Kìm đa năng Leatherman Wave+ vs Charge+: 4 điểm khác biệt cơ bản

0
1700

Wave+ và Charge+ là 2 cây kìm đa năng của Leatherman rất hay được đem ra so sánh và cân nhắc bởi chúng có nhiều điểm tương đồng trong thiết kế và công năng. Dù vậy giữa 2 mẫu kìm này vẫn có những điểm khác biệt đáng kể khiến giá bán chính hãng chênh nhau tới gần 1.5 triệu. Trong bài viết này mình sẽ chỉ ra giúp mọi người!

Giá bán và chế độ bảo hành

Kìm đa năng của Leatherman được phân phối chính hãng sẽ có chế độ bảo hành tiêu chuẩn tới 25 năm! Vậy nên mặc dù hàng xách tay đôi khi có mức giá rẻ hơn hẳn nhưng mình vẫn luôn khuyên mua hàng chính hãng. Trong suốt 25 năm sử dụng nếu cây kìm có xảy ra sự cố gì (gãy, mẻ các bộ phận) thì hãng sẽ sửa chữa miễn phí.

Mọi người có thể liên hệ qua Fanpage của Bisu cho tiện: https://bit.ly/3pbIPRK

Sự tương đồng trong thiết kế

Wave+ và Charge+ đều thuộc phân khúc kìm đa năng full-size của Leatherman. Chúng được thiết kế để giúp người dùng xử lý được nhiều công việc trong cuộc sống hàng ngày hay trong các chuyến phiêu lưu, từ nhẹ nhàng tới nặng nhọc.

2 mẫu kìm này có thiết kế và các chức năng giống nhau tới 8-90% vậy nên những người mới sẽ khá bối rối khi lựa chọn. Wave+ được coi là cây kìm quốc dân thuộc dòng cận cao cấp với mức giá dễ tiếp cận, công năng toàn diện cho mọi nhu cầu. Trong khi đó Charge+ là một phiên bản cao cấp đắt tiền hơn với một vài sự khác biệt về vật liệu.

Sự tương đồng giữa 2 mẫu kìm:

  • Kích thước và trọng lượng ngang nhau, đều dài khoảng 10cm khi đóng, bề rộng ~3cm và độ dày ~ 2cm. Trọng lượng ~ 240g
  • Phần lớn kết cấu và các bộ phận đều từ thép kháng gỉ 420HC và 440HC
  • Mọi chức năng (trừ đầu kìm) đều có khóa chốt
  • Các chức năng chính đều có thể truy cập 1 tay
  • Sử dụng chung đầu kìm có lưỡi cắt dễ dàng thay thế
  • Tương thích với các phụ kiện rời như clip cài túi và các đầu bit kit bán rời

Đầu kìm Wave+ và Charge+ đều nâng cấp ở đầu kìm với lưỡi cắt có thể tháo rời, dễ dàng thay thế trong trường hợp bị gãy mẻ. Chi tiết này thì người dùng có thể tự thay thế được mà không cần gửi hãng.

Các chức năng phụ của 2 cây này giống y hệt nhau và đều có khóa chốt để tránh bị vô tình gập lại khi đang sử dụng.

Đầu vít có thể tháo rời.

Cưa kim loại và dũa.

Cưa gỗ.

Sự khác biệt

1. Số lượng các chức năng

Wave+ có tổng 18 chức năng và Charge+ có 19, nhiều hơn 1. Nếu nhìn qua thì hơi khó phát hiện ra Charge+ có thêm chức năng nào.

Thì đây là câu trả lời!

Leatherman Wave+ có 1 lưỡi răng cưa được thiết kế để cắt dây thừng, Charge+ cũng có nhưng ở đầu lại thêm 1 cái móc.

Đây là lưỡi cắt dây đai an toàn trên xe hơi, được thiết kế để dễ dàng sử dụng, tránh sai sót ngay cả khi đang hoảng loạn. Toàn bộ chức năng này được làm bằng thép 420HC.

nó sẽ như này

2. Ốp cán 

Wave+ được thiết kế với cán trần bằng thép, còn Charge+ có thêm ốp cán bằng nhôm mạ Anodize. Bằng cách thay đổi màu lớp mạ của ốp thì Leatherman có thể cho ra nhiều phiên bản khác nhau của cây Charge+, tăng thêm giá trị.

Vì có thêm ốp nên Charge+ dày hơn vài mm nhưng cũng không đáng kể.

Sự khác biệt quan trọng ở đây là độ bám khi cầm nắm và thao tác. Ốp cán bằng nhôm của Charge+ cho trải nghiệm tốt hơn hẳn, kiểu khi tay ra mồ hôi thì cũng không bị quá trơn.

Cán thép của Wave+ khi dùng bình thường thì rất ổn, nhưng ra nhiều mồ hôi là bắt đầu thấy hiện tượng trơn trượt, phải đeo găng tay vào.

-> Thích dùng tay trần thì Charge+ ổn hơn.

3. Chất liệu thép

Theo mình thì đây là sự khác biệt quan trọng nhất và ảnh hưởng không nhỏ tới giá thành của 2 cây.

Nhìn qua thì cả Wave+ lẫn Charge+ đều có lưỡi dao chính giống nhau với thiết kế để mở được bằng một tay. Sự khác biệt ở đây chính là chất liệu thép:

  • Lưỡi chính của Wave+ sử dụng 420HC, một mác thép “bình dân” được sử dụng phổ biến trên các loại dao giá rẻ và dụng cụ đa năng.
  • Lưỡi chính của Charge+ sử dụng mác thép kháng gỉ cao cấp 154cm với đặc tính giữ sắc vượt trội hơn hẳn.

So sánh thép 420HC và 154CM qua các tiêu chí:

a. Khả năng giữ sắc

154CM có độ cứng 60 – 61HRC trong khi thông số này rơi vào 56 – 57HRC cho thép 420HC. Độ cứng cao đồng nghĩa với khả năng giữ cạnh sắc lâu hơn.

Với các nhu cầu sử dụng cắt gọt thông thường thì thép 154CM có khả năng giữ sắc tuyệt vời. Đây cũng là lí do mà thép 154CM được sử dụng cho các loại dao bếp hay dao săn cao cấp.

420HC là một mác thép không gỉ khá phổ biến, nó cho khả năng giữ sắc ở mức trung bình. Với cường độ sử dụng thường xuyên thì thép 420HC hay phải mài lại khá nhiều.

b. Khả năng kháng gỉ

Tất cả mọi loại thép đều có thể bị gỉ, vậy nên mọi người hay dùng cụm từ “thép không gỉ” là sai, chỉ có “thép kháng gỉ” thôi. 420HC và 154CM không phải ngoại lệ.

Điều đáng nói ở đây là 154CM được đánh giá có khả năng kháng gỉ rất tốt, sau mỗi lấn sử dụng chỉ cần vệ sinh qua với nước sạch rồi lau khô, thỉnh thoảng thêm chút dầu bảo quản là ổn.

Trong khi đó 420HC lại kém hơn về khoản này, nếu cắt đồ ăn có tính axit hay dính mặn mà không vệ sinh kĩ thì chỉ ngay hôm sau bạn sẽ thấy lốm đốm các vết gỉ xuất hiện. Nói chung là dùng mác thép này thì phải bảo quản kĩ và vệ sinh thường xuyên hơn.

Thực tế là cấu tạo của kìm đa năng Leatherman đa phần được làm từ thép 420HC và chúng rất dễ gỉ với khí hậu nồm ẩm ở Việt Nam, kể cả hàng ít sử dụng mà bảo quản không tốt thì cũng gỉ hết.

c. Khả năng dễ mài

Theo lý thuyết thì thép 154CM cứng hơn nên sẽ khó mài hơn 420HC. Nhưng hãy nhớ 1 điều rằng 154CM giữ cạnh sắc rất tốt, nên nếu lưỡi không bị mẻ hay hư lại gì thì chỉ cần liếc qua với thanh mài sứ là đủ sắc như ban đầu.

420HC cũng là một loại thép dễ mài, nếu bị cùn nhẹ thì chỉ liếc qua là sắc. Nhưng vì khả năng giữ sắc kém nên nếu dùng 1 thời gian dài rồi mới mài lại thì cũng khá là tốn công.

Với trải nghiệm thực tế thì mình đánh giá cả 2 mác thép này đều dễ mài liếc lại nếu bị cùn nhẹ, còn mẻ thì mài và phục hồi lại cũng mệt như nhau.

4. Khả năng tháo lắp, bảo trì

Mình không khuyến khích người dùng tự tháo tung cây kìm ra nhưng khi sử dụng 1 thời gian dài thì việc tự siết chặt lại được cũng khá quan trọng.

Có thể thấp rõ 2 mẫu kìm sử dụng 2 loại vít chốt khác nhau hoàn toàn.

Loại vít chốt trên Leatherman Charge+ giống của Rebar hay Micra, và để mở được nó thì bạn cần 1 cái tool chuyên dụng như trong hình. Cái tool này ở ngoài không bán đâu, phải đặt mua trên Ebay.

Của Wave thì đơn giản hơn khi dùng ốc hoa thị nên tất cả những gì bạn cần là cái đầu vít hoa thị T10 này, lưu ý là loại đầu vít có lỗ ở giữa.

Lưu ý nữa là để vặn được ốc của Wave thì phải có ít nhất 2 đầu vít, 1 cái giữ cố định và 1 cái vặn.

Tổng kết

Theo ý kiến cá nhân của mình thì Leatherman Wave+ vẫn là cây kìm đa năng quốc dân, dễ tiếp cận hơn với ngân sách khoảng 3 triệu. Charge+ nằm ở phân khúc cao cấp hơn và giá cũng chênh không hề nhỏ. Yếu tố quan trọng nhất khi phân vân giữa 2 cây này chính là vật liệu của lưỡi dao.

Nếu bạn sử dụng lưỡi dao thường xuyên với cường độ cao và ít muốn phải mài lại cũng như bảo quản kĩ thì 154CM là sự lựa chọn tuyệt vời.

Thép 420HC của Wave+ có giá thành rẻ, dễ mài nhưng lại rất mau cùn khả kháng gỉ kém. Nó không kém đến nỗi hở ra là gỉ nhưng chắc chắn phải chú ý bảo quản nhiều và vệ sinh nhiều hơn. Mình là người khá lười mấy khoản này, cả năm chắc vệ sinh và mài lại tool 1 vài lần nên lâu lâu lôi ra thấy nó lấm tấm gỉ thì cũng buồn lắm…