Review đèn pin chiếu xa Armytek Barracuda Pro – [1720 Lumens, 800 mét]

0
3826

Armytek – thương hiệu đến từ Canada, đã không còn xa lạ với thị trường đèn đóm ở Việt Nam. Trước đây những ai muốn trải nghiệm đèn từ hãng thì đều phải order từ nước ngoài về.

Giờ thì đã có thể mua trực tiếp tại đại lí của Armytek tại Việt Nam là EDCZone với chế độ bảo hành 10 năm chính hãng.

Armytek ngồi ngang mâm với các thương hiệu đèn pin lớn khác của Trung Quốc. Họ hẳn phải rất tự tin về chất lượng sản phẩm của mình nên mới có chế độ bảo hành tận 10 năm, so với 5 năm như các hãng khác.

Armytek Barracuda Pro

Armytek chia có dòng sản phẩm của mình theo mục đích sử dụng: Mang theo hàng ngày (EDC); Đa năng (Multi-Flashlights); Tác chiến (Tactical); Tìm kiếm tầm xa (Searching)

Barracuda Pro là mẫu cao cấp, chiếu xa nhất của hãng. Cây được sử dụng trong bài viết này là phiên bản ánh sáng vàng – 1720 Lumens, chiếu xa 800 mét.

Armytek Barracuda Pro gây ấn tượng đầu tiên là thiết kế rất đơn giản nhưng chắc chắn. Thân đèn dày, cầm chắc tay, có thể làm dùi cui khi cần.

Đèn dùng 1 công tắc duy nhất ở đuôi, 2 pin 18650 và có ống nối để dùng 1 pin. Điểm thú vị nhất có lẽ ở giao diện sử dụng thông minh.

Thứ tạo nên điểm khác bọt của Armytek đó là việc sử dụng cảm biến nhiệt độ trên những dòng đèn cao cấp của mình. Tất nhiên Barracuda không phải ngoại lệ, phần cuối bài mình sẽ nói rõ hơn.

Thông số kĩ thuật

  • Bóng Led: Cree XHP35 HI
  • Độ sáng tối đa: 1720 Lumens
  • Chiếu xa: 775 – 800 mét
  • Hệ thống quang học: Chóa phản xạ trơn
  • Loại pin: 1-2 pin sạc Li-on 18650
  • Số mức sáng: 9
  • Số mức nháy: 2
  • Sạc pin: dùng sạc rời
  • Chiều dài: 245mm
  • Đường kính đầu: 64mm
  • Đường kính thân: 25.4mm
  • Trọng lượng: 259g (chưa tính pin)
  • Chống nước: IP68 (Armytek tuyên bố đèn chống nước ở độ sâu 50 mét, chống rơi 50 mét)
  • Nhiệt độ hoạt động: -25 – 40°C
  • Vật liệu: Hợp kim nhôm hàng không được xử lí mạ hard anodizing 400HV loại III
  • Quản lí nhiệt độ theo thời gian thực
  • Chống lắp ngược cực pin, đoản mạch, xả kiệt pin quá mức,…

Quy cách đóng hộp

Armytek Barracuda được đựng trong vali chống sốc, rất giống cách làm của Olight với M23, M3XS-UT

Vali bằng nhựa, kích thước vừa phải, có khóa chốt chắc chắn. Đi đâu xa bỏ đèn với phụ kiện vào đây là yên tâm tuyệt đối!

1 Vài thông số ghi trên hộp đựng. Lưu ý con số 1850 Lumens là cho bản ánh sáng trắng

Mặt trong vali có mút xốp bảo vệ rất tử tế. Cây đèn nằm gọn gàng cùng bao đựng và đống phụ kiện bên trong.

Chúng ta sẽ có (từ trái qua):

  • HDSD bằng tiếng Anh
  • Ống nôi để dùng 1 pin 18650
  • Armytek Barracuda Pro với thân dài dùng 2 pin 18650
  • 2 pin sạc Li-on 18650, dung lượng 3400mAh/viên (pin phải mua rời nhé, đi kèm không có)
  • Dây đeo tay, clip cài, núm công tắc và 2 gioăng cao su dự phòng
  • Bao đựng đèn

Bao đựng cứng cáp, làm bằng Nylon vài có khóa cài.

Có thể gắn lên thắt lưng, balo,…. hoặc treo đâu đó.

Dây dù đeo tay, có khóa điều chỉnh độ dài.

Lỗ móc dây rất mỏng manh, biết là nó không đứt được nhưng vẫn thấy ghê ghê.

Có thể thấy đèn làm công tắc lồi lên như này thì không thể đứng bằng đuôi được. Bù lại sẽ dễ thao tác hơn ngay cả khi đeo găng tay.

Điểm mình rất chê ở Armytek là làm cái clip cài như hạch, ở rất cả các dòng đèn luôn. Nó quá cứng, gắn vào rồi tháo ra là xác định xước be bét cái thân đèn.

Điểm cộng lớn cho Barracuda Pro là khả năng sử dụng linh hoạt 1-2 pin 18650, hoặc cũng có thể dùng 2-4 pin CR123A (loại dùng 1 lần).

2 pin 18650 cho thời lượng sáng đạt tối đa, còn nếu cần sự nhỏ gọn thì gắn cái ống nối ngắn vào là xong.

Xếp hàng, từ trái qua:

  • Fenix TK47UE – 3200 Lumens, chiếu xa 400 mét
  • Olight M3XS-UT – 1200 Lumens, chiếu xa 1000 mét
  • Armytek Barracuda Pro ánh sáng vàng – 1720 Lumens, chiếu xa 775 mét
  • Fenix TK35 2018 – 1300 Lumens, chiếu xa 480 mét
  • Olight Warrior X – 2000 Lumens, chiếu xa 560 mét

Soi qua đôi pin 1 chút. Pin này của hãng luôn, dung lượng 3400mAh/viên (cao nhất của dòng pin 18650) và là pin có mạch bảo vệ.

Pin đầu lồi (cực dương lồi lên), nếu dùng pin đầu phẳng thì 2 viên pin không thể tiếp xúc với nhau được => đèn không sáng.

Như mình đã đề cập từ đầu, Armytek Barracuda Pro có thiết kế rất đơn giản, gọn gàng, không thừa chi tiết nào.

Thân đèn trơn tuột cứ không có họa tiết hay các rãnh ma sát. Tuy vậy cầm rất vừa tay và nhờ lớp mạ nhám nên không hề bị trơn trượt.

Đầu đèn cũng vậy, chỉ có các lá tản nhiệt, còn lại trơn tuột.

Lắp full 2 pin thì đèn nặng thêm 100g nữa => 359g, vẫn rất nhẹ. Trọng lượng và thiết kế thon gọn giúp việc thao tác 1 tay khá dễ dàng. Tuy nhiên nên gắn thêm cái dây đeo tay cho chắc chắn.

Công tắc lồi là 1 lợi thế để thao tác, phản ứng nhanh trong mọi tình huống.

Lắp thử cái body 1 pin vào, gọn gàng hết thuốc!

Đèn ngắn đi được gần 10cm, đúng kiểu đầu voi mình chuột.

Tay mình cầm khá ổn, không rõ mấy ông tay to như nào

Armytek sử dụng công nghệ mạ khác hoàn toàn so với các hãng khác như Olight, Fenix, Wuben, Klarus,…

  • Armytek: Premium type III hard anodizing 400HV
  • Đa số các hãng khác: Premium type Ⅲ hard-anodized anti-abrasive finish

Mình không hiểu sâu về từng công nghệ mạ nhưng qua trả nghiệm thì có đánh giá như sau: Lớp mạ của Armytek rất nhám và thô, khác hoàn toàn vẻ bóng bẩy so với đa số các hãng còn lại.

Tính chất thô nhám nào giúp cầm đèn bám tay hơn, hạn chế trơn tuột. Đặc biệt lớp mạ này khá “lì đòn”, bạn có thể dễ dàng dùng móng tay cào và để lại vết, nhưng xoa xoa vài cái thì vết biến mất.

Khi rơi hay va chạm thì cũng không dễ bị tróc như lớp mạ của Olight, Fenix,…

Thân đèn dày cui, được gia công rất tốt nên không có để lại gợn.

Armytek khẳng định rằng Barracuda chống nước ở độ sâu 50 mét, trong khi các hãng khác thì chỉ tối đa là 2m.

Có lẽ đây là lí do, họ chơi hẳn 2 gioăng cao su, điều chỉ có thấy ở đèn pin lặn chuyên dụn.

Ren dạng vuông, về lâu dài bên hơn ren dạng tam giác.

Phần ren gắn vào công tắc thì được mạ, ở đầu thì lại không.

Mặt trong của thân cũng được mạ luôn. Mình đoán đây là lớp mạ cách điện, tránh trường hợp màng bọc của pin bị rách -> cực dương của pin tiếp xúc với thân đèn -> gây chập.

Tiếp đến là phần chóa đèn, quả chóa trơn sâu hun hút, nhìn vào như kiểu có ảo giác @@

Ở giữa là con led Cree XHP35 HI nằm ngay ngắn

Chóa rất sạch sẽ, chứng tỏ đèn được lắp ráp trong môi trường sạch sẽ, được cách li tốt với bụi bẩn

Mặt kính của Barracuda Pro là kính cường lượng, được phủ 1 lớp chống phản xạ AR.

Các lá tản nhiệt ở đầu đèn.

Cả đầu và đuôi đèn đều dùng tiếp xúc lò xo, điều này sẽ giúo đèn kháng shock từ sức giật tốt hơn khi gắn vào các loại súng.

Giao diện sử dụng

Armytek Barracuda Pro có giao diện sử dụng rất thông minh và tiện lợi – 1 khi bạn đã làm quen được.

Mọi thao tác được thực hiện qua 1 công tắc duy nhất ở đuôi. Mình diễn giải chắc sẽ có phần khó hiểu nên dịch nguyên cái HDSD cho nhanh.

Đèn có 2 chế độ sáng: 

  • Chế độ săn bắn (Hunting settings): đèn mặc định ở chế độ này khi xuất xưởng, đại loại là khi xiết chặt đầu, đèn sẽ sáng ở 1 mức Turbo duy nhất. Khi nới lỏng, đèn có thể chuyển qua lại giữa các mức sáng thường bằng cách nhấn nhẹ công tắc.
  • Chế độ tác chiến (Tactical): ở chế độ đặc biệt này, đèn sẽ sáng ở mức Turbo khi xiết chặt đầu, nới lỏng ra là ngay lập tức kích hoạt nháy Strobe.

Chuyển giữa 2 chế độ: bật đèn lên, xiết chặt rồi nới lỏng đầy đèn ít nhất 10 lần liên tục (delay giữa mỗi lần xiết/nới không quá 1s)

Đây là các mức sáng của Barracuda, tổng cộng có 9 mức. 2 mức Turbo, 3 main, 2 Firefly và 2 mức nháy Strobe.

Chế độ săn bắn (Hunting):

  • Vặn chặt đầu đèn, nhấn mạnh công tắc để bật đèn ở mức Turbo (mức cao nhất), nhấn 1 lần nữa để tắt
  • Vặn lỏng đầu đèn 1/8 vòng nếu đang được xiết chặt, nhấn nửa hành trình công tắc (không phát ra tiếng click) để chuyển qua lại các mức sáng Firefly 1 – Firefly 2- Main 1 – Main 2 – Main 3 – Strobe (có thể thêm vào tùy ý)
  • Để thêm/bỏ mức Strobe: khi đèn đang vặn lỏng 1/8 vòng, nhấn nhẹ công tắc 20 lần, đến lần 20 thì nhấn mạnh để đèn bật hẳn. Lúc này đèn sẽ được thêm/bỏ mức nhá Strobe

Chế độ tác chiến (Tactical):

  • Khi đầu đèn đang vặn chặt, nhấn công tắc để bật/tắt ở mức sáng Turbo (mức cao nhất). Có 2 mức Turbo, bạn có thể lập trình cho đèn sáng cố định 1 mức.
  • Vặn lỏng đầu đèn, chế độ nháy Strobe sẽ được kích hoạt. Cũng có 2 mức nháy Strobe, bạn có thể lập trình mức tùy thích.
  • Chuyển giữa 2 mức nháy Strobe: khi đầu đèn đang nới lỏng và đèn đang bật, xiết chặt đầu rồi ngay lập tức nới lỏng 1/8 vòng trở lại. Đèn sẽ luân phiên đổi giữa 2 mức nháy Strobe
  • Chuyển giữa 2 mức Turbo: xoáy chặt đầu đèn, nhấn nhẹ công tắc (nửa hành trình) liên tục 15 lần, lần thứ 15 thì bật hẳn.

Chế độ khóa an toàn: tránh cho đèn vô ý bật khi để trong balo,…

Chỉ cần xoáy lỏng 1/4 đuôi đèn khi không sử dụng

Cảnh báo pin yếu: khi pin gần cạn, đèn sẽ nháy 2 lần khi được kích hoạt.

 

Beamshot

Mình test ở mức Turbo 2 – 1720 Lumens thôi cho đỡ rối, tiện so sánh với các đèn khác luôn.

Khi chưa bật đèn

Barracuda Pro – 1720 Lumens

Ánh sáng vàng tái hiện màu của vật thể rất tốt, nó còn cực hữu dụng trong điều kiện sương mù, trời mưa nữa.

Olight M3XS-UT – 1200 Lumens

Cây này vẫn thuộc loại quái vật trong các dòng đèn chiếu xa, ánh sáng tụ như cây kim.

M3XS-UT cũng dùng led ánh sáng vàng nhưng màu kiểu vàng chanh, không tự nhiên như Barracuda Pro.

Olight Warrior X – 2000 Lumens, bé mà rất đầu gấu. Beam của Warrior X cân bằng giữa chiếu xa và rộng

Vì là dòng đèn tác chiến nên Warrior X cần ánh sáng trắng, công suất cao để trấn áp đối thủ.

Chiếu sang bên kia hồ, khoảng cách khoảng 264 mét đo trên google map

Barracuda Pro – 1720 Lumens

Olight M3XS-UT – 1200 Lumens

Olight Warrior X – 2000 Lumens

Nhật xét: 

Armytek Barracuda là dòng đèn chuyến chiếu xa > 600 mét, beam sáng của cây này không bị quá chụm lại nên giúp mình rõ cả những vật thể, vùng xung quanh nơi bị chiếu sáng.

Còn nếu muốn beam sáng gom, chụm lại như cây kim để chiếu xa hơn nữa thì bạn có thể tham khảo Olight M3XS-UT.

Cá nhân mình thấy cỡ Barracuda là đủ đáp ứng các nhu cầu chiếu xa, bởi xa quá mắt cũng có thấy gì đâu (trừ khi dùng ống nhòm).

Nhiệt độ khi hoạt động

Đèn pin của Armytek là 1 số ít được trang bị công nghệ kiểm soát nhiệt độ theo thời gian thực. Nôm na là trong đầu đèn có cảm biến nhiệt độ, nó có nhiệm vụ kiểm soát độ sáng tùy theo nhiệt độ của đèn.

Đèn chạy ở mức Turbo mà nóng quá thì nó sẽ hạ từ từ độ sáng, khi đèn mát trở lại thì sẽ tăng mức sáng. Có nghĩa nếu được tản nhiệt đủ tốt, đèn có khả năng kéo Turbo đến cạn pin.

Chính vì vậy yếu tố nhiệt độ của môi trường ảnh hưởng rất nhiều đến Runtime của đèn, đặc biệt ở mức sáng cao.

Mình test nhiệt độ hoạt động của đèn ở điều kiện nhiệt độ phòng ~ 24°C. Lắp ống dùng 2 pin để đảm bảo khả năng tản nhiệt tối đa.

Khi chưa bật đèn

Mức Turbo 1 – 800 Lumens sau 10p. Đèn ổn định ở mức 38°C, thân đèn hơi ấm, cầm vô tư

Mức Turbo 2 – 1720 Lumens sao 10 phút, đầu đèn đạt gần 60°c – rất nóng

Tuy nhiên phần thân chỉ khoảng 30°C, vẫn cần bình thường

Mức Turbo 2 – 1720 Lumens khi có quạt tản nhiệt, giảm 11.6°C khi không có quạt. Đây là mô phỏng khi sử dụng đèn trong thời tiết lạnh, gió to. Thậm chí dùng đèn dưới nước thì nhiệt độ còn ổn định hơn nữa.

Runtime

Như mình đã đề cập ở trên, Barracuda được trang bị công nghệ kiểm soát nhiệt độ và độ sáng theo thời gian thực. Vì vậy Runtime của đèn khi bật ở mức sáng cao phụ thuộc nhiều vào yếu tố nhiệt độ môi trường.

Môi trường nhiệt độ cao => đèn sẽ hạ mức sáng nhanh hơn => sáng lâu hơn và ngược lại.

Ở phần test runtime này mình chia ra làm 2 trường hợp: có quạt tản nhiệt và không có.

Mình chỉ test ở 2 mức sáng là 800 và 1720 Lumens, dùng 2 pin 18650 3400mAh đi kèm

  • 800 Lumens

Đường màu xanh là khi không dùng quạt tản nhiệt, độ sáng hạ xuống 1 chút so với ban đầu, sáng thêm được 2 phút so với không có quạt

Mức 800 Lumens thì nhiệt toản ra không nhiều nên sự chênh lệch không đáng kể lắm.

  • 1720 Lumens

Đừờng màu xanh là không dùng quạt, có thể thấy rõ độ sáng giảm rõ dệt do nhiệt độ đèn tăng cao. Độ sáng thấp nên đèn sáng được lâu hơn, tổng được 96 phút ~ 1.6 giờ.

Đường màu cam là khi có quạt tản nhiệt, đèn gần như duy trì ~ 100% độ sáng cho tới khi hết pin. Sáng được 67 phút ~ 1.1h rồi lịm.

Vậy là bạn mua đèn rồi sang Bắc Cực hay Alaska dùng thì tha hồ bật Turbo không sợ Drop :))))

Tổng kết

Mình đánh giá Armytek Barracuda là 1 trong những cây đèn chiếu xa, dùng 2 pin đáng mua nhất hiện nay.

Nó được tích hợp những công nghệ hiện đại, kết hợp với chất lượng hoàn thiện tuyệt vời.

Giao diện sử dụng của đèn nếu đã làm quen được thì chắc bạn không muốn dùng lại các loại đèn cũ nữa, đảm bảo!

Cuối cùng là giá bán. Hiện EDCZone đang bán Barracuda cả phiên bản ánh sáng trắng lẫn vàng với giá là 2.880.000đ. Trọn bộ gồm 2 pin và cả đống phụ kiện như trong bài, hơn nữa đèn còn được bảo hành 10 năm chính hãng.

Trừ đi khấu hao trong 10 năm thì đây là giá hoàn toàn không hề đắt!