

Chẳng hạn đây là độ sáng 12.000 Lumens của Fenix LR50R với tầm chiếu xa 950 mét theo thông số. Nó vẫn có 1 vùng ánh sáng tỏa đủ rộng để nhìn bao quát nhưng cũng chỉ tương đối.

Và đây là khi thiết kế đèn pin “Hybrid” như của Fenix LR40R V2.0 lên ngôi. Nó được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng kép đáp ứng tốt cả nhu cầu chiếu xa và rộng chuyên biệt 2 trong 1 mà không phải hi sinh hiệu suất ở chức năng nào cả.

Phiên bản V2 này được nâng cấp toàn diện về hiệu năng chiếu sáng, đặc biệt Led chiếu xa tăng độ sáng lên 3000 Lumens, tầm chiếu 900 mét. Nó thực dụng hơn là độ sáng chỉ vỏn vẹn 1000 Lumens của phiên bản đời đầu.

Đây sẽ là sự lựa chọn tuyệt vời cho các nhu cầu chiếu sáng cường độ cao ngoài trời như tìm kiếm cứu nạn, thám hiểm hang động, tuần tra bảo vệ,…

Olight cũng có một mẫu đèn khác cùng phân khúc là Marauder 2 nhưng độ sáng của đèn chiếu xa cũng chỉ đạt 840 Lumens. Mình sẽ so sánh 2 mẫu này ở một bài viết khác.

Đèn pin Fenix LR40R V2.0 đang có giá bán 7.190.000đ cùng chế độ bảo hành 5 năm chính hãng tại Bisu

1. Video

2. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng cực đại 15.000 Lumens, chiếu xa 900 mét
  • Trang bị 1 led chính SFT70 và 16 led chiếu rộng Lumileds HL2X
  • Tích hợp pin sạc công suất cao 54Wh (10.8V/5000mAh)
  • Cổng sạc nhanh Type-C và cổng USB-A để dùng như pin dự phòng
  • Thiết kế công tắc xoay tân tiến
  • Cảm biến tiện cận thông minh tự hạ độ sáng khi phát hiện có vật cản
  • Công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động IOP
  • Kích thước: 175 x 82 x 55mm
  • Trọng lượng: 842.5g (cả pin)
  • Chống nước: IP68

3. Đánh giá chi tiết

3.1 – Mở hộp và phụ kiện

Cây đèn được đóng trong hộp bìa cứng, mặt trước và sau in đầy đủ các thông số quan trọng.

LR40R V2 có pin sạc được tích hợp trong thân đèn, và phụ kiện đi kèm sẽ bao gồm:

  • Cáp sạc Type-C
  • Dây đeo tay
  • Bao đựng đèn HDSD

Bao đựng là phụ kiện cần thiết để cài cây đèn ở thắt lưng hay balo.

Mặt sau của bao có quai nhựa để treo được lên nhiều vị trí.

Và đai cài có miếng dán velcro.

3.2 – Kích thước

Tiếc là LR40R bản đời đầu đã bán hết nên mình không có ở đây để so sánh được, lấy tạm cây LR50R.

Theo thông số thì phiên bản V2 của LR40R không chênh quá nhiều so với đời trước, cụ thể là:

  • Kích thước: 175 x 82 x 55mm (dài x đường kính đầu x đường kính thân).

  • Trọng lượng thực tế ~ 850g.

Bảo một cây đèn thuộc phân khúc này là nhỏ gọn nghe nó cũng hơi sai, nhưng quả thực thì LR40R V2 rất cân đối so với sức mạnh của nó. Một cây đèn không quá nặng, cầm vừa tay và có khả năng duy trì liên tục ở ~ 3000 Lumens cho tới khi hết pin.

So với LR50R thì cây này dài nhưng đường kính lại nhỏ hơn, tổng trọng lượng cũng nhẹ hơn (LR50R nặng ~ 1000g cả pin).

Đường kính thân 55mm đem lại trải nghiệm cầm nắm rất tốt, vừa tay.

Tay mình nhỏ nên cầm LR50R thấy hơi to.

Thân đèn được gia công các vân ngang nên cho độ bám tốt, không có cảm giác bị trơn tuột.

3.3 – Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Fenix LR40R V2 không có sự đột phá gì mới trong thiết kế tổng thể. Đa số các mẫu đèn pin công suất cao của Fenix từ trước đến nay đều mang thiết kế hao hao như này và được lấy cảm hứng từ TK75 phiên bản 2015.

Mọi chi tiết trên cây đèn đều được bo tròn nhưng vẫn có vẻ góc cạnh, rất cứng cáp và hầm hố.

Đặt cây LR50R bên cạnh thì cũng thấy hao hao về thiết kế.

5 lá tản nhiệt dày được chia làm 2 tầng giúp đèn hoạt động ổn định hơn ở độ sáng cao.

Chất lượng gia công tốt và sắc nét, từ lớp mạ Anodize cho tới các chi tiết nhỏ.

Chất lượng gia công và hoàn thiện là yếu tố quan trọng chỉ sau độ sáng để đánh giá tổng thể về một cây đèn. Điều đó cũng lí giải tại sao cùng độ sáng ~ 15.000 Lumens mà có những cây đèn chỉ 2 – 3 triệu trong khi đèn của Fenix lại tới 7 triệu.

Bạn sẽ không tìm được bất kì khuyết điểm nào trên cây đèn này, mọi chi tiết dù nhỏ nhất đều được gia công chính xác và sắc nét.

Bezel đầu đèn được gia công từ thép không gỉ với độ cứng cao.

Đuôi đèn có các lỗ để xỏ dây đeo tay.

LR40R V2 thiếu đi một chi tiết quan trọng trong thiết kế đó là lỗ ốc 1/4 để gắn lên chân Tripod. Nó thực sự cần thiết với đèn pin công suất cao nói chung vì sẽ tăng độ linh hoạt và thực dụng.

Fenix trang bị tính năng này cho TK75 2018 và LR50R thì cũng nên có trên những mẫu đèn khác tương tự.

Hệ thống quang học

LR40R là dòng đèn pin đặc biệt của Fenix với hệ thống quang học gồm 16 bóng led công suất cao để chiếu sáng rộng bao quát cùng 1 bóng led trung tâm để chiếu tầm xa.

Phiên bản LR40R V2 có nâng cấp lớn về độ sáng ở cả 2 hệ thống led này:

  • Hệ thống đèn chiếu rộng sử dụng 16 bóng led Lumileds HL2X ánh sáng trắng, độ sáng cực đại 12.000 Lumens
  • Đèn chiếu xa sử dụng 1 led Luminus SFT70 cho độ sáng 3000 Lumens, tầm chiếu xa đạt 900 mét. Fenix cũng sử dụng chip led này trên dòng đèn chiến thuật TK20R của mình.

Nâng cấp đáng kể nhất chính là tăng độ sáng của led chiếu xa lên 3000 Lumens, thực dụng hơn nhiều so với độ sáng chỉ 1000 Lumens của phiên bản đời đầu.

Thực sự mà nói thì cây LR40R đời đầu nó cứ bị lệch lạc khi hệ thống led chiếu rộng sáng tới 11.000 Lumens, trong khi led chiếu xa được có vỏn vẹn 1000 Lumens. Bản V2 này ổn hơn nhiều!

Ánh sáng cho ra từ led chiếu xa.

Và của hệ thống đèn chiếu rộng.

Cuối bài viết sẽ test ánh sáng kĩ hơn.

Hệ thống công tắc mới

LR40R V2 có một hệ thống công tắc chưa từng xuất hiện trên bất kì cây đèn pin Fenix nào trước đây. Nó bao gồm:

  • Công tắc xoay để chuyển đổi nhanh giữa 4 chế độ: Khóa – Chiếu xa – Chiếu rộng – Chiếu cả xa + rộng.
  • Công tắc dạng nhấn ở chính giữa để bật/tắt đèn và chuyển các mức sáng.

Phía trên của công tắc là 5 đèn led báo dung lượng pin theo thời gian thực.

Công tắc xoay được thiết kế tốt để thao tác được bằng 1 tay. Lưu ý đây không phải công tắc xoay tự do 360° mà chỉ giới hạn ở 180°, tức là sẽ có 1 điểm dừng.

Công tắc ở giữa làm bằng kim loại và có tiết diện lớn nên cảm giác bấm tốt, nhạy.

Mình đánh giá cao thiết kế công tắc này, dùng 1 tay rất ổn, thao tác đơn giản và hiệu quả khi có thể chuyển đổi cực nhanh giữa các chế độ sáng. Mình sẽ trình bày rõ hơn về cách sử dụng cây này ở đoạn dưới.

Thiết kế pin liền thân

Ở phiên bản đầu tiên thì LR40R sử dụng một khối pin được Fenix đóng riêng và có thể tháo rời. Còn cây LR40R V2 này sử dụng pin sạc liền thân và không thể tháo được. Viên pin bên trong này có công suất 54Wh, tính ra thì nó tương đương tới 3 viên pin sạc 21700 dung lượng 5000mAh mỗi viên ghép lại.

Thiết kế pin sạc tích hợp có ưu điểm lớn về sự ổn định và đơn giản trong vận hành. Bạn không cần phải quan tâm gì đến việc chọn loại pin phù hợp cho cây đèn, chỉ đơn giản là lôi ra khỏi hộp và sử dụng luôn. Còn hạn chế thì cũng khá rõ ràng, đó là không thể thay thế nhanh chóng khi đèn hết pin để tiếp tục sử dụng và phải cắm sạc và chờ đợi.

Với những cây đèn công suất cao như LR40R V2 thì hạn chế này cũng không quá đáng kể bởi bản thân viên pin dung lượng cao cũng đem lại thời lượng sử dụng tốt ở mức sáng hợp lí. Và chưa kể tới việc cây đèn được tích hợp cổng sạc nhanh Type-C.

Cổng sạc được đặt ngay gần đầu đèn với nắp đậy bằng cao su để chống nước và bụi.

Đây là 1 hệ thống gồm 2 cổng sạc riêng biệt:-

  • Cổng sạc vào USB Type-C với công suất 18W
  • Cổng sạc ra USB A với công suất 10W để dùng pin dự phòng.

Có vẻ cụm công tắc này không được thiết kế để chống nước 2 lớp, bù lại thì nắp đậy có thiết kế để tự đóng khi không sử dụng tới.

Dòng sạc vào thực tế đạt ~ 17.1W, đủ so với công bố. Với tốc độ này thực tế sẽ mất khoảng 4 tiếng để sạc đầy pin từ trạng thái cạn.

Còn tốc độ sạc ra chỉ đạt ~ 7.5W so với 10W như công bố.

Nên là sạc cho mấy thiết bị có pin dung lượng cao cũng mất kha khá thời gian.

-> Cổng Type-C có tốc độ sạc nhanh, chỉ 4 tiếng là đầy viên pin công suất 54Wh, còn cổng sạc ra USB-A thì hơi chậm so với công bố.

Cảm biến tiệm cận

Đèn pin công suất cao đi đôi với nhiều nguy hiểm tiềm tàng như nguy cơ gây bỏng nặng hay hỏa hoạn vì nhiệt lượng tỏa ra từ ánh sáng đầu đèn là cực lớn.

Và đó là lí do Fenix trang bị hệ thống cảm biến tiệm cận cho LR40R V2 giống như trên đàn anh LR50R. Cảm biến này sẽ có nhiệm vụ hạ độ sáng của đèn xuống mức thấp vô hại để không tỏa ra nhiệt lượng lớn khi phát hiện có vật cản phía trước.

Vài thông số chính của cảm biến này:

  • Hoạt động từ độ sáng 500 Lumens đổ lên
  • Khoảng cách hoạt động là 6cm, khi đặt xa hơn 6cm thì đèn sẽ kích hoạt lại mức sáng cao
  • Cảm biến sẽ có delay khoảng 1.5s trước khi hạ xuống độ sáng thấp

Olight cũng là một hãng trang bị đại trà cảm biến hạ độ sáng cho đèn pin của mình, từ đèn cỡ trung với lớn đều có. Tính năng này của đèn pin Olight mượt và không có delay như Fenix, thì nguyên nhân là 2 hãng sử dụng 2 công nghệ cảm biến khác nhau:

  • Của Fenix là cảm biến tiệm cận, hoạt động dựa trên khoảng cách giữa đầu đèn và vật thể. Ưu điểm là hoạt động hoàn hảo bất kể vật thể phía trước có hình dạng, màu sắc ra sao. Hạn chế là có delay.
  • Của Olight là cảm biến quang học, hoạt động dựa trên cường độ ánh sáng phản xạ lại từ vật thể. Ưu điểm là không có delay và mượt. Hạn chế là khi chiếu vào vật thể màu đen, ánh sáng phản xạ lại ít thì sẽ hoạt động kém chính xác.

4. Giao diện sử dụng

Công tắc xoay

Đảm nhiệm việc chuyển đổi giữa 4 chế độ: Khóa – Chiếu xa – Chiếu rộng – Chiếu xa và rộng kết hợp.

  • Bắt đầu khi đèn ở trạng thái khóa, xoay công tắc theo chiều kim đồng hồ lần lượt qua các chế độ.
  • Chức năng khóa có thể dùng để tắt đèn

Fenix LR40R V2 được thiết kế để có thể bật riêng biệt từng hệ thống đèn hoặc cả 2 cùng 1 lúc.

Công tắc nhấn:

Khi đèn đang không ở chế độ khóa:

  • Nhấn giữ 0.5s để Bật/Tắt đèn
  • Nhấn 1 lần để chuyển qua lại các mức sáng của từng chế độ
  • Nhấn giữ 1.2s để kích hoạt nháy Strobe, nhấn tiếp qua nháy SOS

– Chế độ chiếu xa có 4 mức sáng: 10 – 500 – 1500 – 3000 Lumens

– Chế độ chiếu rộng có 5 mức: 100 – 1000 – 3000 – 8000 – 12000 Lumens

– Chế độ chiếu xa và rộng kết hợp có 5 mức: 300 – 1500 – 5000 – 10000 – 15000 Lumens

Chức năng nhớ mức sáng cuối:

Chỗ này khá thú vị:

  • Khi xoay công tắc từ chế độ khóa -> chiếu xa, đèn luôn kích hoạt ở 10 Lumens
  • Khi xoay công tắc giữa 3 chế độ sáng còn lại mà không về chế độ khóa, đèn sẽ kích hoạt ở mức sáng cuối cùng được sử dụng
  • Nếu dùng công tắc nhấn để tắt thì cây đèn sẽ kích hoạt ở độ sáng cuối cùng được sử dụng.

-> Điều này có nghĩa nếu bạn đang không chắc lần cuối mình sử dụng đèn ở mức sáng nào thì chỉ cần xoay về chế độ khóa rồi bật lại về chiếu xa là nó sẽ luôn ở 10 Lumens, không bị choáng vì độ sáng cao bất ngờ.

5. Khả năng chiếu sáng

5.1 – Trong nhà

Với tận 14 mức sáng khác nhau thì có quá nhiều sự lựa chọn cho các tình huống sử dụng. Mình thường dùng từ 3000 Lumens đổ xuống ở chế độ chiếu rộng nếu ở trong nhà hay không gian hẹp.

3000 Lumens

1000 Lumens

5.2 – Ngoài trời

Đèn chiếu xa (Spot light)

3000 Lumens, tầm chiếu xa 900 mét theo thông số.

Mình chưa tìm được chỗ nào đủ rộng và xa đến vậy, còn thực tế tầm 3-400 mét đổ lại không thành vấn đề!

1500 Lumens

500 Lumens

10 Lumens

Đèn chiếu rộng (Flood light)

12.000 Lumens, tầm nhìn bao quát cực tốt.

8000 Lumens.

3000Lumens

1000 Lumens

100 Lumens.

Kết hợp chiếu xa và rộng (15.000 Lumens)

15.000 Lumens

Chế độ này đem lại ánh sáng Hybrid, vừa xa vừa bao quát, đáp ứng đủ mọi nhu cầu sử dụng.

10.000 Lumens

5000 Lumens

1500 Lumens

300 Lumens.

15.000 Lumens, rất choáng!

So sánh với Fenix LR50R

Đây là 12.000 Lumens của Fenix LR50R với thông số chiếu xa tới 950 mét.

So với 15.000 Lumens từ hệ thống quang học đặc biệt của LR40R V2.

Mình đánh giá ánh sáng của cả 2 cây này đều có sự cân bằng tốt và thực dụng, LR40R V2 thì cho khả năng nhìn bao quát tốt hơn hẳn.

6. Thời lượng hoạt động (Runtime)

Với tổng cộng tới 14 mức cùng 3 chế độ sáng khác nhau thì mình chỉ đo runtime của đèn ở những mức quan trọng nhất và ở 2 trường hợp:

  • TH1: sử dụng thêm quạt tản nhiệt bên ngoài để hỗ trợ
  • TH2: không sử dụng quạt tản nhiệt, đèn hoạt động với nhiệt độ phòng ~ 25°C

15.000 Lumens (Chiếu xa + rộng)

Độ sáng này tỏa ra nhiệt lượng cực lớn nên kể cả khi có quạt tản nhiệt hay không thì 15000 Lumens cũng hạ nhanh trong chưa đầy 1 phút.

  • Khi có quạt (đường màu xanh): 15000 Lumens hạ xuống và duy trì ổn định ở 22% độ sáng, tức ~ 3300 Lumens tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 118 phút ~ 1.96 tiếng.
  • Không có quạt (đường màu cam): 15000 Lumens hạ xuống < 20% độ sáng và hoạt động khá ổn định loanh quanh 2800 – 3000 Lumens cho tới hết pin. Đường biểu đồ không được ổn định như khi dùng quạt bởi độ sáng sẽ điều chỉnh liên tục dựa theo nhiệt độ của đèn. Tổng runtime đạt 173 phút ~ 2.9 tiếng.

12.000 Lumens (Đèn chiếu rộng)

ĐỘ sáng này ổn hơn nhiều khi duy trì được tới mức 9000 Lumens trong khoảng 6-8 phút trước khi hạ xuống ~ 3000 Lumens.

  • Khi có quạt (đường màu xanh): 12.000 Lumens hạ xuống 9000 Lumens sau 1 phút, duy trì được 7 phút và hạ tiếp xuống 3300 Lumens rồi sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 130 phút ~ 2.2 tiếng.
  • Không có quạt (đường màu cam): 9000 Lumens chỉ duy trì được khoảng 4 phút rồi hạ sâu xuống 15% (2250 Lumens), vài phút sau khi nhiệt độ ổn định trở lại thì đèn nâng độ sáng lên 3300 Lumens và sáng tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 140 phút ~ 2.3 tiếng.

3000 Lumens

Cả đèn chiếu xa và rộng đều có mức sáng 3000 Lumens này nên mình sẽ đo cả 2 luôn.

Đèn chiếu xa

Đèn chiếu rộng

-> Cùng 1 độ sáng 3000 Lumens nhưng 2 hệ thống đèn cho ra kết quả khác nhau hoàn toàn và điều này cũng dễ hiểu.

  • Đèn chiếu xa sử dụng 1 chip led duy nhất và nó phải chạy ở 3000 Lumens nên hiệu suất không được quá tốt. Kể cả khi có dùng quạt tản nhiệt hay không thì độ sáng sẽ hạ về cỡ ~ 2200 Lumens và duy trì tới khi hết pin. Runtime đạt từ 108 – 137 phút.
  • Hệ thống đèn chiếu rộng sử dụng tới 16 chip led, tính ra là mỗi chip led chỉ phải gánh ~ 187 Lumens nên hiệu suất đạt mức tốt nhất. Ngay cả khi không có quạt tản nhiệt thì đèn vẫn dễ dàng duy trì 3000 Lumens tới khi hết pin. Runtime đạt 146 – 154 phút.

Sau gần 3 tiếng hoạt động liên tục ở 3000 Lumens thì nhiệt độ ở cả đầu và thân đèn đều ở mức gần 50°C. Đây là nhờ công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động IOP mà Fenix đang trang bị đồng bộ cho đèn pin của mình về sau này.

Chức năng chính của IOP là tự động tăng giảm độ sáng cho phù hợp để duy trì nhiệt độ của đèn ở mức tối ưu nhất, thường là dưới 55°C để tránh gây bỏng tay cũng như giảm tuổi thọ của các linh kiện.

Đèn pin được trang bị IOP sẽ ngăn người dùng kích hoạt liên tục mức sáng Turbo vì nó có thể gây quá nhiệt.

7. Tổng kết

Có 2 chi tiết mình tâm đắc trên mẫu LR40R V2 này đó là cụm công tắc mới và đèn chiếu xa được nâng độ sáng lên 3000 Lumens. Hệ thống công tắc đem lại trải nghiệm sử dụng rất tốt và tiện lợi, nó không hề rắc rối mặc dù cây đèn có tổng cộng 14 mức sáng khác khau. Kiểu với những người mới sử dụng lần đầu thì cũng chỉ mất chút thời gian là làm quen và sử dụng thành thạo.

Đèn chiếu xa với độ sáng 3000 Lumens cùng tầm chiếu hiệu quả ~ 4-500 mét nó thực dụng và hợp lí hơn nhiều so với 1000 Lumens của bản cũ. Kết hợp với hệ thống đèn chiếu rộng thì đáp ứng tốt 99% mọi nhu cầu sử dụng rồi.

Ưu điểm:

  • Chất lượng hoàn thiện tốt
  • Kích thước vừa phải
  • Khả năng chiếu sáng toàn diện cho mọi nhu cầu
  • Giao diện sử dụng mới tiện lợi và thông minh
  • Khả năng duy trì ổn định độ sáng 3000 Lumens liên tục
  • Có công nghệ cảm biến nhiệt độ chủ động và cảm biến tiệm cận

Cần cải thiện:

  • Cổng sạc ra USB-A có tốc độ hơi chậm
  • Thân đèn không có ốc 1/4 gắn chân Tripod như LR50R
  • Cả 2 cổng sạc nên có chống nước 2 lớp