Hành trình làm nên lịch sử thiết kế của một chiếc kéo màu cam

0
1867

Dụng cụ mang tính biểu tượng này đã bước sang tuổi thứ…50. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu câu chuyện đằng sau sự phổ biến không ngờ của nó.

Khi nhìn vào hình ảnh một chiếc kéo trên mạng, khả năng cao bạn sẽ thấy nó có màu cam. Nhưng bạn đã bao giờ hỏi tại sao lại như vậy? Tất cả là nhờ vào một công ty Phần Lan đã 368 năm tuổi Fiskars – chủ nhân của những chiếc kéo màu cam vừa tròn 50 tuổi vào tháng nay. Câu chuyện đằng sau thiết kế chiếc kéo của họ có liên quan đến sự xuất hiện của thiết kế công thái học (ergonomic) vào những năm 1960 và một sự kiện khá hài hước khác.

Fiskars đã bán được hơn 1 tỷ chiếc kéo, và hiện chúng nằm trong bộ sưu tập tại Viện bảo tàng Mỹ thuật hiện đại. Màu cam gắn liền với hình ảnh của công ty đến nỗi Fiskars thậm chí còn thắng cả một vụ kiện để sở hữu được bản quyền màu cam của mình – trở thành một trong số rất ít công ty trên thế giới thành công trong việc đăng ký thương hiệu một màu sắc.

Người thiết kế nên vật dụng cực kỳ phổ biến có mặt trong mọi căn nhà trên hành tinh này chính nhà nhà thiết kế công nghiệp Olof Backstrom.

Vào năm 1967, ngành công nghiệp nhựa dẻo đang bùng nổ. Nguyên liệu này xuất hiện trên rất nhiều đồ gia dụng, và Backstrom thì đang đảm nhận việc thiết kế các loại mặt bàn và các vật dụng bằng nhựa trong gia đình tại Fiskars. Khi thiết kế một chiếc máy ép hoa quả màu cam, một chút nhựa deo màu cam sáng còn sót lại và đã trở thành nguyên liệu chính cho nguyên mẫu chiếc kéo của ông. Backstrom lấy một cặp lưỡi cắt kim loại khá nặng kết hợp lại với nhựa bền và nhẹ, và thiết kế một cái báng cầm cong để vừa vặn với bàn tay người dùng.

Theo Jay Gillespie – Phó giám đốc marketing hiện tại của Fiskars – thì công ty đã quyết định bầu chọn màu sắc cho thiết kế cuối cùng của chiếc kéo trước khi bắt đầu sản xuất hàng loạt. Vào thời điểm đó, Gillespie nói, các màu như cam hay xanh lá (lime) rất phổ biến, do đó công ty quyết định chọn màu cam. “Một biểu tượng đã được sinh ra từ đó“.

Nhưng thiết kế thân thiện người dùng của Backstrom còn hơn cả một sự cố ngẫu nhiên trong quá trình sản xuất. Chiếc kéo là một sản phẩm của sự trỗi dậy của cả nhựa dẻo lẫn thiết kế công thái học vào những năm 1960.

Thế chiến thứ II đã chứng kiến sự xuất hiện của những công nghệ thời chiến mới và phức tạp – và thậm chí trong nhiều năm sau cuộc chiến, các nhà thiết kế và sản xuất công nghiệp vẫn tập trung vào việc làm thế nào con người có thể làm việc hiệu quả và năng suất với tất cả những công nghệ mới như vậy. Điều này đồng nghĩa với việc làm cho con người thấy thoải mái và làm việc hiệu quả hơn với những công cụ mới, dẫn đến sự hình thành của thiết kế công thái học hiện đại. Cuộc chiến còn thúc đẩy sự phổ biến hơn nữa của các nguyên liệu như nhựa dẻo, mở ra thời kỳ mới của thiết kế công nghiệp. Backstrom đã dùng cả nhựa dẻo và thiết kế công thái học – minh hoạ cho sự hợp lực của chính trị và công nghệ đã sản sinh ra thiết kế công nghiệp hậu chiến tranh như thế nào.

Tuy nhiên không bao lâu sau, công ty không thể sản xuất đủ hàng để bán, đặc biệt là tại Mỹ, do đó họ đã phải xây dựng một công xưởng nằm bên ngoài Helsinki để đáp ứng nhu cầu. Hiện công xưởng này vẫn đang tiếp tục sản xuất kéo Fiskars!

Công ty này có một cách rất khác thường để kiểm định chất lượng của từng sản phẩm đã hoàn thành: nhóm quản lý chất lượng sẽ nghe âm thanh phát ra của mỗi chiếc kéo khi nó đóng lại. “Hai miếng kim loại và âm thanh do chúng tạo ra là một dấu hiệu cho thấy chúng được ghép lại với nhau tốt như thế nào” – Gillespie nói.

Ngày nay, hiếm lắm bạn mới tìm thấy một chiếc kéo gia dụng không có phần báng uốn cong cho vừa bàn tay, cho thấy sức ảnh hưởng và tuổi đời của thiết kế của Backstrom. Nhân dịp sinh nhật 50 năm của chiếc kéo Fiskars, Bảo tàng Thiết kế Helsinki đã đề nghị các nhà thiết kế và nghệ sĩ tạo ra các tác phẩm bằng hoặc lấy ý tưởng từ chiếc kéo. Và cũng trong ngày sinh nhật này, Gillespie cho biết công ty đã tổ chức một bữa tiệc với bánh kem. Bạn có đoán ra được màu của chiếc bánh kia không?