Surefire E2T-MV Tactician: đèn EDC chất, giá chát! Review sau 3 năm sử dụng

0
1895

Đèn pin Mỹ, đặc biệt là Surefire vẫn luôn có gì đó rất gây nghiện dù giá rất đắt, tính năng không phong phú, độ sáng không quá cao và đa phần đều chạy pin CR123A dùng một lần (giá tới 60.000đ/viên).

Nhưng mà sau 3 năm dùng cây Surefire Tactician thì mình nhận ra được nhiều giá trị từ một cây đèn pin Mỹ giá 4 triệu mà chỉ có 2 mức sáng, độ sáng cũng đạt có 800 Lumens. Sự đơn giản và ổn định có lẽ là 2 yếu tố quan trọng nhất, đèn Surefire siêu bền bởi gần như không có gì để hỏng, độ sáng không quá cao như lại rất thực dụng. Mọi thứ từ thiết kế, giao diện sử dụng rồi cách phân chia các mức sáng đều được người Mỹ tính toán kĩ để đem lại độ thực dụng tốt nhất chứ không phải để chạy đua với hãng này hãng nọ.

Nếu các hãng đèn Trung Quốc như Fenix hay Olight bảo hành 5 năm cho sản phẩm của họ thì Surefire cam kết bảo hành tới khi nào hãng ngừng hoạt động thì thôi (nguyên văn là trọn đời sản phẩm nhưng như này mình thấy hợp lý hơn), vậy nên 4 triệu cho một cây đèn tưởng đắt mà hoá rẻ.

Bạn nào cần mua đèn pin Surefire hay Elzetta thì có thể liên hệ EDCZone.com.

1. Thông số kĩ thuật

  • Độ sáng tối đa: 800 Lumens
  • Chiếu xa: 115 mét
  • Số mức sáng: 2
  • Mức sáng thấp: 5 Lumens
  • Thời gian hoạt động: 1.5 tiếng và 95 tiếng
  • Loại pin: 2 x pin CR123A (dùng 1 lần) hoặc 1 x pin sạc 16650
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm
  • Kích thước: 127 x 25.4mm
  • Trọng lượng: 99g (cả pin)
  • Chống nước: IPX7

2. Đánh giá chi tiết

Cây này mình dùng 3 năm rồi nên nhìn bị cũ, ai muốn mua hàng mới nguyên vỉ có thể lên hệ EDCZone nhé.

Nguyên vỉ sẽ như này, phụ kiện bao gồm có dây đeo tay và 2 viên CR123A mới tinh ở trong đèn.

Kích thước siêu gọn

Surefire nói đây là cây đèn chạy 2 pin CR123A nhỏ gọn nhất mà họ từng làm, và đúng thế thật!

Kích thước cũng là điểm đầu tiên mình thích ở cây này, nó thon và gọn đến bất ngờ. Bỏ túi quần rất thích vì không có cảm giác bị cộm.

So sánh với một cây đèn dùng pin 18650 điển hình là Fenix PD35 V3.0 cho dễ hình dung về kích thước. Surefire Tactician không ngắn hơn là bao nhưng thân lại nhỏ hơn nhiều.

Tuy nhiên vì thân dài nên cầm nắm và thao tác vẫn rất ổn, không bị quá bé đến nỗi cho cảm giác hụt tay.

Trọng lượng rỗng là 66g.

Nếu cân cùng 2 viên CR123A thì trọng lượng sẽ trong 99g như Surefire công bố, còn cùng pin sạc 16650 thì sẽ nặng hơn tí.

Thiết kế và chất lượng hoàn thiện

Cây này mang thiết kế tối giản và cứng cáp đậm chất đèn Mỹ. Xấu đẹp tuỳ người cảm nhận nhưng mình thấy nó rất đẹp nên mới dùng liền 3 năm như vậy.

Thân đèn có sẵn clip cài túi được làm rất ăn nhập với thiết kế tổng thể. Nhìn cái clip với cây đèn giống một thể thống nhất chứ không kiểu bị vô duyên. Cái clip này có thể tháo ra được bằng cách vặn đầu đèn rồi rút lên.

Đèn pin Surefire và Elzetta mang tiếng là kén pin, cái này thì đúng nhưng không phải cây nào cũng thế. Chắc các bạn cũng biết đa số đèn của 2 hãng này đều được thiết kế để dùng pin Lithium CR123A (điện thế 3volts). Đây là loại pin dùng 1 lần, nhược điểm thì rõ rồi, đó là giá đắt (60.000đ/viên) nhưng ưu điểm thì:

  • Dung lượng cao gấp đôi pin sạc (1 viên CR123A có dung lượng khoảng 1300mAh)
  • Thời hạn sử dụng tới 10 năm, tức là cây đèn để 1 chỗ không dùng tới vài năm thì lôi ra bật vẫn sáng ngon lành
  • Chịu được nhiệt độ rất khắc nghiệt

Vậy là Surefire hay Elzetta chuộng pin CR123A bởi họ muốn cây đèn của mình luôn luôn trong tình trạng sẵn sàng sử dụng, dù bạn có cất tủ nó nhiều năm. Đối với mức sống của người Mỹ thì pin CR123A khá rẻ và sẵn có. Còn khi về Việt Nam thì chúng ta phải tìm giải pháp thay thế hợp túi tiền hơn, đó là pin sạc.

Với những cây đèn Mỹ dùng 1 viên pin CR123A thì có thể thay bằng pin Life P04 của Tenery nhưng loại này giờ ít ai bán nữa rồi. Và đèn chạy 2 pin CR123A lại là sự lựa chọn phổ biến nhất khi có thể dùng 1 pin sạc 16650. Pin 16650 giờ rất phổ biến, giá không quá cao nên và dùng phè phè vài năm.

Cây Surefire Tactician này mình cũng dùng với pin sạc 16650 của Keeppower suốt mấy năm nay và thấy rất ưng về hiệu suất cũng như thời lượng chiếu sáng. Gần cuối bài mình sẽ đo runtime của đèn sử dụng cả 2 loại pin.

Pin sạc 16650 có kích thước bằng đúng 2 viên CR123A chồng lên nhau nên lắp mấy cây đèn Mỹ này vừa khít.

Còn pin sạc 18650 có đường kính to hơn tới 2mm nên không vừa.

Người chơi đèn pin Mỹ chắc cũng quen tới cụm từ “xoáy nòng”. Nó đơn giản là tiện rộng thân đèn ra để dùng pin 18650 nhưng mình thấy nó không đáng lắm trừ khi bạn không ngại rủi ro.

Lý do đầu tiên là nhiều cây đèn có thân không đủ dày để xoáy mỏng thêm 2mm. Như cây Tactician này xoáy thêm 2mm thì chắc vứt nguyên cây đèn luôn. Tiếp theo là pin sạc 16650 cũng có dung lượng rất tốt, rất đủ dùng rồi, không đáng phải mạo hiểm và tốn công như vậy.

Ngay cả đến những cây Surefire hàng cổ như 6p vốn có thân rất dày nhưng khi “xoáy nòng” thì cũng có nhiều rủi ro bởi xoáy quá tay có thể thủng luôn thân ở phần ren vặn (chỗ có vỏ mỏng nhất).

Giờ nói về chất lượng hoàn thiện nhỉ?

Mình đã dùng qua nhiều đèn pin của các hãng Mỹ và nhìn chung chúng đều có chất lượng hoàn thiện rất tốt, thế nhưng nếu để so tỉ mỉ từng chi tiết thì vẫn không so được với các hãng đèn cao cấp của Trung Quốc. Mình nghĩ rằng người Mỹ họ không quá quan tâm tới các tiểu tiết vì nó không ảnh hưởng gì tới chất lượng của đèn.

Ví dụ như ren vặn trên đèn Mỹ đa phần đều là dạng tam giác, không phải dạng vuông như đèn Trung Quốc.

Và lò xò tiếp xúc ở các cực pin cũng chỉ là thép bình thường, không mạ vàng như đèn của Trung Quốc. Cái này cũng dễ hiểu thôi bởi đèn pin của Trung Quốc thường có công suất rất cao, họ phải tối ưu các điểm tiếp xúc để đem lại hiệu suất tốt nhất.

Công tắc đuôi “bất tử”

Cây Surefire Tactician này sử dụng một loại công tắc đuôi đặc biệt mà mình cho là bất tử, không bao giờ có thể hỏng được!

Cận cảnh cụm công tắc đuôi thần thánh này của Surefire Tactician. Nguyên bản thì cái đuôi này sẽ có 1 vòng kim loại để xỏ dây đeo tay qua, nhưng cây này mình làm mất rồi.

Công tắc Clicky thông dụng trên đèn pin

Đa số các loại đèn pin đều dùng một cụm công tắc dạng này, gọi là công tắc “clicky” bởi vì khi bấm nó phát ra tiếng “click” mà. Các loại công tắc điện tử thì sẽ không phát ra nhiều tiếng động. Nhưng về căn bản cấu tạo của chúng sẽ có 1 cụm công tắc như thế kia, mỗi lần nhấn thì nó sẽ làm đóng/mở mạch điện giúp đèn bật/tắt.

Ưu điểm của loại này là bấm sướng tay và tiện, còn nhược điểm là chúng sẽ có tuổi thọ nhất định. Các hãng đèn lớn dùng công tắc xịn có thể bền tới cả triệu lần nhấn, các hãng đểu thường hỏng sau 1 tháng. Nhưng nếu nói vệ sự bền bỉ và ổn định thì chắc chắn không thể đạt 100% được vì công tắc loại này có thể hỏng bất kì lúc nào, kiểu hên xui.

Còn Surefire lại có thêm 1 kiểu công tắc siêu đơn giản nhưng siêu bền, áp dụng cho nhiều mẫu đèn pin tác chiến trong đó có cả cây Tactician này.

Tại sao nó gần như không thể hỏng? Đơn giản là làm gì có gì mà hỏng!

Gọi là công tắc cho oai như nó chỉ là 1 cục nhôm có gắn lò xo, bạn nhấn thì nó tiếp xúc với thân làm đèn sáng, nhả tay ra đèn tắt, vậy thôi. Để rõ hơn thì mọi người xem cái video minh hoạ này nhé.

3. Giao diện sử dụng

Trong video trên mình cũng đã nói về giao diện sử dụng của Surefire Tactician rồi nhưng sẽ tóm tắt lại cho dễ theo dõi.

Khi đèn đang tắt, nhấn và giữ công tắc đuôi để bật.

Nhả tay ra là đèn tắt.

Xoáy chặt công tắc đuôi để đèn sáng cố định, xoáy lỏng ra để tắt.

Surefire Tactician có 2 mức sáng là 5 và 800 Lumens. Việc chuyển mức sáng được thực hiện qua thao tác siết và nới lỏng đầu đèn. Khi đầu được siết lại thì đèn sáng cố định ở 800 Lumens, nới lỏng ra 1 chút sẽ sáng ở 5 Lumens.

Đây là giao diện sử dụng khá điển hình của đèn pin Surefire và Malkoff, nó đơn giản, hiệu quả và đặc biệt chúng ta sẽ luôn biết đèn sẽ ở độ sáng nào khi bật lên.

Thêm thông tin nữa là kiểu giao diện sử dụng này được tối ưu cho các hoạt động tác chiến, đặc biệt khi dùng đèn pin cùng với súng. Bởi trong các hoạt động này yêu cầu việc bật và tắt đèn liên tục ở một 1 độ sáng cố định.

4. Khả năng chiếu sáng

Với chỉ 2 mức sáng là 800 và 5 Lumens thì Surefire Tactician sẽ thể hiện thế nào?

Đầu tiên là xem qua hệ thống quang học của cây này. Surefire không công bố bóng led mà họ sử dụng nên mình nhìn chỉ biết là của Cree thôi, còn loại nào thì không dám khẳng định. Cái choá đèn của Surefire cũng rất đặc biệt, nó chia thành từng bậc nhỏ chứ không phải thẳng tuột. Theo Surefire thì đây là công nghệ MaxVision Beam® cho ánh sáng tối ưu nhất với tầm nhìn.

Với bóng led nhân to và choá nhỏ như này thì có thể đoán trước được rằng ánh sáng của Tatician cho ra sẽ rất rộng.

Và đúng như thế, đây là độ sáng 800 Lumens ở điều kiện ngoài trời, toả siêu rộng, tầm chiếu hiệu quả khoảng 40 mét đổ lại.

Rõ ràng với ai chuộng đèn pin chiếu xa thì cây này không phải sự lựa chọn hợp lý. Còn suốt 3 năm thì mình thấy ánh sáng của nó cực kì thực dụng, dùng ngoài trời rất thích bởi chẳng mấy khi cần đèn chiếu xa tới vài trăm mét cả.

800 Lumens của cây này ở trong nhà cũng không bị chói mắt bởi ánh sáng rộng và mịn.

5 Lumens là quá yếu để dùng ngoài trời nhưng dùng trong nhà hay tầm gần thì rất ổn. Kiểu ban đêm cần ánh sáng đi wc hay tìm đồ lặt vặt thì 5 Lumens là tuyệt vời.

Vẫn đủ sáng để soi đường đi cầu thang.

Hay tìm đồ loanh quanh.

5. Runtime

Mình đo runtime của đèn ở độ sáng cao nhất với 2 loại pin: 2 viên CR123A và 1 viên 16650 dung lượng 2100mAh. Pin 16650 có cả loại 2500mAh nhưng hiện đang hết hàng nên mình dùng tạm loại kia.

Từ biểu đồ có thể thấy sự khác biệt rõ giữa 2 loại pin, đầu tiên là độ sáng cực đại:

  • Pin CR123A giúp đèn đạt được 100% công suất, tức ~ 800 Lumens.
  • Pin 16650 chỉ đạt 89% công suất, tức ~ 712 Lumens. Sự khác biệt này là rất nhỏ.

Về thời lượng hoạt động:

  • Đường màu xanh (pin CR123A): pin này giúp đèn duy trì độ sáng cao rất lâu, sau 30 phút mà vẫn đạt được ~ 650 Lumens. Cũng vì duy trì độ sáng cao lâu nên pin nhanh hết, tổng runtiem đạt 99 phút ~ 1.65 tiếng.
  • Đường màu cam (pin 16650): pin này không duy trì được độ sáng cao trong thời gian dài, sau 30 phút đèn chỉ còn được ~ 400 Lumens. Được cái là tổng runtime đạt tới 191 phút ~ 3.2 tiếng.

Dựa vào kết quả này có thể khẳng định pin sạc 16650 vẫn là sự lựa chọn tối ưu nhất cả về kinh tế lẫn hiệu suất của đèn.

6. Tổng kết

Ưu điểm:

  • Rất nhỏ gọn, cảm giác cầm nắm tốt
  • Gia công tốt
  • Giao diện sử dụng và chia độ sáng thực dụng
  • Ánh sáng toả rộng cho tầm nhìn tốt ở ~ 40 mét đổ lại
  • Thời lượng sáng với pin 16650 rất ổn
  • Cho cảm giác yên tâm khi sử dụng
  • Bảo hành trọn đời

Hạn chế:

  • Giá cao
  • Không phù hợp với người thích đèn chiếu xa
  • Công tắc đuôi sẽ làm nhiều người không thích vì cảm giác bấm
  • Clip cài làm hơi nông

Nhìn chung nếu bỏ qua về giá bán thì mình cực kì thích cây này, nó không đem lại cảm giác mau chán và muốn bán bỏ như nhiều cây đèn khác.

Hiện EDCZone.com đang còn vài cây mới giá 3.940.000đ. Hoặc các bạn cũng có thể tham khảo cây EDCL2-T mình thấy cũng khá tương đồng, được cái dùng thấu kính TIR nên chiếu xa tốt hơn.