Review đèn pin Fenix TK22 V2.0: huyền thoại trở lại!

0
3809

Fenix cho ra mắt PD36R cách đây vài tháng, hàng bán hết veo cả mấy đợt nhập về nên có thể nói đây là 1 sản phẩm thành công. Tất nhiên cũng đã có 1 bài Review về cây này, mọi người có thể tham khảo:

> Review Fenix PD36R: hoàn hảo hóa sự hoàn hảo <

PD36R quả là 1 cây đèn rất tuyệt và mình khá hài lòng với nó. Nhưng lúc đó lại nghĩ: sao Fenix không làm 1 phiên bản chiếu xa của cây này nhỉ? thiết kế như TK15 UE hay đại loại vậy chẳng hạn?

Thế quái nào điều ước thành sự thật, Fenix liền tung ra TK22 V2.0 ít lâu sau đó. Về cơ bản thì TK22 V2.0 thừa hưởng thiết kế đặc trưng của Fenix trên các dòng đèn pin tác chiến: thân nhỏ, đầu cỡ vừa chiếu xa, công tắc kép và vô cùng cứng cáp, đáng tin cậy.

Mẫu này sử dụng pin 21700 đang thịnh hành cho runtime vượt trội, Led SST-40 như trên PD36R công suất 1600 Lumens, 4 mức sáng và 1 chế độ nháy.

Thông số kĩ thuật:

  • Công suất: 1400 Lumens
  • Chiếu xa: 405 mét
  • Loại bóng led: Luminus SST-40
  • Loại pin: pin sạc Li-ion 21700 hoặc 18650 (không đi kèm)
  • Trang bị mạch điện tử duy trì độ sáng ổn định
  • Có chức năng cảnh báo pin yếu
  • Thiết kế thân đèn chống lăn, trượt
  • Làm từ hợp kim nhôm hàng không 6061-T6 cao cấp
  • Bề mặt được xử lí mạ Anodized HA Type III siêu cứng, chống ăn mòn, mài mòn
  • Mặt kính cường lực được phủ lớp chống phản xạ
  • Kích thước: 150 x 40 x 25.4mm (chiều dài x đường kính đầu x đường kính thân)
  • Trọng lượng: 150g (chưa pin)
  • Bảo hành 5 năm chính hãng

Thông số các mức sáng và Runtime tương ứng

Mở hộp và đánh giá chi tiết

Vẫn là kiểu đóng hộp giấy với màu đen/cam quen thuộc. Mặ trước hộp là ảnh sản phẩm và các thông số cơ bản.

Mặt sau vẫn là thông số các mức sáng cùng Runtime tương ứng như thường lệ. Đèn có khả năng chống va đập ở độ cao 1 mét, chống nước theo chuẩn IP68 cao nhất.

Nội dung bao gồm: Đèn, bao đựng, adapter dùng pin 18650, dây đeo tay, gioăng cao su và núm công tắc dự phòng, HDSD.

Cây này được hãng bán ra không kèm pin. Nếu mua đèn tại đại lý là Bisu.vn thì bạn sẽ được tặng kèm 1 pin 18650 2600mAh. Còn nếu muốn dùng pin 21700 thì bạn phải mua rời.

Fenix TK22 V2.0 có thể sử dụng cả pin 21700 lẫn 18650 thông qua cái adapter này. Nó giúp viên pin 18650 nằm vừa vặn trong thân đèn và đảm bảo tiếp xúc tốt nhất.

Tiếp xúc lò xo ở mặt trong.

Pin 18650 khi lắp vào Adapter thì sẽ có kích thước tương đương với pin 21700.

Cả pin đầu lồi lẫn đầu phẳng đều sử dụng vô tư.

Bao đựng đi kèm rất chắc chắn và đẹp chứ không có ọp ẹp như vài cây khác.

Mặt sau có miếng dán để gắn lên thắt lưng, balo,…

Đáng khen nhất là dây đeo tay. Cuối cùng thì họ cũng làm dây đeo đẹp, gọn gàng hơn và có thể chỉnh được chiều dài.

Lắp vào đèn nhìn quá hợp.

Ấn tượng đầu tiên của mình về TK22 V2.0 là kích thước. Tuy thân đèn có rộng và dài hơn để dùng pin 21700 nhưng về tổng thể thì đèn vẫn rất gọn gàng, không to hơn mấy cây dùng 18650 là mấy.

Mình thích đèn pin Fenix ở thiết kế đơn giản mà tinh tế, TK22 V2.0 cũng không phải là ngoại lệ. Đèn có thiết kế liền mạch, đen lại cảm giác chắc chắn và tin cậy. Cả cây đèn gần như không có góc chết nào mà được bo cong mềm mại, nói chung là nhìn ưng mắt.

Vì là dòng đèn tác chiến chuyên về chiếu xa nên TK22 V2.0 có đầu khá to. Điều này sẽ không thuận lợi để bỏ túi nhưng vẫn hợp lí để bỏ bao đựng cài thắt lưng hay bỏ túi EDC, balo,…

Nói có sách mách có chứng, mình so sánh với mấy cây dùng 1 pin 18650 cho mọi người xem. Fenix TK22 V2.0 ở ngoài cùng bên trái, tiếp đến là PD36R (dùng pin 21700), TK25 Red, FD41, TK15UE.

Ngoài TK22 V2.0 và PD36R ra thì 3 cây còn lại dùng pin 18650. Có thể thấy TK22 nhỉnh hơn về chiều dài nhưng kích thước tổng thể không chênh lệch nhiều so với những cây còn lại. Đây là lí do lớn nhất mà các hãng đèn lại đang chuộng pin 21700 như vậy, kích thước gọn gàng mà cho dung lượng quá tuyệt.

Đọ mắt.

Dùng pin to hơn thì đèn cũng nặng hơn chút nhưng không đáng kể.

Cụ thể với pin 21700 thì đèn nặng 212g.

Còn với pin 18650 và adapter thì cỡ 193g.

Cầm trên tay, rất cứng cáp và liền khối. Cây đèn cho cảm giác cầm nắm lẫn thao tác rất tốt vì kích thước hợp lý.

Thân đèn với các rãnh ma sát kiểu mới giống như trên E30R, LD30 và PD36R. Thiết kế mới này nhìn hiện đại hơn các rãnh dạng kim cương như các dòng cũ hơn.

Không thể thiếu được là clip cài túi có thể tháo rời.

Clip hơi cứng nhưng thiết kế bo tròn và cong thế kia giúp cài vào túi quần, thắt lưng hay balo khá dễ.

Để giảm tối đa trọng lượng thì Fenix đã giảm độ dày của thân đèn.

Nếu so với Fenix FD41 (bên phải) thì thấy rõ thân của TK22 V2.0 mỏng hơn khá khá. Đây là trong tương quan so sánh với đèn khác thôi chú như này vẫn chắc chắn lắm.

Ren vặn ở đuôi vẫn hoàn hảo như mọi khi. Ren dạng vuông và được mạ Anodzied siêu cứng.

Đèn tháo được làm 3 khúc: đầu, thân và đuôi như hình.

Phần ren ở đầu cũng chất lượng y hệt ren đuôi.

Mặt trong của thân đèn cũng được mạ Anodized luôn. Chi tiết này có 2 tác dụng chính:

  • Chứng tỏ chất lượng gia công tuyệt vời
  • Có chức năng cách điện trong trường hợp vỏ bọc của viên pin bị sờn, rách.

Tiếp xúc ở đầu và đuôi đèn đều là dạng lò xo. Điều này cho phép đèn tương thích với cả pin đầu phẳng. Bên cạnh đó nó còn tăng cường khả năng chống shock cho pin khi đèn va đập hoặc được gắn lên súng có lực giật mạnh.

1 chi tiết thiết kế đặc trưng nữa của Fenix trên mẫu TK22 mới này chính là cụm công tắc kép. 1 công tắc chính ở đuôi đảm nhiệm việc bật/tắt đèn và 1 công tắc phụ để chuyển đổi các chế độ sáng.

TK22 V2.0 sử dụng cụm công tắc đuôi của PD36R nên bấm rất nhạy và sướng.

Thiết kế công tắc lồi lên như này sẽ giúp thao tác dễ dàng ngay cả khi đeo găng tay. Nhược điểm lớn nhất là đèn sẽ không đứng được bằng đuôi.

Lỗ xỏ dây rất dày dặn chứ không mỏng manh như của Armytek.

Công tắc phụ trên thân với chức năng chuyển đổi chế độ sáng. Điều tuyệt vời là Fenix đã quay lại với công tắc bằng thép không gỉ như trên PD35 Tac. Mình rất thích kiểu công tắc này hơn là thiết kế đời mới như trên PD35 V2.0, UC35 V2.0,… vì nó cho cảm giác bấm chắc chắn hơn.

Đầu đèn cũng đơn giản, không có chi tiết gia công nào quá phức tạp.

TK22 V2.0 có kích thước đầu tương đương với TK25 Red và FD41.

Nhìn từ mặt trước cũng thấy nhôm đầu đèn rất dày, cứng cáp.

Không thể quên nhắc tới linh hồn của cây đèn: Led Luminus SST-40 cho độ sáng 1600 Lumens.

Chip led SST40 này có thể cho công suất cực đại tới cỡ 2500 Lumens nhưng Fenix chỉ giới hạn ở 1600. Có vài lí do:

  • Đảm bảo tuổi thọ cho led (cái gì đẩy tới giới hạn cũng không tốt)
  • Giúp led đạt hiệu suất tốt nhất
  • Giúp đèn hoạt động ổn định vì đẩy lên 2500 Lumens thì sẽ rất nóng, ảnh hưởng không tốt tới linh kiện và pin
  • 1600 Lumens là quá đủ cho mọi nhu cầu

Loại led này dạo gần đây được Fenix khá chuộng trên các sản phẩm mới của mình như: E30R, LD30, PD36R và TK22 V2.0. Hãng sử dụng SST-40 thay vì Cree XHP35 HI là vì vấn đề hiệu suất cũng như giá thành. SST-40 cho hiệu suất 170 Lumens/W trong khi XHP35 HI chỉ cho 139 Lumens/W.

Điểm hạn chế của SST-40 là nhiệt màu của led khá cao, cỡ 6500k đổ lên nên chỉ cho ra ánh sáng trắng. Hiện đã có SST-40 nhiệt màu 5000k nhưng mình thấy chưa dùng phổ biến và cũng không vàng như led Cree được.

Vẫn là mặt kính cường lực phủ lớp chống phản xạ AR như thường lệ. Đây dường như là 1 tiêu chuẩn cơ bản trên đèn pin cao cấp.

Hệ thống quang học chính xác cho ra ánh sáng rất đẹp và cân bằng. Vùng sáng ở tâm giúp đèn chiếu xa tốt trong khi vùng tỏa xung quanh giúp nhìn rõ các vật thể ở xung quanh.

Về nhiệt màu thì mình thấy TK22 V2.0 là ánh sáng trắng hoàn toàn nhưng không bị ám xanh, rất ổn.

Thao tác sử dụng

Đèn pin của Fenix có giao diện sử dụng đơn giản và hiệu quả. Nó đơn giản đến nỗi ai cũng có thể làm quen chỉ sau 1 2 phút.

Công tắc đuôi phụ trách bật/tắt đèn và chế độ Momentary (sáng tạm thời).

  • Kích hoạt đèn tạm thời: nhấn giữ công tắc với 30% lực, nhả tay ra là đèn tắt
  • Kích hoạt đèn sáng cố định: nhấn công tắc đến khi nghe tiếng click, lúc này đèn đã sáng cố định. Nhấn 1 lần nữa để tắt
  • Đèn sẽ nhớ chế độ sáng cuối cùng được sử dụng

Sau khi bật đèn sáng cố định thì sẽ sử dụng tới công tắc phụ trên thân để chuyển các mức sáng.

  • Chỉ đơn giản là nhấn công tắc này 1 lần để chuyển qua lại 4 mức sáng: 30 – 150 – 500 và 1600 Lumens
  • Kích hoạt nháy Strobe: khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc 1.2s để vào nháy Strobe. Nhấn công tắc 1 lần để về chế độ sáng bình thường.

==> Kiểu giao diện sử dụng này rất quen thuộc với đa số các model dùng công tắc kép của Fenix như PD35, PD32, UC35, TK15 UE,…. Nó đơn giản, hiệu quả nhưng chưa hoàn hảo.

Mình không hiểu sao Fenix vẫn không chịu thêm tính năng kích hoạt nhanh Turbo, strobe và moonlight thông qua công tắc đuôi?! Chẳng cần nhìn đâu xa, hãy học tập Olight. Họ có giao diện sử dụng thông minh hơn, ví dụ như: nhấp – nhả công tắc 2 lần là Turbo, nhấp – nhả 3 lần là vào Strobe trên M3XS-UT, M1X,…

Test Beamshot

Trong nhà

30 Lumens
150 Lumens
500 Lumens

 

1600 Lumens

Dùng trong nhà thì 30 và 150 Lumens là đủ. 2 nấc sáng cao hơn có vẻ thừa và sẽ gây chói mắt ở không gian hẹp.

Ngoài trời

Chiếu lên tòa chung cơ cách cỡ 200 mét

Chưa có đèn
1600 Lumens

Rực rỡ luôn, ánh sáng cân bằng và không bị quá gom. Theo thông số thì đèn chiếu xa 406 mét nhưng thực tế thì chiếu trong 250m đổ lại là nhìn rõ nhất.

1600 Lumens
30 Lumens
150 Lumens
300 Lumens
1600 Lumens

Test Runtime

Mình test với pin 21700 dung lượng 5000mAh của Fenix. Pin dung lượng cao hứa hẹn cho runtime rất tốt, và kết quả đúng như mong đợi.

Đường biểu đồ runtime của TK22 V2.0 rất đẹp, không bị tụt dốc đột ngột. Đèn duy trì công suất ~ 100% trong 5 phút đầu, sau đó hạ xuống ~ 60% và sáng trên 1 tiếng trước khi hạ xuống thấp hơn vì pin yếu.

Tổng runtime của đèn đạt 128 phút ~ 2.1 tiếng ở mức sáng Turbo. Việc duy trì độ sáng cao lâu như vậy là nhờ khả năng tản nhiệt tốt và pin dung lượng cao.

Hãy so sánh với Fenix E30R, cũng sử dụng led SST40 – 1600 Lumens nhưng với pin 18650 3500mAh.

Nhiệt độ khi hoạt động

Ảnh 1 là khi đèn chưa hoạt động. Ảnh 2 là nhiệt độ đầu đèn khi bật Turbo 1600 Lumens trong 5 phút. Phải nói là cây này tản nhiệt tốt do vỏ dày, thường những cây đầu đỏ hơn thì nhiệt độ có thể tới 50 – 55 độ C.

Thân đèn thì duy trì ở 38 độ, cầm thoải mái. Ở các mức sáng thấp hơn thì đèn rất mát nên mình không đo.

Tổng kết

Không có gì nhiều để phàn nàn về TK22 V2.0 ngoại trừ giao diện sử dụng hơi bảo thủ. Nếu bạn có ý định đầu tư cho 1 cây đèn thật bền bỉ, dùng đa mục đích và chiếu xa cỡ 400m đổ lại thì đây là sự lựa chọn rất đáng để cân nhắc.

Cầm cây này trên tay sẽ cho bạn cảm giác chắc nịch, rất yên tâm trong mọi hoàn cảnh. Đó là những giá trị cốt lõi mà Fenix đem lại cho khách hàng.

Hiện Fenix TK22 V2.0 đang được bán tại Bisu.vn với giá 2.280.000đ (tặng kèm pin sạc 18650 2600mAh) với chế độ bảo hành 5 năm chính hãng! Mình khuyên là nên đầu tư thêm pin 21700 để đèn phát huy được hết sức mạnh.

Review Nextorch E51 2019: 1400 Lumens, cổng sạc Type-C, rất đẹp và thon gọn!

Review JETBeam JET-U: Một cây đèn EDC hoàn hảo!

Review đèn pin Fenix UC35 V2.0: 1000 Lumens, bền bỉ và thực dụng