Cách đây 5 năm tức vào khoảng 2016 Fenix đã trang bị công tắc kép phản ứng nhanh cho TK16 khiến nó là một cây đèn pin chiến thuật đúng nghĩa. Còn cách đây không lâu thì Fenix lại cho ra mắt phiên bản V2.0 của TK16 với nhiều cải tiến vượt trội về công suất, runtime nhưng những tinh hoa của người tiền nhiệm thì vẫn được giữ lại.
Nếu những cây đèn có đầu cỡ nhỏ bằng với thân như PD32 V2.0 rất hợp để bỏ túi dùng hàng ngày thì TK16 V2.0 lại dành cho những ai cần sử dụng ổn định ở độ sáng cao khoảng 1000 Lumens cho tới khi hết pin cùng khả năng phản ứng nhanh.
Thông số kĩ thuật
- Độ sáng tối đa: 3100 Lumens
- Chiếu xa: 380 mét
- Loại bóng led: Luminus SST70
- Số mức sáng: 5
- Nháy Strobe: có
- Loại pin tương thích: 21700/18650
- Trọng lượng (chưa pin): 112g
- Chống nước: IP68
- Kích thước: 143 x 34 x 25.4mm (chiều dài x đường kính đầu x đường kính thân)
Đánh giá chi tiết
Đóng gói và phụ kiện
Cách đóng hộp quen thuộc của Fenix
Fenix TK16 V2.0 đi kèm đầy đủ phụ kiện để đảm bảo mua về là dùng luôn. Bao gồm có:
- Pin sạc 21700 dung lương 5000mAh của Fenix, có tích hợp cổng sạc trên thân
- Dây sạc Type-C
- Bao đựng
- Dây đeo tay
- 2 gioăng cao su chống nước dự phòng
- HDSD
Viên pin đi kèm là cỡ 21700, dung lượng 5000mAh của Fenix. Pin có mạch bảo vệ ở cực dương.
Fenix đang bán lẻ viên này với giá khoảng 700.000đ
Nó được trang bị cổng sạc Type-C thay vì micro USB như nhiều hãng khác, đem lại tốc độ sạc nhanh hơn.
Nếu không có nhu cầu sử dụng quá cao thì 1 viên pin này là đáp ứng đủ, đỡ phải mua thêm sạc rời.
Dòng sạc vào đạt ~ 1.3A, khá nhanh với mạch sạc tích hợp sẵn. Với tốc độ này thì mất khoảng 5 tiếng để sạc đầy pin.
Đỉnh cực dương có đèn led báo tình trạng, đèn đỏ là đang sạc và xanh là đã đầy. Khi đầy thì mạch của pin cũng tự động ngắt dòng sạc.
Thật sự tôi không ưa nổi cái dây đeo tay dạng này của Fenix, dù chắc chắn nhưng dùng lại không tiện và nhìn thiết kế cũng xấu. Mong hãng sẽ đồng bộ hết dây đeo tay lên loại xịn như của Fenix TK30.
Bao đựng cũng không phải loại cao cấp nhất của hãng nhưng dùng cũng ổn nếu để đeo vào thắt lưng.
Dây sạc Type-C hàng chất lượng, độ dài cũng vừa đủ dùng.
Kích thước và trọng lượng
Fenix TK16 V2.0 có chiều dài khoảng 14cm
Đường kính đầu đèn là 3.4cm.
Trọng lượng khi chưa pin là 113g.
Cả pin là 185g.
Kích thước vừa là ưu và nhược của TK16 V2.0. Ưu điểm là kích thước to, dày dặn sẽ giúp đèn hoạt động rất ổn định ở độ sáng cao. Còn nhược là đường kính đầu đèn to nên đút túi quần không thoải mái. Đút túi áo khoác thì được nhưng quần jean thì sẽ bị cấn.
Cách tốt nhất là gài thẳng vào thắt lưng, vừa gọn lại dễ lấy khi cần.
Clip cài của cây này rất ngon nên giữ cố định đèn tốt. Nó có độ cứng vừa phải nên rút ra vào cũng không bị mòn túi hay thắt lưng.
Nhìn chung tôi không nghĩ Tk16 V2.0 là sự lựa chọn tốt để bỏ túi quần chật nhưng xét trong phân khúc đèn pin cầm tay cỡ trung thì nó lại rất gọn gàng và vừa miếng. Hãy nhớ rằng những cây đèn đầu to dạng này thì dù có dùng pin 18650 bạn cũng không bỏ túi được. Tk16 V2.0 có thân to hơn một chút để dùng 21700 nhưng lại không quá to để cầm nắm, thao tác. Thực tế cầm nắm cây này rất thích.
Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
Thiết kế đèn pin của Fenix trước giờ tôi đều đánh giá là “hiền” nhưng với TK16 V2.0 thì lại thấy có điều gì đó khá “cục xúc”. Kích thước thân đèn to cân đối với đầu, thân và đuôi có các rãnh ma sát kiểu mới, đầu lại trang bị thêm bezel bằng thép với 3 chấu phá kính bằng hợp kim Tungsten siêu cứng. Nhìn tổng thể thì cây đèn cho cảm giác rất chắc chắn và nồi đồng cối đá.
Chất lượng gia công sắc nét không cần bàn nhiều, ưng nhất là lớp mạ. Trên thị trường rất ít hãng nào đú nổi lớp mạ với Fenix.
Các rãnh trên thân để tăng ma sát khi cầm nắm.
Đầu đèn với thiết kế chống lăn.
Nổi bật nhất là vòng bezel bằng thép với 3 chấu Tungsten.
Cây này Fenix không gắn keo ở đầu nên tháo ra được làm 3 khúc. Thật ra tôi thấy cứ gắn keo khóa ren ở đầu vào cũng ổn, tháo đuôi ra là được rồi.
Thân đèn dày dặn và gia công rất chuẩn, không bị chỗ dày chỗ mỏng như các hãng đèn rẻ tiền.
Ren vuông tử tế cùng với gioăng cao su chống nước. Ren của Fenix luôn đem lại cảm giác vặn mượt mà.
Mặt trong của thân cũng được xử lí mạ Anodize luôn. Lớp mạ này ngoài thẩm mĩ ra thì còn có chức năng cách điện trong trường hợp chẳng may viên pin thì rách vỏ, thân pin chạm vỏ đèn gây chập.
Cả đầu và đuôi đèn đều dùng tiếp xúc là lò xo mạ vàng. Điều này cho phép dùng cả pin đầu phẳng cũng như chống shock cho pin tốt hơn khi có va đập mạnh.
Fenix TK16 V2.0 tương thích với pin sạc 21700
Nhưng cũng hoàn toàn có thể dùng cả pin 18650 với ống Adapter Fenix ALF 18.
Ống này giúp pin 18650 có kích thước bàng với pin 21700.
Vậy nên sử dụng hàng ngày thì không cần bận tâm, còn nếu đi xa muốn mang theo pin dự trữ thì pin 18650 cũng đáp ứng được.
Điểm tạo nên sự khác biệt của TK16 V2.0 với hầu hết mọi cây đèn khác của hãng chính là cụm công tắc kép phản ứng nhanh này. Nó bao gồm một công tắc chính để bật/tắt đèn và công tắc phụ để chuyển mức sáng cũng như kích hoạt nháy Strobe tức thời.
Cụm công tắc trên TK16 đời đầu cũng được thiết kế y như này. Họ không đặt cả 2 công tắc nằm song song mà công tắc phụ cho nghiêng đi một chút.
Thiết kế kiểu này giúp tránh nhầm lẫn khi thao tác. Tất nhiên là làm như này sẽ khiến cây đèn mất khả năng đứng bằng đuôi.
Giao diện sử dụng
Fenix TK16 V2.0 có giao diện sử dụng mà tôi đánh giá là đáp ứng tốt cả nhu cầu chiếu sáng thông thường lẫn trong các tình huống khẩn cấp. Cụ thể là:
Công tắc chính sẽ đảm nhiệm việc bật/tắt đèn:
- Bật/Tắt tạm thời: nhấn và giữ công tắc với 30% lực để bật đèn sáng tạm thời, nhả tay ra là đèn tắt
- Bật/Tắt cố định: nhấn hết hành trình của công tắc đến khi nghe tiếng click để bật đèn, thao tác tương tự để tắt
- Đèn có chức năng nhớ mức sáng cuối cùng được sử dụng
Công tắc phụ có chức năng chuyển mức sáng và kích hoạt Strobe:
- Chuyển mức sáng: khi đèn đang hoạt động, nhấn công tắc này để chuyển qua lại 5 chế độ sáng
- Kích hoạt Strobe tức thời: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc là đèn sẽ nháy Strobe điên đảo, nhả tay ra là đèn tắt
- Còn khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc này 0.5s là sẽ kích hoạt nháy Strobe. Lúc này nhả tay ra đèn vẫn sẽ nháy, để trở về chế độ sáng ban đầu thì chỉ cần nhấn 1 lần
=> Nhận xét: Giao diện sử dụng đơn giản, hiệu quả và rất dễ làm quen. Tuy nhiên tôi thấy còn thiếu chức năng kích hoạt nhanh mức sáng thấp và cao nhất là hoàn hảo. Mặc dù đèn có nhớ mức sáng cuối cùng nhưng mức sáng đó không thể đáp ứng tốt mọi tình huống sử dụng được. Chẳng hạn đèn đang nhớ sáng ở mức 150 hoặc 350 Lumens, đồng ý đây là 2 mức thường dùng nhất cho mọi tình huống. Thế nhưng nửa đêm muốn bật đèn tìm đồ hoặc đi wc thì chỉ cần 30 Lumens là quá đủ, TK16 V2.0 lại không cho phép kích hoạt nhanh mức này ở trạng thái tắt.
Giao diện sử dụng của Fenix TK16 V2.0 tốt nhưng chưa hoàn hảo, mong hãng sẽ hoàn thiện hơn trong các phiên bản tới.
Hệ thống quang học
Trái tim của TK16 V2.0 là bóng led Luminus SST70 cho công suất 3100 Lumens. Thực tế là con led này có để đẩy max công suất lên 3500 Lumens nhưng Fenix ăn chắc mặc bền nên chỉ để ở 3100, điều này có lợi cho cả hãng lẫn khách hàng khi đèn sẽ bền bỉ hơn.
Kết hợp với led là chóa phản xạ trơn cho khả năng chiếu xa tối đa theo thông số là 380 mét, còn thực tế đèn chiếu tốt trong 150 mét đổ lại.
Đèn sử dụng mặt kính phủ lớp chống phản xạ AR nhìn rất xịn.
Beamshot thì tuyệt vời, không có gì để chê cả!
Test beamshot
Trong nhà
30 Lumens
150 Lumens
350 Lumens
1000 Lumens
3100 Lumens
Ngoài trời
Khi chưa bật đèn
3100 Lumens
1000 Lumens
350 Lumens, mức này dùng ngòa trời đã quá ổn!
150 Lumens
30 Lumens
Runtime
Runtime của cây này được test với pin 21700 5000mAh đi kèm.
- Đường màu xanh (3100 Lumens): mức Turbo 3100 Lumens duy trì được trong khoảng gần 1 phút trước khi hạ xuống 1000 Lumens và chạy tới khi hết pin. Tổng runtime đạt 142 phút ~ 2.36 tiếng
- Đường màu cam (1000 Lumens): mức này chạy rất ổn định, gần như không hạ sáng do quá nhiệt mà chỉ hạ khi pin gần cạn. Tổng Runtime đạt 146 phút ~ 2.43 tiếng
So sánh với thông số của hãng thì ta thấy runtime thực tế rất sát.
Tổng kết
Nếu đã có kinh nghiệm thì bạn sẽ nhận ra rằng 300 Lumens là đủ cho hầu hết mọi nhu cầu chiếu sáng ngoài trời. TK16 V2.0 cho runtime hơn 8 tiếng ở mức này, tức là đủ dùng xuyên 1 đêm. Đi cắm trại, leo núi mà cần soi loanh quanh thì cũng không cần nhiều hơn 150 Lumens, TK16 V2.0 cho hơn 19 tiếng ở mức này. Thực tế đèn chạy ổn định ở 1000 Lumens và không bị quá nóng. Đây là hiệu năng mà những cây đèn dùng 1 pin 18650 còn không dám ước bởi hạn chế về pin và kích thước thân. Ở mức 1000 Lumens thì chỉ cần sau 15 phút là những cây đèn đó nóng như than hồng nếu không có chức năng tự hạ mức sáng.
Chế độ nhớ mức sáng là tính năng không mới nhưng tôi thấy thực sự hữu ích. Tôi luôn để đèn sáng ở mức 150 Lumens, không quá sáng ở trong nhà và đủ để dùng ngoài trời, bật lên là dùng luôn không cần bận tâm gì nhiều. Tuy nhiên nếu Fenix bổ xung thêm khả năng truy cập nhanh mức sáng thấp nhất và cao nhất thì sẽ tuyệt hơn.
Việc trang bị thêm công tắc phụ ngay cạnh công tắc chính là một thiết kế tuyệt vời. Tôi không có nhu cầu dùng nháy Strobe nhiều nhưng lại rất thích chức năng chuyển mức sáng của nó. Với những cây đèn 2 công tắc mà lại đặt công tắc phụ ở phía đầu đèn thì khi bật xong, muốn chuyển mode thì tay lại phải dịch lên trên, đôi khi không tiện. Còn với thiết kế của TK16 V2.0 thì chỉ cần dịch ngón cái vài cm là đã chuyển được độ sáng ứng ý.
Chất lượng gia công của Fenix thì trước giờ vẫn tốt, ai dùng nhiều chắc cũng biết nhưng cầm cây TK16 V2.0 này lên thì vẫn có sự bất ngờ bởi nó rất dày dặn và sắc xảo.
Có một lưu ý nhỏ là khi để đèn trong balo thì hãy vặn lỏng đuôi ra một chút bởi cây này không có chức năng khóa sáng.
Giá bán cây này đang là 2.490.000đ tại Bisu