Review đèn pin Fenix E30R – (1600 Lumens, 1 x 18650, sạc nam châm)

0
5752

Cũng phải hơn 2 năm Fenix mới lại cho ra mắt 1 cây đèn thuần EDC, sử dụng pin 18650 như E30R. Mẫu đèn này đánh thẳng trực tiếp vào đối thủ là S2R II Baton của Olight với khá nhiều điểm tương đồng. Tuy vậy Fenix đã làm rất tốt và mình thật sự hào hứng khi trải nghiệm E30R.

Đèn ra mắt cách đây cả tháng mà giờ mình mới viết Review chi tiết (Video sẽ cập nhật sớm nhât). 1 phần do khá bận, còn đâu mình muốn trải nghiệm nó thật kĩ. Nói chung điểm khen nhiều hơn chê và đây thực sự là 1 cây đèn rất tuyệt cho nhiều mục đích sử dụng.

Nói Fenix E30R là phiên bản phóng to của E18R cũng không sai vì thiết kế của chúng giống nhau tới 98%.

1. Thông số kĩ thuật:

  • Sử dụng led Luminus SST40 ánh sáng trắng, hiệu suất cao
  • Độ sáng cực đại 1600 Lumens, chiếu xa 203 mét
  • Số mức sáng: 5 + chế độ nháy strobe
  • Runtime: 1h70p – 70h30p (tùy mức sáng)
  • Loại pin: 1 pin sạc Li-on 18650 hoặc 2 pin dùng một lần Lithium CR123A 3volt
  • Sử dụng công nghệ sạc nam châm của Fenix
  • Công tắc trên đầu đèn tích hợp đèn báo pin
  • Kích thước: 99 x 21.5 x 25.4mm (dài x đường kính thân x đường kính đầu)
  • Trọng lượng: 51g (chưa tính pin)
  • Thân đèn bằng hợp kim nhôm hàng không, xử lí mạ Anodized HA Type III
  • Chống nước IP68
  • Chống va đập 1m
  • Bảo vệ chống lắp ngược cực pin, chống quá nhiệt đầu đèn,…
  • Có chức năng khóa an toàn

//cdn.nhanh.vn/cdn/store/3411/psCT/20190520/14112063/Den_pin_Fenix___E30R___1600_Lumens_(fenix_e30r_11).jpg

2. Unbox

Vẫn là cách đóng hộp bằng giấy với hìn ảnh sản phẩm bền ngoài cùng các thông số chính

Mặt sau hộp không in các thông số mức sáng, runtime như thường lệ

Mặt trước của hộp có thể mở ra để thấy nội dung sản phẩm bên trong, đây cũng là nơi in thông số mức sáng và runtime

Nội dung bao gồm:

  • Fenix E30R
  • Pin sạc 18650 3500mAh của Fenix (có mạch bảo vệ)
  • Cáp sạc nam châm
  • Dây đeo tay
  • HDSD
  • Gioăng cao su dự phòng (quên mất không chụp)

Đi kèm đèn là 1 pin 18650 dung lượng 3500mAh của Fenix. Đây là pin có mạch bảo vệ và đầu lồi

Dây sạc nam châm sử dụng nguồn USB 5V/1A và đầu tiếp xúc bằng đồng.

Tổng quan thì Fenix E30R mang thiết kế đơn giản, thân thiện đem lại cảm giác chắc chắn. Từng chi tiết đều được gia công xắc sảo.

Từ trái qua: Wuben TO46R, Fenix E30R, Olight S2R II, Olight S1R II

Fenix nhấn mạnh vào kích thước nhỏ gọn của E30R. tuy sử dụng pin 18650 nhưng đèn dài đúng 99m, đường kính đầu đèn cũng chỉ 25.4mm bỏ túi rất thoải mái, không vướng víu.

Trọng lượng của thân đèn là 52g

Còn khi có cả pin thì là 102g. Trong suốt 1 tháng sử dụng hàng ngày thì mình không gặp vấn đề gì với trong lượng của đèn, nhiều khi còn không để ý trong túi có cây đèn nữa.

Nằm gọn trong lòng bàn tay

Fenix E30R chỉ tháo rời được phần đầu, thân và đuôi liền khối hoàn toàn.

Fenix đã cố gắng nhiều để giảm tối đa trọng lượng của đèn trong khi vẫn giữ được sự dày dặn, chắc chắn. Thân đèn của E30R dày khoảng 1mm.

Chất lượng gia công vẫn xứng đáng thuộc hàng top đầu :D. Có thể thấy họ vẫn sử dụng Ren dạng vuông trên sản phẩm của mình và được xử lí mạ Anodized luôn.

Các tiếp xúc ở đầu đèn đều mạ vàng cho khả năng dẫn điện tốt nhất. Tiếp xúc ở giữa dành cho cực dương (+) của pin, xung quanh là 2 miếng chặn để chống lắp ngược cực pin.

2 miếng chặn này đồng nghĩa với việc đèn không dùng được với pin 18650 đầu phẳng.

Tiếp xúc ở đuôi đèn là lò xo mạ vàng, rất sạch sẽ và dày dặn.

Đuôi đèn dạng phẳng có thể dựng đứng được. Đây là yếu tố quan trọng của 1 cây đèn pin thuần EDC (mang theo hẳng ngày), chẳng hạn khi mất điện thì dựng đứng đèn lên rồi hắt trần là sáng cả nhà.

Hơi buồn là đuôi của E30R không tích hợp nam châm để hít lên các bề mặt kim loại.

Vị trí xỏ dây đeo tay

1 yếu tố nữa rất quan trọng ở 1 cây đèn pin EDC đó là clip cài túi. Fenix E30R được thiết kế clip cài 1 chiều, có thể tháo rời và xoay 360 độ quanh thân đèn được. Hãng có kinh nghiệm lâu năm nên làm clip khá sâu để đèn nằm gọn trong túi.

Nhiều hãng làm chi tiết này rất qua loa và nông, đèn cài trong túi cảm giác như sắp rơi ra ngoài.

Nằm gọn gàng

Clip bằng thép, không bị quá cứng và đàn hồi ngon. Có thể kẹp đèn vào mũ lưỡi chai để làm đèn đeo trán cũng được.

1 chủ ý của các kĩ sư Fenix khi làm clip dài và có thể xoay 360 độ là đây. Nó đóng vai trò như 1 miếng che công tắc để tránh việc bị cấn gây kích hoạt đèn khi để trong túi.

Good job Fenix 😀

Fenix đã chuyển dần việc sử dụng công tắc thân bằng cao su sang dạng cứng bằng nhựa hoặc thép không gỉ. Cái này cũng có lí thôi vì mình thỉnh thoảng nhận đèn bảo hành bị rách công tắc cao su do khách toàn dùng móng tay để nhấn.

E30R dùng công tắc dạng cứng bằng nhựa, xung quanh là viền bằng kim loại màu đồng, phối rất hợp với thân đèn màu đen.

Công tắc làm nhô lên so với thân đèn, dễ thao tác kể cả khi đeo găng tay.

Giao diện này dễ sử dụng với cả người lớn tuổi.

Công tắc có 1 đèn báo pin nhỏ ở giữa, khi đèn đang tắt thì nhấn công tắc 1 lần rồi nhả tay. Lúc này đèn báo pin sẽ sáng trong 3s báo hiệu tình trạng pin theo thời gian thực.

//cdn.nhanh.vn/cdn/store/3411/psCT/20190520/14112063/Den_pin_Fenix___E30R___1600_Lumens_(fenix_e30r_05).jpg

Cận cảnh cổng sạc nam châm với các tiếp xúc bằng đồng, nằm ngay đối diện với công tắc.

Có 1 sự thật là bên mình đã bán cả nghìn cây Fenix được trang bị sạc nam châm nhưng chưa 1 cây nào phải bảo hành vì bộ phận này. Có thể nói cổng sạc nam châm của Fenix rất đáng tin cậy, tỉ lệ hỏng gần như bằng 0%.

Cổng sạc cũng nhỏ hơn và đặt trên đầu thay vì ở đuôi như Olight.

Cho dây sạc lại gần là chúng tự hít nhau. Trên dây sạc cũng được trang bị đèn báo pin trong quá trình sạc. Pin đầy đèn chuyển xanh, còn đang sạc sẽ là đỏ.

E30R sử dụng nguồn sạc USB 5V/1A thông dụng. Có thể dùng nguồn từ sạc dự phòng, củ sạc điện thoại, cổng USB máy tính,…

Dòng sạc khá ngon, hãng bảo với dòng này thì chỉ mất 3 tiếng để sạc đầy viên pin 18650 3500mAh đi kèm đèn. Thực tế mình sạc mất khoảng 3 tiếng 20 phút.

Dùng cổng sạc nam châm tiện và an toàn hơn nhiều so với cổng Micro USB truyền thống. Nhược điểm là phải luôn mang theo dây sạc chuyên dụng, còn ưu điểm thì quá rõ, nhất là khả năng chống nước tuyệt đối.

Soi đến hệ thống quang học: Fenix trang bị cho E30R led SST-40 của hãng Luminus cùng thấu kính TIR.

Cho bác nào lười google thì Luminus cũng là 1 thương hiệu led rất nổi tiếng của Mĩ, không kém cạnh Cree. Website hãng: https://www.luminus.com/

Có vài lí do Fenix dùng SST40 của Luminus thay cho XHP35 hay XHP35.2 của Cree:

  • SST40 cho hiệu suất cao hơn XHP35.2: 170 Lumens/W so với 162 Lumens/W, từ đó sẽ runtime sẽ tốt hơn ở cùng 1 độ sáng.
  • SST40 là dòng led có dome (cái vòm Silicon trên nhân led). Về cơ bản cái dome này là ánh sáng của đèn tỏa hơn, trong khi đó E30R thiên về chiếu rộng nên dùng led này là hợp lí.

Tuy nhiên nhược điểm lớn của SST40 là chỉ có phiên bản sáng sáng trắng, nhiệt màu 6500k.

Cận cảnh thấu kính TIR của E30R. Thấu kính sẽ giúp đèn ngắn hơn nhiều so với dùng chóa, thích hợp với những cây đèn chuyên chiếu rộng.

Thấu kính của E30R là dạng mờ chứ không phải trong.

Nó cho ánh sáng đẹp như dùng chóa, rất đều và mịn, phù hợp nhu cầu chiếu sáng tầm 200m đổ lại.

3. So sánh với Olight S2R II Baton

Không so sánh E30R với đối thủ là Olight S2R II thì là 1 thiếu sót lớn. Cả 2 cây đèn đều có rất nhiều điểm tương đồng nhau: về kích thước, loại pin, loại led, công nghệ sạc, mục đích sử dụng,…

Thấy rõ là kích thước của 2 mẫu đèn không chênh nhau là mấy, đều cùng 1 kích cỡ nhỏ gọn để dùng hàng ngày.

Chất lượng gia công thì mình đánh giá cả 2 ngang nhau, không cần bàn sâu.

Trọng lượng cả pin cũng same same, S2RII nhẹ hơn khoảng 4g.

S2II chỉ cao hơn Fenix E30R suýt soát 0.5mm

Về thiết kế thân: Fenix E30R có thiết kế với các đường rãnh rõ, nhìn hiền lành còn Olight S2R II Baton có các gờ nhìn khá gân guốc 😀

Theo ý kiến cá nhân thì cảm giác cầm nắm của E30R nhỉnh hơn.

Đuôi đèn cả 2 cây đề phẳng để có thể đứng được. Tuy nhiên như đã nói ở trên, Fenix E30R không trang bị đuôi nam châm ở đuôi để hít lên các bề mặt kim loại.

Trong khi S2RII Baton tích hợp cả sạc nam châm ở đuôi luôn. Nam châm này cũng khá mạnh giúp đèn hít chặt vào nhiều bề mặt kim loại.

Có vẻ Fenix không mặn mà lắm với nam châm ở đuôi đèn. Theo các kĩ sư của hãng thì họ không thích làm nam châm ở đuôi mấy cây cỡ lớn. Thứ nhất là đèn nặng sẽ dễ rơi nếu chẳng may đụng vào, thứ 2 là nam châm sẽ hít nhiều thứ linh tinh như ghim kẹp giấy hay chìa khóa,…

Dù sau mình vẫn coi đây là 1 điểm trừ.

So sánh về clip cài túi

Olight làm clip cài 2 chiều cố định, vẫn tháo rời được nhưng không thể xoay tự do như Fenix. Clip này cũng ngắn hơn nhiều so với E30R.

Của E30R dài nên khi kẹp sẽ yên tâm hơn, nó cũng có thể xoay tự do quanh cổ đèn.

Nhìn chung clip cài của 2 cây vẫn giúp đèn nằm sâu và chắc chắn trong túi, vẫn thêm 1 điểm cộng cho Fenix vì lí do đã nêu ở trên.

S2RII và E30R đều bố trí công tắc ở đầu đèn, thao tác bằng 1 tay rất dễ dàng.

Giao diện sử dụng của 2 cây rất khác nhau.

E30R:

  • Bật/tắt: nhấn giữ công tắc 0.5s
  • Chuyển mức sáng: khi đèn đang bật, nhấn công tắc 1 lần để chuyển qua lại Eco -> Low -> Medium -> High -> Turbo
  • Nháy Strobe: khi đèn không bị khóa, nhấn giữ công tắc 1.2s để vào Strobe, nhấn 1 lần để thoát
  • Khóa/mở khóa đèn: khi đèn đang tắt, nhấn nhanh công tắc 2 lần

E30R sẽ luôn ở chế độ Eco 30 Lumens khi được kích hoạt. Đèn không có chế độ nhớ mức sáng. Cái này người thích người không, còn mình thì rất ưng. Chẳng hạn như nửa đêm dùng đèn soi đường đi WC mà không nhớ lần trước đang nhớ mức sáng vào, bật phát và đèn lên Turbo -> mù cmnl 🙂

S2R II Baton:

  • Bật/Tắt: nhấn công tắc 1 lần (thay vì nhấn giữ 0.5s như E30R)
  • Chuyển mức sáng: khi đèn đang bật, nhấn giữ công tắc để chuyển qua lại các mức sáng
  • Truy cập Moonlight: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc 1s
  • Truy cập nhanh Turbo: nhấn nhanh công tắc 2 lần
  • Truy cập Strobe: nhấn nhanh công tắc 3 lần
  • Khóa/mở đèn: khi đèn đang tắt, nhấn giữ công tắc >2 giây cho đến khi đèn được khóa hoặc mở khóa

Olight S2R II có chế độ nhớ mức sáng cuối được sử dụng. Cây này có giao diện sử dụng thông minh hơn E30R 1 chút do cho phép truy cập nhanh Moonlight và Turbo chứ không cần phảu cycle qua vài mức sáng.

Tuy vây mình thích giao diện sử dụng của E30R hơn do đơn giản và thao tác rất nhanh khi chuyển mode.

Ở những dòng đèn đời đầu trong S series như S10, S20, S30 Baton thì Olight dùng công tắc nhựa cứng, sau đó chuyển hết sang dạng cao su mềm. Fenix thì ngược lại.

Cảm giác bấm thì mình thích của Olight hơn do có độ mềm.

Tuy nhiên do không có clip để đậy lại như E30R nên phải khóa đèn khi bỏ S2R II trong túi quần nếu không muốn đèn bị vô ý kích hoạt.

À quên, công tắc của S2R II cũng có đèn báo pin nhé.

So sánh về loại pin sử dụng. Fenix đi kèm 1 pin 18650 dung lượng 3500mAh trong khi Olight chỉ đi kèm pin 3200mAh.

Ở khoản pin thì Fenix tỏ rõ lợi thế do có thể sử dụng loại pin 18650 đầu lồi thông dụng. Pin có thể sạc bằng bộ sạc rời lẫn sạc nam châm của đèn.

Còn Olight thì sử dụng pin 18650 do hãng “độ” lại, chỉ duy nhất loại pin này mới tương thích với sạc nam châm của đèn.

Sự khác biệt nằm ở cực dương viên pin. Cụ thể là ngoài cực dương ra thì Olight còn kéo cả cực âm của pin về cùng 1 chỗ.

Họ phải làm vậy để pin dùng được với sạc nam châm đặt ở đuôi đèn. Đến đây cũng không cần giải thích thêm nhỉ.

Vậy là Fenix có lợi thế hơn khi không kén pin. Thực ra các loại pin 18650 đầu lồi thông dụng có thể dùng hoàn toàn bình thường cho Olight S2R II nhưng sẽ không sạc được qua sạc nam châm của đèn.

Cuối cùng là về hệ thống quang học, cả 2 mẫu đèn đều sử dụng thấu kính Tir để rút gọn tối đa kích thước của đèn. S2R II Baton dùng thấu kính trong suốt, đường kính nhỏ hơn E30R nên cho beam sáng rộng hơn, chiếu xa 135 mét thay vì 203m như E30R.

Mặc dù cùng sử dụng Led Luminus SST-40 nhưng S2R II chỉ giới hạn độ sáng ở 1150 Lumens, trong khi E30R đẩy lên 1600 Lumens. Điều này làm E30R nóng nhanh hơn khi bật Turbo.

Nhiệt màu cũng chênh nhau kha khá, có thể là do thấu kính. Olight S2RII Baton bên tay trái ánh sáng màu trắng lạnh, phải đến 6700k. Fenix E30R thì ấm hơn khá nhiều, tầm 6000k.

So sánh đến đây thôi nhỉ!

4. Test beam shot của Fenix E30R

  • Trong nhà:
Eco – 30 Lumens
Low – 150 Lumens
Medium – 350 Lumens
High – 800 Lumens
Turbo – 1600 Lumens
Turbo – 1600 Lumens
Turbo – 1600 Lumens
Turbo – 1600 Lumens
  • Ngoài trời:

Ở ngoài trời mình test ở mức 1600 Lumens thôi

Khi chưa bật đèn

Nhận xét: cây này dùng ngòai trời lẫn trong nhà đều ngon. Nó không phù hợp với những công việc cần đèn chiếu xa tới 4-500 mét nhưng cắm trại, dã ngoại, đi rừng rú thì quá ổn áp.

5. Test Runtime thực tế

  • Turbo 1600 Lumens (đường màu xanh): duy trì được trong khoảng 1p trước khi hạ xuống 900 Lumens. Đèn chạy ổn định ở 900 Lumens suốt 83 phút trước khi hạ dần độ sáng và tắt hẳn do cạn pin, tổng runtime 91 phút.
  • High 800 Lumens (đường màu vàng): 1 đường thẳng tắp cho thấy đèn chạy rất ổn định ở độ sáng này, tổng runtime đạt 116 phút ~ 2 tiếng
  • Medium 350 Lumens (đường xám): cũng 1 đườn thẳng tắp, đèn chạy 1 mjach 326 phút trước khi tắt vì hết pin, tổng được ~ 5.43 tiếng

Rất sát với runtime công bố. Mức 350 Lumens là đủ đi rừng xuyên đêm rồi 🙂

6. Nhiệt độ khi hoạt động

Khi chưa bật đèn, nhiệt độ thân đèn ~ nhiệt độ phòng

Mức Low 150 Lumens sau 10p, đèn vẫn mát như khi chưa bật

Mức Medium 350 Lumens sau 10p, đèn ấm lên chút nhưng cầm vẫn rất thoải mái

High 800 Lumens sau 5 phút, đèn nóng lên đáng kể nhất là ở đầu. Thân đèn vẫn cầm được mà không bị quá nóng

Turbo 1600 Lumens sau 3 phút, đèn nóng giãy tay. Đây là lí do mức Turbo chỉ nên dùng trong thời gian ngắn và khi cần thiết. Dùng thường xuyên nhanh hao pin và đèn lại rất nóng.

7. Tổng kết

Ưu điểm:

  • Chất lượng gia công cực tốt
  • Kích thước gọn gàng dễ mang theo hàng ngày
  • Các mức sáng bố trí hợp lí, runtime tốt
  • Sạc nam châm tiện lợi, bền và ổn định
  • Clip cài túi thiết kế thông minh
  • Giao diện sử dụng đơn giản, thực dụng
  • Beam sáng đẹp
  • Không kén pin

Nhược điểm:

  • Giá đắt hơn đối thủ là S2R II của Olight
  • Không có nam châm đuôi
  • Rất nóng khi chạy ở mức Turbo
  • Dùng led SST-40 nên chưa có phiên bản ánh sáng vàng

Mặc dù có mức giá đắt hơn chút so với Olight S2R II Baton nhưng E30R đem lại trải nghiệm sử dụng rất tốt. Đây là sự lựa chọn hợp lí cho 1 cây đèn đa dụng, đầu tư 1 lần dùng lâu dài về sau.

Fenix E30R đang được bán mức giá 1.980.000đ tại đại lí của Fenix ở VN là Bisu.vn. Ngoài ra 1 nhà phân phối khác là EDCZone.com cũng đang có giá bán tương tự cùng chế độ bảo hành 5 năm chính hãng.

Review đèn pin EDC JETBeam JET-RRT01: 950lumen với vòng chỉnh sáng vô cấp

Review đèn pin siêu sáng NexTorch TA15: Đèn pin tác chiến dành cho thành thị

Review đèn pin: Olight Seeker II Pro – (Pin 21700, 3200 Lumens, 250m)